/ 600
451

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 578

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 05.09.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 765, hàng thứ ba từ dưới lên, bắt đầu xem từ kinh văn.

“Nhược hữu chúng sanh, đắc văn Phật thanh, từ tâm thanh tịnh, dõng dược hoan hỷ, y mao vi khởi, hoặc lệ xuất giả, giai do tiền thế, tằng tác Phật đạo, cố phi phàm nhân”. Đoạn này là khen ngợi thâm tín, tức không phải phàm nhân.

Đoạn tiếp theo: “Nhược văn Phật hiệu, tâm trung hồ nghi, ư Phật kinh ngữ, đô vô sở tin, giai tùng ác đạo trung lai. Túc ương vị tận, vị đương độ thoát, cố tâm hồ nghi, bất tín hướng nhĩ”. Đoạn này nói nghi hoặc sẽ khó độ.

Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ: “Được nghe tiếng Phật”, câu này là kinh văn của Hán Dịch. Câu này trong Ngô Dịch nói: “Nghe tiếng Phật A Di Đà”. Ngụy Dịch nói: “Được nghe danh hiệu Đức Phật này”. Đường Dịch nói: “Nghe danh hiệu Đức Phật này”. Tống Dịch nói: “Được nghe danh hiệu vô lượng thọ Phật”. Năm loại bản dịch này chúng ta hợp lại để xem, “hợp tham” chính là hợp lại để xem. “Nên biết Phật thanh tức danh hiệu Phật A Di Đà, nghe tức nghe danh tin hiểu thọ trì”. Nghe bao hàm ý nghĩa rất sâu sắc, bao hàm rất rộng. Sau khi nghe rồi tin hiểu, nghe rồi có thể lý giải, có thể phụng hành, đây gọi là nghe.

Tín thọ là bắt đầu nhập môn học Phật, đồng thời cũng học Phật thật sự viên mãn. Bắt đầu chính là viên mãn, viên mãn trong bắt đầu. Do đó chúng ta có thể lãnh hội được, nếu trong đời quá khứ, không có thiện căn phước đức nhân duyên sâu dày, không dễ làm được điều này. Nên chúng ta quan trọng nhất là không được coi nhẹ bản thân, cho rằng mình là hàng sơ học. Học Phật cố nhiên phải khiêm tốn, nhưng ở đây không được khiêm tốn, ở đây cần phải trực tiếp thừa nhận. Trong kinh Đức Phật đều nói như vậy, không phải chỉ một vị Phật nói, hầu như tất cả Chư Phật đều nói như vậy, chúng ta cần phải tin.

Quý vị hãy xem tường tận, xung quanh chúng ta có bao nhiêu người, khu vực HongKong này có bao nhiêu người, Trung quốc có bao nhiêu người, thế giới có bao nhiêu người. Trong số người này có mấy người học Phật? Người học Phật rất nhiều, nhưng có mấy người học thật? Thế nào gọi là thật học? Đầy đủ tín thọ phụng hành, đó gọi là học thật, không đầy đủ bốn chữ này không gọi là thật học. Đời này coi như là không tệ, có nhân duyên gặp được Phật pháp, nhưng Phật là gì lại không hiểu. Thấy tượng Phật, cũng nghe người niệm Phật A Di Đà. Hoặc cũng có thiện cảm, nghe xong hoan hỷ, nhưng không học. Hoặc nghe xong thấy chán ghét, cho rằng mê tín, tất cả đều là người có duyên với Phật. Khi nào được độ, khi nào thành tựu, nhân duyên mỗi người khác nhau. Chúng ta có thể khẳng định, người nghe pháp hoan hỷ được độ trước, người nghe pháp không hoan hỷ được độ sau, điều này có thể khẳng định. Chứng minh người nghe pháp hoan hỷ, thiện căn của họ sâu dày hơn người không hoan hỷ. Cũng chính là trong đời quá khứ, thời gian học tập rất dài, đời này lại gặp được, rất dễ hấp thu, đạo lý chính là như vậy.

Bởi thế chúng ta phải biết trân quý, sau khi thấu hiểu, rất quý trọng nhân duyên đời này, vì sao vậy? Vì tâm mình biết được, nhân duyên này không phải đời đời kiếp kiếp đều gặp được. Thế giới quá rộng lớn, đừng nói đâu xa, chỉ nói địa cầu này. Trên địa cầu bao nhiêu thành thị, bao nhiêu thị trấn, bao nhiêu nơi có người tụ hội, những nơi này có mấy nơi có Phật pháp? Quý vị nghĩ như vậy sẽ biết, huống gì biến pháp giới hư không giới!

Lại nghĩ đến trong kinh Đức Phật thường nói: “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, trong lục đạo, mười pháp giới đến cõi người quả là không dễ. Đến cõi người gặp được Phật pháp cũng không dễ dàng gì, gặp được Phật pháp còn phải gặp được chánh pháp. Thế nào gọi là chánh pháp? Trong Nhân Vương Kinh nói rất hay: Khu vực này có người giảng kinh dạy học, có người y giáo phụng hành, có người tu hành chứng quả, đây gọi là chánh pháp.

Ngày xưa ở Trung quốc rất tuyệt vời, quý vị xem lịch sử, xem địa chí, khu vực nào không phải chùa chiền mọc lên san sát. Chỉ là trong thời đại này suy diệt quá nhanh, ở mỗi tỉnh thành đều có mấy vạn, mười mấy vạn ngôi chùa. Thậm chí một tiểu thôn trang, quý vị đều có thể nhìn thấy chùa chiền. Ngày xưa nơi có tự viện, đều có người giảng kinh dạy học. Nên dạy học của Phật giáo, từng cực thịnh một thời trong xã hội Trung quốc, quốc gia hộ pháp, đây chính là giáo dục Phật giáo. Nền giáo dục này, sở dĩ nó có thể phổ cập như vậy, đó là vì Hoàng đế dẫn đầu, hoàng đế hộ trì, hoàng đế thúc đẩy. Quản Phật giáo, quản Đạo giáo là Hoàng đế trực tiếp quản, còn Nho giáo là tể tướng quản. Nên đạo tràng của Nho giáo không nhiều như của Phật giáo.

/ 600