500

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 577

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 04.09.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 764, bắt đầu xem từ hàng thứ năm. Đây là một đoạn, từ hàng thứ năm.

Đại Sớ lại nói: “Nhưng khiến việc thiện minh sư, minh sư ắt tự mình chỉ thị. Cũng giống như Thiện tài ở chỗ Bồ Tát Văn Thù đã phát tâm bồ đề, hỏi hạnh Bồ Tát, Văn Thù cũng không nói đầy đủ, nhưng khiến thân cận thiện hữu, chỉ đến tỳ kheo Đức Vân, triển truyển để ông ra đi cầu học”. Ở trước chúng ta học đến đây.

Hoàng Niệm Tổ rất từ bi, đã trích dẫn rất nhiều kinh điển để chú giải tường tận câu kinh văn này. Chính là “gặp thiện tri thức, nghe pháp có thể hành, điều này cũng rất khó”. Ba câu kinh văn này chúng ta đã nói hết sáu tiếng vẫn chưa nói xong, tiếp theo chúng ta vẫn nói đến vấn đề này. Nói rõ tu hành, hiểu rõ thâm nghĩa trong kinh, cũng chính là thấu triệt thật tướng các pháp, nhất định phải có thiện tri thức, nghĩa là người thầy giỏi. Tiêu chuẩn của người thầy, nhất định phải có tu có chứng, thật sự minh tâm kiến tánh, đây là điều Thiền tông nói. Giáo môn nói, nhất định phải đại khai viên giải. Trong niệm Phật phải lý nhất tâm bất loạn. Danh xưng khác nhau, nhưng cảnh giới hoàn toàn tương đồng. Dùng quả vị trong Kinh Hoa Nghiêm để nói, đều là Viên giáo sơ trụ trở lên.

Những người này đã vượt ra mười pháp giới, không chỉ là luân hồi lục đạo, mà còn vượt thoát mười pháp giới, trú trong cõi thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai. Người tu hành ở đó có 41 cấp bậc, cũng chính là nói Viên giáo Thập trụ Bồ Tát, Thập hạnh Bồ Tát, Thập hồi hướng Bồ Tát, Thập địa Bồ Tát. Đây là 40 địa vị, và thêm một vị nữa là Đẳng giác, đều ở đây tu hành. Đây là chân thiện tri thức của nhân thiên, thiện tri thức này rất khó gặp, không dễ.

Bất đắc dĩ mà cầu thứ hai, tức không gặp được, không gặp được phải làm sao? Vậy thì tìm người có tu có học, nhưng chưa chứng quả. Thật sự có tu có học, học nhất định có thầy truyền thừa. Tôi theo vị thiện tri thức này, họ học với ai, nhất định phải biết thầy truyền thừa.

Trong kinh nói rất rõ ràng, thiện tri thức quan trọng nhất vẫn trên phương diện hành trì. Họ có thể buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ danh văn lợi dưỡng, buông bỏ tham sân si mạn, nhưng chưa chứng quả. Phải chú ý điều này, chứng quả là đại thiện tri thức bậc nhất, nhưng đây là chưa chứng quả. Đối với vấn đề này, so với một số người thì buông bỏ rất nhiều, nên tâm họ thanh tịnh, tâm họ bình đẳng, tâm họ từ bi, như vậy họ mới có thể khế nhập kinh giáo. Nếu họ chưa buông bỏ những điều này, cho dù họ hạ công phu rất nhiều đối với kinh giáo, chúng ta biết đều là tri thức, không phải trí tuệ. Trí tuệ được sanh ra từ tâm thanh tịnh, sanh ra từ tâm chân thành, sanh ra từ tâm từ bi, nó sanh trí tuệ. Người thầy đó đích thực đầy đủ điều kiện này, chúng ta thân cận họ là không sai.

Thứ đến, họ thật sự có thầy truyền thừa, thầy truyền thừa quan trọng. Họ đã tiếp thu được từ chỗ của mình, tuy bản thân chưa khai trí tuệ, nhưng họ có thể như lý như pháp, đem sở học của họ truyền thụ cho chúng ta. Không xen vào ý của riêng họ, đây cũng là thầy giáo giỏi.

Giống như chúng ta học bộ kinh này. Kinh là hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư, chân thiện tri thức, ông đã chứng quả hay chưa chúng ta không biết, vì ông là cư sĩ. Chỉ biết lúc ông còn tại thế, trong Phật giáo Trung quốc xưng là“Nam Mai Bắc Hạ”, đây chính là bậc thiện tri thức trong giới Phật giáo tôn sùng. Phương nam là cư sĩ Mai Quang Hy, phương bắc là cư sĩ Hạ Liên Cư. Hạ cư sĩ là người Sơn đông, Mai cư sĩ là người Giang tây. Một nam một bắc, lúc đó là người tài của nhà Phật. Đích thực họ đã dùng thời gian rất lâu, cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập Kinh Vô Lượng Thọ, đã dùng thời gian 10 năm. Sau khi hội tập xong, ba năm là ông hội tập xong, mỗi năm đều có sửa đổi, sửa 10 lần mới hoàn tất, là bản hiện tại chúng ta đang học. Hoàn toàn y theo phương pháp của cổ nhân, không dám sửa đổi một chữ trong kinh, vì ông là hội tập, không phải phiên dịch. Hội tập nhất định phải tôn trọng nguyên văn, không được tùy tiện sửa đổi chữ theo ý mình, như vậy là sai. Cổ nhân từng phạm vào khuyết điểm này, ông đã hoàn toàn sửa đổi, tuyệt đối không phạm sai lầm. Kinh này trở thành bản hay nhất của Kinh Vô Lượng Thọ. Ông đến thế gian này để làm gì? Chính là làm công việc này. Vì sao vậy? Thời mạt pháp còn 9000 năm, trong 9000 năm này, tất cả chúng sanh được độ phải nhờ vào bộ kinh này, điều này vô cùng quan trọng. Chúng ta mới biết, dụng ý của ông là đây. Kinh đã hội tập thành công, giải thích thì mỗi người có tư tưởng của riêng mình, không giống nhau.