/ 600
627

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 566

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 30.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 743, hàng thứ tư từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai.

Tiếp theo là nói về chánh nhân vãng sanh và quả báo thế gian, là để khiến hành giả sanh tâm tinh tấn, nhất niệm niệm Phật, thành tựu tam muội, nhất định sanh về cõi nước này.

Đây là Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận của Bành Tế Thanh, nói sơ lược về bốn sự việc ở phần chánh tông của kinh này. Thứ nhất là 48 nguyện của tỳ kheo Pháp Tạng. Thứ hai là nói rõ về năm kiếp tu hành của tỳ kheo Pháp Tạng, thành tựu công đức chân thật. Đoạn thứ ba là nói về y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, khuyên dạy người học phải phát tâm quyết định, chí thành hồi hướng, nhập vào cảnh giới Phật, không đọa vào biên địa nghi thành.

Hôm nay chúng ta đọc đây là đoạn thứ tư sau cùng, nói rõ về nhân chánh vãng sanh và quả báo của thế gian.

Chánh nhân vãng sanh, trong kinh nói: “Phát tâm bồ đề, nhất hướng chuyên niệm”, đây là tứ độ tam bối cửu phẩm, đều không thể thiếu. Phát tâm bồ đề phải giống như đại sư Ngẫu Ích nói, nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh độ, đối với thế gian này buông bỏ hết tất cả, tuyệt đối không có chút gì lưu luyến. Nhất hướng chuyên niệm như vậy, chắc chắn được vãng sanh.

Ngài Ấn Quang đối với tư tưởng này của đại sư Ngẫu Ích, khen ngợi đến tột cùng, nói rằng: Cho dù Chư Phật Như Lai ứng hóa đến thế gian này để viết chú giải cho Kinh Di Đà, cũng không thể hay hơn của đại sư Ngẫu Ích. Lời tán thán này là tán thán đến đỉnh điểm, không còn cách khen ngợi nào vượt trội hơn được, lời này là thật ư? Hoàn toàn chính xác.

Chúng ta sống trong đời này, những gì mắt thấy tai nghe, cần phải quan sát tường tận, đều đang biểu diễn trước mắt chúng ta, hiện tại cũng không ngoại lệ. Đích thực chúng ta nhìn thấy, có người niệm Phật ngồi vãng sanh, có người đứng vãng sanh, không hề sanh bệnh, nói đi là đi. Những người này không được học hành, nghe kinh cũng không nhiều, vì sao lại thù thắng đến thế? Ngày nay chúng ta thử xem trong kinh nói về nguyên nhân chính vãng sanh, họ hoàn toàn đầy đủ.

Thứ nhất: Buông bỏ tình chấp. Thứ hai là buông bỏ ngã chấp, buông bỏ thành kiến, tập khí phiền não đều buông bỏ, nhất tâm nhất ý chuyên cầu Tịnh độ. Trong tâm, trong miệng, ngoài Phật A Di Đà ra, không còn tạp niệm nào. Đây là chúng ta nhìn thấy trên thực tế, tất cả đều là tấm gương cho chúng ta. Có người tuổi đã lớn, có người còn trẻ, đều là làm gương cho chúng ta noi theo, chúng ta thấy vậy có giác ngộ chăng? Có thật sự tỉnh ngộ chăng? Chuyện này là thật, không phải giả. Những vấn đề của thế xuất thế gian đều là giả, không phải thật, bao gồm Phật pháp cũng không phải thật.

Trong Kinh Kim Cang Đức Thế Tôn nói rất hay: “Pháp còn phải xả, huống là phi pháp”, pháp đây chính là Phật pháp, vì sao phải xả Phật Pháp? Trong tự tánh thanh tịnh tâm không có cái gọi là Phật pháp, nhất định phải hiểu điều này. Giống như thế gian này có thuốc chăng? Có thuốc, thuốc từ đâu đến? Có người bệnh mới có thuốc, nếu như thế gian này không có người bệnh, thì thuốc cũng không có. Phật pháp là thuốc, người thế gian này sanh bệnh, họ cần Phật pháp để trị liệu. Nếu đều mạnh khỏe, đều trường thọ, không có bệnh, thì ở đây không có Phật pháp. Cùng một đạo lý, chúng ta phải nghĩ rõ ràng, phải thấy thật minh bạch, nhân quả thế gian cũng vô cùng quan trọng, quả báo thế gian, vì sao vậy? Vì người không được vãng sanh đều lưu lại thế gian, thế gian thiện nhân thiện quả, ác nhân ác báo, khổ vui khác nhau rất lớn.

Phật Bồ Tát từ bi vô tận, đối với những người còn lưu luyến thế gian, không thể liễu sanh tử xuất tam giới ngay trong đời này, nhất định là khuyên răn mọi người đoạn ác tu thiện. Không tạo nghiệp tam đồ, sẽ không chịu khổ báo của tam đồ, điều này nói rất rõ ràng, nói rất minh bạch. Đồng thời để chúng ta làm một phép so sánh với thế giới tây phương Cực Lạc, sau đó ta sẽ có một sự lựa chọn chính xác. Quý vị lựa chọn thế gian hay lựa chọn thế giới Cực lạc? Dụng ý thật sự chính là ở điểm này. Thật sự rõ ràng, thật sự minh bạch, chúng ta hy vọng ngay trong đời này được vãng sanh Tịnh độ, không tiếp tục trôi lăn trong luân hồi. Như vậy cần phải dõng mãnh tinh tấn, phải buông bỏ triệt để, nhất niệm niệm Phật, thành tựu tam muội. Nhất tâm chuyên niệm, tam muội liền hiện tiền, tam muội là gì? Trong tâm ngoài Phật A Di Đà ra, không có chút tạp niệm nào, gọi là tam muội, đây gọi là niệm Phật tam muội. Có công phu như vậy nhất định vãng sanh, mà còn có thể tùy thời vãng sanh. Chỉ cần ý niệm ta vừa động, Đức Phật Di Đà liền đến tiếp dẫn. Bởi thế ta muốn lúc nào đi, thì lúc đó đi, quả là tự tại!

/ 600