Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 562
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Liên Hải
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 27.08.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 739 hàng thứ nhất.
“Bồ Tát vãng sanh đệ tứ thập nhị”, phẩm thứ 24. Hai hàng trước là Hoàng Niệm Lão, với đề cương của nội dung phẩm này, tam bối và biên địa nghi thành ở đoạn trước đều luận về phàm phu vãng sanh. Phẩm này thuyết minh về số lượng mười phương Bồ Tát vãng sanh vô lượng. Làm rõ thêm Tịnh Độ diệu pháp, Thánh phàm đều nhận, lợi độn đều được, phổ khuyến chúng sanh, cầu sanh cực lạc vậy.
Phần trước nói qua tam bối vãng sanh, và biên địa nghi thành. Mấy phẩm kinh văn này đều là nói phàm phu vãng sanh, cũng chính là nói đến chúng ta. Phẩm này Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta về mười phương thế giới trong quốc độ chư Phật, Bồ Tát vãng sanh, số lượng không thể tính kể. Đặc biệt hiển thị ra pháp môn Tịnh Độ là phàm thánh đều nhận. Phàm phu trong mười phương thế giới vãng sanh và tình hình ở thế giới chúng ta dường như gần giống nhau, chúng ta đã biết rồi. Hiện tại xem Bồ Tát, cho nên càng hiển thị được sự vi diệu của Tịnh Tông. Phàm phu vãng sanh, Bồ Tát cũng vãng sanh, lợi độn đều được, lợi căn là chỉ cho những vị Bồ Tát, độn căn là nói lục đạo phàm phu chúng ta.
Phổ khuyến chúng sanh, chúng sanh này bao gồm cả Đẳng giác Bồ Tát, làm sao biết được? Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền là Bồ Tát Đẳng giác, không phải là người thường. Không những họ vãng sanh, họ khuyên răn 41 vị pháp thân Bồ Tát ở thế giới Hoa Tạng, Hoa tạng là Viên giáo, 41 vị này là Thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác. Đại chúng ở thế giới Hoa tạng cõi thật báo trang nghiêm, những người này đều vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc nếu không có những thù thắng đặc biệt gì, làm sao họ lại đến đó? Cảnh quan này chúng ta phải đặc biệt lưu ý, phải nghiêm túc cẩn thận để quan sát. Thực sự thấy rõ ràng rồi, thấy thấu đáo rồi, tự nhiên kiên định tín tâm của chúng ta đối với Tịnh Tông, kiên định nguyện vọng của chúng ta đối với việc cầu sanh Tịnh Độ.
Mời quí vị xem kinh văn.
“Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn: kim thử ta bà thế giới cập chư Phật sát, bất thoái Bồ Tát, đương sanh cực lạc quốc giả, kỳ số chỉ hà?” Đầu tiên Bồ Tát Di Lặc nêu câu hỏi. “Phật cáo Di Lặc, ư thử thế giới hữu thất bách nhị thập ức Bồ tát, dĩ tằng cúng dường vô số chư Phật, trực chúng đức bổn, đương sanh bỉ quốc, chư tiểu hành Bồ tát, tu tập công đức, đương vãng sanh giả, bất khả xưng kế.”
“Xưng” là tuyên nói, “kế” là tính toán. Nhân số nhiều quá, không thể tính toán được. Chúng ta xem chú giải của Niệm Lão.
“Thủ” vừa mở đầu, “Di Lặc đại sĩ khấu vấn”, thỉnh giáo với đức Thế Tôn. “Thử độ” là chỉ cho thế giới ta bà này, không phải là trái đất, thế giới ta bà rất lớn. Dùng cách nói của các nhà Thiên văn học ngày nay, đơn vị thế giới trong kinh Phật nói là một hệ ngân hà. Mặt trời mặt trăng đích thực là trung ương của hệ ngân hà, quay quanh hệ ngân hà, nghĩa là hệ mặt trời của chúng ta quay tròn quanh hệ ngân hà. Trung tâm của hệ ngân hà chính là núi tu di như trong kinh đã nói.
Ngày xưa lúc tôi học Phật, đó chính là 60 năm trước, rất nhiều pháp sư ngộ nhận tam thiên đại thiên thế giới mà trong kinh Phật nói, đơn vị thế giới đó đều cho rằng là hệ mặt trời, tôi cũng có cách nhìn như vậy. Tôi đến Bắc Kinh để thăm viếng Hoàng Niệm Lão, ông là người học khoa học, chúng tôi gặp mặt đã từng nói đến vấn đề này. Ông nói với tôi, trên thực tế đơn vị thế giới là hệ ngân hà. Quí vị xem mặt trời quay quanh hệ ngân hà, rất có lý! Trung tâm của hệ ngân hà chính là núi Tu di. Hiện tại các nhà khoa học nói với chúng ta, trung tâm của hệ ngân hà là lỗ đen, một lỗ đen rất lớn, lực hút của nó vô cùng mạnh, ngay cả ánh sáng cũng bị nó hút vào. Đúng lúc sang năm là một năm đặc biệt, chính là trái đất bắt đầu từ ngày này vòng quanh hệ ngân hà quay một vòng lại vòng đến nơi này. Sang năm sẽ lại trở về chỗ này, nó sẽ không dừng lại, sau khi đến nơi này rồi, từ đây xuất phát lại quay thêm một vòng nữa, một vòng này là hơn 20.000 năm. Sang năm là trung tâm của ngân hà, tức là núi tu di, trung tâm của núi tu di, mặt trời và trái đất xếp thành một đường thẳng, đây là một kiểu kỳ quan của thiên thể, rất khó gặp được. Gặp phải sự việc này rốt cuộc là cát hay hung? Cát hung họa phước không ở hiện tượng thiên nhiên mà ở lòng người. Nếu như lòng người chúng ta thiện lương, đó là cát, không phải hung. Nếu như lòng người bất thiện đó là hung chứ không phải cát, lời này rất quan trọng! Phật ở trong kinh thường nói với chúng ta “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Sự vận hành của thiên thể chính là sự vận hành của những tinh cầu trong vũ trụ. Đó là đạo lý gì? Chính là từ tâm tưởng sanh. Trái đấy chúng ta ở trong không trung là tiểu tinh cầu, rất nhỏ. Mặt trời lớn hơn trái đất 1.300.000 lần, quí vị liền thấy quả đất này nhỏ nhoi biết bao, so với mặt trời thì đây là tinh cầu nhỏ. Mặt trời ở trong thái không cũng không phải là một tinh cầu lớn, những tinh cầu lớn hơn mặt trời rất nhiều, rất nhiều. Cho nên mặt trời không coi là lớn, vậy thì trái đất càng nhỏ nhoi rồi. Cư dân ở trên trái đất hiện nay mới 7 tỷ người, chư vị phải hiểu được 7 tỷ người, quí vị xem xem thế giới ta bà chúng ta vãng sanh “có 72 tỷ Bồ Tát”, trái đất mới có 7 tỷ. Phật Thích Ca Mâu Ni nói cho chúng ta, khu vực mà Ngài dạy học là một đại thiên thế giới. Một hệ ngân hà là một đơn vị thế giới. Một ngàn hệ ngân hà chính là một tiểu thiên thế giới được nói trong kinh Phật, lại lấy một tiểu thiên thế giới làm đơn vị, một ngàn lần tiểu thiên thế giới gọi là một trung thiên thế giới, lại lấy trung thiên thế giới làm đơn vị, một ngàn lần trung thiên thế giới như vậy mới là một đại thiên thế giới, chính là khu vực mà Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa, một ngàn nhân một ngàn rồi nhân thêm một ngàn nữa, là một tỷ, cũng tức là phạm vi mà Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa, là một tỷ hệ ngân hà. Sự nhận biết của thiên văn hiện tại của chúng ta còn chưa có cách gì để vượt qua một tỷ hệ ngân hà. Phạm vi này lớn biết bao!