Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 554
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 23.08.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 721 hàng thứ tư, bắt đầu xem từ đoạn giữa, hàng thứ tư.
“Lại biết cùng tận đối với các pháp môn, nên gọi là đại thừa quảng trí”, bắt đầu xem từ câu này. “Nên có thể khế nhập căn cơ của hết thảy chúng sanh, đều được độ thoát”, đây là thứ ba, “đại thừa quảng trí”, ở trước chúng ta học đến đây.
“Đại thừa quảng trí là chuyển thức thứ bảy thành bình đẳng tánh trí”, trí tuệ này hiện tiền. Thật ra bốn trí, năm trí đều là trí tuệ bát nhã vốn đầy đủ trong tự tánh. Tất cả Như Lai chứng được, tất cả chúng sanh vốn đầy đủ, vốn đầy đủ, chỉ là hiện nay bị phiền não làm chướng ngại, nó không khởi tác dụng. Trên thực tế nó vẫn khởi tác dụng, tác dụng đã biến chất, biến thành gì? Quý vị xem Vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí biến thành A lại da, bất tư nghị trí biến thành tiền ngũ thức, đại thừa quảng trí biến thành Mạt na, nó đã biến chất. Nó vẫn khởi tác dụng, khởi tác dụng tương phản, không phải chánh dụng, gọi là tà. Biến thành những thứ này, biến thành vọng tưởng phân biệt chấp trước.
Nếu trí tuệ này hiện tiền, đó chính là đối với tất cả pháp môn, đối với các pháp môn, đối với tất cả pháp của thế xuất thế gian, không có điều gì không biết, biết khắp cùng tận. Cùng là thấu thiểu triệt để, không có chút nghi hoặc nào, nên gọi là đại thừa quảng trí. Khi trí tuệ này khai, có thể khế nhập căn cơ của tất cả chúng sanh. Thế gian này, bất luận là chúng sanh trong đường nào, đều có năng lực cứu độ họ, có năng lực giúp họ phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, đây gọi là đều được độ thoát.
“Như Lai đại từ đại trí”, Như Lai là từ tánh mà nói. Cổ nhân thường nói: “tánh người vốn thiện”. Trong đại thừa Phật pháp thường nói: “tất cả chúng sanh vốn là Phật, vốn thành Phật”, hiện nay vì sao biến thành như vậy? Vốn là vô sở bất tri, vô sở bất năng, hiện nay biến thành vô tri vô năng. Điều này trong Phật pháp đại thừa nói rất rõ ràng. Chúng ta là bị vọng tưởng phân biệt chấp trước, ba loại phiền não này che mất tự tánh, khiến tác dụng của tự tánh biến chất, kiến văn giác trí biến thành thọ tưởng hành thức, như vậy là sai. Vốn không có thọ tưởng hành thức, chỉ có kiến văn giác tri. Trong thọ tưởng hành thức có cái ta, trong kiến văn giác tri không có cái ta.
Chư Phật Bồ Tát đại từ đại bi, đại trí đại đức, đối với những người có duyên. Có duyên là có thể tin, có thể hiểu, có thể hành, có thể chứng, đây chính là có duyên với Phật. Chỉ cần có duyên, Phật nhất định giúp họ, cho nên đều chuyên chở họ đưa vào niết bàn. Niết bàn là đại viên mãn, chúng ta chứng được quả Phật cứu cánh, trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là Diệu giác Như Lai, Phật có thể giúp chúng ta.
Có thể khiến chúng sanh niệm Phật đều sanh Tịnh độ, đây là giúp chúng sanh có duyên chứng được quả Phật ngay trong đời này. Phương pháp tối thắng nhất, phương pháp nhanh chóng nhất, phương pháp ổn định nhất, phương pháp dễ dàng nhất, không gì qua vãng sanh Tịnh độ. Vãng sanh Tịnh độ, có thể nói là tất cả đều viên mãn.
Lại thế giới này phi hữu biên phi vô biên, cũng tuyệt tứ cú, tứ cú là vọng tưởng, nghĩ này nghĩ nọ, nghĩ trước nghĩ sau. Bất luận ta nghĩ điều gì, đều là sai lầm, vì sao vậy? Vì chân tánh là thanh tịnh tịch diệt, tiếng Phạn gọi là niết bàn, dịch thành tiếng Trung nghĩa là thanh tịnh tịch diệt. Trên đề kinh này là: Thanh tịnh bình đẳng giác, đây nghĩa là niết bàn. Hiện nay chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác là nhiễm ô, là bất bình, là mê hoặc điên đảo, nên hoàn toàn trái ngược với thanh tịnh bình đẳng giác. Điên đảo 180 độ, đây chính là phàm phu lục đạo.
Ngày nay chúng ta tiếp thu giáo dục Phật giáo, mục đích là gì? Là từ điên đảo khôi phục lại hình dáng nguyên trạng. Giáo dục Phật giáo rất viên mãn, khôi phục đến thuần tịnh thuần thiện. Cho nên Phật khiến chúng sanh rời tú cú, phải buông bỏ tứ cú. Tứ cú chính là “thị phi”, hai câu này là đối lập. “Thị thị phi phi, phi thị phi phi”, tất cả những ý niệm sai lầm, phân biệt chấp trước, không rời tứ cú này. Tứ cú diễn biến là vô lượng cú, toàn là lời không có giá trị. Chúng ta có cách nào rời nó được chăng? Không có cách nào, muốn rời nhưng không rời được. Bởi thế Tịnh tông có một phương pháp tuyệt diệu, là dạy ta niệm Phật A Di Đà, đừng niệm thị phi nhân ngã. Tất cả mọi ý niệm đều quy về Phật A Di Đà.