/ 600
543

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 553

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 22.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 718, hàng thứ bảy từ dưới lên, bắt đầu xem từ câu sau cùng.

“Như Tông Yếu nói, ở đây nói về Phật trí, câu này là mục tiêu chung, còn bốn câu sau, mỗi câu đều hiện rõ bốn trí, bất khả tư nghị trí, là thành sở tác trí”. Thành là thành tựu, thành tựu sở tác trí tuệ, thành sở tác trí là chuyển tiền ngũ thức mà thành tựu. Tiền ngũ thức là năm thức mắt tai mũi lưỡi thân, năm thức này chuyển trên mặt quả, năm thức trước và thức thứ tám là chuyển trên quả. Quan trọng nhất là thức thứ sáu và thứ bảy, thức thứ sáu và bảy chuyển trên nhân. Bắt đầu chuyển từ đâu? Từ thức thứ sáu và thứ bảy. Thức thứ bảy chuyển như thế nào? Không chấp trước là chuyển thức thứ bảy, không phân biệt là chuyển thức thứ sáu, nên nhất định phải hạ thủ từ thức thứ bảy.

“Trí này có thể làm việc không thể nghĩ bàn”, việc là sự nghiệp, ở đây đưa ra một ví dụ: Ví như trì danh niệm Phật. Chúng ta niệm câu Nam Mô A Di Đà Phật, hoặc là niệm câu A Di Đà Phật. “Vĩnh viễn diệt trừ trọng tội nhiều kiếp”, câu Phật hiệu này có năng lực lớn đến thế ư? Thật vậy, tùy tiện niệm một câu cũng có thật, sức mạnh này không xuất hiện ngay bây giờ. Quý vị nghe được một niệm này, hoặc tự mình niệm câu này, tự mình niệm câu này sức mạnh càng lớn hơn so với nghe được. Bất luận là có tâm hay vô tâm, đến nghe thấy, nhìn thấy tượng của Phật A Di Đà, nhìn thấy danh hiệu mấy chữ của Phật A Di Đà. Bất luận là nghe hay thấy, gọi là một khi đã nghe qua tai, nhìn thấy là lướt qua mắt, chủng tử trong A lại da vĩnh viễn không mất đi, chỉ là duyên chưa thành thục. Duyên là gì? Ta không tin thật, không phát nguyện, không thật sự dùng tâm để niệm, đây gọi là duyên không thành thục. Nếu như duyên đã thành thục, tác dụng đó rất lớn. Duyên thành thục, nhất niệm xưng danh quả đúng như trong kinh nói: “Có thể tiêu tội nghiệp sanh tử trong 80 ức kiếp”, vĩnh viễn đoạn diệt tội nặng trong nhiều kiếp.

Niệm Phật như vậy, như ở trước chúng ta đã đề cập đến. Trong tâm chỉ có Phật A Di Đà, ngoài Phật A Di Đà ra, không có vọng niệm nào cả, có được hiệu quả này, quý vị muốn hỏi vì sao? Trong này có đạo lý. Trong kinh Đức Phật thường nói, chúng ta nghe rất quen tai, nhưng không hiểu ý nghĩa câu niệm Phật. Đức Phật nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, trong tâm chúng ta nghĩ điều gì? Phàm phu khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi. Nghĩ điều gì? Tài sắc danh thực thùy, ngũ dục lục trần, người xưa thường nói thất tình ngũ dục, nghĩ đến những điều này, những dục vọng. Dục vọng tất nhiên dẫn khởi tập khí phiền não của quý vị, đầu tiên là bốn phiền não lớn nhất định cùng khởi lên. Ngã kiến chính là tự tư tự lợi, tiếp theo là tham sân si mạn đều khởi lên, những thứ này dẫn dắt quý vị đi về đâu? Phật pháp nói luân hồi lục đạo có hai loại nghiệp lực.

Thứ nhất là dẫn nghiệp, dẫn dắt quý vị đến cõi nào đó để đầu thai, là loại nghiệp lực này, sức mạnh nào lớn nhất thì đến đó trước. Nếu sức mạnh của tham mạnh, sẽ dẫn dắt quý vị vào đường ngạ quỷ, tham tâm biến ngạ quỷ. Sức mạnh của sân nhuế mạnh, dẫn quý vị đến đường địa ngục. Sức mạnh ngu si mạnh, dẫn quý vị vào đường súc sanh. Không phải là việc tốt, đến đường nào không phải do ai đó quyết định, không ai có quyền lực này. Diêm vương không có quyền lực này, Thiên vương cũng không có quyền lực này, hoàn toàn là tự làm tự chịu. Là do nghiệp lực chúng ta tạo dẫn dắt mình đi, ta không thể trách bất kỳ ai.

Đời này chúng ta được thân người coi như là không tệ, nghiệp lực nào dẫn dắt chúng ta đến cõi người? Trong Phật pháp nói ngũ giới thập thiện, khởi tâm động niệm không quên ngũ giới thập thiện. Mọi lúc mọi nơi, bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên, ý niệm vừa khởi lên là nghĩ đến ngũ giới thập thiện. Tuyệt đối không làm mười điều ác, chỉ làm mười điều thiện, như vậy không bị mất thân người. Người xưa gọi là dựa vào lương tâm, ngay trong đời này, bất luận là xử sự đối nhân tiếp vật, đều có thể dựa vào lương tâm, không làm những việc xấu, đời sau vẫn được thân người. Hay nói cách khác, trong đời quá khứ, chúng ta tu những pháp này, nên lần này được quả báo, được thân người. Thân người khó được, nay chúng ta đã được. Được thân người, đáng quý nhất của thân người là được nghe Phật pháp. Trong đời này chúng ta lại được nghe Phật pháp, quả thật là quá may mắn. Có duyên nghe Phật pháp, đây cũng là có nhân. Trong đời quá khứ từng học Phật pháp, cúng dường Tam bảo, yêu thích kinh giáo, nên đời này mới gặp được. Sau khi gặp được có thể thành tựu chăng? Điều này có thể quyết định ngay trong đời. Nhân duyên trong đời quá khứ bây giờ chúng ta đều đã thực hiện, đời này phải nỗ lực tiến lên. Gặp được Phật pháp có thể tin, có thể hiểu, gọi là có thiện căn. Thiện căn rất sâu dày, y giáo phụng hành, thật sự phát nguyện vãng sanh Tịnh độ, thật sự niệm Phật A Di Đà, có thể buông bỏ những tập khí không tốt của dục vọng, đây gọi là có phước báo.

/ 600