/ 600
915

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 552

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 22.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 716 hàng thứ ba. Biên Địa Nghi Thành Đệ Tứ Thập. Mời xem kinh văn.

“Phật cáo Từ Thị, nhược hữu chúng sanh, dĩ nghi hoặc tâm, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc, bất liễu Phật tri, bất tư nghì trí, bất khả xưng trí, đại thừa quảng trí, vô đẳng vô luân, tối thượng thắng trí. Ư thử chư trí, nghi hoặc bất tín, do tín tội phước, tu tập thiện bổn, nguyện sanh kỳ quốc”.

Đoạn này là hoài nghi trí tuệ, hoài nghi tội phước, họ không tin, là hạng chúng sanh này. Trong chú giải Hoàng Niệm Tổ nói với chúng ta: “Phẩm này nói rõ nhân của thai sanh”. Ở trước có giới thiệu với chư vị về thai sanh, không phải thai sanh thật sự, là dùng thai sanh làm ví dụ. “Khuyên sanh khởi thâm tín, để tránh khỏi đọa vào biên địa nghi thành”. Biên địa chính là nghi thành, nghi thành chính là biên địa, cũng gọi là thai sanh. Trong 500 tuổi, không thấy được Phật và tăng, không được nghe kinh pháp, nên mới gọi là biên địa, thai sanh, chính là 12 chữ ở sau. Họ sanh đến thế giới Cực Lạc, 500 tuổi là thời gian của nhân gian, không phải ở thế giới Cực Lạc. 500 năm của nhân gian là thời gian dài nhất, thời gian ngắn có năm ba ngày. Chỉ cần họ không nghi hoặc hoa sẽ nở, hoa sen hóa sanh, nếu có nghi hoặc, hoa không nở. Hoa không nở, họ không có cơ hội thấy Phật nghe pháp, tu phước tu tuệ. Bởi vậy họ phải bị mất một ít thời gian. Nếu hoa nở, họ sẽ nhập phẩm, địa vị thấp nhất là phàm thánh đồng cư độ hạ phẩm hạ sanh, đây là mang theo nghi hoặc. Chư vị học Phật của chúng ta, người mang theo nghi hoặc rất nhiều, có lúc bản thân không biết. Hạng người nào không mang theo nghi hoặc? Hiện nay chúng ta ở trên địa cầu này là thời loạn, xã hội hỗn loạn, địa cầu thiên tai khác thường. Chỉ cần quý vị vẫn quan tâm những vấn đề này, vẫn nghe ngóng những vấn đề này, đều gọi là nghi hoặc. Nếu không nghi hoặc hỏi những vấn đề này làm gì? Nhất tâm niệm Phật là được rồi.

Thế nào gọi là chân tín? Trong kinh này nói: Phát tâm bồ đề, nhất hướng chuyên niệm Phật A Di Đà. Đây gọi là tin thật, đây gọi là chánh tín, người này không có nghi hoặc. Tin tức các nơi truyền đến, chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, tổng kết sau cùng đều là niệm Phật A Di Đà có thể hóa giải. Như vậy thì quá tốt, không cần phải tìm tòi, không cần phải nghe ngóng nữa, chúng ta nhất tâm niệm Phật không phải đã giải quyết được vấn đề rồi ư? Thật vậy, không sai chút nào, chỉ cần buông bỏ vạn duyên. Còn nghe ngóng điều này, nghe ngóng chuyện kia, là không tin tưởng, vẫn còn nghi hoặc. Chỉ sợ vãng sanh như vậy đều là biên địa, đều là nghi thành. Bởi vậy khi đã thật sự hiểu rõ ràng minh bạch sẽ buông bỏ hết tất cả. Nghe ngóng những điều này, chi bằng đọc kinh nghe ngóng thế giới Cực Lạc. Chúng ta hiểu rõ ràng minh bạch về thế giới Cực Lạc, không có chút hoài nghi, như vậy là đúng. Chúng ta tận mắt chứng kiến một số ông bà cụ, rất chân thật. Họ chỉ một câu Phật hiệu, một xâu chuỗi, từ sáng đến tối đều là A Di Đà Phật. Ngoài Phật A Di Đà ra, họ không có bất kỳ ý niệm nào nữa, niệm ba năm như vậy thật sự vãng sanh. Đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, không cần người trợ niệm, đến người nhà cũng không để họ biết. 40 năm trước, tôi từng gặp một người, bà cụ ở làng Tướng Quân- Đài Nam, niệm Phật ba năm đứng vậy vãng sanh, không nói với người nhà, sợ điều gì? Sợ bị phiền phức, sợ họ hỏi này hỏi nọ, như vậy làm mất thanh tịnh. Bà thật thông minh, thật sự có trí tuệ, tách rời người nhà, không để họ tiếp cận. Bà ra đi rất tiêu sái, ra đi một cách tự tại.

Lúc tôi ở Mỹ, ngày trước khi tôi cầu học ở Đài Trung, có bà cụ họ Cam hộ trì cho tôi. Ở Đài Bắc bà dẫn đầu, tìm 15 người, mỗi tháng mỗi người bỏ ra mười đồng, tức là tôi mỗi tháng có 150 đồng để dùng, 10 năm không gián đoạn, mỗi tháng đều gởi cho tôi. Sau đó bà di dân đến Mỹ, ở Mỹ thời gian rất dài. Năm 1982 tôi đến Mỹ, bà đi từ trước, bà đi vào khoảng thời gian niên đại 70 đã di dân đến Mỹ. Tôi ở Đài Trung được mười năm thì ra đi. Bà nói với tôi, bà có một người bạn, là bạn đồng tu với bà, con trai đi học ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đã ở lại Mỹ làm việc và cưới vợ, sanh một đứa cháu nhờ bà chăm, mời bà đến Mỹ để coi nhà, coi cháu. Đứa cháu khoảng 3, 4 tuổi có thể đi học mẫu giáo, bà ở Mỹ được ba bốn năm. Hoàn cảnh ở Mỹ thanh tịnh, ban ngày con và dâu đều đi làm, đứa cháu có thể đến nhà trẻ nên cũng đưa đi. Bà cụ một mình ở nhà, niệm Phật không ai biết, bà cũng không nói với ai. Lúc bà vãng sanh là nửa đêm, đi khi nào không ai biết. Mỗi sáng sớm thức dậy, bà cụ dậy sớm nhất để chuẩn bị thức ăn sáng, con và dâu ăn sáng xong đều đi làm. Hôm nay, khi mọi người dậy, bà cụ vẫn chưa dậy, cửa phòng còn đóng, cũng không nấu cơm sáng, cảm thấy rất kỳ lạ. Mở cửa phòng bà xem thử, phòng của bà không khóa. Mở cửa xem, bà ăn mặc rất tề chỉnh, mang áo tràng ngồi xếp bằng trên giường, gọi bà không trả lời, nhìn lại thì bà đã ra đi, ngồi vậy vãng sanh, mà còn viết di chúc để lại trên giường. Đồ tang của con dâu và cháu bà đều chuẩn bị hết, bà tự làm, để tất cả trên giường. Biết trước giờ chết, không nói với bất kỳ ai. Đây là gì? Đây gọi là tin Phật, là thực hành.

/ 600