Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 549
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Minh Tuệ
Biên tập: Nguyên Tâm
Thời gian: 19.08.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị Pháp sư, quí vị đồng học, mời ngồi.
Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 711, bắt đầu xem từ hàng thứ tư, đây là một đoạn khá dài, bắt đầu xem từ câu Thập Vãng Sinh Kinh nói.
“Thập Vãng Sinh Kinh nói: Phật dạy Bồ Tát Sơn Hải Tuệ: Bây giờ các con nên đứng lên, chấp tay, thẳng người hướng Tây, chánh niệm quán nước Phật A Di Đà, mong thấy Phật A Di Đà. Lúc đó đại chúng cũng đều đứng lên, chấp tay, cùng quán Phật A Di Đà. Lúc đó Phật A Di Đà hiện thần thông lớn, phóng ra ánh sáng, chiếu đến thân Bồ Tát Sơn Hải Tuệ. Lúc đó Bồ Tát Sơn Hải Tuệ cùng tất cả đại chúng, liền thấy tất cả những chuyện trang nghiêm, diệu hảo của nước Phật A Di Đà. Đều là thất bảo, núi thất bảo, cõi nước thất bảo. Nước, chim, cây, rừng, thường nói pháp âm. Nước đó mỗi ngày đều chuyển xe pháp”.
Ở trước chúng ta đã học đến đoạn này, ở đây có một câu quan trọng nhất, chúng ta phải nhớ nó thật kĩ, đấy là: “Mỗi ngày thường chuyển xe pháp”, đây là câu quan trọng nhất, nhất định không được lướt qua. Câu này là những gì người xưa thường nói: “Xây dựng đất nước, dạy học làm đầu”, từ xưa đến nay vẫn thường như thế, nơi nào nền học vấn hưng thịnh, nhất định nơi đó nhân dân sẽ an vui, xã hội ổn định. Thực đúng như kinh nói, tất cả tai nạn không thể xảy ra nơi đó được.
Tại sao thế giới Cực lạc tốt đẹp như thế? Tại sao thù thắng như thế? Từ câu nói trên chúng ta có thể đi đến kết luận, mỗi ngày giảng kinh, mỗi ngày dạy học. Nhân dân toàn quốc, từ Bồ Tát đến trời người, không ngày nào không nghe kinh, không ngày nào không dạy học. Cảnh tượng dạy học ở thế giới Cực lạc, có thể nói, đứng đầu trong tất cả cõi nước chư Phật.
Chúng ta thử quay đầu nhìn lại, khi Phật Thích Ca Mâu Ni đang tại thế, bốn mươi chín năm giảng kinh dạy học, chưa một ngày gián đoạn. Đáng tiếc, những gì ngài thị hiện là sống cuộc đời rày đây mai đó, không ở lại lâu một nơi nào. Nếu lưu trú lâu ở một nơi nào, suốt đời một nơi, hiệu quả sẽ khác nhau, nơi đó sẽ trở thành thánh địa Phật giáo, tôi nghĩ tầm ảnh hưởng của nó sẽ rộng hơn.
Thời đó tại sao Phật không làm như thế mà phải sống cuộc đời rày đây mai đó? Ý nghĩa trong đó cực kì thâm sâu, mỗi cái đều có hơn thiệt. Dạy học một nơi, nơi đó trở thành thánh địa, sau khi thành thánh địa, nhân dân nơi đó, sẽ rất dễ cống cao ngã mạn: Ta là nhất, các anh làm sao sánh với tôi, như thế sẽ không sinh trí tuệ, sinh phiền não. Lại còn một số người có tâm xấu, điều này chắc chắn sẽ có, đến xuất gia, đến tu tập, mục đích là gì? Mục đích để vinh hoa phú quí, hoàn toàn vì danh lợi, như thế là hỏng, như thế Phật pháp sẽ biến chất.
Bởi thế, suốt đời ngài chọn cuộc sống rày đây mai đó, nói cho quí vị biết, ngài thực sự buông bỏ. Nếu Thích Ca xây dựng đạo tràng, đấy không phải là chuyện rất dễ ư? Gia tộc là quốc vương, kinh Phật đã ghi, đương thời có mười sáu đại quốc vương, đều qui y Phật, làm đệ tử tại gia của Phật, hộ trì Phật pháp. Nếu muốn dựng đạo tràng, thực sự không tốn một cọng lông, chỉ cần ngài gật đầu là ổn. Những quốc vương, đại thần lúc đó, mang hiến cúng vườn tược, biệt thự của họ, thỉnh Phật đến giảng kinh dạy học, Phật cũng tiếp nhận, không cố chấp.
Lời nói, việc làm của Phật vô cùng rộng rãi, giống như vườn ông Cấp Cô Độc, tinh xá Trúc Lâm, tất cả đều là những vườn hoa rộng lớn. Phật đã ở đó giảng mấy bộ kinh, khi xong công việc, ngài lại di chuyển đến nơi khác. Ngài không lưu luyến nơi mình đã từng ở, để lại cho người đời sau một gợi ý cực kì tuyệt vời.
Bởi thế Phật dạy chúng ta, với những thứ của cải có quyền sử dụng, nhưng không nên có quyền sở hữu. Tôi không cần dùng nữa, vật đưa về chủ cũ, như thế mới hay, không một ai trong tăng đoàn muốn tranh đoạt tài sản. Không nổi lên ý niệm đó, bởi vì họ không có, không có gì cả. Nếu như có, tất nhiên sẽ có người nổi lên ý niệm đó, họ muốn chiếm hữu, là tập khí phiền não chúng sinh từ vô thỉ kiếp đến nay.
Khi Phật Đà tại thế, trong số đệ tử vẫn có tranh giành, sau khi Phật diệt độ thì càng không phải nói. Bởi thế Phật không giữ bất kỳ một thứ gì cả, ngay kinh điển cũng không giữ, đến đi đều là không, kinh điển từ đâu mà có? Sau khi Phật diệt độ, học sinh của Phật, tôn giả Ca Diếp, ông ấy phát khởi, chúng ta nên đưa những lời giáo huấn của Thế Tôn dạy cho chúng ta, nên ghi chép chúng lại, viết thành sách để lưu truyền hậu thế.