/ 600
555

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 545

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Nguyên Liên

Biên tập: Nguyên Tâm

Thời gian: 27.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Mời chư vị hòa thượng, mời các bạn ngồi.

Mời xem từ dòng thứ hai từ dưới lên ở trang 702. Bắt đầu xem từ hai câu sau: “Như báo thân trang nghiêm ở trên”, bắt đầu xem từ đây.

“Tuy chẳng phải A Nan cùng hội chúng quả vị dưới ông có thể trông thấy hết, nhưng với sự gia bị từ oai thần của hai vị Như Lai, dùng phương tiện vượt trội để ai cũng có thể nhìn thấy tùy theo căn khí của mình, cho nên A Nan nhìn thấy vị Phật này như một tòa núi vàng cao hơn tất cả các cõi thế giới khác”. Đấy là lúc A Nan và đại chúng trong pháp hội được trông thấy Phật A Di Đà.

Quán Kinh đã ghi rất rõ, đấy là báo thân, chẳng phải ứng hóa thân của Phật A Di Đà, tướng của báo thân rất lớn. Từ điểm này giúp ta có thể cảm nhận thật sự, chẳng còn hồ nghi nữa.

Trước kia lúc mới học giáo lý Phật, luôn cho rằng đến thế giới Tây phương Cực Lạc, nhất định là cõi thật báo trang nghiêm mới có thể thấy được báo thân. Còn cõi phàm thánh đồng cư, cõi phương tiện hữu dư chắc chắn là ứng hóa thân của Phật A Di Đà. Vì trong 48 lời nguyện Phật nói về 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp, đấy là ứng thân Phật.

Nhưng trong 48 lời nguyện cũng có nói đến tất cả chúng sinh sinh về thế giới Cực Lạc, thì thân tướng hoàn toàn tương đồng với Phật A Di Đà, gọi là thân tử ma chân kim sắc, đấy là nói về thể chất. Thân tử ma chân kim sắc không phải nhục thân (thân xương thịt) mà là pháp tánh thân. Ở trước đã từng nói rất nhiều, đã học qua, không phải thân máu thịt, mà là thân pháp tánh. Tấm thân này của ta là pháp tướng, là tướng phân của a lại da thức, phải nhớ kỹ điều này.

Đến thế giới Cực Lạc rồi thì có thể nói đã chuyển thức thành trí, không phải nhờ công sức của chính mình. Hai cõi dưới đây quả thật được gia trì bởi oai thần của bản nguyện Phật A Di Đà. Phải nhớ bản nguyện là 48 lời nguyện Phật phát ra khi ở nhân địa. Oai thần là oai đức thần thông, công đức tu hành năm kiếp của Phật A Di Đà. Nếu chẳng có công đức tu hành năm kiếp đó thì đâu ra oai đức thần thông đến thế.

Do đó chúng ta liên tưởng đến việc đọc kinh, niệm Phật, hồi hướng cho người khác. Liệu thật có công đức chăng? Chúng ta lấy gì để hồi hướng? Tại sao ngày nào cũng phải hồi hướng mà vẫn còn rất nhiều oan gia trái chủ đeo bên người? Người xưa hồi hướng hiệu quả, người đời nay hồi hướng hình như chẳng mấy tác dụng. Chỉ có trong những pháp hội lớn thì sức mạnh tập thể đó mới có thể sản sinh ra hiệu quả.

Vì sao năng lực tập thể lại sinh hiệu quả? Vì trong mấy trăm người thế nào cũng phải có một hai người tu hành thật sự, chúng ta dựa hơi những người đó. Nếu một kẻ tu hành thật sự cũng chẳng có thì hiệu quả rất giới hạn. Ta chẳng thể không hiểu đạo lý này. Khi hiểu rồi thì phải biết chúng ta cần tu thật, thực hành nghiêm túc, không thể làm giả dối. Tu thật thực hành thật thì có công đức thật, hồi hướng mới có tác dụng thật.

Thế hiện giờ chúng ta có đang tu thật chăng? Không thể nói là chẳng hề tu, ta đang tu đó, nhưng nhue thế nào cũng không thành tựu, làm sao cũng không thể sánh bằng người xưa. Điều này quý vị phải biết, Phật từng nói trong tất cả kinh điển Đại Thừa Tiểu Thừa, Hiển Giáo Mật Giáo chẳng có pháp môn nào không nương vào tam học giới định tuệ. Giới định tuệ chẳng phải mình Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà tất cả chư Phật, mười phương tam thế nhất thiết chư Phật đều xem là căn bản để giáo hóa chúng sinh.

Phật dạy những gì? Phật chỉ dạy 3 điều này thôi: Nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ. Quý vị phải hiểu y như một thân cây vậy: Giới là rễ, định là gốc, tuệ là hoa quả, nở hoa kết trái. Nếu chẳng có giới thì xem như không.

Hiện nay một pháp hội mở xong còn có những chúng sinh mà chúng ta không nhìn thấy, những chúng sinh linh tánh, lộ ra cho chúng ta rất nhiều thông tin họ không đi. Lợi ích chúng sinh đó có được rất hạn chế, vậy là ta đã có lỗi với họ. Chúng ta nhờ Phật, nương theo công đức Phật. Công đức Phật như thế nào mới có thể cho chúng ta? Lý do này chúng ta đã giảng rất nhiều lần. Việc Phật gia trì cho chúng ta là tương đối, chúng ta có một phần công đức thì Phật gia trì một phần, ta có hai phần công đức thì Phật gia trì hai phần. Ta chẳng có công đức nào thì Phật gia trì không nổi, Phật thương xót chúng ta nhưng chẳng gia trì được. Ta mà có mười phần công đức thì Phật sẽ gia trì cả mười phần. Điều này chắc chắn là tương đối, cho nên hiểu được đạo lý trên chúng ta chẳng thể không dụng công, chẳng thể tu giả.

/ 600