/ 600
439

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 544

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Nguyên Liên

Biên tập: Nguyên Tâm

Thời gian: 17.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời.

Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 700, hàng thứ nhất: “Lễ Phật Hiện Quang thứ 38”.

Trước phẩm này Niệm Lão đã có giới thiệu: “Phẩm này hiển rõ cõi nước của hai bậc đạo sư, từ bi ân đức vô cực, gia bị tất cả hội chúng, khiến tất cả đều thấy được y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc”. “Lễ Phật hiện quang”, trong phẩm kinh này đã thể hiện hết lòng từ bi cực độ của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cùng Phật A Di Đà gia trì cho tất cả hội chúng, cũng bao gồm cả đại chúng hiện giờ của chúng ta trong đó. Phổ biến cho chúng ta chính mắt thấy sự trang nghiêm thù thắng của chánh báo, y báo ở thế giới Cực Lạc.

Trong Gia Tường Sơ nói: “Hiện cõi nước khiến người thích thú hâm mộ”, để quý vị được tận mắt chứng kiến thế giới Cực Lạc, sẽ sinh lòng ngưỡng mộ, cầu sanh về Tịnh độ. “Thượng tuy đã nghe nói về sự vi diệu của cõi nước này”. Thượng là phía trước, ở trước là Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu với ta. Chúng ta nghe được, nghe nói nhưng chưa được thấy. Tai nghe đâu bằng mắt thấy. “Nên lần này hiện cõi nước, khiến tất cả đều ngưỡng mộ tu hành”. Thật vậy, trong phẩm kinh này đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn đã dùng thần lực của Người, biến hiện thế giới Cực Lạc ngay trước mắt để mọi người đều thấy.

Đại sư Nghĩa Tịch lại nói: “Ở trên nói rộng về nhân quả của thân, cõi nước của Phật A Di Đà”. Đoạn trước luôn giới thiệu tường tận y chánh trang nghiêm của Phật A Di Đà. “Đại chúng đều được nghe”, người tham dự pháp hội lần này rất may mắn vì được nghe chính Thế Tôn thuyết pháp. “Hàng thắng trí thượng lưu”, người căn tánh lanh lợi, trí huệ sâu sắc thì không có vấn đề. Nghe rồi thì sẽ tin và có thể hiểu được.

“Hàng hạ căn trí tuệ thấp kém, vẫn không thể chắc chắn”, còn những kẻ căn tính kém cõi, thiện căn hạ phẩm thì sẽ hoài nghi, sẽ thắc mắc Phật có nói thật hay chăng? Liệu có việc đó chăng? Nên họ không thể quyết tâm, và niềm tin của họ cũng chẳng phải là chân tín, nửa tin nửa ngờ. Rất kính trọng Phật, biết Phật chẳng hề vọng ngữ, có thể tin được. Nhưng sự việc này quá sức nghĩ bàn, không trong phạm vi mà kiến thức ta có thể lý giải, nên đương nhiên sẽ ngờ vực. Hạng người này chiếm đa số. Thiểu số là hạng thượng căn lợi trí, những người thuộc số ít này trong Phật Pháp gọi họ là chúng sanh căn tánh thuần thục, căn tánh của họ đã chín muồi.

Phật giảng kinh thuyết pháp chủ yếu là để độ họ, họ sẽ có thể thành tựu. Hạng người trung hạ căn tánh thì Phật giảng để gieo hạt giống Phật Pháp vào trong A Lai Da Thức của họ. Cho nên tất cả đều được lợi ích, chẳng ai mà không được lợi ích.

Vậy hạng người căn tánh trung hạ đến lúc nào căn mới chín muồi? Phải chờ xem nhân duyên của họ. Nếu duyên vô cùng thù thắng thì có thể ở kiếp sau hoặc một kiếp sau nữa thôi. Nếu không có cái duyên này thì có thể ngàn kiếp vạn kiếp sau mới ngộ được Phật pháp. Nhưng có thể nói quả quyết một câu: Người đó vẫn sẽ được sinh về Tịnh độ, vấn đề chỉ ở chỗ cách biệt thời gian.

“Thị cố”, đoạn kinh văn dưới đây giới thiệu với ta: “Hạ gia A di Đà oai thần chi lực, linh thử đại chúng giai đắc nhãn kiến bỉ quốc chi sự, tín thược sở văn, quyết định bất hư”. Thêm vào dưới đây thật ra là gia trì. Oai thần lực của Phật A Di Đà khiến cho đại chúng đều thấy được y chánh trang nghiệm của thế giới Cực Lạc, và tin ngay những điều Thế Tôn nói trước đó, biết sự việc không hề giả dối.

“Lại muốn khiến thấy được cõi Tịnh độ trang nghiêm của cõi nước này, mỗi người đều tinh tấn tu hành để vãng sanh”. Đây là một mục tiêu chủ yếu, hy vọng những người nhìn thấy y chánh trang nghiêm của Phật A Di Đà đều có thể có tín tâm, đại nguyện kiên định, dõng mãnh tinh tiến tu theo pháp môn vãng sanh. Nghiệp là sự nghiệp, xem pháp môn này như sự nghiệp lớn lao quan trọng nhất của cả đời mình, đấy mới là người có trí huệ chân chánh.

Người có thiện căn chín muồi, chắc chắn sẽ làm thế. Vì sao? Vì ngoài pháp môn này ra thì như trước đó Bành Tế Thanh cư sĩ có nói: “Không vào pháp môn Tịnh độ, thiện bất khả đắc mà viên mãn, thiện bất khả đắc mà tận”. Hai câu này nói quá hay, chúng ta tu thiện để dứt ác, ác có dứt được hay chăng? Sanh về thế giới Cực Lạc thì ác dứt sạch. Vì sao? Vì vĩnh viễn sẽ không làm ác nữa, thiện sẽ được viên mãn. Quý vị sinh về thế giới Cực Lạc rồi, thì tất cả những ý định của ta dù tự lợi hay lợi tha đều là những thiện hành viên mãn. Chỉ đến thế giới Cực Lạc mới làm được như vậy, không đến thế giới Cực Lạc thì không thực hiện được. Ở thế giới ta bà này thì càng khỏi nói.

/ 600