/ 600
447

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 543

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Nguyên Liên

Biên tập: Nguyên Tâm

Thời gian: 16.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống.

Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 697, hàng thứ 7, bắt đầu xem từ kinh văn:

“Ngã ai nhữ đẳng, thậm ư phụ mẫu niệm tử, ngã ư thử thế tác Phật, dĩ thiện công ác, bạt sanh tử chi khổ, linh hoạch ngũ đức, thăng vô vi chi an, ngô bát nê hoàn, kinh đạo tiệm diệt, nhân dân diễm ngụy, phục vi chúng ác, ngũ thiêu ngũ thống, cửu hậu chuyển kịch, nhữ đẳng chuyển tương giáo giới, như Phật kinh pháp, vô đắc phạm dã.”

Chúng ta xem phần chú giải của Hoàng Niệm Tổ: “Hữu” chính là đoạn kinh văn vừa đọc. “Khi kinh pháp dần diệt, thiêu thống lịch liệt, nên lại khuyên cáo, bỏ ác tu thiện, phụng trì kinh pháp”. Thật ra Phật biết hết tình cảnh sau khi Phật nhập diệt, không có gì là không rõ. Đọc đoạn kinh văn, sẽ nghĩ đến lòng từ bi cực độ của Thế Tôn khi còn tại thế. Ngài dặn dò, nhắc nhở, khuyên dặn chúng ta phải biết bỏ ác tu thiện, Đức Phật đã dạy dỗ như thế.

Chúng ta thấy hầu như thánh hiền của mọi dân tộc, giáo chủ sáng lập mọi tôn giáo, đều từ bi như nhau. Cũng với cách nói năng, nhắc nhở, dặn dò lớp hậu sinh chúng ta như thế. Trước đây 200 năm, người Trung Quốc phần lớn có thể tiếp thu lời dạy đó, và y giáo phụng hành, cho nên xã hội cũng được ổn định, hài hòa.

Hoàn cảnh sinh sống quả thật y như trong đoạn kinh nói: Mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Nhưng về sau người ta càng lúc càng thờ ơ với lời dạy của thánh hiền, tín tâm suy thoái, không phải không có, nhưng trong đó thật sự đã nảy sinh hoài nghi. Nhất là sau cuộc cách mạng công nghiệp của phương tây, đã đem khoa học cận đại vào Trung Quốc. Tinh thần chủ yếu của khoa học là hoài nghi. Thế là chúng ta bắt đầu nghi ngờ văn hóa truyền thống, bắt đầu nghi ngờ tổ tiên, bắt đầu nghi ngờ Nho Thích Đạo. Nhưng lúc đó vẫn còn những người thuộc phe thủ cựu, vẫn chịu học. Rồi dần dần lớp kế thừa càng lúc càng ít, xu hướng nghiêng về khoa học kỹ thuật càng lúc càng đông. Cho đến nay người thủ cựu hầu như không còn, mà có thì cũng lực bất tòng tâm.

Đúng như lời đức Phật nói ở đây: “Kinh đạo dần diệt, nhân tâm dối trá, lại vì các điều ác, ngũ thiêu ngũ thống, ngày càng sâu nặng”. Nghĩa là Phật đã nêu hết tình trạng xã hội hiện nay của chúng ta. Thế nhưng thiên tai dồn dập, xã hội cực kỳ loạn động, cuộc sống thiếu cảm giác an toàn, nói gì đến mưu cầu hạnh phúc.

Cho nên mỗi ngày chúng ta xem những thông tin về các vụ tự tử, ta hiểu được vì sao họ phải tự sát. Lạ là độ tuổi của người tự tử đã tụt xuống còn cỡ học sinh cấp 1. Trẻ vị thành niên mười mấy tuổi sao phải tự sát? Đấy đều là những vấn đề nghiêm trọng của xã hội.

Từ trong kinh văn, Đức Phật dạy chúng ta: “Chuyển tướng giáo giới”. Câu này chính là biện pháp duy nhất cứu thoát khổ nạn, điều thánh hiền để lại phải được đem ra giáo hóa. Nếu trên đời có mười mấy hai mươi người đi giảng, tôi tin con người sẽ biết quay đầu. Giờ có thể sử dụng những công cụ này: Truyền hình vệ tinh, mạng truyền thông. Hiện nay kỹ thuật in ấn tiến bộ, giá thành in sách giảm nhiều nên có thế in và phát hành lượng lớn sách vở. Nhưng nhất định phải có người thực hiện, phải có người đứng ra giảng dạy thì mới giải quyết được vấn đề này.

Người dạy tâm phải như tâm của Phật. Tâm Phật là tâm như thế nào? Là lòng yêu thương chân thành.

Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ: “Thậm chí đối với cha mẹ thương con”. Hội sớ viết: “Cha mẹ chỉ giới hạn trong một đời”. Tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái kỳ hạn trong một đời, hết đời đó rồi thì không còn, không tìm thấy nữa. Thế nhưng Phật từ vô lượng kiếp, tình yêu thương che chở của Đức Phật đối với chúng sanh, thể hiện trên bất kỳ nẻo đường nào của lục đạo luân hồi. Phật che chắn cho ta đời đời kiếp kiếp, chỉ cần chúng ta chịu tiếp nhận, không bài xích thì chắc chắn gặp nhân duyên đó. Đức Phật và Bồ Tát sẽ sắp xếp cho ta.

“Cha mẹ không bình đẳng, Phật thường bình đẳng”. Tình yêu thương che chở của Phật bình đẳng với tất cả chúng sanh, bởi vì Phật không phân biệt, không hề chấp trước. Cha mẹ thì có phân biệt chấp trước. “Cha mẹ không thương con bất hiếu, Phật thương xót kẻ phản nghịch”, rất khác nhau. Con cái bất hiếu, tại sao lại thế? Đứa con đến báo oán, đến để đòi nợ, thì chắc chắn sẽ bất hiếu. Cha mẹ ghét những đứa con bất hiếu như thế, nhưng Phật lại khác.

/ 600