Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 542
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 16.08.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 695, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ kinh văn:
“Phật sở hành xứ, quốc ấp khưu tụ, mị bất mông hóa, thiên hạ hòa thuận, nhật nguyệt thanh minh, phong vũ dĩ thời, tai lợi bất khởi, quốc phong dân an, binh qua vô dụng, sùng đức hưng nhân, vụ tu lễ nhường, quốc vô đạo tặc, vô hữu oan uổng, cường bất lăng nhược, các đắc kỳ sở”. Đoạn này ở trước chúng ta đã học, hôm nay bắt đầu học từ đây, ý nghĩa đoạn này rất đặc biệt.
15 câu kinh văn này là Phật hóa chính trị giáo dục đại đồng chi trị, là chư Phật Như Lai từ bi vô lượng thị hiện, nên chúng ta nỗ lực học tập nó.
“Phật sở hành xứ”, là khu vực phát triển giáo dục Phật giáo có hiệu quả, bất luận là lớn hay nhỏ đều hiển thị ra cách trị đại đồng của Phật giáo, điểm này chúng ta phải đặc biệt lưu ý. Là đệ tử Phật, chúng ta phải thực hành đoạn kinh văn này nơi tự thân, thực hành trong gia đình. Đích thực có thể hưởng thụ được công đức lợi ích thù thắng trong việc giáo hóa của Phật Bồ Tát. Thực hành trên thân, thân tâm mạnh khỏe, hạnh phúc an vui. Như trước đây thầy Phương Đông Mỹ nói: “hưởng thụ cao nhất của đời người”.
“Quốc ấp khưu tụ”, là nơi giáo hóa của Đức Phật. Bộ kinh này là Đức Phật nói vào 3000 năm trước, lúc đó nói “quốc”, bất luận là ở Trung quốc hay Ấn độ, đều là thời đại bộ lạc nguyên thủy, nhất định phải biết điều này. Lúc đó nước không lớn, quý vị xem ở Trung quốc, vuông vức 100 dặm là nước lớn, nước nhỏ là 20 dặm, 30 dặm. Bây giờ chính là một thôn, một thị trấn, ngày xưa là nước nhỏ.
Lúc Đức Phật ra đời, tương đương với thời nhà Chu Trung quốc. Mở bản đồ của chúng ta hiện nay, từ lưu vực Hoàng hà đến lưu vực Trường giang, bên dưới kéo dài đến lưu vực Châu giang. Châu giang chính là nơi man di, nghĩa là trình độ văn hóa rất thấp. Hiện nay xem trên địa đồ, đại khái chỉ có ¼, ¼ có bao nhiêu nước? 800 chư hầu, đó là nước. Về sau thống nhất tất cả, sau khi nhà Tần thống nhất đều cắt những nước này thành huyện, cũng tức là một huyện là một nước, thậm chí trong một huyện có hai ba nước, nước rất nhỏ.
Khổng phu tử chu du liệt quốc, đại khái phạm vi ông đi cũng chỉ là một tỉnh, đó chính là chu du các nước. Nên một nước hiện nay gọi là một thành phố, một thành, ngày xưa chắn một bức tường, đó chính là một nước.
“Ấp” chính là như trấn, thôn trấn bây giờ vậy. “Khưu” và ấp ý nghĩa gần như nhau, có chút khác nhau. Có khi khưu lớn hơn ấp, có khi ấp lớn hơn khưu. “Tụ” đây chính là thôn trấn, thôn nhỏ, hiện nay chúng ta nói là huyện, trấn, hương, thôn. Chúng ta ở nơi thôn nhỏ, có thôn trưởng, khưu tụ chính là thôn. Ở đây có giáo dục Phật giáo, có thầy ở đây giảng kinh giáo hóa, nên đạt được giáo hóa của nhà Phật. Người người đều có thể tin, có thể hiểu, có thể hành trì, y giáo phụng hành.
Trong kinh điển Đức Phật thường dạy chúng ta, khuyến khích chúng ta: “tín thọ phụng hành”. Đối với giáo huấn của Phật Bồ Tát Thánh hiền nhân phải tin, phải tiếp thọ, phải tinh tấn thực hành nó. Trong kinh điển đại thừa Đức Phật thường nói: Tín thọ phụng hành, ở sau còn có một câu, “vì người diễn thuyết”, diễn là sao? Bản thân chúng ta phụng trì, biểu hiện trong hành vi cuộc sống của chúng ta, triển hiện cho mọi người thấy. Cũng chính là hiện nay nói, làm tấm gương tốt cho xã hội đại chúng noi theo, người ta nhìn thấy hoan hỷ, hâm mộ, cảm động, muốn học tập với quý vị. Đây là đệ tử Đức Phật, là truyền nhân của thánh hiền, cũng là biểu diễn, vì người diễn nói.
Diễn là thân giáo, thuyết là ngôn giáo, từng giờ từng phút phải giữ tâm giúp chánh pháp cửu trú, chánh pháp ở đâu? Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của chúng ta chính là chánh pháp, chánh pháp không ở bên ngoài, ngay tại bản thân. Bản thân phụng trì, chánh pháp cửu trú đều ở trên thân ta. Thân này của ta không thể thường trú, thân có sanh diệt, ta phải truyền cho người khác, truyền từ đời này qua đời khác, chánh pháp sẽ không bị diệt. Người truyền càng nhiều càng tốt, diện tích truyền càng rộng càng hay, đây là gì? Đây gọi là báo ân Phật, là hiếu đạo.