Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 540
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Liên Hải
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 14.08.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 693, hàng thứ hai.
“Vọng Tây- Vô Lượng Thọ Kinh Sao viết. Vấn: uế độ tu hành nhược thù thắng giả, tại thử khả tu, hà nguyện Tịnh Độ?” Vấn đề này hỏi rất hay. Chư Phật Như Lai tán thán người ở thế giới ta bà, ở thế giới chúng ta tu hành một ngày, vượt qua ở Thế giới Cực Lạc tu hành một trăm năm, tại thế giới chúng ta tu hành mười ngày vượt qua ở Thế giới Cực Lạc tu hành một ngàn năm. Chúng ta còn cần phải vãng sanh Tịnh Độ sao? Ở thế giới này không phải rất tốt rồi sao? Cho nên tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người có nghi vấn này. Vậy là không cần đến Tịnh Độ rồi. Cổ đức cũng biết vấn đề này phát sanh, cho nên ở đây đặc biệt giải thích cho chúng ta.
Đáp: trả lời vấn đề này. Như Yếu Tập nói, đây đều là trích dẫn lời của cổ đức, “kinh này chỉ hiển bày tu hành khó dễ”, chỉ là trên vấn đền này, thế giới ta bà tu hành khó, Thế giới Cực Lạc tu hành dễ dàng, trong khó khăn có thể tu hành, đây là điều đáng quí nhất, đây là điều đáng được tán thán. “Phi hiển thiện căn thắng liệt”, không phải bàn về thiện căn thù thắng hay hạ liệt. Ý nghĩa này phải hiểu. “Thí dụ bần tiện thí nhất tiền”, người nghèo khó, trong Liễu Phàm Tứ Huấn có thấy, một người con gái vô cùng nghèo khó, ở trong chùa bố thí hai đồng tiền, ngày xưa hai đồng tiền xu, hai đồng tiền nhiều ít? Chưa đến một xu. Thế hệ chúng tôi, lúc còn nhỏ dùng tiền xu bằng đồng, một xu tiền là đồng tiền xu bằng đồng, một hào là 30 đồng tiền xu bằng đồng. Nhưng chúng tôi thời đó một đồng xu là thời đại Mãn Thanh mười xu, xem là mười xu. Thời Mãn Thanh dùng đồng xu bằng đồng, ở giữa có một lỗ, ở giữa có một lỗ vuông, tiền đó bao nhiêu? 30 đồng bản mới là một xu, 30 đồng bản mới là một xu. Thời chúng tôi không dùng tiền đó, tiền Mãn Thanh đã bị đào thải không dùng nữa, dùng tiền bằng đồng xu, một đồng xu là mười văn tiền. Cho nên một hào tiền là 30 đồng bản. Một đồng là 300 đồng bản, rất đáng tiền, một đồng tiền rất giá trị. Người phổ thông ở thôn quê, một nhà bốn người, một nhà bốn người sinh hoạt phí mỗi tháng hai đồng tiền là đủ, là có thể nuôi cả nhà. Cho nên thời đó tiền rất giá trị, người nghèo khó bố thí một đồng tiền. “Tuy khả xưng mỹ”, đó là đáng được xưng tán, họ không dễ dàng, thực sự khó khăn. Trong hoàn cảnh nghèo khó như vậy, họ có thể bố thí một đồng, hai đồng, thật hiếm có, cho nên đáng được tán thán.
Mà không làm các việc, đồng tiền này không làm được việc gì. Rất đáng được tán thán, nhưng không làm được việc gì. Quí vị xem những ghi chép trong Liễu Phàm Tứ Huấn, người nữ nghèo này bố thí hai đồng tiền. Lão hòa thượng đích thân hồi hướng cho cô ấy, cầu phước cho cô ấy, vì sao vậy? Đó là tâm chân thành, tâm cung kính, không dễ dàng. Sau này cô ấy làm quí phi, quí phi của hoàng đế, lại đi ngang qua tự viện này, cúng dường 1000 lượng vàng, Lão hòa thượng không hồi hướng cho cô ấy, Lão hòa thượng bảo đồ đệ của ông làm lễ hồi hướng cho cô ấy. Cô ấy cảm thấy rất kinh ngạc, thỉnh giáo Lão hòa thượng vì sao năm xưa con cúng dường hai đồng tiền, ngài hậu đãi con như vậy, hiện tại con cúng dường một ngàn lượng vàng, ngài lại bảo đồ đệ hồi hướng cho con? Lão hòa thượng nói: năm xưa hai đồng tiền đó là chân tâm của cô, tâm đó rất đáng quý, hiện tại cô làm quý phi rồi, thứ cô có là tiền, một ngàn lượng vàng này đối với cô có là gì? Tâm của cô chưa đủ chân thành, tâm của cô là tâm ngạo mạn, đồ đệ của tôi hồi hướng cho cô là đủ rồi, không cần tôi phải hồi hướng. Nhưng một ngàn lượng có thể làm được việc. Ngày xưa hai đồng tiền không thể làm việc, cho nên đạo lý này cần phải hiểu.
Dưới đây nói, phú quý thí ngàn vàng, tuy không thể khen tốt mà có thể làm được mọi việc. Có thể làm được rất nhiều việc. Đây là ví dụ, hai thế giới cực lạc và ta bà khác nhau. Thế giới này tu thiện không dễ dàng, quí vị tu một chút việc thiện nhỏ, chư Phật Bồ Tát đều tán thán quí vị. Thế giới Cực Lạc ở nơi đó không có ác, toàn là thiện. Cho nên ở nơi đó tu thiện thì quá dễ dàng, không có ai tán thán quí vị.
“Việc tu hành ở hai thế giới cũng như vậy”, đạo lý này quí vị phải hiểu rõ. Nếu muốn làm các việc để nhanh chóng thành Phật lợi ích chúng sanh, chuyên vui với Tịnh Độ, hà tất phải lưu lại uế độ, không làm Phật đạo. Kết luận này là thành tựu rồi. Nếu như quí vị muốn nhanh chóng thành Phật, quí vị đi giáo hóa chúng sanh khổ nạn. Ở đây dạy một phương pháp là “chuyên hân Tịnh Độ”. Chữ hân này là hoan hỷ, hân là mong cầu. Vậy là đúng rồi.