/ 600
419

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 539

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 14.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 691, bắt đầu xem từ hàng thứ nhất.

“Như Bần Đắc Bảo, Đệ Tam Thập Thất”. “Phẩm trước”, đoạn trước khuyên nhủ nhiều lần, Phật nói ác khổ, chế phục chúng sanh, ngăn khiến bỏ ác, phẩm này nói nhân quả của thiện, nhiếp thọ chúng sanh, khích lệ tinh tấn, theo ác bỏ thiện, dứt khổ sanh tử, bước lên an lạc vô vi. Một hàng rưỡi này là lược thuật của Niệm Lão về đại ý của phẩm kinh này. Trước đây Phật nói cho chúng ta về năm ác khổ báo của thế gian, dụng ý là đang chế phục chúng sanh, khuyên răn mọi người buông bỏ suy nghĩ ác hành động ác. Phẩm này hoàn toàn nói về thiện nhân thiện quả.

Đây là Phật Bồ Tát nhiếp thọ chúng sanh, nhiếp thọ chính là tiếp dẫn, tiếp dẫn đại chúng, khích lệ tinh tấn. Điều bất thiện phải buông xuống, điều tốt phải tinh tấn. Theo thiện bỏ ác, nhổ gốc khổ sanh tử. Đây chính là nói sáu nẻo luân hồi. Nỗi khổ lớn trong sáu nẻo là sanh tử. Nỗi khổ khi được sinh ra, người bình thường đều quên hết, chúng ta đối diện là chết khổ. Con người lúc nào chết, chết bằng cách nào, toàn là ẩn số. Tuy có vận mệnh đang chủ tể, người hiện tại không tin tưởng vận mệnh, trên thực tế thì họ sống trong cảnh giới lo sợ, hoài nghi, bất an. Không có chút cảm giác an toàn nào. Đây là hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện nay. Chỉ có gặp được Phật Pháp, gặp được Tịnh Tông, có thể nói là nhân duyên thù thắng không gì bằng. Vì sao vậy? Đạo lý rõ ràng rồi, tâm liền an được, không còn do dự, không còn hoài nghi nữa. Trong cuộc đời này có phương hướng, có mục tiêu, chỉ cần tinh tấn nỗ lực, chắc chắn là hướng lên an lạc vô vi. Vô vi là Thường tịch quang, là Đại bát niết bàn. Vãng sanh đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc liền làm hàng xóm với Tịch quang với Niết bàn, hơn nữa chắc chắn trở về rồi.

Trong Cõi Thật báo thọ mạng này, chư vị Tổ sư thường nói vô lượng của hữu lượng. Vô lượng thọ là vô lượng của hữu lượng, nhưng từ Cõi Thật báo trở về Tịch quang thì đó thực sự là vô lượng, mãi mãi vô lượng, cho nên người ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc vô lượng thọ là thật, không phải là giả. Thông thường trong tôn giáo thường nói là vĩnh sanh, Phật Pháp Đại Thừa nói là vô lượng thọ. Trong tôn giáo nói là vĩnh sanh, thật có vĩnh sanh! Vĩnh sanh chứng đắc Phật quả rốt ráo. Không y theo kinh Phật kinh giáo tu hành cũng được.

Trong Phật Pháp thường nói tám vạn bốn ngàn pháp môn. Điều này đại khái chính là Phật Giáo! Nếu như nói vô lượng pháp môn, vậy có nên đem những pháp môn của tôn giáo khác, toàn bộ đều bao gồm vào trong đó? Đúng vậy, không sai tí nào. Bất cứ pháp môn nào cũng có thể thành Phật. Bởi vì thành Phật là bảo quí vị buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước quí vị liền thành Phật rồi. Không nhất định là học Phật, quí vị học tôn giáo khác, quí vị có thể buông bỏ chấp trước, đối với tất cả pháp thế gian xuất thế gian không còn chấp trước nữa, quí vị liền chứng A la hán, phương pháp gì cũng được. Buông bỏ phân biệt quí vị liền thành Bồ Tát. Buông bỏ khởi tâm động niệm quí vị liền thành Phật. Chúng ta thấy Huệ Năng đại sư là một ví dụ như vậy. Ngài chưa từng học qua Phật Giáo, quí vị tỉ mỉ quan sát từ trong Pháp Bảo Đàn Kinh, một tiều phu chặt củi, người hiện tại nói với họ tiều phu họ không hiểu, vì sao vậy? Vì nghề nghiệp này đã không còn nữa. Nghề nghiệp này hoàn toàn bị biến mất trên thế gian này, ít nhất cũng trên 60 năm rồi. Có thể nói từ sau thế chiến thứ hai kết thúc, thì nghề này không còn nữa. Trong thời kỳ kháng chiến có nghề này. Thế hệ chúng tôi còn tận mắt thấy được. Trong tác phẩm văn học Trung Quốc thường thường viết về ngư tiều. Ngư là người đánh cá, nghề này hiện nay còn, hiện tại trở thành cơ giới hóa rồi, tiều không còn nữa. Không biết chữ, chưa từng đi học, giáo dục Phật Giáo chính thức chưa từng tiếp thu qua. Ở Hoàng Mai được tám tháng, giảng đường chưa từng đi đến, thiền đường cũng chưa từng đi đến. Nói cách khác, giải môn và hành môn, đều chưa từng tiếp thu qua sự giáo huấn, một ngày cũng không có. Ngài dựa vào điều gì mà thành Phật? Ngũ Tổ truyền y bát cho Ngài. Dựa vào điều gì? bởi vì ngài thành Phật rồi. Bản thân ngài nói rất rõ ràng, thành Phật không liên quan gì đến kinh điển, hay pháp môn, cho nên trong vô lượng pháp môn bao gồm cả các tôn giáo khác nhau, các học phái khác nhau, toàn bộ bao gồm ở trong đó.

/ 600