/ 600
499

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 534

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 11.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 683, hàng thứ 3, bắt đầu xem từ hàng thứ 3.

Phẩm này lại nói rõ về ngũ thế ác khổ, tuy chỉ nói rõ về sự tướng, trên thực tế thì nói rõ ràng viên mãn về nhất tâm. Tâm uế tức cõi uế, tâm ác tức ác thú, tất cả đều là tự tâm sở hiện. Trong kinh nói tường tận thấu đáo về hai cõi tịnh và uế, khiến chúng ta biết mà rời xa. Đoạn ở sau là tổng kết của phẩm này.

Phẩm kinh này là nói về chúng sanh tạo ác thọ khổ trong đời ngũ trược ác thế. Tuy trong kinh văn đều nói về sự tướng, sự tướng này từ đâu mà có? Trong kinh giáo nói rất nhiều: Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Cho nên nói sự tướng chính là hiển nhất tâm, vì tướng là do tâm hiện thức biến. Từ sự nhìn thấy tâm, tâm tịnh sự tướng sẽ thanh tịnh, tâm uế tức cõi uế, cõi là đất đai, sơn hà đại địa, ngày nay chúng ta nói bị nhiễm ô. Nhiều năm lại đây, hoàn cảnh chúng ta sống chịu sự nhiễm ô rất nặng, nên danh từ “hoàn bảo” đã xuất hiện. Tôi nhớ, lần đầu tiên tôi đến HongKong, hơn 30 năm trước, không nghe đến danh từ hoàn bảo này, danh từ hoàn bảo này mới xuất hiện gần đây. Hoàn cảnh nhiễm ô quá nghiêm trọng, nguy hại đến sức khỏe của những người dân bình thường, như vậy mới chú ý đến. Hiện nay chính phủ và nhân dân trên toàn thế giới đều rất coi trọng việc bảo vệ môi trường, có thu được hiệu quả chăng? Có lẽ chư vị học Phật biết, không có hiệu quả lớn, vì sao vậy? Không làm tốt môi trường tâm lý, tâm chúng ta bị nhiễm ô, nên hoàn cảnh bên ngoài vĩnh viễn không sạch sẽ được.

Phải bảo vệ môi trường từ đâu? Phải bắt đầu từ tâm. Quý vị xem trong Phật pháp có tâm thanh tịnh, nếu tâm được thanh tịnh, thì hành vi của chúng ta sẽ thanh tịnh, sơn hà đại địa bên ngoài tự nhiên không bị ô nhiễm. Nói đến sau cùng vẫn là nói đến nhất tâm, nhất tâm đích thực là nguồn gốc của vạn pháp. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “nên quán pháp giới tánh, tất cả do tâm tạo”. Tâm thiện không có gì không thiện, tâm ác mọi thứ đều ác. Bởi thế trong Phật pháp đại thừa, sau cùng đều quy về “tất cả mọi thứ đều từ tâm hiện ra”. Chúng ta quan sát tâm hành của hữu tình chúng sanh, quan sát hiện tượng của sơn hà đại địa, sẽ biết được ở đây là Tịnh độ hay là uế độ.

Trong kinh nói rõ ràng tường tận về hai cõi tịnh và uế. Trong Kinh Vô Lượng Thọ thường đem thế giới Ta Bà và thế giới Cực Lạc ra so sánh, để thấy được sự ô nhiễm của Ta Bà và sự thanh tịnh của tây phương, chúng ta sẽ biết, từ lý mà nói Cực Lạc và Ta Bà là một không phải hai, đều là tâm hiện thức biến. Chứng minh cư dân ở thế giới Cực Lạc tâm địa thanh tịnh bình đẳng, nên y báo ở đó cũng thanh tịnh trang nghiêm. Còn hoàn cảnh cư trú trên trái đất này, cư dân tâm hành bất thiện, nên thiên tai hiện tiền. Vì sao tâm hành chúng ta bất thiện thiên tai liền hiện tiền? Điều này trong kinh điển Đức Thế Tôn cũng dạy rất nhiều. Ngài nói: “Tướng do tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyển”. Tướng là hết thảy mọi hiện tượng, không riêng cá nhân chúng ta, mọi hiện tượng đều từ tâm sanh. Cảnh giới nhỏ là nói thân thể mỗi chúng ta, thân thể chúng ta tốt hay không mấu chốt đều ở tâm lý, tâm tốt thân thể sẽ tốt, tâm không tốt thân thể nhiều bệnh, tâm chuyển cảnh giới. Hoàn cảnh cư trú cũng có liên quan đến tâm hành của chúng ta, nếu như tâm hành chúng ta thuần tịnh thuần thiện, đó chính là thế giới cực lạc, còn tâm hành chúng ta bất thiện, đó là hoàn cảnh của chúng ta hiện tại.

Nếu chúng ta hy vọng hoàn cảnh cư trú tốt đẹp, đối với giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, giáo huấn của Phật Bồ Tát, thật sự có thể tiếp thu, thật sự có thể y giáo phụng hành, thì hoàn cảnh sống của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp, có thể hóa giải được thiên tai. Nên bộ kinh này đã đối chiếu rõ ràng hai thế giới, khiến chúng ra sanh tâm chán ghét. Hâm mộ, hoan hỷ đối với thế giới Cực Lạc, và hy vọng rời xa địa cầu chúng ta đang sống, nói như cách nói bây giờ là di dân đến thế giới Cực Lạc. Có thể chăng? Có thể, không những được mà còn rất dễ, không phải là việc khó. Điều kiện di dân đến thế giới Cực Lạc rất đơn giản, chỉ có ba chữ: Tín nguyện hạnh. Thật sự tin tưởng không có chút hoài nghi đối với thế giới Cực Lạc và Phật A Di Đà, có một nguyện vọng khẩn thiết: Tôi rất muốn đi. Hạnh chính là trong kinh nói: “Phát tâm bồ đề, nhất hướng chuyên niệm”, quý vị có thể vãng sanh. Quý vị nhất định phải biết, phát tâm bồ đề, tâm bồ đề là tâm thanh tịnh.

/ 600