/ 600
601

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 533

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 11.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 681, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu trường thọ.

“Trường thọ tức trường sanh, thế gian làm gì có chuyện trường sanh. Chỉ có chứng quả vô sanh, mới không sanh không diệt, nên rời sanh tử thế gian, mới là trường sanh thật sự”.

Câu này là lý niệm rất quan trọng trong Phật pháp, người học Phật biết được thật tướng các pháp. Trong Kinh Bát Nhã thường nói, nói rất nhiều. Chư pháp là tất cả pháp giữa vũ trụ, thật tướng chính là chân thật tướng, chân thật tướng là gì? Chân thật tướng chính là nói, ba loại hiện tượng đều là hư vọng: hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hiện tượng tự nhiên, trong tự tánh hoàn toàn không có. Hoàn toàn không có, đây mới gọi là trường thọ, đây mới thật sự gọi là vô lượng thọ, vì sao vậy? Vì không có sanh diệt. Có sanh có diệt, trường thọ đó là vô lượng thọ của hữu lượng, không phải thật, vậy thật là gì? Thật là tự tánh. Ở đây nói cho chúng ta rất rõ ràng: Thế gian, trong mười pháp giới, thông thường những gì chúng ta có thể lãnh hội được là luân hồi lục đạo, thế gian lục đạo. Thực tế là bao gồm tứ thánh pháp giới trong mười pháp giới, thập pháp giới này gọi là thế gian. Trong mười pháp giới đầy đủ ba loại hiện tượng, chính là hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần và hiện tượng tự nhiên. Thế gian có, nếu vượt qua thế gian này sẽ không có, ba loại hiện tượng liễu bất khả đắc. Bởi thế trong kinh Đức Phật thường nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, quý vị phải hiểu như thế nào là thật, như thế nào là giả, thì mọi việc sẽ được giải quyết. Ba loại hiện tượng là giả, không phải thật, là huyễn tướng. Trong Kinh Kim Cang nói nó là mộng huyễn bào ảnh, đây là chân tướng sự thật. Sau khi thật sự hiểu rõ, phương hướng của quý vị phải hướng đến tự tánh, đây gọi là chánh đạo. Thiên lệch xa rời tự tánh, đây gọi là tà đạo, quý vị đã lệch hướng, lệch hướng sẽ không ra được luân hồi lục đạo. Nếu quý vị là chánh đạo, chắc chắn sẽ thành tựu ngay trong đời này, vĩnh viễn thoát ly.

Bởi thế nên biết rằng, nhục thể của chúng ta là hiện tượng vật chất, tư duy và tưởng tượng của chúng ta là hiện tượng tinh thần, đều không phải là thật. Nó có sanh có diệt, chân tướng của sanh diệt chúng ta cũng không nhận ra, duy chỉ có Phật biết được. Vấn đề này phàm phu không biết được, chỉ có Đức Phật biết.

Đối thoại của Đức Thế Tôn và Di Lặc Bồ Tát, chúng ta nghe xong hình như cũng biết. Cái biết này của chúng ta là lời truyền miệng, không phải cảnh giới hiện lượng của chính mình. Cho nên tuy đã biết, nhưng không đạt được thực dụng. Nếu thật sự biết, khế nhập cảnh giới này, nói cho chư vị biết, họ đã liễu sanh tử xuất tam giới. Liễu sanh tử là thấu triệt chân tướng của sanh tử, là giả, là không, giống như giấc mộng vậy. Khi nằm mộng là sanh, tỉnh dậy đã chết, sự việc chính là như vậy, thời gian vô cùng ngắn ngủi.

Một khảy móng tay có 320 triệu, một lần khảy móng tay có 320 triệu, là 320 triệu lần sanh diệt, 320 triệu lần sanh tử, đây gọi là chân tướng. Có sanh tử chăng? Không có sanh tử, những hiện tượng chúng ta nhìn thấy là sai, hiện tượng này rốt cuộc là gì? Ở trước chúng ta đọc một câu rất hiện thực, bày tỏ rất rõ ràng, trước đây chúng ta thường gọi nó là tướng tương tự tương tục, ý nghĩa của nó giống với ý bất đoạn chi vô. Bất đoạn chính là tương tục, tương tục là gì? Tương tục là vô, vô chính là trong Kinh Bát Nhã nói: Nhất thiết pháp bất khả đắc, tất cánh không, vô sở hữu, đây là vô, đây là tôi tổng kết lại trong 600 cuốn Đại Bát Nhã, Đức Phật đã nói với chúng ta điều gì? Nói về thật tướng các pháp, thật tướng là gì? Thật tướng là vô sở hữu, là tất cánh không, là bất khả đắc. Nếu chúng ta hiểu thật sự, Bồ Tát thật sự hiểu, thế nào gọi là hiểu thật sự? Nó khởi tác dụng, khởi tác dụng gì? Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ đã hồi phục. Vì họ biết tất cả pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc, buông bỏ toàn bộ các pháp, buông bỏ tất cả, thanh tịnh bình đẳng giác liền hiện tiền. “Biết” là giải ngộ, “buông bỏ” là chứng ngộ. Giải ngộ không được lợi ích chân thật, không đạt được lợi ích chân thật, lợi ích chân thật chính là bất sanh bất diệt, quý vị đã chứng được vô sanh. Giải ngộ là nghe được từ Chư Phật Bồ Tát, tôi nghe hiểu, minh bạch, không hoài nghi. Việc sau đó Phật không giúp được, đây là việc của chính mình, bản thân phải buông bỏ. Buông bỏ khởi tâm động niệm nghĩa là buông bỏ tất cả, tức thành Phật, tất cả đều đã buông bỏ. Còn khởi tâm động niệm, nhưng buông bỏ phân biệt chấp trước, quý vị là Bồ Tát. Quý vị vượt khỏi luân hồi lục đạo, nhưng chưa vượt khỏi mười pháp giới, cần phải buông bỏ khởi tâm động niệm, tức là vượt ra mười pháp giới, thật là vô lượng thọ. Bởi thế trường thọ, là mỗi người chúng ta đều có, không có gì kỳ lạ, thọ mạng của mỗi người đều là vô lượng vô biên. Quý vị nên biết không phải thân thể này, thân thể có sanh có diệt, thân thể không phải ta, ta là gì? Ta là linh tánh, linh tánh không có sanh diệt, linh tánh lêu lổng bên ngoài, gọi là du hồn. Nếu linh tánh quay đầu, trở về cõi thật báo, đây gọi là Bồ Tát. Sau cùng trở về tự tánh, tức là thành Phật. Chỉ có Diệu Giác Bồ Tát mới gọi là Phật, Diệu giác trở về thường tịch quang, trở về tự tánh. Thường tịch quang chính là “nê hoàn”, nê hoàn nghĩa là niết bàn, “viên chứng tam đức là chứng quả cao nhất”. Tam đức là pháp thân, bát nhã, giải thoát, chứng được cả ba đức này, ba đức này trong tự tánh vốn có.

/ 600