Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 532
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 10.08.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 680, hàng thứ năm từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ đoạn giữa. Bắt đầu xem từ “người ác tạo ác nghiệp”.
“Người ác tạo ác nghiệp, trồng nhân ác, được quả ác, nên đời sau sanh vào nhà ti tiện, hình dung khô khan, đói lạnh xen nhau bức bách, khiến thân tâm sầu não, gọi là khổ”. Đây là tổng kết về quả báo thiện ác không giống nhau, người thiện làm việc thiện, người ác tạo điều ác, họ trồng nhân ác, tạo nghiệp ác. Ác nghiệp là sát đạo dâm vọng, đây là ác nghiệp, ác nhân là tham sân si mạn, ngày nay chúng ta nói năm điều tham sân si mạn nghi. Ác quả, ở đây đầu tiên đưa ra là nghiệp báo. Quý vị xem, người thiện làm việc thiện, đời sau sanh vào nhà tôn quý, phước báo lớn thì sanh lên cõi trời, phước báo nhỏ thì hưởng phước ở nhân gian. Người ác không như vậy, kẻ ác đời sau sanh vào nhà ty tiện, coi là không tệ, vì sao vậy? Vì họ không mất thân người, vẫn được sanh vào cõi người, vào cõi người nhưng đời này không có quả báo, sống cuộc đời bần hàn, đây là những gì chúng ta nhìn thấy trước mắt. Nhân tạo ra trong đời quá khứ, đời này phải nhận quả báo, phải chịu quả báo. Nhà ti tiện, nghĩa là gia đình bần tiện, trong xã hội không có của cải, không có địa vị. Hình dung khô khan, đây là nói thân thể không tốt, trẻ nhỏ không đủ dinh dưỡng. Lại gặp phải đói lạnh xen nhau bức bách, nên thân tâm đều rất đau khổ sầu não, đây là chúng ta thấy tình huống của thân tâm.
Bên dưới nói: “Lại ngu muội vô tri, không tin chánh pháp, không tin việc thiện, nên gọi là minh”. Đương nhiên trẻ con lớn lên không tiếp nhận được nền giáo dục tốt, đặc biệt là trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, rất dễ nhiễm thị hiếu không hay, đây là ngu muội vô tri. Họ không tin giáo huấn của thánh hiền, cũng không tin giáo huấn của Phật Bồ Tát. Xã hội hiện nay hoàn toàn học theo phương tây, khái niệm của người phương tây là gì? Họ cho rằng con người đều tự tư, không tin thế gian có người tốt, đây là khái niệm của người phương tây. Quý vị nói mình là người tốt, phải đưa chứng cứ ra, chứng minh quý vị là người tốt, không làm việc xấu, hoàn toàn khác với phương đông.
Giáo dục của người Trung quốc ngày xưa, từ nhỏ đã dạy tánh người vốn thiện, trong mắt người xưa, hết thảy mọi người đều là người tốt, không có người xấu. Nếu nói người xấu, phải lấy chứng cứ quý vị làm ác ra, chứng minh quý vị là người xấu, đây là cách nhìn cơ bản khác nhau về nhân sinh quan của phương phương đông và phương tây. Cách nhìn của Phật Bồ Tát đối với vấn đề này, Đức Phật nói rất rõ ràng: “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”, điều này đồng nhất với các bậc thánh hiền, họ nói bản tánh vốn thiện, bất thiện thì sao? Bất thiện là họ tự học được, là sau khi sanh ra họ tự học được, bởi thế giáo dục trở thành vô cùng nghiêm trọng. Tánh người: “Tánh tương cận, tập tương viễn”, đây là nói bản tánh của mỗi người vốn thiện, tập tánh bất thiện. Tập tánh thiện, người này chính là thánh nhân, chính là hiền nhân.
Các bậc thánh hiền nói, người người đều là thánh nhân, người người đều là hiền nhân, tập tánh tốt không phải đều là thánh hiền sao? Nếu ta không dạy thì họ học điều hư hỏng trong xã hội, tập tánh đó là bất thiện. Họ và bản tánh, bản tánh thiện, tập tánh bất thiện, khoảng cách ngày càng xa, nên cần phải giáo dục, cần giáo dục của thánh hiền, cần giáo dục về thiện.
Chúng ta hãy xem thế giới ngày nay so với ngày xưa, ta sẽ hiểu. Ngày xưa, những gì ghi chép, nói lại trong Lễ Vận của Lễ Ký, thời thượng cổ dùng cách trị đại đồng. Phục Hy, Thần Nông, Hoàng đế cho đến Nghiêu Thuấn, đều duy trì cách trị đại đồng này. Đến Hạ Thương Chu, sau khi Hạ Ngu chết truyền ngôi cho con, người con này rất tốt, chư hầu ủng hộ ông, nhân dân ủng hộ ông. Quả thật là một người tốt, nên đã truyền cho con trai. Từ đó về sau cha truyền con nối, trở thành nhà thiên hạ, còn trước đó thật sự là tuyển chọn người hiền lên ngôi, làm vua một nước. Ai kế thừa? Tuyển người, tuyển người đức hạnh, tuyển người có học vấn, tuyển người có kiến thức, tuyển người có năng lực làm việc, không nhất định chọn con trai.