/ 600
501

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 531

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 10.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 678, bắt đầu xem từ hàng sau cùng.

“Đại mạng tương chung, hối cụ giao chí. Nghĩa Tịch vân: Sanh tử vi đại mạng, cùng bức vi tiểu mạng. Hối cụ giả, Vọng Tây vân: Hối cụ đẳng giả, mạng dục chung thời, ngục hỏa lai hiện, kiến thử tướng thời, sanh cụ sanh hối, hối cụ câu lâm, cố vân giao chí”.

Đây là ngu si mê muội, bất tri bất giác, hữu ý vô ý tạo ra tội nghiệp của tam đồ. Đại mạng là khi mạng chung, lúc này sợ hãi hối hận cũng đã muộn. Sư Nghĩa Tịch nói rằng: Sanh tử gọi là đại mạng. Nghèo khốn, khổ sở, già bệnh là tiểu mạng. Hối hận sợ hãi, sư Vọng Tây nói: hối hận sợ hãi..., những thứ này, khi tuổi thọ sắp hết, địa ngục lửa hiện ra, chính là tướng địa ngục hiện tiền, chúng ta nhìn thấy địa ngục. Lúc nhìn thấy địa ngục, không ai không sợ hãi, vấn đề này trong lòng người học Phật đều hiểu rõ.

Kinh Địa Tạng nói rất rõ ràng, cảnh giới địa ngục chỉ có hai hạng người có thể nhìn thấy: Thứ nhất là Bồ Tát, họ đến địa ngục để giáo hóa chúng sanh nên mới nhìn thấy. Thứ hai chính là nghiệp địa ngục thuần thục, họ phải đến địa ngục thọ báo, vì thế họ thấy được. Ngoài hai hạng người này ra, dù địa ngục ngay trước mặt cũng không nhìn thấy. Giống như ông Chương Thái Viêm, Đông Nhạc đại đế phái hai tiểu quỷ dẫn ông đến xem địa ngục cột đồng cháy, ông đến đó, tiểu quỷ chỉ nói đã đến, nhưng ông không thấy gì. Ông hoát nhiên đại ngộ, toàn là do nghiệp lực biến hiện ra. Lúc tạo nghiệp không hề hay biết, khi quả báo hiện tiền mới kinh hoàng, sợ hãi, hối hận, nhưng lúc này đã trễ, nhất định phải gánh chịu.

Địa ngục lửa, đây là nói tổng tướng và biệt tướng khác nhau rất nhiều. Tổng tướng đều là một biển lửa, nên gọi là ngũ ác, chúng ta đang tạo ác, tạo nhân. Ngũ thống là quả báo hiện đời, ngũ thiêu là quả báo địa ngục trong đời sau. Chữ thiêu này chính là địa ngục, không phải ngạ quỷ, súc sanh, nó chính là địa ngục. Điều này ở sau kinh này nói rất rõ ràng minh bạch, là vì điều gì vậy? Là vì dạy chúng ta không nên tạo nghiệp địa ngục. Mọi người đều hy vọng mong cầu tích lũy công đức, nhưng bản thân không làm được, vì sao không làm được? Nguyên nhân chung như trong kinh nói: Do tâm không thanh tịnh, tâm không bình đẳng, muốn tu tất cả điều thiện nhưng không thành công, vì sao vậy? Điều thiện mà ta tu, trong đó xen lẫn điều ác, không phải thuần thiện. Ai có thể tu thuần thiện? Người tâm địa thanh tịnh sẽ thuần thiện, khi tâm đến bình đẳng, cái thiện đó bình nhất, thuần nhất_Chân thiện.

Không có tâm thanh tịnh bình đẳng, tất cả thiện nghiệp ta tu được đều không thuần, quả báo vẫn không ra khỏi tam đồ, niệm Phật không thể vãng sanh. Niệm Phật như vậy, chỉ trồng được hạt giống Phật A Di Đà vào trong A lại da thức, khi nào thuần thục? Đó là việc của đời sau kiếp sau, nếu quý vị hỏi khi nào thuần thục? Khi nào ta dùng chân tâm, dùng tâm thanh tịnh bình đẳng, lúc đó là thành thục. Bởi thế dạy chúng ta sửa đổi, sửa đổi điều gì? Dạy chúng ta sám hối, sám hối điều gì? Sám trừ những gì không thanh tịnh không bình đẳng, quý vị sẽ thành công, đời này mới có hy vọng.

Tôi dạy người khác, chính tôi cũng làm như vậy, tôi biết người này có thành kiến, có ác niệm đối với tôi, không thể bao dung tôi. Tôi đều cầu cho họ sống lâu, lấy công đức tu học giảng kinh của mình ngày ngày hồi hướng cho họ, hy vọng hóa giải được oán kết này. Nếu họ muốn gặp tôi, tôi sẽ đảnh lễ họ. Tôi bao dung họ được, là họ không thể bao dung tôi. Trong kinh, từng giờ từng phút Chư Phật Bồ Tát đều khuyên chúng ta: Oan gia nên giải không nên kết, làm sao để biến oan gia thành thân gia, biến người ác thành người tốt? Đây là công đức, công đức chân thật, công đức này có thể giúp ta vãng sanh, giúp ta tăng cao phẩm vị.

Người này không tốt với mình, mình có ý kiến về họ, không hại họ, nhưng luôn bài xích sau lưng, không tiếp cận họ. Trên pháp thế gian mà nói thì được coi là không tệ, vì quý vị không có tâm hại họ, nhưng quý vị đã đoạn pháp thân huệ mạng của họ. Nếu có thể bao dung họ, là trưởng dưỡng pháp thân huệ mạng của họ, công đức này không thể kể xiết, có mấy ai nghĩ đến điều này? Nên có thể đem vô thượng công đức mà bản thân mình tu được trong một đời, chính mình chà đạp nó, không chịu đi làm, còn tự cho mình không tệ, mình rất độ lượng, không thù hằn họ, nhưng không cho họ cơ hội được pháp thân huệ mạng. Không thể coi oan gia trái chủ là người thân nhất của mình, như cha mẹ vậy. Tuy họ không đồng ý học Phật, nhưng mỗi niệm đừng quên phải giúp họ học Phật, giúp họ giác ngộ, tâm này là tâm bồ đề. Chúng ta đều đọc, đều biết điều kiện gì có thể vãng sanh? Phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm Phật A Di Đà, nhưng tâm bồ đề chúng ta không phát được. Cứ tưởng rằng đây là tâm bồ đề, thật ra không phải. Tâm bồ đề, chúng ta nói rất rõ ràng, là thanh tịnh bình đẳng giác. Nhưng tâm chúng ta không thanh tịnh, chưa trừ sạch oán hận não nộ phiền. Không thể giống như trong Hoàn Nguyên Quán nói, trong Hoàn Nguyên Quán là tánh đức, không có tâm lượng này. Chu biến pháp giới, xuất sanh vô tận, hàm dung không hữu_hàm dung không hữu là tâm lượng, tâm lớn bao nhiêu? Có thể ôm trọn hư không, đây là hàm, hàm không. Có thể dung nạp vạn pháp, không có gì không thể dung nạp_Hàm không dung hữu. Vì sao phải làm như vậy? Đây là chân tâm chúng ta, ta vốn là như vậy, hiện nay tâm lượng lại biến thành nhỏ nhen như vậy, một người cũng không thể bao dung. Tâm lượng càng nhỏ, quý vị càng khổ, tâm lượng nhỏ đến tột cùng chính là địa ngục A tỳ. Tâm lượng của quỷ lớn hơn địa ngục, tâm lượng của súc sanh lại lớn hơn quỷ. Theo lý mà nói tâm lượng của người đáng lẽ phải lớn hơn chúng sanh trong ba đường ác, nhưng tâm lượng chúng ta hiện nay không bằng ba đường ác. Bởi thế chúng sanh ba đường ác đều được vãng sanh, được ra khỏi, còn chúng ta thì sao? Sau khi chết thay vào vị trí của họ, đều sa vào ba đường ác.

/ 600