/ 600
415

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 522

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 04.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 662, hàng thứ bảy, bắt đầu xem đoạn kinh văn đó.

“Kỳ nhị giả, thế gian nhân dân, bất thuận pháp độ, xa dâm kiêu túng, nhậm tâm tự tứ, cư thượng bất minh, tại vị bất chính, hãm nhân oan uổng, tổn hại trung lương, tâm khẩu các dị, cơ ngụy đa đoan, tôn ty trung ngoại, cánh tướng khi cuồng, sân nhuế ngu si, dục tự hậu dĩ, dục tham đa hữu, lợi hại thắng phụ, kết phẫn thành thù, phá gia vong thân, bất cố tiền hậu, phú hữu xan tích, bất khẳng thí dữ, ái bảo tham trọng, tâm lao thân khổ, như thị trí cánh, vô nhất tùy giả, thiện ác họa phước, truy mệnh sở sanh, hoặc tại lạc xứ, hoặc nhập khổ độc, hựu hoặc kiến thiện tắng báng, bất tư mộ cập, thường hoài đạo tâm, hi vọng tha lợi, dụng tự cúng cấp, tiêu tán phục thủ, thần minh khắc thức, chung nhập ác đạo, tự hữu tam đồ, vô lượng khổ não, triển chuyển kỳ trung, lụy kiếp nan xuất, thống bất khả ngôn. ”

Trong ngũ ác, đây là đoạn thứ hai: đạo ác. Đoạn trước đoạn thứ nhất là sát sanh, đây là trộm cắp. Chúng ta xem tập chú của Niệm Lão.

“Nhị” là đoạn thứ hai. “Minh đạo ác” nói rõ sự ác của trộm cắp, “ư hữu chủ vật” vật này chỉ cần là vật có chủ nhân, “nhược đa nhược thiểu” bất luận là nhiều hay ít, “bất dữ nhi thủ”, chưa có sự đồng ý của chủ nhân, đồng ý của chủ vật đó, quí vị tuỳ ý lấy dùng, đều gọi là ăn trộm, cho nên giới trộm cắp này không dễ trì. Nhất định phải rất cẩn thận, thận trọng. Vì sao vậy? Cố ý vô ý, có lúc quen rồi không biết tội lỗi này nặng đến như vậy. Tâm trộm cắp, chúng ta thường nói, có ý lợi dụng chính là tâm trộm cắp, rất khó trì! Người buôn bán rất nhiều, người ở nhà cũng rất nhiều, luôn nghĩ cách lách kẻ hở pháp luật, ít nộp thuế một chút, lợi dụng quốc gia, tội lỗi này còn nặng hơn người trộm cắp của cải. Vì sao vậy? Trộm tài vật của người, quí vị chỉ thiếu nợ một người, quí vị trốn thuế quốc gia, quốc gia này có bao nhiêu nhân khẩu đều là chủ nợ hết. Tương lai trả nợ trả không xong. Sự việc này phiền phức.

Cho nên trong Phật Pháp nói, trong giới trộm cắp nghiêm trọng nhất gọi là vật của thập phương. Chùa chiền am đường là đạo tràng mười phương. Mỗi người xuất gia đều có phần, quá khứ hiện tại vị lai, thế giới này hay phương khác, mười phương quốc độ chư Phật, vô lượng vô biên chúng xuất gia đây là Phật Pháp Tăng, tất cả họ đều có phần. Cho nên trong kinh Phật nói là lời chân thật, không phải là dọa dẫm người ta. Quí vị tạo ngũ nghịch thập ác, Phật đều có cách cứu quí vị. Trộm của thường trụ Phật không thể cứu quí vị. Của thường trụ là của chùa chiền am đường. Quí vị trộm của họ một đồng tiền, quí vị trộm của họ một vật phẩm, tội lỗi đó Phật không có cách gì cứu quí vị. Vì sao vậy? vì nặng quá. Chủ nợ của quí vị nhiều quá. Tăng chúng xuất gia trong mười phương ba đời tất cả quốc độ chư Phật, họ đều có phần, quí vị đều mắc nợ họ. Món nợ này trả như thế nào? Không có cách gì để trả. Đến nơi nào để tiêu những nghiệp này? Địa ngục vô gián, khổ không kể xiết. Lời này tôi không thể nói nhiều, không thể nói kỹ, chỉ nhắc đến mà thôi. Bản thân quí vị phải tỉ mỉ để lãnh hội, phải tôn trọng đồ vật của thường trụ. Đó là tất cả tài vật mà người tu hành có được, nuôi dưỡng thân mạng của họ, nuôi dưỡng đạo nghiệp của họ, người thiện tâm trong mười phương cúng dường họ. Tội lỗi này rất lớn rất lớn, không thể không biết. Trong Kinh Địa Tạng nói rất rõ ràng.

“Hành vi trộm ác, gốc ở ba độc, tham dục keo lẫn, dễ sanh tâm trộm cắp”. Con người không tham, họ sẽ không trộm cắp tài vật của người khác, tâm tham rất nặng, tham tài, tham danh, tham lợi, đối tượng tham nhiều quá. Cố ý vô ý, có ý là khởi tâm trộm cắp, trộm cắp tài vật. Vô ý phần lớn là những việc nhỏ nhặt, thường thường sơ suất rồi, tùy tiện chiếm dùng, tùy tiện di dời nó. Đây là tập khí bất lương của con người, gọi là thói quen.

“Chư ác tương tư”, làm ác không phải là một việc đơn thuần, dường như là tham, sân, si, mạn, nghi, một loại ác niệm khởi lên, những thứ khác đều dung hòa trong đó. Chư ác là năm ác mà trong kinh thường nói, đều phạm hết. Vậy là tạo thành lỗi trộm cắp, nếu như phán quyết là định án được rồi.

/ 600