/ 600
386

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 523

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 04.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 663, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai.

“Thọ hối dĩ thuộc đạo hành, huống phục hãm nhân oan uổng, tổn hại trung lương, hãm giả vu hãm, hãm hại. Oan giả khuất dã, uổng giả tà khúc dã, trung giả, kính sự trực hành, phụng công vong tư, lương giả thiện dã. Như thị ác nhân, tật đố hiền giả, hãm hại trung lương. Kỳ nhân chi ngôn tất xảo nịnh bất trung. A du thủ vinh, phỉ báng lương thiện, uổng hãm nhân phi tâm khẩu bất nhất. Cố vân tâm khẩu các dị, cơ ngụy đa đoan.”

Đây là nói tội ăn trộm. Từ trong trộm cắp sản sanh rất nhiều tội nghiệp, đều là do tâm trộm cắp mà nảy sinh ra. Cho nên năm ác không phải chỉ đơn thuần phạm một loại. Bất cứ một loại nào cũng đều kéo theo nhau, rất nhiều ác nghiệp ở trong đó. Đây là một việc rất đáng sợ. Chỉ có Phật Bồ Tát nói về sự việc này một cách rõ ràng, nói thấu đáo thôi. Vì vậy trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, nhất định không thể có tâm niệm lợi dụng người khác. Sự việc tuy nhỏ, nhưng nó là tâm trộm cắp. Tâm trộm này nếu như quí vị không chấm dứt nó, quí vị để nó tùy ý phát triển, tương lai có thể tạo thành tội nghiệp lớn. Bất cứ sự lợi dụng nhỏ nào, tâm niệm lợi dụng cũng không nên có, mới có thể giữ được giới trộm cắp. Kết tội của trộm cắp, trong giới luật nhà Phật nói rất rõ ràng. Quí vị lấy trộm tài vật của một người thì dễ, tương lai quí vị trả nợ trả cho một người. Nếu như quí vị lấy trộm, ví dụ như khu vực nơi chúng ta đang cư trú, công trình công cộng của khu vực này là của tất cả những người trong khu vực này, đem tiền ra kiến tạo công trình công cộng, quí vị phá hoại nó, quí vị lấy trộm nó, vậy kết tội này là gì? Tất cả những người trong khu vực này đều là chủ nợ của quí vị. Quí vị trả nợ không phải trả cho một người. Trong khu vực này có mấy trăm người tất cả đều là chủ nợ của quí vị. Tương lai quí vị đều phải trả cho mọi người. Quí vị xem có phiền phức hay không. Hiểu rõ được đạo lý này, như công trình công cộng của nơi này là chính phủ thiết lập, vậy là quí vị phải hiểu được. Ví dụ như điện thoại công cộng, quí vị lấy trộm nó đem về nhà để dùng, cư dân trong huyện đó, ở Trung Quốc một huyện lớn hơn một triệu người, hơn một triệu người này đều là chủ nợ của quí vị. Vì thế quí vị phải nghĩ đến, nếu như là của quốc gia xây dựng nên, sự xây dựng này dùng tiền thuế của nhân dân cả nước để xây dựng nên, đồ vật tuy nhỏ, nếu như quí vị lấy nó đem về nhà để dùng, thì chủ nợ của quí vị chính là quốc dân trong toàn quốc. Những người nộp thuế này toàn là chủ nợ của quí vị, trả không hết!

Trộm cắp là tội rất dễ phạm, vô ý hay cố ý đều rất dễ phạm, nhưng quả báo sau này không thể tưởng tượng nổi. Trong giới luật Phật Giáo nói vật của thường trú, đó là gì? Người xuất gia thực sự, nếu như không phải thực sự xuất gia, hưởng thọ tứ chúng đệ tử nhà Phật trong mười phương cúng dường, không làm sự nghiệp của người xuất gia thật sự, đây chính là giới trộm cắp. Ăn uống cư trú đi lại của người xuất gia từ đâu mà có? Là thập phương cúng dường. Vậy nhân số thì sao? Đếm không hết! Không chỉ là một trái đất này. Quí vị xem trong kinh Phật thường nói khắp pháp giới hư không giới, không biết có bao nhiêu vị Phật, Phật không biết có bao nhiêu học trò, không biết có bao nhiêu thiện nam tín nữ quy y cửa Phật, cho nên đồ vật của cửa Phật nhất định không được động đến. Động đến rồi chủ nợ là khắp pháp giới hư không giới. Trong kinh Phật nói: quí vị phạm ngũ nghịch thập ác, tạo tội nghiệp như vậy Phật có thể cứu quí vị, trộm của thường trú, có khi nói là “tăng kỳ vật”, tức là đồ của người xuất gia dùng, Phật không thể cứu quí vị. Vì sao vậy? Chủ nợ của quí vị là khắp pháp giới hư không giới. Điều này nên biết, cho nên xuất gia không dễ dàng gì. Tùy tiện xuất gia rất đáng sợ.

Người xuất gia làm những việc gì? làm Phật sự. Phật sự là gì? Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện cho chúng ta gọi là Phật sự. Thị hiện điều gì? oai nghi phép tắc. Dùng cách nói của người xưa thì Phật Thích Ca Mâu Ni biểu diễn cho chúng ta là “thân hành ngôn giáo”. Đây gọi là Phật sự. Đem tất cả những thiện hạnh biểu diễn ra hết, để cho xã hội đại chúng học tập. Phật Pháp là sư đạo, một đời dạy học, những điều quí vị dạy bắt buộc phải làm ra trước. Quí vị chưa làm được người khác không phục, quí vị nói cho người ta nghe, người ta không tin tưởng. Nên quí vị phải làm trước, sau đó người khác thấy rồi, tin tưởng rồi, thỉnh giáo với quí vị, học tập theo quí vị, quí vị liền có thể dạy họ, đây là Phật sự. Nếu từ danh tướng chữ nghĩa này để giảng, Phật là giác ngộ, là trí tuệ, là giác ngộ; sự là sự nghiệp. Vậy Phật sự là gì? Là sự nghiệp giúp đỡ chúng sanh giác ngộ. Chúng ta thường nói sự nghiệp giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ gọi là Phật sự. Con người vì sao lại tạo ác? Vì mê hoặc. Mê hoặc họ sẽ tạo nghiệp. Giác ngộ rồi họ làm sao mà tạo nghiệp được? Con người trong lục đạo vì sao phải chịu khổ? Mê rồi thì chịu khổ, giác ngộ rồi họ không chịu khổ nữa, tức lìa khổ được vui. Sự việc mà Phật Thích Ca Mâu Ni làm suốt đời, mục đích là giúp đỡ tất cả chúng sanh lìa khổ được vui. Phương pháp là giúp chúng sanh phá mê khai ngộ. Cho nên phá mê khai ngộ là phương thức, lìa khổ được vui là mục tiêu. Phật biết được lục đạo luân hồi từ đâu mà có? từ mê mà có. Giác ngộ rồi liền thoát ly lục đạo. Người nào giác ngộ? từ bậc A la hán trở lên đã giác ngộ. Có thể nói tu đà hoàn là bắt đầu giác ngộ, nhưng tu hành vẫn chưa được viên mãn. Họ hướng đến phương hướng xuất ly lục đạo để đi, vẫn chưa ra được, đến tứ quả A la hán thì đi ra được rồi. Vĩnh viễn thoát ly lục đạo luân hồi, đây là Tiểu thừa. Đại Thừa Bồ Tát con đường họ đi là phải ra khỏi thập pháp giới. Con đường này càng dài hơn, mục tiêu càng xa hơn. Không phải lấy thoát ly lục đạo luân hồi làm mục tiêu, là thoát ly thập pháp giới. Vì thế Phật sự là gì chúng ta phải hiểu cho rõ.

/ 600