/ 600
581

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 521

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 03.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 661, hàng thứ tư, từ đoạn giữa, xem từ câu “hồn thần mạng tinh”.

“Hồn thần mạng tinh” xem bản Hán Dịch, Ngụy Dịch, bản Ngụy Dịch là bản của Khương Tăng Khải, dịch là “thần hồn tinh thức”, ý nghĩa thì giống nhau. Vô Lượng Thọ Kinh Sao nói: thức thứ sáu gọi là hồn thần, thức thứ tám gọi là tinh thức. Nay nói mạng tinh, tức thức thứ tám A lại da, cho đến sau đó trước làm chủ nhân, nên gọi là mạng tinh. Đây là vấn đề triết học rất cao thâm. Chúng ta nếu hỏi vũ trụ từ đâu mà đến? Ta từ đâu mà đến? vạn vật từ đâu đến? Đây tức là nói đến A lại da. Hiền Thủ quốc sư trong Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, nói rất rõ ràng, cũng rất đơn giản, không phức tạp. Dùng văn tự đơn giản là có thể viết ra một cách rõ ràng vấn đề lớn này, thật là không dễ dàng gì.

Hoàn Nguyên Quán tổng cộng có sáu đoạn. Ba đoạn trước nói về nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Ba đoạn sau chú trọng đến việc tu hành. Đoạn thứ tư là tu tứ đức, đó là tổng cương lĩnh của việc tu hành. Hai đoạn cuối cùng: ngũ chỉ lục quán. Đó là phương pháp tu hành của Kinh Hoa Nghiêm. Đặc biệt quan trọng là đoạn thứ tư. Đoạn thứ tư chính là tám vạn bốn ngàn pháp môn, bao gồm cả pháp môn Tịnh Độ. Đó là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc tu hành. Quí vị nếu như trái với nguyên tắc này, quí vị tu học sẽ không thể thành tựu. Cho nên điều này vô cùng quan trọng. Ngài nói với chúng ta vũ trụ đích thực giống như bản thể mà trong triết học đã nghiên cứu vậy. Tất cả pháp đều là từ nó mà sanh ra. Thể này là có, nhưng chúng ta không có cách gì để tiếp xúc được. Nó thật có, thực sự tồn tại, nó không phải là không có, nó cũng không phải là không. Bởi vì nó không phải là hiện tượng vật chất. Chúng ta nói về tám thức, năm thức trước, mắt có thể thấy, tai có thể nghe, mũi có thể ngửi, lưỡi có thể nếm, thân có thể xúc chạm, có thể tiếp xúc. Nó không phải là vật chất, quí vị tiếp xúc không được. Nó lại không phải là hiện tượng tinh thần, hiện tượng tinh thần chúng ta có thể tư duy, có thể tưởng tượng, nó không phải. Nó cũng không phải hiện tượng tự nhiên. Cho nên tâm ý thức chúng ta đều không tiếp xúc được. Cho nên khoa học và triết học trở thành hữu hạn, có giới hạn. Phạm vi A lại da biến hiện, khoa học và triết học đều có thể tiếp xúc được. Vì sao vậy? Nó có hiện tượng. A lại da có tướng phần, chính là hiện tượng vật chất. Có kiến phần, là hiện tượng tinh thần. Có tự chứng phần, có chứng tự chứng phần, đó là hiện tượng tự nhiên. Chỉ cần có hiện tượng, khoa học liền có cách để thăm dò. Bởi vì nó có hiện tượng tự nhiên, có hiện tượng tinh thần, thức thứ sáu liền có cách duyên đến nó. Cho nên tự tánh thanh tịnh viên minh thể, nó có thể sanh ra ba loại hiện tượng này. Bản thân nó không có ba loại hiện tượng này. Đây là chỗ khó lý giải nhất của Phật Pháp. Làm sao biết được? Trong kinh giáo Đại Thừa Phật thường nói: “chỉ chứng mới biết”, chỉ cần quí vị chứng đắc, quí vị liền biết được. Người nào chứng đắc? Mỗi người đều có thể chứng đắc. Cách chứng như thế nào? Phật dạy chúng ta, khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước đều buông bỏ hết liền chứng đắc. Vì sao vậy? Vì khởi tâm động niệm chính là A lại da. Phân biệt chấp trước là bảy thức trước. Cho nên tám thức không phải là thật. Tám thức là vọng tâm, là giả, không phải thật. Vọng tâm có thể duyên cảnh vọng. Trong kinh điển Đại Thừa thường nói: phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Cảnh giới hư vọng này, vọng tâm có thể duyên được với nó, đều có cách hết. Vọng duyên không được với chân. Tự tánh thanh tịnh viên minh thể là chân. Thế nào là chân? Là vĩnh hằng bất biến. Đây là chân. Vì sao nói A lại da là vọng? A lại da là sát na sanh diệt.

Chúng ta trước đây đọc đến một câu, tôi còn đặc biệt nhắc nhở quí vị nên chú ý, gọi là “bất đoạn chi vô”, nó đích thực là vô, nhưng nó không gián đoạn, chính là ý niệm. Niệm mà Bồ Tát Di Lặc nói, niệm niệm nối nhau. Niệm trước không còn nữa, niệm sau lại đến, cho nên nói “bất đoạn chi vô”. Vì sao vậy? Niệm đó cũng là vô. Niệm đó không nắm bắt được, lập tức không còn nữa, nhưng niệm thứ hai tuyệt đối không phải là niệm thứ nhất. Niệm thứ ba chắc chắn không phải là niệm thứ hai. Nhưng nó từng niệm từng niệm, cũng giống như cuộn phim gốc vậy, từng tấm từng tấm, “bất đoạn chi vô”. Tất cả hiện tượng toàn là “bất đoạn chi vô”. Chỉ cần có ba loại hiện tượng này, hiện tượng tự nhiên, hiện tượng tinh thần, hiện tượng vật chất, tất cả đều là “bất đoạn chi vô”. Chúng ta từ khi đọc được đoạn đối thoại của Thế Tôn và Bồ Tát Di Lặc, đối với sự việc này mới thực sự hiểu rõ ràng. Ngày nay chúng ta cách biệt, là cách biệt nơi chưa buông bỏ được ba thứ này, chưa buông được chấp trước.

/ 600