/ 600
461

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 520

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 03.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 659, hàng thứ bảy từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ đoạn giữa.

Sát thương, sát sanh đến chết hoặc thương tổn thân nó”. Hai chữ sát thương này, hiện tượng này chúng ta đều nhìn thấy khắp nơi. Hôm qua có một vị đồng tu, đem những tin phát sanh thiên tai trên thế giới, trong tháng bảy cho tôi xem, trong vòng tháng bảy xảy ra hơn 170 lần thiên tai. Từ trên danh mục này thấy được, tháng ba năm nay chỉ hơn 40 lần, tháng năm tháng sáu mỗi tháng đều gia tăng. Không ngờ trong vòng tháng bảy lại phát hiện thiên tai nhiều hơn hai tháng trước cộng lại, đây là nói thiên tai nhân họa trên toàn cầu.

Ở đây nói sát thương, đa phần là chỉ nhân họa. Thấy xu thế này, là mỗi tháng mức độ không ngừng tăng cao, thiên tai thì lần này nghiêm trọng hơn lần trước, chúng ta nên có cảnh giác cao độ. Tin tức từ nhiều nơi truyền đến, chúng ta nên dùng tâm thái như thế nào để xem nó? Người học Phật chơn chánh, đích thực giống như trong kinh nói, thứ nhất là phải chánh tín, có tín tâm kiên định. Học Phật, vào cửa Phật việc quan trọng đầu tiên là quy y, quy y nghĩa là gì? Quy là quay đầu, y là nương tựa. Trước đây chúng ta không có nương tựa, cũng không biết quay đầu, thật sự là tùy tâm muốn làm gì thì làm, có ý hoặc là vô ý đã tạo ra rất nhiều tội nghiệp. Hiện nay chúng ta đã hiểu, không chỉ là hành vi, dù là khởi tâm động niệm cũng đã tạo nên nghiệp. Thiện nhân có thiện quả, ác nhân có ác báo, nhân quả báo ứng không sai chút nào.

Trong xã hội hiện nay, hoàn toàn giống như những gì trong kinh nói. Đọc sáu phẩm kinh văn này, từ phẩm 32 đến phẩm 37, chúng ta hầu như cảm nhận được đây là Đức Phật cố tình nói cho người của thời đại chúng ta. 3000 năm trước ngài đã biết xã hội hôm nay phát sinh những điều gì, ngài dạy chúng ta muốn cứu bản thân, muốn cứu gia đình, muốn cứu xã hội và muốn cứu địa cầu này, quan trọng nhất là phải có chánh tín. Chánh tín phải có nơi nương tựa, nương tựa ai? Nương tựa Phật Bồ Tát, Phật Bồ Tát ở đâu? Các ngài ở trong bộ kinh này, bộ kinh này là nơi để ngày nay chúng ta quy y, để chúng ta siêng năng học tập. Y theo lý luận, phương pháp để thay đổi tâm hành của mình_hành vi bất thiện. Thật sự làm được đoan tâm chánh ý, chúng ta mới có thể xa rời sự sợ hãi, xa rời sự lo lắng, thiên tai giáng xuống cũng không kinh không sợ, chân thành niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Chúng ta thâm tín không nghi ngờ, Phật A Di Đà nhất định đến tiếp dẫn. Việc sát thương này mỗi tháng đều có.

“Thôn đạm”, ở đây Hoàng Niệm Tổ đưa ra là súc sanh: Rắn có thể nuốt nhái, nhái lại ăn giun, nên gọi là ăn nuốt lẫn nhau, ý này giống như người hiện nay nói là mạnh hiếp yếu. Tưởng rằng như vậy là đương nhiên, không ngờ rằng đều đang tạo tội nghiệp. Rắn nuốt nhái, chúng ta thử hỏi: Rắn có bị đền mạng chăng? Trong định luật nhân quả, nợ mạng trả mạng, nợ tiền trả tiền, quả báo đền trả không sai chút nào, đây đều là nợ mạng phải trả bằng mạng. Trong giới động vật, chúng ta xem đoạn văn này, nghĩ đến nợ mạng trả mạng đời đời kiếp kiếp không bao giờ dứt, trả không hết!

“Mấy câu ở trên, nói rõ về tội ác sát sanh”, đây là đoạn nhỏ thứ nhất. Chúng sanh trong thế gian đều đang tạo nghiệp sát. Đoạn tiếp theo nói đến sự trừng phạt đối với ác nghiệp_Quả báo đã hiện tiền.

“Không biết làm thiện, thậm chí không chịu làm việc thiện”, đây là một đoạn nhỏ, đoạn nhỏ này chỉ có mấy câu như vậy: “Không biết làm thiện, về sau chịu sự trừng phạt, nên mới có người nghèo khổ xin ăn, cô độc, đui điếc, câm ngọng, si ác, tật nguyền, đều do nhân đời trước không tin đạo đức không chịu hành thiện”, chính là đoạn kinh văn này. “Đều nói lên sự lỗi lầm khi làm ác. Rộng nói về việc bất thiện như sát hại sanh mạng”.

Thế gian này phước báo càng lớn thì nghiệp sát sanh càng nặng. Nên phải chịu sự “cùng khất”, nghĩa là bần cùng, đi xin ăn để sống qua ngày. “Cô độc: không có cha gọi là cô, không có con gọi là độc”, đây là điều vô cùng thê thảm của nhân gian. Trẻ em không có cha, tuổi già không có con cái nuôi dưỡng, gọi là lẻ loi hiu quạnh. Đại sư Cảnh Hưng nói: “Cô là không có cha mẹ, độc là không có con cái”, tuổi già không có người chăm sóc, lúc nhỏ không có ai quan tâm, đây là điều rất bi thương, tất cả đều là nghiệp báo. “Lung” là tai không nghe được, “manh” là mắt không nhìn thấy được. “Âm” là câm, miệng không thể nói, “âm á” đều là miệng không nói được. “Si” là ngu si, ngốc nghếch. “Ác” là hung ác, chúng ta thường nói là lòng dạ độc ác. “Uông” là yếu, thân thể ốm yếu, trí lực suy nhược, đều là thuộc về loại này. “Cuồng”, ngày nay chúng ta gọi là thần kinh không bình thường.

/ 600