/ 600
444

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 519

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 02.08.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 657, hàng thứ sáu:

“Đoan tâm chánh ý”.“Chỉ chánh tâm thành ý, thiện hộ kỷ niệm, viễn ly tam độc, bất tư tà ác”, bắt đầu xem từ đây.

Đây là Phật nói với Bồ Tát Di Lặc, cũng là nói với chúng ta. Chúng ta, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, những khai thị này hình như là vì chúng ta, nói với người bây giờ vậy. Phải đoan tâm chánh ý, không làm các điều ác, đây chính là đức lớn. Chúng ta nói đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức.

Chân tâm thành ý. Trước khi Phật pháp chưa truyền đến Trung quốc, các bậc tổ tông, chư vị thánh hiền đã dạy chúng ta những đạo lý này. Trong Đại Học nói về tam cương bát mục. Tam cương là: minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện. Trong bát mục có: cách vật, chi tri, thành ý, chánh tâm, chính là chỉ ý này.

Đoan chánh tâm niệm không dễ, điều kiện tiên quyết là phải cách vật, vật là gì? Dục vọng, vật dục, cũng chính là nói nhất định phải buông bỏ vật dục, vì nó là nguồn cội của tất cả điều ác. Chỉ cần có dục vọng, thì làm gì có chuyện không tạo nghiệp? Bởi thế các bậc thánh hiền đưa điều kiện đầu tiên của việc tu thân tích phước chính là buông bỏ dục vọng. Cho dù không thể buông bỏ, cũng phải hạ thấp dục vọng đến tối đa, như vậy mới có thể tu phước.

Trong thế gian ngày nay, giáo huấn của thánh hiền không còn, cũng không ai tin vào Phật Bồ Tát, nên đối với dục vọng có thể nói là không có giới hạn. Cũng có nghĩa là dục vọng đang bành trướng, gây nên nhiều loại bệnh thái cho thân tâm, khổ không sao nói hết. Đồng thời cũng gây ra nhiều thiên tai cho địa cầu, những thảm họa này từ đâu đến? Toàn là những hiện tượng do dục vọng bành trướng mà sinh ra.

Hai chữ “cách vật” này vô cùng quan trọng, cách vật là chính mình phấn đấu với bản thân, tự mình khắc chế dục vọng của mình. Nếu có thể buông bỏ tất cả dục vọng, người này có thể thành thánh thành hiền, học Phật thì có thể thành Phật thành Bồ Tát. Nó rất có hại, không có lợi ích. Các bậc đại thánh hiền thế xuất thế gian đã làm gương cho chúng ta, đều rất xem nhẹ dục vọng. Đức Thế Tôn biểu diễn cho chúng ta thấy, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày chỉ có ba y một bát, ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây, hoàn toàn buông bỏ. Cuộc sống của ngài là pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ. Trong kinh điển ghi chép về Đức Thế Tôn rằng: Xưa nay chưa có ai thấy qua ngài có ưu sầu, có phiền não, dù chỉ một lần, trong kinh điển không có ghi chép. Tại sao Đức Phật có thể sống cuộc đời hạnh phúc an lạc đến thế? Chính là không có dục vọng, vì dục vọng đem đến phiền não ưu phiền cho con người, bây giờ người ta gọi là lo lắng, áp lực, đây là thuật ngữ của người bây giờ.

Đời sống như vậy, mặc dù địa vị rất cao, sở hữu rất nhiều của cải, nhưng cuộc sống của họ không được an vui, vẫn cứ sống trong thế giới đầy đau khổ, thua xa những người nghèo mà vui. Nghèo mà vui là ai? Thánh nhân như: Khổng tử, Mạnh tử, Nhan hồi, họ đều là nghèo mà vui, đây là điều rất đáng cho ta phản tỉnh, đáng để chúng ta tư duy.

Đời này chúng ta làm một người an vui sáng suốt, hay là làm một người phiền não hồ đồ? Những bậc đại phú đại quý là người phiền não hồ đồ, trong kinh nói đây là hoa báo, còn quả báo thì sao? Người hạnh phúc sáng suốt, đời sau được sanh lên cõi trời, nếu họ niệm Phật thì được sanh về thế giới Cực Lạc để làm Phật, làm Bồ Tát. Người hồ đồ thì sao? Người phiền não hồ đồ đời sau đọa vào tam đồ. Đây là điều trong đoạn kinh văn này nói đến: Ngũ thống, ngũ thiêu. Ngũ thống là hoa báo, còn ngũ thiêu, thiêu ở đây là chỉ địa ngục, nó tiêu biểu cho ba đường ác. Bởi thế khi nghĩ đến điều này quả thật đáng sợ!

“Hàng hóa kỳ ý”, hành là hạ thấp, hạ thấp dục vọng, phải đoạn trừ dục vọng, buông bỏ triệt để, như vậy chúng ta mới thật sự làm được đoan tâm chánh ý. Dục vọng không còn, trí tuệ tự nhiên sanh khởi. Nên tiếp theo cách vật là trí tri, con người có trí tuệ mới có thành ý, người có thành ý nhất định có trí tuệ. Người không có thành ý_Hay nói cách khác, họ có phiền não, họ không có trí tuệ, tất cả đều có mối quan hệ liên đới. Người có thành ý tâm sẽ chánh, chánh là gì? Là không có tà niệm, không có vọng niệm, như vậy mới có thể đoan tâm chánh ý.

/ 600