/ 600
492

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 510

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Trần Thị Giang Hiền

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 23.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 640, hàng thứ hai từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ đoạn giữa.

Lại Tịnh Ảnh Sơ viết: “Thân ngu thần ám, tâm tắc ý bế, sanh tử thiện ác tự bất năng kiến, cố tri ngu ám tức thị si độc”- trong tam độc tham sân si, ngu si. Dĩ ngu si cố, tâm ý bế tắc, bất năng chánh tín nhân quả, bất năng tín thọ kinh pháp nhập ư chính đạo, đối ư ngoại đạo tà thuyết phản dị tín phụng, cố vân: chuyển thọ dư giáo. Như thị điên đảo chi kiến, tương tục bất tuyệt, vĩnh nịch sanh tử, nhi kỳ căn bản chánh thị si nghiệp, sanh tử vô thường, dĩ si vi bổn, cố vân vô thường căn bản.”

Vừa rồi chúng ta học đến chỗ này. Nói đến tham sân si, tính nghiêm trọng của ngu si vượt xa hai thứ kia, đầu tiên là tham, si là căn bản, nếu không ngu si, chắc chắn sẽ không phạm vào hai ác nghiệp tham lam và nóng giận. Tương ứng với tham lam là đường ngạ quỷ, sân giận là đường địa ngục, ngu si là đường súc sanh, đây là nghiệp nhân của ba đường ác. Trong bản chú giải của Viễn Công viết rất rõ, bởi vì ngu si, tâm ý bế tắc, tức là trí tuệ không khai mở, khởi tâm động niệm toàn là phiền não, không thể tin vào nhân quả, không tin vào nhân quả, không thể tiếp nhận được giáo huấn của Chư Phật Bồ tát thánh hiền, không có đủ lòng tin. Nếu có được chánh tín, thì có thể nhập chánh đạo; không có chánh tín, đối với chánh đạo sẽ rất khó khăn. Chưa nói đến nó, thậm chí còn dễ dàng tin vào tà thuyết ngoại đạo. Những chuyện này đều ở ngay trước mắt chúng ta, chúng ta đều có thể nhìn thấy. Cái gì gọi là tà đạo? Không ngăn sát đạo dâm vọng, đó là tà đạo, người tin rất nhiều. Bảo Quý vị không được sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, đó lá chánh đạo. Nho giáo nói đến Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, đó là chánh đạo, “nhân giả ái nhân, nghĩa giả tuân lý”, vì vậy có nhân, có nghĩa. Trung Quốc từ xưa đã có hiệu xưng là đất nước lễ nghĩa, đất nước hài hòa. Nếu chúng ta vứt bỏ nhân, bất nhân, bất nghĩa, vô lễ, vô trí, vô tín, đó là không thể tin tưởng vào Kinh pháp, không thể nhập chánh đạo. “Chuyển thọ dư giáo”, chuyển là quay đầu lại. “Như thị điên đảo chi kiến”. Đây là điều rất nhiều người hiện nay đang nói, làm thế nào tìm lại văn hóa truyền thống, khiến cho Phật pháp đại thừa lại hưng thịnh trở lại, người nói thì rất nhiều. Điều này có thể làm được không? Rất khó. Chúng ta phải thật sự cố gắng để làm, e rằng phải ba bốn thế hệ sau mới thấy được kết quả.

Chúng ta nhìn lại quá khứ, lúc Tổ sư Đạt Ma đến Trung Quốc, điều Ngài truyền đến là chánh pháp, Thiền tông. Lúc đó rất ít người tin tưởng, điều này có liên quan rất lớn đến vua Lương Vũ Đế, bởi vì sức ảnh hưởng của ông ấy quá lớn. Đạt Ma đến Trung Quốc đã gặp Lương Vũ Đế, Lương Vũ Đế là đại hộ Pháp của Phật môn, ai cũng biết điều đó. Ông ấy dùng quyền lực, thân thế Quốc vương của mình, hộ trì Phật pháp, xây dựng nhiều chùa chiền cho Phật giáo. Nam triều, lúc đó phân Nam Bắc triều, Nam triều, ông ấy đã xây dựng 480 ngôi chùa, quy mô đều rất lớn. Rất thích mọi người xuất gia, xuất gia rồi đều được hộ trì. Lúc đó người xuất gia lên đến mười mấy vạn người, đây là việc thù thắng vô song trong lịch sử Phật giáo. Lương Vũ Đế có công lao rất lớn. Khi Tổ sư Đạt Ma đến Trung Quốc, ông hỏi Tổ sư Đạt Ma: cống hiến của tôi đối với Phật pháp, công đức có lớn không? Hỏi Tổ sư Đạt Ma như vậy. Tổ sư Đạt Ma thành thực trả lời rằng: “không có công đức”. Nghe xong câu này Lương Vũ Đế cảm thấy rất không vui, vì vậy không nói gì nữa, tiễn khách luôn, bảo Ngài đi đi. Thật sự không có công đức, ông ấy có gì? Phước báo rất lớn. Nếu ông ấy hỏi, tôi làm nhiều việc tốt như vậy, phước báo có lớn không? Tổ sư Đạt Ma chắc chắn sẽ trả lời là rất lớn. Những điều ông ấy làm là phước báo, chứ không phải công đức. Phước đức và công đức không giống nhau. Hưởng thụ phước đức ở đâu? Nhân thiên phước báo, phước đức lớn như vậy ông ấy sẽ lên trời Đao-lợi, lên trời hưởng phước rồi, không phải công đức. Công đức là liễu sanh tử xuất tam giới. Vì sao ông ấy không thể liễu sanh tử xuất tam giới? Vì ông ấy vẫn còn háo danh, vẫn thích lập công, có nghĩa là gì? Nó thuộc về tham. Người ta nói một câu đã cảm thấy không vui, đã nổi giận đuổi người ta đi, đó là sân. Lúc Tổ sư Đạt Ma vẫn đang ở đó, Lương Vũ Đế đã có những biểu hiện tham sân si trước mặt Ngài, ông ấy làm sao có thể thoát khỏi luân hồi lục đạo? Vì vậy chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Đương nhiên sức ảnh hưởng của ông ấy rất lớn, vì Lương Vũ Đế không ủng hộ Ngài, nên người khác cũng không coi trọng Ngài, cuối cùng phải lên Thiếu Lâm tự quay mặt vào vách không nói gì. Chín năm sau mới gặp Huệ Khả, một người là được rồi, chỉ cần Phật pháp được tiếp tục truyền bá. Quý vị xem Huệ Khả, tiếp tục truyền đến đời thứ 6 là Huệ Năng, năm đời trước đều là đơn truyền, đến đời thứ 6 mới bắt đầu khai hoa kết trái, Thiền tông bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

/ 600