500

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 509

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Võ Mai Hoa

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 22.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội-HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 638, hàng thứ tư từ dưới đếm lên:

“Thiện ác biến hoá giả, Cảnh Hưng vân: thiện biến hoá tức thiện thú báo, ác biến hóa tức ác thú báo. Hội Sớ vân: kim thế tuy thiện quả, sở tác nghiệp nhân ác, tắc lai thế biên chiêu ương quá, hiện tại tuy ác báo, sở tác thiện tắc hậu sanh hoá hưởng phước báo, thiên biến vạn hoá, bất khả cụ thuật, thử tắc biến hoá chi hựu nhất giải dã. Hựu Gia Tường Sớ viết: ác nhân đắc khổ, thiện nhân đắc lạc, kỳ báo dị tiền dã”. Chúng ta xem đến đoạn này.

“Thiện ác biến hoá” chỉ cho lục đạo luân hồi. Đức Phật dạy rằng, Thức A lại da của mỗi người chính là một nhà kho. A lại da là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung nghĩa là tạng, tức là tàng, vì thế nên gọi là tàng thức. Trong này có những thứ gì? Hàm chứa nghiệp tập chủng tử, nghiệp mà chúng ta tạo ra, còn có tập khí, toàn bộ đều được thu thập ở trong đó, nó không bị mất đi. Chủng tử thập pháp giới đều có hết, có chủng tử Phật, có chủng tử Bồ Tát, thậm chí có chủng tử ngạ quỷ, địa ngục. Ai ai cũng có. Trong lục đạo, chủng tử nào có quả báo trước, đó đều gọi là gặp duyên khác nhau. Bản thân của chủng tử cũng có năng lượng, nhưng mấu chốt vẫn là duyên, chủng tử là nhân. Vì vậy trong Phật pháp, trong kinh thường gọi là duyên sanh, không có nói là nhân sanh. Nhân không có duyên thì không sanh ra, không khởi hiện hành, gặp được duyên thì nó khởi hiện hành, nó sẽ nảy sinh biến hóa.

Chủng tử thập pháp giới đều có, vì thế Phật nói tất cả chúng sanh vốn là Phật, câu này quả là không sai chút nào. Trong thức A lại da của quý vị có chủng tử Phật, chỉ cần quý vị trong kiếp này rũ bỏ hết những duyên khác, chuyên tâm chăm sóc chủng tử này, thì quý vị sẽ thành Phật thôi. Làm thế nào để chăm sóc chủng tử Phật? Trên thực tế tịnh nghiệp tam phước đã dạy cho chúng ta rồi, điều thứ ba của Tịnh nghiệp tam phước: “Phát Bồ đề tâm, thâm tín nhân quả”. Nhân quả này, chúng tôi những năm gần đây chia sẻ với các bạn, đều chỉ định rồi, đó chính là “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Đây là duyên, chúng ta thật niệm Phật, thì trong thức A lại da của chúng ta có chủng tử Phật, phải niệm để chủng tử này hiển lộ ra. Chúng ta niệm Bồ Tát chắc chắn thành Bồ Tát, niệm Thanh Văn chắc chắn thành Thanh Văn, niệm thiên chắc chắn sanh thiên. Lục niệm pháp mà tiểu thừa nói, niệm tam bảo, niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm thiên, niệm thí, niệm giới. Đức Phật dạy chúng ta, niệm cái gì đó là duyên, vì thế chúng ta phải hiểu đạo lý này, tín tâm của chúng ta sẽ không nghịch. Chúng ta biết niệm A Di Đà Phật, vãng sanh phương tây tịnh độ, Phật A Di Đà là tự tánh Di Đà, là trong tự tánh của chúng ta, trong tàng thức chính là chủng tử Phật A Di Đà, có chủng tử này tức là “thị tâm thị Phật” mà trong kinh nói. Cái tâm này bất luận là nói đến chân tâm, hay là A lại da, đều nói thông được. Vì sao vậy? Vì chân tâm tự tánh, vốn dĩ là Phật, trong A lại da có chủng tử Phật, vì thế hai ý nghĩa này đều nói được. Vì sao chúng ta không niệm Phật? Niệm thiện, quý vị xem được thiện báo, đắc thiện quả, quả báo của ba đường lành; nếu như quý vị niệm ác, nghiệp nhân sẽ ác, kiếp sau quý vị sẽ phải chịu tai họa này, kiếp sau là ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục, quý vị phải đi đến đó. Bây giờ mặc dù là ác báo, ác báo này có hai ý nghĩa, một là chúng ta chịu khổ chịu nạn ở trần gian, đây là ác báo, còn cái khác là ở tam đồ. Trong tam đồ, đức Phật cũng không bỏ.

Hồi xưa tôi có xem một bộ sách, bộ sách này không khó tìm, gọi là Vật Do Như Thử. Vật là động vật, trong sách toàn nói về động vật vãng sanh.

Tháng 3 năm nay tôi ở úc Châu Âu, trong bãi đậu xe của đạo tràng có một cây to, có lẽ cũng đã trồng mấy chục năm rồi, Cây Tỳ Bà. Thần của cây thác mộng cho học trò của chúng tôi, báo họ vãng sanh rồi, đến cảm ơn tôi. Đạo tràng của chúng tôi xây dựng ở đó đã mười năm, thần cây đã nghe kinh mười năm, niệm Phật mười năm, thần vãng sanh rồi. Đây không phải là giả, vì thần cây thác mộng cho chúng tôi tất cả ba lần, đây là lần thứ ba, thần cây Tỳ Bà vãng sanh. Lần thứ nhất là mấy năm trước, chúng tôi mua nhà số 61 làm chỗ ở, do Hồ cư sĩ mua, nhà quá rách nát, chúng tôi muốn phá đi xây lại. Nhà ở Châu Âu đều xây kiểu nhà sàn, phía dưới là mấy cây cột, vì thế cột phía dưới cưa rồi, thì có thể đem cả toà nhà di dời đi nơi khác. Chúng tôi liền tặng cho thổ dân, đem nhà đó tặng cho họ, họ dùng một chiếc xe to kéo đi, chúng tôi xây dựng lại trên nền móng này. Vì xây lại nên cây trước cổng phải chặt đi, nếu không xe không thể vào được, trước cổng phải chặt 4 cây. Chúng tôi theo thông lệ, trước đó ba ngày đọc kinh, đọc chú, cúng dường, mời cây dời nhà. Kết quả là thần cây thác mộng cho các pháp sư hàng chữ Ngộ, báo cho chúng tôi, là thông báo quá muộn, họ dọn nhà rất vất vả, vội vội vàng vàng, hy vọng về sau nếu có việc này, thì thông báo cho trước 7 ngày. Trong kinh Phật nói cho chúng ta biết là ba ngày, chúng tôi theo ba ngày, họ yêu cầu 7 ngày. Nghĩ cũng đúng thôi, người Châu Âu làm việc gì cũng từ từ, vì vậy những quỷ thần của Châu Âu họ cũng rất chậm. Chúng tôi sau này nếu mua những nhà kiểu này, nếu phải phải chặt cây đều phải có thông báo trước 7 ngày. Đây là chuyện có thật, không phải là giả, đúng là ngạn ngữ thường nói trong gầm trời này, không chuyện gì không có. Giới quỷ thần, giới u minh, tương thông với cõi người, chúng ta làm việc bất thiện, đi đến đó, họ hành thiện sẽ trở lại, rồi lại đến trần gian, hoặc là lên trời, cũng có số ít vãng sanh tịnh độ, thần cây Tỳ Bà của chúng tôi vãng sanh tịnh độ, chính là một ví dụ tốt nhất.

Ở đây có hai câu: “thiên biến vạn hoá, bất khả cụ thuật”, nghĩa là hết thảy mọi người trong lục đạo, phạm vi lục đạo quá rộng, đời đời kiếp kiếp, với đường nào chúng ta cũng có nhân duyên rất sâu đậm nhất. Nhân duyên sâu đậm nhất, thông thường mà nói người chết rồi đều làm quỷ, đây đều là cái nhân duyên sâu đậm nhất. Có lý không? Rất có lý. Vì sao vậy? Quỷ do lòng tham biến thành, quý vị thấy thế gian này ai mà không có lòng tham? Tham sân si nghi mạn, tham đúng là đặt ở vị trí đầu tiên, lòng tham sẽ đi đến quỷ đạo. Đức Phật nói ra những lời này là thật không phải giả, chúng ta phải ghi nhớ trong lòng, thời thời khắc khắc phải quán chiếu, chúng ta không muốn đến quỷ đạo, không muốn làm quỷ, cũng không muốn làm súc sanh, cũng không muốn xuống địa ngục; hay nói cách khác, tham sân si phải cẩn thận thận trọng. Cái ý niệm này nổi lên, thì nhanh chóng niệm Phật để hàng phục nó, để khống chế nó, ý niệm vừa khởi lập tức khống chế, đây gọi là công phu, gọi là lợi ích chân thật. Nếu khống chế được, duyên với ba đường ác sẽ bị dứt bỏ.

Thiện đạo, đệ nhất thiện trong thiện đạo, chúng ta biết đó là vãng sanh tịnh độ, thân cận Di Đà. Vậy chúng ta nên hết sức nỗ lực để tăng cường nhân duyên này, khi rảnh thì phải niệm Phật, không nên nghĩ đến chuyện khác. Hy vọng trong một năm rưỡi này, có thể khiến cho Phật hiệu không bị gián đoạn. Liệu có thể làm được không? Có thể, hoàn toàn ở bản thân, bản thân phải yêu cầu bản thân không được vọng tưởng, không được nghĩ đông nghĩ tây, chỉ nghĩ đến Phật A Di Đà. Bởi phiền não tập khí rất nặng. Tự nhiên dứt đoạn, bất tri bất giác nó đã dứt đoạn. Cái này dứt, Phật pháp gọi thất niệm, quý vị đem A Di Đà Phật dứt mất rồi, đây gọi là thất niệm. Thất niệm không sợ, phải nhanh chóng đem nó tìm trở về, câu Phật hiệu này tiếp tục niệm. Niệm chưa được bao lâu, lại quên mất, lại không thấy nữa, hai, ba tháng đầu giống như vật lộn với nó, như đánh trận kéo cưa, một lúc không thấy nữa, một lúc lại kéo trở về, trận kéo cưa. Kéo khoảng chừng độ nửa năm là được rồi, quý vị sẽ đánh thắng, đánh thắng rồi, Phật niệm nhiều, vọng niệm sẽ ít đi. Thật sự dụng công như vậy, một năm sau chúng ta tin tưởng vọng niệm không còn nữa. Toàn là Phật niệm. Lúc này, Tịnh tông có nói đây gọi là công phu thành phiến, cái gì gọi là công phu thành phiến? Đây chính là công phu thành phiến. Chỉ cần niệm đến công phu thành phiến, vãng sanh là điều chắc chắn. Phải nỗ lực, kiên quyết không đựơc thoả hiệp, không được thoả hiệp với bản thân, phải rất chăm chỉ, rất là nỗ lực, đem trận này đánh thắng, chúng ta thắng được, thì đi đến thế giới cực lạc thôi.

Lại Gia Tường Sơ viết: “ác nhân chịu khổ, thiện nhân được vui, quả báo đó dị tiền. Dị nghĩa là dễ, tiền nghĩa là tiến vậy. Thiện ác cảm báo nhanh chóng, cho nên gọi là dị tiền”. Dị tiền chính là dễ dàng hiện tiền, đúng là nghĩa này, nó rất dễ dàng hiện tiền. Từ điều này chúng ta sâu sắc cảm nhận được rằng, đức Thế Tôn thường nói “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, trong cuộc sống hàng ngày, thói quen của chúng ta, nghĩa là tập khí quá sâu nặng. Tập khí là gì? Tâm tán loạn, không thể nghĩ đến một cái, đều là suy nghĩ sằng bậy, rất phức tạp. Vì thế tương lai quý vị đến đường nào, bản thân quý vị cũng không biết, bản thân quý vị không nắm chắc. Nếu như ác niệm nhiều, thì đi đến ba đường ác rồi, thiện niệm nhiều, trong ba đường thiện, đây là một phương hướng rộng, thậm chí đến đường nào, bản thân cũng không hiểu được. Phật nói với chúng ta, “chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”, câu giáo huấn này quá hay. Chúng ta muốn đến đường nào, thì đem ý nghĩ tập trung vào nơi đó, quý vị chắc chắn sẽ làm được.

Chúng ta học Phật nhiều năm như vậy, cũng gọi là tương đối hiểu về thế giới phương tây cực lạc, không còn hoài nghi nữa. Hoài nghi mà chịu niệm, cũng có thể vãng sanh, sanh nơi biên địa. Sanh nơi biên địa cũng tốt, họ cũng không thoái chuyển, có điều là không thể gặp được Phật liền, mà phải 500 năm sau mới gặp được Phật A Di Đà. Năm trăm năm này là năm của trần gian, không phải của thế giới cực lạc. Vì vậy đều là việc tốt. Nếu như chúng ta không có chút hoài nghi nào. Sanh đến thế giới cực lạc thì nhập phẩm, quý vị đã có phẩm vị. Đây là đến thế giới cực lạc quý vị có thể thấy Phật, được oai thần bổn nguyện của Phật Di Đà gia trì. Đồng thời quý vị cũng có thể phân thân, đi lễ bái chư Phật Như Lai trong mười phương, cúng dường là tu phước, nghe pháp là tu tuệ. Vì vậy, thế giới cực lạc là đạo tràng phước tuệ song tu. Chúng ta không có trí tuệ, không có phước báo, mới phải chịu khổ chịu nạn trong lục đạo; bản thân có phước có tuệ thì giải thoát, không những bản thân được lợi ích chân thật, đồng thời cũng có thể giúp đỡ người khác. Tình chấp của chúng ta chưa dứt, khi nào mới dứt bỏ tình chấp? Thành Phật sẽ dứt, Bồ Tát chưa dứt. Hai chữ này Bồ Tát, theo cách dịch của Huyền Trang đại sư gọi là giác hữu tình. Bồ Tát còn có tình chấp, nhưng mà ngài giác ngộ, ngài không mê hoặc, cái hay của ngài là ở đây. Có tình chấp cũng không phải là việc xấu, trong mười phương thế giới, vô lượng kiếp quá khứ, những chúng sanh có tình với tôi, đây chính là có duyện, họ có cảm thì tôi có ứng. Nên vô cùng tự tại, ứng thân, hoá thân, giúp đỡ họ giải quyết khổ nạn, giải quyết xong thì ứng hoá thân này không thấy nữa. Phần trên đã nói qua với chư vị, ứng hoá thân giúp đỡ tất cả chúng sanh, hiện thân thuyết pháp đều là không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước, đúng là Bồ Tát tái lai. Nếu như ứng hoá thân nói khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, thì họ bị rơi xuống, họ lại biến thành phàm phu, đây là điều không thể được. A Duy Việt Trí Bồ Tát quyết không thoái chuyển, đây là điều chúng ta phải tin tưởng sâu sắc, kiên quyết không có nghi hoặc.

Câu dưới đây “truy trục sở sanh, trục giả, truy tòng dã. Vị sở sanh chi xứ, quả báo truy tuỳ, tương tòng bất xả, tuỳ kỳ nghiệp nhân, cảm đắc thiện ác chi báo”. Truy tuỳ này, báo có hai loại, vì nghiệp có hai loại, có dẫn nghiệp, và mãn nghiệp. Dẫn nghiệp là dẫn dắt quý vị đến đầu thai vào đường nào, cái này chính là gì? nghiệp thiện ác. Ngũ giới thập thiện dẫn dắt quý vị đến nhân thiện đi thọ sanh, nếu như là thập ác, nghiệp ác, dẫn dắt quý vị đến ba đường ác để đầu thai, đây là dẫn nghiệp. Mãn nghiệp là lục độ vạn hạnh mà quý vị tu trong kiếp này. Trong lục độ chúng tôi nêu một điều, như bố thí, quý vị thích tài bố thí, thì cái tài này sẽ theo quý vị. Có nghĩa là trong mệnh của quý vị có tiền tài, bất luận quý vị ở đường nào, thì thọ dụng vật chất của quý vị không bị thiếu hụt. Pháp thí là thông minh trí tuệ, ác quỷ, súc sinh cũng có thông minh trí tuệ. Vô uý thí đạt được sức khoẻ trường thọ. Bất luận ở đường nào, cái phước này theo quý vị, quý vị chắc chắn sẽ đạt được, vì thế đây gọi là phước báo. Phước báo của đường súc sinh, đây là cái mà chúng ta bình thường dễ dàng nhìn thấy nhất, thú cưng, thú cưng mà người ta nuôi có phước báo, người trong nhà đó đều hầu hạ chúng, đều yêu thích chúng, đúng là hưởng phước báo của chúng. Hơn nữa, có loại súc sinh rất thông minh, chúng hiểu được ý của người, có thể quan sát ngôn ngữ sắc mặt, đó là gì? Đó là pháp thí trước đây của chúng, chúng có thông minh trí tuệ, sức khoẻ trường thọ, quý vị xem ba loại phước báo chúng đều có. Đường ngạ quỷ cũng có, đường ngạ quỷ có phước có tuệ, trong quỷ đạo đi làm quỷ vương, trong quỷ đạo cũng có địa vị, giống như Thành Hoàng. Thành Hoàng bình thường, giống như huyện thị trưởng, Đô Thành Hoàng thì giống như tỉnh trưởng. Phía trên còn có Tổng giám Thành Hoàng, phạm vi mà họ cai quản rất rộng, có lúc quản những mấy tỉnh, còn có quản lý một khu vực, khu vực đó nếu như là một quốc gia nhỏ, thì họ quản lý rất nhiều quốc gia. Vì thế họ có phân chia cấp bậc, phước báo có khác nhau. Người tu phước, công đức dễ bị mất đi, phước báo không bị mất đi, bất luận quý vị đến đường nào cũng vẫn có phước báo. Rơi xuống địa ngục cũng có phước báo, trong địa ngục có phước báo thì chịu khổ nhẹ hơn một chút, họ phải chịu khổ, chỉ là nhẹ hơn người khác một chút, người không có phước báo, chịu khổ nhiều một chút. Quả thực khổ báo có khác nhau. Đây là “quả báo truy tuỳ, tương tùng bất xả, tuỳ kỳ nghiệp nhân, cảm đắc thiện ác chi báo”, đây đều nói về lục đạo.

Đường đi không giống nhau, Gia Tường Sớ nói rằng: làm thiện được quả báo ở thiên đường, con đường của họ đi đến cõi trời, hưởng thụ quả báo nơi thiên đường; tạo ác thì xuống địa ngục, chịu cảnh khổ của núi đao rừng kiếm, nó đợi quý vị ở đó. Những thứ này hoàn toàn đều là quả báo thiện ác, hơn nữa đều là tự nhiên. Trong địa ngục núi đao rừng kiếm không có ai thiết kế, cũng không có ai kiến tạo. Địa ngục là hoá sanh, từ đâu biến hoá ra? Từ nghiệp báo của quý vị tự biến hoá và tự bản thân gánh chịu. Giống như là nằm mơ, người mơ thấy ác mộng ác niệm nhiều, ý niệm của họ bất thiện, họ tạo nghiệp ác, trong mộng chịu mọi dày vò, sau khi tỉnh dậy là một giấc mơ. Giấc mộng đó có ai thiết kế không? không có. Có ai kiến tạo không? không có. Thiên đường là như vậy, địa ngục cũng như vậy. Trong cõi trời dục giới, chỉ có cõi dưới cùng nhất như tứ thiên vương, Đao Lợi thiên, có một chút giống trần gian, phước báo lớn hơn trần gian, hướng lên trên là không cư thiên, trên Dạ Ma toàn là hoá sanh. Thế gian có những chuyện này, vì vậy chúng ta đối với Phật A Di Đà thế giới cực lạc, thế giới cực lạc công đức nguyện lực của Phật A Di Đà thành tựu. Nguyện, bắt buộc phải thực hành được, đúng là làm được, đó gọi là công đức, nguyện lực công đức thành tựu. Trong lục đạo những chuyện này, là sức mạnh của thiện ác thành tựu, sức mạnh của thiện, sức mạnh của ác tự nhiên thành tựu rồi, cũng không có ai thiết kế, cũng không có ai thi công, tự nhiên thành tựu.

“Nhân quả các dị, sanh xứ huyền thù”. Con người chúng ta sau khi chết đi về đâu? Ai đi đường nấy, mỗi người nghiệp tập khác nhau. Cho nên khi lâm chung phân chia, thì vĩnh viễn không gặp lại, đây là thật, đạo lý này không thể không biết. “Tam đồ nhất báo lịch ngũ thiên kiếp, triển chuyển lục thú hà nhật trùng phùng ”. Tam đồ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đọa vào trong đó, đây là nói về địa ngục, ngũ thiên kiếp là chỉ địa ngục. Một ngày trong địa ngục, trước đây chúng tôi học ở Đài Trung, thầy Lý nói với chúng tôi, trong địa ngục lại khác nhau, nó rất phức tạp, chênh lệnh mút giờ cũng rất nhiều. Thấy Lý nói một điều phổ thông nhất, địa ngục một ngày, trần gian hai ngàn bảy trăm năm. Trung Quốc hiệu xưng có lịch sử năm ngàn năm, trong địa ngục chưa đến hai ngày. Vì vậy địa ngục quá khổ, đúng là nói như ngày dài cả năm. Nhưng trong Kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta, thời gian là giả, không phải thật. Khái niệm thời gian này là khái niệm trừu tượng, từ đâu mà có? Vẫn là do vọng tưởng phân biệt chấp trước của quý vị biến hiện ra. Nếu như có thể buông bỏ phân biệt chấp trước, thời gian sẽ không có nữa, thời gian và không gian đều không có nữa. Buông bỏ hết chấp trước với tất cả pháp, vì nó là giả, cần gì phải chấp trước? Sau khi thực sự buông bỏ, tâm sẽ thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, tầng không gian dần dần mờ nhạt, cuối cùng không còn nữa.

Như chúng ta biết, tiểu thừa sơ quả Tu Đà Hoàn, đại thừa sơ tín vị Bồ Tát, trong sáu loại thần thông họ phục hồi được hai loại, phục hồi được thiên nhãn và thiên nhĩ, không có chướng ngại nữa. Nghĩa là tầng không gian bị phá một chút, cái chúng ta không nhìn thấy họ nhìn thấy, có thể nhìn thấy thiên đàng, có thể nhìn thấy địa ngục, họ có thiên nhãn. Nhị quả lại phục hồi được hai loại, nhị quả Tư Đà Hàm, có tha tâm thông, trong tâm người khác khởi tâm động niệm họ đều biết; có túc mạng thông, túc mạng thông là bản thân, đời đời kiếp kiếp trước nữa của bản thân đều nhìn thấy. Mặc dù không thể nhìn thấy xa xôi, đại khái khoảng mười mấy đời trước, mười mấy đời trước không có vấn đề gì, có thể nhìn thấy. Hiện nay dùng thuật thôi miên cũng được, có thể khiến cho một người phục hồi trí nhớ, họ có thể nhìn thấy đời trước của họ, một đời trước, hai đời, ba đời, có lẽ khoảng mười mấy đời là dễ dàng nhìn thấy. Thôi miên sâu hơn cũng có thể nhìn thấy chuyện của mấy chục đời trước, đại khái tương đương cảnh giới của Tư Đà Hàm. Tam quả Tư Đà Hàm, thần thông thứ năm xuất hiện, gọi là thần túc thông. Thần thông này xuất hiện rất hiếm có, họ có thể biến hoá, ngài có thể phân thân, họ có thể phi hành; trong thực tế không phải là phi hành, họ nghĩ đến một nơi, vừa nghĩ là thân thể của họ đã đến nơi đó rồi. Vì vậy không cần dùng đến phương tiện giao thông, quý vị nói muốn đến Mỹ, ý niệm vừa mới khởi lên, thân thể đã ở Mỹ rồi. Đây là cái gì? Không gian không có nữa, khoảng cách cũng không có, tuỳ theo ý niệm, đúng như trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “đương xứ xuất sanh, tuỳ xứ diệt tận”. Vì vậy người có khả năng này, quý vị vừa nghĩ đến họ, họ đã xuất hiện trước mắt quý vị rồi, nghĩ đến họ thì họ đến, vì sao vậy? Vì cảm ứng, thông tin của quý vị họ lập tức nhận được, họ lập tức hiện thân trước quý vị. Những điều này đều là thật, đều không phải là giả.

Tứ quả A La Hán, lục thần thông xuất hiện viên mãn rồi, A La Hán được lậu tận thông, phiền não dứt, kiến tư phiền não không có nữa, nhưng mà tập khí kiến tư vẫn còn. Phiền não đúng là không còn nữa, tập khí còn, phải dứt bỏ tập khí, sẽ thăng một cấp- Bích Chi Phật, cũng gọi là Duyên Giác, Bích Chi Phật, nâng lên Bích Chi Phật. Cho nên Bích Chi Phật, kiến tư phiền não và tập khí của kiến tư phiền não đều không có, nhưng mà có phân biệt, không có chấp trước, có phân biệt. Có phân biệt, tâm không bình đẳng, tâm thanh tịnh, không bình đẳng. Khi nào đoạn tận phân biệt, ngài thăng cấp, thăng lên đến vị trí của Bồ Tát. Bồ Tát không có phân biệt, có tập khí phân biệt, đoạn tận tập khí phân biệt, Bồ Tát đã thành Phật rồi. Vì thế Phật trong thập pháp giới, chúng ta biết, ngài đối với hai loại dưới đây, phân biệt, chấp trước, bao gồm tập khí, tất cả đều không có, đều đoạn hết rồi. Vì vậy tâm của Phật thanh tịnh bình đẳng, phía sau không có giác, chỉ có thanh tịnh bình đẳng, không có giác, vì sao vậy? Vì chưa đoạn vọng tưởng. Vọng tưởng là khởi tâm động niệm, cái này gọi là vô minh, vô thỉ vô minh chưa đoạn. Vô thỉ vô minh đoạn rồi, ngài đúng là thành Phật, không phải tương tợ tức Phật trong thập pháp giới, ngài từ tương tợ đã biến thành thật, chân Phật. Lúc này chuyển bát thức thành tứ trí, thập pháp giới không còn nữa, ngài sanh đến nhất chân pháp giới, tức là cõi thật báo. Trong cõi thật báo có tập khí, tập khí vô thỉ vô minh không dễ đoạn trừ. Tập khí vô thỉ vô minh thật sự đoạn rồi, công đức sẽ viên mãn. Ngài chứng quả vị diệu giác cứu cánh.

Vô thỉ vô minh khó đoạn, vì vậy đức Thế Tôn nói nó có 41 đẳng cấp, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác. Bốn mươi mốt vị này vì sao mà có? Tập khí dày mỏng có khác nhau, tập khí dày ở phía dưới, thập khí mỏng sẽ ở phía trên. Vì vậy đẳng giác chính là mỏng nhất. Đây gọi là 41 phẩm tập khí, phẩm cuối cùng đoạn được rồi họ sẽ nhập Diệu giác vị. Nhập Diệu giác chúng ta sẽ biết, cõi thật báo không thấy nữa, ngài đi đến đâu? Ngài đến Thường tịch quang. Đến Thường tịch quang quý vị sẽ không tìm thấy, khoa học và triết học ngày nay của chúng ta, đều không có cách gì tìm đựơc; trong cõi thật báo có lẽ còn có cách tìm thấy, đến Thường tịch quang không có cách gì. Nhưng chúng ta nghĩ đến lượng tử lực học đối với Thập pháp giới, Phật Bồ Tát trong Thập pháp giới chắc chắn họ có thể tìm thấy, bởi vì các ngài chưa chuyển thức thành trí, chưa lìa a lại da, lượng tử lực học đã quan sát được a lại da rồi. Nhưng những vị Bồ Tát này mặc dù không phải chân Phật, thần thông cũng quảng đại. Thế gian này của chúng ta, cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới không có ai có thể so sánh được với họ, so với A La Hán cũng không thể sánh được, nói gì đến Phật Bồ Tát trong tứ thánh pháp giới.

Những việc này, khiến chúng ta nghĩ đến mút giờ trong Lục đạo, “Tam đồ nhất báo lịch ngũ thiên kiếp”, không phải là năm ngàn năm, năm ngàn kiếp. “Triển chuyển lục thú”- lục thú chính là Lục đạo, hà nhật trùng phùng”. Người mà quý vị yêu thương, bạn bè thân thiết của quý vị không gặp được. “Thả trùng phùng diệc bất tương thức”, nghĩa là trùng phùng chưa hẳn đã nhận ra, cho nên nói “hội kiến vô kỳ”. Chúng ta nếu như thật sự nhìn thấu chân tướng sự thật, chúng ta hiện nay có duyên gặp được những người này, tự nhiên thì sẽ vô cùng trân trọng. Bởi vì thời gian gặp gỡ không lâu, trong thế gian này sẽ rất trân trọng, chúng ta tạm biệt, tức là sau khi chia tay, rồi không gặp lại nhau nữa. Phải nhìn thấu chân tướng sự thật này, phải nghĩ rằng chúng ta có thể trùng phùng, còn có thể gặp gỡ, chỉ có niệm Phật, tu thiện tích đức, niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, cái này được. Vì sao vậy? Vì không ở trong lục đạo, không ở trong Thập pháp giới, đem Thập pháp giới chuyển thành Nhất chân pháp giới. Hễ bát thức chuyển thì sẽ chuyển mất, hoàn toàn chuyển mất, đến lúc đó trùng phùng cũng có thể nhận ra, quý vị có thần thông, quý vị có trí tuệ.

Do đó đức Thế Tôn thương xót, khuyên bảo người đời, nhân lúc còn mạnh khỏe, sức khỏe còn rất tốt, còn rất khoẻ mạnh, quý vị nên nỗ lực tu thiện. “Tương dục đãi chí hà thời gia”, quý vị không thể chờ đợi nữa, quý vị chờ đợi thì sẽ không kịp rồi. “nhân lão thể suy, nan vô tinh tu”, quý vị tu hành khó khăn, không còn thể lực nữa. Như Kinh Niết Bàn nói: “Ca Diếp- đây là Phật Ca Diếp- thí như cam giá, kí bị áp dĩ, tử vô phục vị”. Mía ép thành nước, còn dư lại bã, bã mía không có vị nữa, vị ngọt không có nữa. “Bị áp dĩ” có nghĩa là gì? Chúng ta người già rồi, già rồi thì sự vui vẻ của con người không còn nữa, giống như mía, mật bị ép đến lúc không còn gì nữa. “Trạng niên thịnh sắc, diệc phục như thị”, điều này nhất định phải cảnh giác, “Kí bị lão áp, vô tam chủng vị”, người già rồi thì ba cái vị này không còn nữa. Một là xuất gia vị, hai là đọc tụng vị, ba là toạ thiền vị. Đây là gì? Là pháp vị, pháp vị không còn nữa. Xuất gia, vạn duyên buông bỏ, một lòng hướng đạo, cầu học tâm thiết, tìm thầy hỏi bạn, tấn tu đạo nghiệp. Thứ hai, đọc tụng kinh điển, trên có cổ nhân, làm bạn với Phật Bồ Tát. Thứ ba là tọa thiền, thiền vị. Con người lớn tuổi rồi, sẽ đánh mất ba loại vị này, cho nên lúc này phải nỗ lực, chớ có chần chừ. Chúng ta hiện nay còn có tinh thần, còn có thể lực, phải tích cực làm, nếu không làm, muộn rồi! Ba loại vị này chính là Giới định tuệ, xuất gia là Trì giới, đọc tụng là trí tuệ, ngồi thiền là Thiền định, ba vị của tam học Giới định tuệ, đến khi tuổi già đều không được nữa. Vì vậy, tuổi già thì một lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, việc này là đúng rồi. Ba việc này, tuổi tác qua rồi, không làm nữa, bất luận là xuất gia tại gia, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, giữ chặt đến cùng. Giống như tôi đã giảng ở trên, Tổ sư dạy chúng ta: “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, nhất định phải phấn đấu, nắm chặt câu Phật hiệu, không thể làm nó thất niệm, chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Mỗi người chúng ta tình trạng sức khoẻ có khác nhau, đây là phước báo. Có một số người, mặc dù tuổi tác đã cao, nhưng thể lực chưa suy, ba loại vị nói ở trên vẫn còn, tức là Giới định tuệ vẫn còn. Phải làm sao? Cũng không nên cầu nữa, niệm Phật quan trọng. Vì sao vậy? Vì niệm Phật có thể thành Phật. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta, chính là hy vọng trong kiếp này có thể làm Phật, đây là người có trí tuệ đệ nhất trong thế gian, không cần làm điều khác nữa. Thời gian chúng ta không còn nhiều, khoảng cách với lão hoá đã rất gần rồi, vậy nên vạn duyên buông bỏ, một lòng niệm Phật. Sự việc trong thế xuất thế gian không cần hỏi nữa, không cần để tâm nữa, nếu như còn quan tâm đến những việc vụn vặt thì chúng ta không thể đi nổi, còn làm lục đạo luân hồi thì sai rồi, đã sai lại càng sai.

Chúng ta xem tiếp đoạn này, đoạn dưới đây là chỉ cho quả báo khi mê mất Phật Bồ Tát, và giáo huấn của Thánh Hiền. Chúng ta xem kinh:

“Thế nhân thiện ác, tự bất năng kiến, cát hung họa phước, cánh các tác chi”- chẳng những đang làm, mà mọi người còn đang cạnh tranh- Thân ngu thần ám, chuyển thọ dư giáo- Phật giáo không tin tưởng, lại đi tiếp thu tôn giáo khác- Điên đảo tương kế, vô thường căn bản, mông minh để đột, bất tín kinh pháp, tâm vô viễn lo, các dục khoái ý, mê ư sân nhuế, tham ư tài sắc, chung bất hưu chỉ, ai tai khả thương. Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái dã, tử sanh chi thú, thiện ác chi đạo, đô bất chi tín, vị vô hữu thị- đây là hiện tượng rất phổ biến hiện nay- cánh tướng thiêm thị, thả tự kiến chi, hoặc phu khốc tử, huynh đệ phu phụ, cánh tướng khốc khấp- phía sau còn có hai câu- nhất tử nhất sanh, điệp tương cố luyến”. Đây là một đoạn.

Niệm Lão trong chú giải nói với chúng ta rằng, phẩm này nói rõ về cõi này uế ác, thế giới này của chúng ta, trái đất này của chúng ta, uế là ô nhiễm, ác là ác nghiệp, môi trường ô nhiễm rồi. Các chính phủ trên thế giới đều đang quan tâm, bảo vệ một trường trái đất, nên gọi là hoàn bảo. Danh từ hoàn bảo này năm mươi năm trước chưa có, chưa nghe thấy cái gì gọi là hoàn bảo, Khi chúng tôi vừa đến Đài Loan vẫn còn chưa nghe thấy có danh từ này. Danh từ này có lẽ xuất hiện khi chúng tôi năm sáu mươi tuổi, mới nghe nói đến cái danh từ này. Đây là nguyên nhân gì? Năm mươi năm trước vì sao không có danh từ này? Liệu có phải là vì không có ô nhiễm? có ô nhiễm, nhưng không nghiêm trọng, mọi người không nhìn thấy sự nguy hại của ô nhiễm này. Trong năm mươi năm nay mọi người ý thức được rồi, nếu như không bảo vệ môi trường, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh tồn của chúng ta, vì vậy mới đề xướng bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường có hiệu quả không? Tôi đã nói rất nhiều lần, không hiệu quả. Lời tôi nói có lẽ chư vị sẽ không phản đối, Vì sao? Vì hiện tượng này đã hiện ra trước mắt, quý vị đã thấy có hiệu quả chưa? Vì sao vậy? Vì chúng ta bỏ qua cái gốc của bảo vệ môi trường, là bảo vệ sức khoẻ tâm lý, môi trường bên ngoài tự nhiên được giải quyết. Ô nhiễm trong tâm chúng ta quá nặng, chưa có ai nói đến bảo vệ môi trường tâm lý. Bảo vệ môi trường vật chất ý thức được rồi, bảo vệ môi trường tâm lý mới quan trọng, nhưng chưa có ai ý thức được.

Tự tư tự lợi, tham sân si mạn nghi, sự ô nhiễm này quá nghiêm trọng, quả báo của sự ô nhiễm này chắc chắc tại tam đồ; hay nói cách khác, kiếp sau cõi người cõi trời đều không có phần. Phần trên chúng ta vừa mới đọc qua, tam đồ đáng sợ quá, không thể không có cảnh giác cao độ, thọ báo là năm ngàn kiếp, không phải năm ngàn năm. Cách nói như thế, hồi còn trẻ chúng tôi học tập, đã thỉnh giáo các thầy, đâu có dài như vậy? thầy nói đời đời kiếp kiếp. Vì sao vậy? Ví dụ như quý vị rơi xuống địa ngục, từ địa ngục đi ra rồi, mang theo tập khí ác của địa ngục, quý vị đến trần gian lại tạo nghiệp, không ai dạy quý vị. Cái nghiệp tội này gây ra rồi, sau khi chết lại đi đến đâu, trong kinh Địa Tạng có, vừa mới rời khỏi ác đạo, tại sao chưa được mấy ngày quý vị lại đến rồi, lại trở lại rồi? Tập khí ác khó sửa, đạo lý là ở chỗ này. Vì thời gian của ba đường ác dài, thời gian của trần gian ngắn, lấy đường ngạ quỷ mà nói, đường ngạ quỷ một tháng là trần gian một ngày, trần gian một ngày là đường ngạ quỷ một tháng. Vì thế mới nhìn thấy hiện tượng này. Đường địa ngục thì khỏi phải nói nữa, địa ngục một ngày, trần gian hai ngàn bảy trăm năm, quý vị sống trong trần gian một trăm tuổi, tạo ra nghiệp tội lại rơi vào địa ngục, quý vị làm sao vừa ra khỏi chưa lâu mà lại quay trở lại rồi? Hai ngàn bảy trăm năm, một trăm năm vẫn chưa đến một tiếng đồng hồ, không phải đi ra lại trở về rồi đó sao? Quý vị sẽ biết được năm ngàn kiếp đúng là nói không quá, quý vị bao giờ mới có thể thoát khỏi ác đạo? Quý vị còn dám làm ác nữa không? Quý vị muốn làm ác nữa không? Đây là nguyên nhân gì? Vì không có trí tuệ, mê hoặc điên đảo, họ mới dám làm, đầu óc còn chút tỉnh táo, thì không dám. Vì vậy giáo dục nhân quả quan trọng hơn so với giáo dục luân lý đạo đức, nhân quả chính là giáo dục lợi hại, trong đó có đại lợi, đại hại, hành thiện được đại lợi, tạo ác được đại hại. Vì thế, chúng sanh tam độc hẫy hừng, tạo ác đáng thương, đây là điều mà trong mắt Phật nhìn thấy. Vì sao phải tạo tham sân si? Tự làm tự chịu.

Đoạn đầu tiên là nói về tham độc, “bần phú đồng nhiên, ưu khổ vạn đoạn”. Bất luận là bần phú hay sang hèn đều giống nhau. Giáo dục hiện nay, đúng là không còn tin tưởng vào Thánh Hiền, không còn tin tưởng Phật Bồ Tát. Thánh Hiền, Phật Bồ Tát kiên quyết nói về không cạnh tranh, chẳng những Phật pháp không nói, chúng ta xem các tôn giáo khác cũng không nói về cạnh tranh. Cạnh tranh tự nhiên tăng lên, tăng lên cao hơn chính là đấu tranh, đấu tranh nếu tăng lên nữa là chiến tranh, nghiệp tội chiến tranh này quá đáng sợ, không bao giờ hết. Đánh nhau trên chiến trường đúng là kinh hoàng khủng khiếp, như thế sau khi chết đi, thần thức của họ vẫn còn đánh nhau, chưa đánh xong, đánh mãi cũng không xong, mấy ngàn năm sau vẫn còn giết qua giết lại, không dừng. Trên thực tế chiến tranh trên trần gian chấm dứt rồi, giảng hoà rồi, nhưng người chết rồi vẫn còn đánh nhau trên chiến trường, họ không biết đã kết thúc rồi, vĩnh viễn còn đánh, quý vị xem thật là đáng thương. Khiến cho chúng tôi nghĩ đến, chúng tôi sinh trưởng trong thời đại đó, chúng tôi tuổi còn nhỏ, còn chưa đủ tuổi đi lính, đang độ tuổi học tiểu học, học trung học, lưu lạc khắp nơi, chạy loạn khắp nơi, cũng kinh hoàng khủng khiếp. Những năm đầu học Phật, có lẽ học Phật trong khoảng 10 năm đầu, còn nằm mơ, mơ thấy trong thời kỳ chiến tranh, còn đang chạy nạn. Hiện nay trong những năm này không có mơ thấy như thế nữa. Đây là tập khí, tập khí của bản thân, chúng ta liền nghĩ đến những người chết trên chiến trường cái ấn tượng đó quá sâu đậm. Vì vậy mãi mãi vẫn đang chiến tranh, điều này đau khổ quá, tội nghiệp quá!

“Đoạn thứ hai nói về sân độc, kết thành đại oán”, đây là hai đoạn dài trên. Đoạn thứ ba này hiển thị si độc, phía trên nói về tham sân, đoạn này là nói về si. Như thân ngu thần ám, không kinh pháp, con đường thiện ác, đều không tin, đây là ngu si. Si độc, làm tổn thương tuệ mạng của con người, nó không phải là hại thân mạng quý vị, trí tuệ quý vị không có nữa, ngu si, nó cũng là nguồn gốc của tam độc. Vì sao mà tham? Vì không có trí tuệ, người có trí tuệ thì không tham, người có trí tuệ sẽ không biết nổi giận. Vì vậy, nó đúng là gốc rễ của tam độc, cho nên tác hại của si độc rất ghê gớm.

Hai đoạn sau lại chia thành tham độc và sân độc. Nghĩa kinh nói, người đời ngu si, không biết thế nào là thiện, thế nào là ác. Những việc này đều hiện ra trước mắt chúng ta, điều này nói về giá trị quan, giá trị quan hiện nay bị đảo lộn rồi. Cái gì là thiện? Có tiền có quyền thế là thiện. Bần tiện chính là ác. Hiện nay giá trị quan của con người là nói về cái này. Vì vậy, ra sức đi tranh danh đoạt lợi, khởi tâm động niệm đều là hại người lợi mình. Ai ai cũng đều hại người lợi mình, như thế thật đáng sợ. Giá trị quan về thiện ác bị đảo lộn hết rồi. Mỗi người tự theo ý riêng, vọng thêm phân biệt, đối với thiện ác nhân quả ba đời không có lòng tin. Quý vị có nói cho họ về quả báo thiện ác họ cũng không tin, quý vị nói cho họ về kiếp sau họ cũng không tin, họ cho rằng chỉ một kiếp này thôi, ta phải cố sức đi hưởng thụ, phải cố sức tranh danh đoạt lợi. Người không dám cố sức tranh giành, họ nói đó là người ngốc, đó là người ngu, họ cho rằng mình thông minh. Cho nên nói người đời tự mình không thể thấy được thiện ác, nghĩa là không hiểu được cái gì là thiện, cái gì là ác. Đây là căn nguyên của xã hội loạn lạc, cũng là nhân tố chính của biến đổi thiên tai trái đất.

Vì không biết nhân, nên chẳng sợ quả, quả báo hiện tiền, họ cho rằng không liên quan đến họ, đây là tai hại tự nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể chống lại được. Nhưng họ tham niềm vui trước mắt, mà không biết hậu quả về sau. Ba ngàn năm trước đức Thế Tôn đã nói những lời này, hình như là nói cho người hiện đại bây giờ nghe. Trước đây đã có trong lịch sử, nhưng mà chưa nghiêm trọng. Chịu ảnh hưởng lời Phật dạy, chịu ảnh hưỏng của đạo đức luân lý truyền thống, không dám làm quá đáng, làm quá cảm thấy mất thể diện. Hiện nay giá trị quan thay đổi rồi, thị phi thiện ác hoàn toàn đảo lộn, lấy thiện xem như ác, lấy ác cho là thiện. Vì vậy chạy theo tình dục, cố ý làm ác, tranh nhau tạo ác nhân, đây là cạnh tranh. Ác nhân, sát đạo dâm vọng tửu, tham sân si mạn nghi, cố sức làm những điều này, không cần biết hiểm họa về sau. Vì sao vậy? Vì họ không tin, quý vị nói tương lai họ sẽ có ác báo, họ không tin, họ nói đây là mê tín, đây là điều mà các Hoàng đế thời kỳ phong kiến dùng để lừa bịp người dân. Chúng ta đang học tập những kinh giáo này, họ đứng bên cạnh cười mỉa mai, bài xích chúng ta, đả kích chúng ta. Vì sao vậy? Vì họ không hề lo sợ, ham muốn phóng túng, tuỳ ý gây ác. Ở đây Phật dạy rằng: “kiết hung họa phước cánh các tác chi”, mỗi một người đều đang thi đấu, đều đang cạnh tranh. Cạnh tranh không được thì đấu tranh, đấu tranh không được thì phát động chiến tranh, phải tước đoạt, vì thế gây ra thiên tai nhân họa.

Lại Gia Tường Sớ nói: người đời sát sanh để cúng tế khi lâm chung gọi là hung, cưới gả vân vân gọi là kiết, người đời làm hai việc như thế, kiết hung là nhân, họa phước là quả, sát sanh tế tự là hung, nghiệp sát chiêu cảm quả báo ở tam đồ là hoạ. Người đời đều cho rằng việc cưới gả là kiết, nhưng không biết vì hỷ sự này mà sát sanh, trái lại thành hung sự, mà chiêu lấy thảm họa về sau, đó là do người đời không hiểu rõ về thiện ác mà chiêu lấy ác quả vậy. Đây là nói trước đây. Con người hiện nay nhìn thấy những dòng chữ này, đều nói đây là mê tín. Trước đây con người còn có chút sợ hãi, vì vậy không dám làm quá đáng. Con người hiện nay không hề để ý, một chút tâm lý lo sợ cũng không có, cho rằng bản thân mình làm rất đúng, làm được vô cùng huy hoàng, lấy đó làm vinh hạnh. Chiêu cảm lấy điều gì? Chiêu cảm là bệnh tật trong thân tâm của bản thân, dịch bệnh, lại chiêu cảm sự biến đổi của trái đất, thiên tai nhân họa đều hiện tiền. Chiến tranh bùng phát, chiến tranh này là chiến tranh vũ khí hạt nhân, có thể xảy ra không? Rất có thể. Chúng ta hãy xem truyền thông đưa tin, có thông tin này, chúng tôi tin rằng đây là điều chính xác, không phải là giả. Họ nói toàn thế giới ít nhất cũng có đến hai ngàn quả bom nguyên tử, bom hạt nhân chuẩn bị phóng, có thể phóng trong vòng ba phút, có hai ngàn quả! một quả bom hạt nhân có thể phá huỷ một thành phố, đặt trên bệ phóng chờ phóng, chỉ cần thời gian 3 phút. Quý vị thử nghĩ xem thiên tai nhân họa này đáng sợ biết bao, mang đến tai nạn mang tính huỷ diệt cho nhân loại, không phải là chiến tranh như trước. Trước đây chiến tranh không đáng sợ, một quả bom nhiều nhất cũng chỉ sát thương một hai chục người mà thôi. Bây giờ không phải vậy, một quả bom hạt nhân ít nhất có thể giết chết một triệu người. Vì vậy, chiến tranh hạt nhân nếu nổ ra, người trên thế giới này, người chết một ngày phải đến trên trăm triệu, mấy trăm triệu người, đúng là tiểu tam tai được nói đến trong kinh Phật.

Tiểu tam tai hồi trước chúng tôi mới học kinh không hiểu, vì đức Phật nói với chúng ta, tiểu tam tai thứ nhất là chiến tranh, thời gian là bảy ngày bảy đêm, kiếp binh đao bảy ngày bảy đêm; tiếp đến là dịch bệnh, dịch bệnh là bảy tháng bảy ngày; tiếp theo là đói kém, bảy năm bảy tháng. Trong kinh là nói như vậy. Chiến tranh Trung Nhật tám năm, đại chiến thế giới lần thứ hai bốn năm, đều không tính là kiếp binh đao, chiến tranh bảy ngày bảy đêm là kiếp binh đao, nghĩ thế nào cũng nghĩ không ra. Tôi cùng Đạo An pháp sư đi thăm Nhật bản, đến thăm Hiroshima, thăm Nagasaki. Đây là chuyện của ba mươi năm trước, tôi còn nhớ tôi năm đó 49 tuổi, đến thăm Nhật Bản năm đó là 49 tuổi, thiếu một tuổi đầy năm mươi. Tôi xem xong bỗng nhiên ngộ ra, thì ra tiểu tam tai là nói về chiến tranh hạt nhân. Hiroshima bị bom nguyên tử phá hoại rồi, đúng chính xác năm đó chúng tôi đi là năm thứ chín, đất đai vừa mới mọc cỏ. Đúng là bảy năm bảy tháng cây cỏ chưa mọc, thế người không phải là chết đói rồi sao? Chúng tôi đến đó hình như là năm thứ tám, năm thứ tám, năm thứ chín, trên đất mới từ từ mọc cỏ. Dịch bệnh là gì? Tức là phóng xạ hạt nhân. Lúc đó người bị chết cháy hơn 80 ngàn người, người chết lúc đó, ngay cả đầu cũng không tìm ra, đều biến thành tro rồi. Người bị nhiễm phóng xạ, người tử vong vì nhiễm phóng xạ, đúng như đức Phật nói trong kinh là người chết trong vòng bảy, tám tháng rất nhiều, thật thê thảm! Hơn nữa, người mà còn sống đến hiện nay, thiểu số, nhưng đều biến thành ngớ ngẩn, nếu quý vị nhìn thấy, thì thật tội nghiệp! Vì thế tiểu tam tai mà Phật nói trong kinh, giờ chúng ta mới hiểu, chiến tranh vũ khí hạt nhân mới là tiểu tam tai. Ba ngàn năm trước đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhìn thấy rồi, đã nói rõ rồi. Loại người nào sẽ làm những việc này? Người ngu si, họ dám làm. Là người minh tường, người thông minh sao dám làm những việc này! Tội ác này không có gì so sánh được, tương lai phát động vũ khí hạt nhân, kẻ tham gia chiến tranh vũ khí hạt nhân đều là A Tị địa ngục, họ có thể giải thoát được không? Họ có thể đi ra được không? Dù có gây ra những nghiệp tội gì đi nữa, trong địa ngục còn có ngày đi ra, gây ra chiến tranh vũ khí hạt nhân vĩnh viễn không có ngày ra.

Ở đây Gia Tường đại sư giải thích rằng, người thế gian, người chết, tế tự, tế tự sát sanh tế quỷ thần, đây là hung; giá thứ, giống như là kết hôn hiện nay, đây là việc tốt. Người thế gian thường làm hai việc này, vì sao vậy? Sát sanh mời khách. Kiết hung là nhân, họa phước là quả, sát sanh tế tự là hung, nghiệp sát mang lại quả báo là tam đồ, người trần gian đều cho rằng lấy vợ gả chồng là kiết, nhưng không biết được vì hỉ sự mà sát sanh, hóa ra tạo ác nghiệp, điều này quá nhiều, hóa ra thành việc hung, mà còn mang đến tai họa vô cùng. Còn có việc mừng thọ, trẻ con đầy tháng, thôi nôi đều chúc mừng, đều sát sanh. Đây chính là do người đời không hiểu rõ thiện ác sẽ chiêu lấy quả báo, đều không biết, nếu như biết được nghiệp nhân quả báo, chắc chắn họ sẽ không làm như vậy. Những tập khí này được hình thành trên toàn thế giới, không phải là một vùng, quý vị có thể thấy ở khắp nơi.

“Thân ngu thần ám”, thần là tinh thần, hồ đồ! Thân tạo ác là thân ngu, tâm bất tín là thần ám. Trong kinh Nhân Quả nói với chúng ta rằng, những súc sinh mà bị sát hại, rất nhiều rất nhiều đều là gia quyến thân thuộc của mình đã qua đời, họ đầu thai làm súc sinh. Thay đổi thân thể nên nhận ra, muốn ăn thịt chúng. Việc này có thể tin được không? Có thể tin được. Đúng là oan oan tương báo không bao giờ hết.

Tịnh Ảnh Sớ nói: “thân ngu thần ám, tâm bế ý tắc, sanh tử thiện ác tự mình không thấy được, nên biết ngu ám chính là si độc, vì ngu si nên tâm bế ý tắc, không thể chánh tín nhân quả, không thể tín thọ kinh pháp, khế nhập chánh đạo, đối với ngoại đạo tà thuyết lại tin phụng”. Ngoại đạo là gì? Đề xướng sát sanh tế tự, cho rằng ăn thịt là một việc vui vẻ, đặc biệt là gia đình giàu có. Hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển, người bình thường đều giàu có hẳn lên, liệu có phải là việc tốt không? Tôi nghĩ chư vị trong tâm đều hiểu rõ. Tôi hồi tưởng lại lúc mình còn nhỏ, lớn lên ở vùng nông thôn, thích ăn thịt, tham ăn, trong làng bán thịt, mỗi nửa tháng chỉ có một lần, cũng có nghĩa là, trong thôn nhỏ này, mỗi nửa tháng mới giết một con heo, chỉ có lúc ngày lễ ngày tết, đại khái là mỗi ngày giết một con heo, bình thường không có. Bình thường có lúc giết gà giết vịt thế thôi, đó đều là nhà mình nuôi. Quý vị phải đến trong xóm nhỏ mua, đến trong làng để mua, mua những thức ăn thịt, thịt heo vân vân, một tháng chỉ có một lần. Không có nhiều đâu, người bình thường ăn được miếng thịt quá khó, chỉ đến dịp lễ tết mới có, bình thường không có. Đâu có giống như hiện nay, ngày nào cũng ăn thịt, còn thịnh soạn hơn cả dịp lễ tết. Người này có bao nhiêu phước báo? Phước báo đó không phải đã nhanh chóng hưởng hết rồi sao? Hưởng hết rồi thì làm thế nào? Tại họa sẽ đến thôi.

Vì vậy cái độc ngu si này còn nghiêm trọng hơn cả tham sân mà đã nói ở trên, vì sao vậy? Vì tâm bế ý tắc, hồ đồ, không biết đúng sai, không tin nhân quả, không tin kinh pháp, lời dạy của cổ Thánh tiên Hiền không thể tiếp thu, kinh điển của Phật giáo, tôn giáo đương nhiên cũng không tiếp thu. Vì vậy người tín ngưỡng tôn giáo trên toàn thế giới mỗi năm mỗi ít, đây là điều mà Thiên chúa giáo nói với chúng tôi. Chúng tôi đến thăm Vatican, Giáo chủ Đào Nhiên nói với chúng tôi, theo cách nghĩ của ông, nếu như với tốc độ giảm xuống như thế này, sau hai, ba mươi năm nữa, người tín ngưỡng tôn giáo trên thế giới này sẽ chẳng còn được mấy người, số người này sẽ quá ít. Điều sợ nhất là tôn giáo sẽ biến mất khỏi trái đất này, trở thành một danh từ trong lịch sử. Tin tưởng cái gì? Tin vào khoa học, tin vào nhân định thắng thiên, cũng có nghĩa là con người quyết định có thể dùng khoa học kỹ thuật chinh phục đại tự nhiên. Bây giờ chúng ta hãy nhìn xem, khoa học kỹ thuật liệu có thể cứu được tự nhiên không? Hiện nay giới tự nhiên xảy ra nhiều tai hoạ. Một số đồng học, đem những tai họa trên toàn thế giới mấy tháng gần đây, họ sưu tầm từ truyền thông, đại khái là báo chí, tạp chí, tôi không biết nguồn gốc của nó, in ra thành một bảng cho tôi, chỉ là tiêu đề, không có nội dung, tôi chỉ có xem tiêu đề, xem cụ thể là có bao nhiêu. Tháng ba có hơn 40 lần, tháng 4 có hơn 60 lần, tháng 3, 4, 5 ba tháng này, đại khái có khoảng 150 lần, như thế bình quân một tháng có khoảng 50 lần. Hơn nữa mỗi tháng một tăng, tháng 3 mới có bốn mươi mấy lần, bây giờ trong tháng này mới qua 20 ngày, đại khái đã có khoảng hơn 100 lần rồi, e rằng tháng này đến cuối tháng có thể đạt đến hai trăm lần. Tần suất mỗi một tháng đều tăng lên, thiên tai mỗi ngày một nghiêm trọng, khoa học có cách gì để cứu vãn không?

Nhật Bản sau động đất ngày 11 tháng 3, dư chấn cho đến bây giờ vẫn chưa chấm dứt, lòng người hoảng loạn. Hiếm thấy cái tâm của dân chúng Nhật Bản, họ đều rất lương thiện, nhất là phần lớn nông thôn, nền móng truyền thống vẫn chưa bị mất đi. Họ mời tôi đến giảng kinh, đến hoá giải thiên tai. Giảng kinh hóa giải được không? Được. Vì sao vậy? Vì giảng kinh là khuyên mọi người bỏ ác tu thiện. Trong kinh đức Phật dạy rằng: “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, hiện nay các nhà khoa học cũng nói với chúng ta rằng: ý niệm có thể xoay chuyển cảnh giới. Tiến sĩ Giang Bổn ở Tokyo làm thí nghiệm về nước, đã rất thành công, nói rõ sự việc này không phải là giả. Vì vậy cống hiến lớn nhất của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đối với xã hội đại chúng, đó là 49 năm giảng kinh dạy học. Nhưng mà hiện nay có rất nhiều người họ vẫn không tin, Nhật Bản còn có thể tin, mời tôi đến giảng kinh, tôi đã đi rồi. Tôi giảng kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ chia 48 tiếng đồng hồ giảng cho Nhật Bản, tôi giảng 12 ngày, một ngày 4 tiếng đồng hồ, tất cả 48 tiếng. Có hiệu quả, hiệu quả gì? Thính giả bên Nhật Bản nghe xong rất hoan hỉ, thế là tốt rồi, nghe rồi tin tưởng. Chỉ cần có thể tín thọ kinh pháp, tâm niệm đoan chánh. Bladen người Mỹ từng nói, hoá giải thiên tai, bỏ ác dương thiện, cải tà quy chánh, tâm niệm đoan chánh, thì sẽ có được hiệu quả. Nhưng mọi người phải tin, thật tin tưởng thì chúng tôi mới đi, xem xem hiệu quả thế nào? Tâm niệm mọi người đúng là thay đổi rồi, thiên tai cho dù không thể hoá giải, thì cũng giảm nhẹ đi nhiều, không đến nỗi tạo thành tổn hại nghiêm trọng, thế thì tốt quá rồi.

Vì vậy người hiện này khó, khó ở điểm nào? Không tin vào chánh pháp, ngược lại quá sùng bái với ngoại đạo tà thuyết, vì thế trong kinh nói: “chuyển thọ dư giáo”. Ngoại đạo là dạy quý vị túng dục, dạy quý vị tham lam, dạy cho quý vị không nên tin vào quỷ thân, nhân quả đều là giả, dạy quý vị cạnh tranh, dạy quý vị đấu tranh, chuyên dạy cái này, những thứ này họ lại rất dễ tin. Cái nhìn điên đảo như vậy, nối nhau không dứt, vĩnh viễn đọa trong sanh tử, sanh tử này chính là luân hồi, sanh tử luân hồi quý vị không có cách gì vượt qua. Vì sao con người không thoát được luân hồi? Nguyên nhân căn bản chính là si, “chánh thị si nghiệp”. Thực tế mà nói, chúng tôi thường xuyên nói với các học trò rằng, dưới si có nghi, ngu si, hoài nghi, đối với cái gì cũng hoài nghi, không có niềm tin, thế thì phiền phức to rồi. Sanh tử vô thường, lấy si làm gốc, nghi là duyên, si là gốc, nghi là duyên, hoài nghi, ngu si, không tin tưởng, cho nên nói căn bản vô thường.

Cổ Thánh tiên Hiền dạy chúng ta, Ngũ luân, Ngũ thường, Tứ duy, Bát đức, thực hiện tại Đệ Tử Quy, nếu như chúng ta đều có thể dựa vào Đệ Tử Quy để học tập, đều có thể đem nó biến thành cuộc sống thường ngày của bản thân, đối nhân xử thế tiếp vật, thì thiên tai sẽ giảm xuống rất nhiều. Tiến thêm một bước nữa, chúng ta học giáo dục nhân quả, thực hiện ở Cảm Ứng Thiên, thì thiên tai rất có thể được hoá giải.

Giáo dục của Phật thù thắng không gì sánh bằng, tôi giảng kinh ở Nhật Bản, Pháp sư bên Nhật Bản nói với tôi, ông nói bốn trăm năm trước, những ngôi chùa, đạo tràng của Nhật Bản đều có chư vị tổ sư giảng kinh dạy học, hiện nay suy rồi. Tôi nghe lời nói này tôi rất tin, vì sao vậy? Vì Bộ kinh Vô Lượng Thọ này, chư vị Tổ sư của Nhật Bản, họ học tập bộ kinh này, còn chăm chỉ hơn cả người Trung Quốc chúng ta. Chú giải kinh Vô Lượng Thọ của họ đại khái có bốn, năm mươi loại, còn ở Trung Quốc chỉ có hai loại. Việc học tập đối với kinh Vô Lượng Tho, Trung Quốc không bằng Nhật Bản, người Nhật Bản đúng là nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Bản họ dùng tuyệt đại đa số là dùng bản của Khương Tăng Khải, người Trung Quốc chúng ta vì thấy có 5 loại bản dịch gốc, 5 loại đều xem thì quá phiền phức, người Trung Quốc rất thích đơn giản, liền đem cái này vất bỏ đi, chuyên môn học Kinh A Di Đà. Vì vậy, phong trào học Kinh A Di Đà, người Trung Quốc vượt qua Nhật Bản, học kinh Vô Lượng Thọ, người Nhật Bản vượt qua người Trung Quốc.

Trong Lễ Ký có câu nói “Nhân khí thường tắc yêu hưng”, yêu ma quỷ quái sẽ xuất hiện ở thế gian. Thường là gì? Nhân nghĩa lễ trí tín, gọi là ngũ thường. Nhân nghĩa lễ trí tín, trong Phật pháp thì là sát đạo dâm vọng tửu- ngũ giới, là giới luật cơ bản của Phật giáo. Giới hạn của đạo đức Trung Quốc, giới hạn căn bản nhất là ngũ thường, nhân nghĩa lễ trí tín. Con người nếu như có thể tuân thủ, vĩnh viễn không vượt qua quỹ đạo này, con người sẽ sống rất hạnh phúc, xã hội sẽ rất hài hoà, không đến nỗi có tai hoạ, có chuyện ngoài ý muốn. Hiện nay chúng ta đem Ngũ thường vất bỏ rồi, người học Phật vất bỏ ngũ giới, thập thiện vất bỏ rồi, thân tâm bệnh khổ, bản thân phải giác ngộ, trong tâm quý vị bất an, phiền não, âu lo, day dứt, đây đều là bệnh, đây đều là thứ mà không nên có; môi trường sống có quá nhiều tai họa như vậy. Cho nên khi chúng ta hiểu ra rồi, nhất định phải quay đầu, chăm chỉ tu hành theo lời dạy của đức Phật.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.

HẾT TẬP 509