Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 508
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Võ Mai Hoa
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 22.07.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 636, bắt đầu xem từ hàng thứ sáu.
“Mệnh trung khí quyên, thử tứ cú- bốn câu ở dưới - mạc thuỳ tuỳ giả, bần phú đồng nhiên, ưu khổ vạn đoạn”. Bốn câu này, chỉ cho tất cả người đời, khi lâm mạng chung, thì tất cả gia tài quyến thuộc, đều phải xả ly. Một mình đến đi, không ai làm bạn, người thương yêu nhất, có thể chết theo, nhưng không thể đi cùng, nghiệp nhân bất đồng, quả báo sai khác, nơi đến chẳng ai giống ai. Nên gọi là: “mạc thuỳ tuỳ giả”.
Những điều này đều là chân tướng sự thật của nhân gian, cho dù là đồng tu thiện nghiệp, quả báo của mỗi người cũng không giống nhau. Vì thế đúng là có thể chết cùng lúc, đặc biệt là thiên tai, quý vị thấy người chết cùng lúc nhiều biết bao, nơi đến không giống nhau, chân tướng sự thật này chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Khi thiên tai đến có sợ không? Không sợ. Nếu như chúng ta suốt đời biết được luân lí đạo đức, tin tưởng vào nhân quả báo ứng, khởi tâm động niệm tự nhiên sẽ tương ứng với tánh đức, cho dù gặp phải tai nạn, không phải chuyện xấu, quý vị thăng lên, quý vị lên cao rồi, là việc tốt. Nếu không tin vào giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền, không thể bỏ ác tu thiện, thì khi gặp tai nạn quý vị sẽ rơi xuống dưới, quý vị không thể thăng lên. Kiếp sau muốn có được quả báo hiện tiền này thật không hề dễ dàng. Trong kinh đức Phật nói nhiều rồi: “nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn”, hễ mất thân người rồi, thì cơ hội để kiếp sau có được thân người lại là rất xa vời. Vậy thì phải nhìn nhận thế nào? Kiếp này chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, liệu có thể đạt đến tiêu chuẩn của trung phẩm thập thiện không? Trong kinh đức Phật dạy rằng: thượng phẩm thập thiện sanh thiên, trung phẩm thập thiện không mất thân người. Hạ phẩm là không được rồi, hạ phẩm mặc dù không đọa vào ba đường ác, phần lớn rơi vào ma đạo, A Tu La, La Sát đi đến chỗ đó, đó cũng không phải là nơi tốt đẹp. Từ đó cho thấy, thập thiện nghiệp đạo là tiêu chuẩn.
Trước đây khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Quốc, người Trung Quốc làm thế nào? Lão tổ tông Trung Quốc có những tiêu chuẩn, giống với thập thiện mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói, hoàn toàn tương đồng. Cái mà Trung Quốc nói đến có luân lí, ngũ luân, ngũ thường, ngũ thường chính là ngũ giới, có tứ duy, bát đức. Nhìn bề ngoài giảng còn kỹ hơn so với thập thiện, giảng rất rõ ràng, đây là nhìn vẻ bên ngoài. Nhìn vào chiều sâu thì không được vậy. Nhìn chiều sâu, Thanh Văn đem thập thiện mở rộng thành ba ngàn thiện, gọi là ba ngàn oai nghi; Bồ Tát càng thù thắng, đem thập thiện mở rộng thành tám vạn bốn ngàn thiện; thiện viên mãn rồi, thập thiện viên mãn thì thành Phật. Ý ở đây muốn nói là, chớ xem thường thập thiện, Đẳng giác Bồ Tát thập thiện nghiệp đạo còn không thể nói viên mãn, vẫn còn kém một chút, đến Phật mới viên mãn. Lấy gì để thấy? Chúng ta chỉ cần hơi lưu ý, quý vị sẽ nhìn thấy, tượng Phật vẽ màu, phía trên ánh quang của Phật có 3 chữ, thông thường viết bằng chữ phạn là Án A Hồng. Ở Trung Quốc chúng tôi nhìn thấy có viết bằng chữ Hán, cũng có viết bằng chữ tạng, viết ba chữ này. Vậy ba chữ này có nghĩa là gì? Thân khẩu ý. Án là thân nghiệp, A là khẩu nghiệp, Hồng là ý nghiệp. Thân nghiệp là không giết, không trộm, không dâm; khẩu nghiệp là không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ỷ ngữ, không ác khẩu; ý nghiệp là không tham, không sân, không si. Ba chữ trên đỉnh đó chính là thập thiện nghiệp đạo. Vì vậy thập thiện nghiệp đạo đến khi thành Phật mới viên mãn. Làm sao có thể xem thường nó được? Hiện nay thông thường học Phật, bất luận là tại gia, xuất gia, đều xem nhẹ điều này. Cũng giống như học Nho xem thường Đệ Tử Quy, học đạo xem thường Cảm ứng Thiên. Cho rằng những cái này là quá nông cạn, đơn giản đến quá mức. Mà không biết rằng đơn giản nhất lại là cao nhất, cái bình thường nhất lại là cái thù thắng nhất, đây là điều mà Phật pháp nói là bất nhị pháp môn. Ai có thể cảm nhận được? Quả thực người có thể cảm nhận được là quá ít! Nếu như đến một ngày “mệnh trung khí quyên”, khí quyên này là thân thể, thân thể mất rồi không cần nữa, đến lúc đó có hối hận cũng không kịp nữa, muốn học, cơ hội không có nữa.