Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 507
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Trần Thị Giang Hiền
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 21.07.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 634, bắt đầu xem từ hai chữ cuối hàng thứ tư:
Hội Sớ viết: sĩ nông công thương, vi cấp tự thân, cố vân dĩ tự cấp tế. Cấp, cộng cấp dã. Tế, chu tế dã”. Có nghĩa là siêng năng làm việc, để cung cấp cho tự thân, sĩ nông công thương là chỉ các giai cấp trong xã hội, cả đời cố gắng phấn đấu để kinh doanh, đều là vì cuộc sống cả, làm cho cuộc sống của mình giàu có lên, mục đích đều như vậy.
Chúng ta xem tiếp đoạn dưới. “Tôn ti, bần phú, thiếu trưởng, nam nữ”, ở đây là rộng chỉ cho con người trên cuộc đời có rất nhiều chủng loại, nghĩa là tất cả đại chúng trong xã hội này. Người đời đị vị cao là tôn, tôn ti ở đây là nói đến địa vị, địa vị trong xã hội, bần phú là chỉ tiền tài, nhiều tiền thì gọi là phú, ít tiền thì gọi là bần; lớn tuổi thì xưng là trưởng, trẻ tuổi gọi thiếu. Nam nữ bất đồng, nhưng chẳng ai không có tâm tham dục ngu si, khổ tâm chồng chất, ưu tư dẫy đầy, bôn ba vất vả, không bao giờ dừng. Ở đây nói đến mọi người trong xã hội, hiện tượng này hiện nay phổ biến trên toàn thế giới, đều vì danh văn lợi dưỡng mà lắm ưu phiền. Những điều nói ở đây, miêu tả rất chính xác, ngu si chính là căn. Nói đến ngu si, là không hiểu rõ được chân tướng sự thật, vì vậy cả đời bất kể là bần phú sang hèn, phổ biến đều là ưu tư phiền muộn, đều có lắm lo nghĩ muộn phiền, cả đời bôn ba lao lực, luôn luôn bận rộn, không thể dừng lại được. Cho nên nói: “lũy niệm tích lự, vi tâm tẩu sứ”. Lũy là tích lũy, niệm là vọng niệm, họ có lo lắng, họ có phiền não, họ có bất an, họ có nỗi lo được mất, những thứ này quấy nhiễu suốt cả cuộc đời luôn bận rộn kiếm sống mưu sinh của họ.
Nếu có trí tuệ, sẽ thật sự hiểu rõ, vì vậy cổ nhân không hề mê tín, cổ nhân thường bảo với chúng ta: “nhất sanh giai thị mệnh, bán điểm bất do nhân”, nếu tiền tài phú quý có thể tranh giành mà có được, Phật Bồ tát cũng sẽ giành, Thánh hiền cũng sẽ giành, họ không giành được, Quý vị có giành cũng vô dụng, không giành được. Những thứ này là cái gì? Nếu định mệnh có thì Quý vị sẽ có, định mệnh không có thì đừng phí công, tranh giành không được. Con người trong thế giới này, hạnh phúc mỹ mãn và phú quý không liên quan nhau, đạo lý này chắc chắn phải hiểu. Con người sống phải hạnh phúc, phải tự tại, vì vậy sống không áy náy gì, Quý vị sẽ tự tại, minh lý. Cho nên cổ nhân nói “Khổng Nhan chi lạc”, Khổng Phu tử vui vẻ, Nhan Hồi vui vẻ. Khổng Phu tử không có địa vị, dân thường; Nhan Hồi là một người vô cùng nghèo khổ, bần cùng, nhưng không thể nói là hèn, ông ấy có phẩm cách thanh cao. Cuộc sống, cuộc sống vật chất rất cực khổ, cơm rau dưa muối, Phu tử cũng cảm thán, người bình thường không chịu nổi cuộc sống nghèo nàn như vậy, nhưng Nhan Hồi cả ngày từ sáng đến tối đều vui vẻ, xem như không có gì. Từ đó có thể thấy, hạnh phúc thật sự không liên quan lắm đến tiền tài vật chất, người thật sự có đạo gặp sao yên vậy, xã hội này mới có thể yên ổn, thế giới mới có thể hòa bình, bởi họ không tranh. Vì sao không tranh giành? Họ hiểu rõ, mệnh trời đã định, giành cái gì? Số mạng có thì không cần giành, số mạng không có thì cũng không cần giành. Nếu chúng ta đã từng đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, thì sẽ hoàn toàn hiểu rõ sự việc này.
Liễu Phàm tiên sinh, người đời nhà Minh, từ lúc nhỏ đã được một ông thầy bói xem cho vận hạn cả cuộc đời, vận hạn suốt đời. Lúc đó ông 15 tuổi, bố đã qua đời, mẹ nuôi ông ấy, nói rằng bố ông có di nguyện, hy vọng ông học nghề y, trị bệnh cho người, có thể kiếm sống, tức là có thể nuôi cả nhà, kiếm được chút thu nhập. Hơn nữa đều là làm việc tốt, có thể tích đức, có thể trở thành một danh y làm rạng danh dòng họ, là một chuyện rất tốt. Nhưng ông thầy bói này lại bảo với ông ấy rằng, ông không phải là người thuộc ngành đó, ông là người có tướng làm quan, số ông là được làm quan, ông hãy chuyên tâm đọc sách, khuyên ông ấy đọc sách, bói cho ông ấy vận hạn cả đời, năm nào sẽ tham gia ứng thí, đậu tước vị gì, bổng lộc triều đình phát cho ông ấy mỗi năm là bao nhiêu, đều đã được định sẵn. 15 tuổi, 25 tuổi, 35 tuổi, hơn hai mươi mấy năm, đều giống với lời của ông thầy bói, không sai sót chút nào, vì vậy ông đã tin hẳn lời thầy bói, không mưu cầu gì nữa, thật sự là định mệnh đã sắp đặt sẵn rồi. Ông đến thăm Vân Cốc Thiền sư, ở núi Thê Hà- Nam Kinh, ngồi trong thiền đường với Vân Cốc Thiền sư đúng 3 ngày 3 đêm, không hề khởi ý niệm. Vân Cốc Thiền sư rất khâm phục ông, điều này người bình thường không làm được, không làm được như vậy. Bèn hỏi ông: Ông học được ở đâu? Ông nói với Thiền sư: tôi không có công phu gì. Vậy sao ông có thể 3 ngày 3 đêm không hề có một vọng niệm? Mệnh của tôi đã được người ta định sẵn, hơn 20 năm nay không hề sai sót, tôi khởi vọng niệm có tác dụng gì? Tốt nhất không khởi vọng niệm nữa. Điều này là thật không phải là giả. Vân Cốc Thiền sư nghe xong cười lớn: Tôi vốn cho rằng ông là Thánh nhân, kết quả ông vẫn là một phàm phu. Liễu Phàm tiên sinh nghe xong câu này rất ngạc nhiên, bèn hỏi Sư: vì sao Sư lại nói như vậy? Sư bảo với ông ấy rằng: “phàm phu bị vận mệnh trói buộc, ông không vượt qua nổi định mệnh; nếu như là Thánh hiền, vận mệnh không trói buộc nổi họ”. Nói với ông con đường của Thánh hiền. Vậy có thể thay đổi vận mệnh không? Đương nhiên có thể đổi.