445

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 506

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Võ Mai Hoa

Biên tập: Nguyên Tâm

Thời gian: 21.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 632, bắt đầu xem từ hàng thứ hai, đọc từ đoạn này:

“Thế nhân cộng tranh bất cấp chi vụ, ư thử kịch ác cực khổ chi trung, cần thân doan vụ, dĩ tự cấp tế. Tôn ti, bần phú, thiếu trưởng, nam nữ, luỹ niệm tích lự. Vi tâm tẩu sử, vô điền ưu điền, vô trạch ưu trạch, quyến thuộc tài vật, hữu vô đồng ưu, hữu nhất thiểu nhất, tư dục tề đẳng, thích tiểu cụ hữu, hựu ưu phi thường, thuỷ hoả đạo tặc, oán gia trái chủ, phấn phiêu kiếp đoạt, tiêu tán ma diệt. Tâm quái ý cố, vô năng tòng xá, mệnh chung khí quyên, mạc thuỳ tuỳ giả, bần phú đồng nhiên, ưu khổ vạn đoan”, đây là đoạn lớn thứ nhất.

Chứng tỏ trong thế giới của chúng ta tạo ác chịu khổ, phải biết ghét để xa rời. Trong đoạn này nói cho chúng ta về phiền não, khuyến bỏ. Hai đoạn kinh văn quan trọng nhất trong Vô Lượng Thọ Kinh, đoạn thứ nhất là phẩm thứ sáu, là 48 nguyện của Phật A Di Đà, tín nguyện kiên định đã thành tựu nên thế giới Cực Lạc. Từ 32 đến 37, sáu phẩm kinh văn này hoàn toàn giảng về nhân quả báo ứng, là giảng về tình hình cuộc sống trong thực tế hiện nay của chúng ta. Chúng ta phải hiểu thế gian này tại vì sao mà khổ như vậy, khổ từ đâu mà ra, thay đổi thế nào, trong kinh văn đều cung cấp cho chúng ta rất nhiều tài liệu tham khảo.

Vì vậy lúc thành lập Tịnh tông học hội ở Mỹ, chúng tôi liền chọn hai đoạn kinh văn này làm hai thời khóa tụng của chúng tôi. Khoa tụng sáng là phẩm thứ sáu, chúng ta nên nhớ là phải phát ra lời nguyện giống như Phật A Di Đà. Khóa tụng tối là đọc tụng kinh văn của sáu phẩm kinh văn, từ phẩm 32 đến phẩm 37, khiến chúng ta nỗ lực phản tỉnh, để khởi tâm động niệm, lời nói việc làm suốt một ngày, liệu có làm trái với lời dạy của Phật Đà chăng, phải sám trừ nghiệp chướng, phải sửa và làm mới mình. Vì thế hai phần này là hành môn, chúng ta học được bộ kinh này cần phải ứng dụng vào thực tế cuộc sống.

Cổ nhân nói “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”, đây chính là sửa đổi làm mới mình. Thâm tín tích thiện sẽ có nhiều niềm vui, tích ác thì sẽ có tai ương, nhân quả báo ứng không sai chút nào. Vì vậy câu đầu tiên trong kinh văn nói “thế nhân”, đây là người thế gian này, mọi người đang tranh giành nhau, tranh giành gì? “Bất cấp chi vụ”, việc không quan trọng. Không quan trọng là gì? Danh văn lợi dưỡng, không quan trọng. Thế cái gì là quan trọng? Việc lớn sanh tử mới là quan trọng. Chúng ta thân người, nếu như trong suốt cuộc đời này vĩnh viễn thoát khỏi lục đạo luân hồi, đây là đại sự, vĩnh viễn không ở trong lục đạo để chịu đựng những sự dày vò, tạo những tội nghiệp này, đây là đại sự.

Người được giác ngộ, họ đặt hết tâm niệm vào đây, họ không cầu danh văn lợi dưỡng trong thế gian này. Nhất định, chắc chắn họ sẽ làm được “Đối với người không tranh, đối với thế gian không cầu”. Quý vị xem Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc còn tại thế là tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Ngài là vương tử, phụ thân ngài là Quốc vương, ngài là con trưởng, thái tử, nếu như ngài không xuất gia, ngài sẽ kế thừa vương vị. Nhưng ngài không cần làm vua, cuộc sống vinh hoa phú quý trong chốn cung đình đều vất bỏ hết, đi hành khất, sống cuộc đời của một vị khổ hạnh tăng, tại vì sao? Vì an lạc tự tại, điều này người thế gian này không hiểu được. Không có ưu lo, không có trăn trở, không có phiền não, như thế thật tự tại, vì thế thân tâm khoẻ mạnh, an vui vô cùng. Sự nghiệp cả đời của ngài là gì? Dạy học. Vì vậy người thật sự có trí tuệ nhất, sự nghiệp mà họ chọn suốt đời đều là dạy học. Tất cả những người sáng nghiệp ra tôn giáo trên cả thế giới này, đều là người thông minh nhất, là người trí tuệ nhất, toàn chọn con đường dạy học.

Vì vậy hai chữ “tôn giáo” do người Nhật Bản đưa ra, rồi mới từ Nhật Bản truyền sang Trung Quốc. Tôi nói lúc đó đem tôn giáo nước ngoài dịch ra tiếng trung, người Nhật Bản này rất có trí tuệ, bởi vì ý nghĩa của hai chữ tôn giáo này quá hay. “Tôn” có 3 ý nghĩa: là chủ yếu, là quan trọng, là tôn sung. “Giá”’ cũng có ba ý nghĩa: giáo dục, dạy học, giáo hoá. Nếu như ba nghĩa hợp lại chính là giáo dục chủ yếu, quý vị không thể không tiếp nhận. Dạy học quan trọng, giáo hoá tôn sùng. Cái danh nghĩa này, ý nghĩa của danh từ này, đi khắp toàn thế giới, bất cứ tôn giáo nào cũng đều chấp nhận, không có phản đối.