Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 502
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp sư
Biên dịch: Minh Tuệ
Biên tập: Nguyên Tâm
Thời gian: 19.07.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống.
Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 624, bắt đầu xem từ hàng thứ sáu.
“Tự nhiên ánh sáng đan xen vào nhau, chuyển thành tối thắng. Tham, đi vào vậy, ánh sáng đan xen vào nhau. Hồi, hồi chuyển, quay trở lại, phát tán không thôi, biến hoá liên tục”, chúng ta xem những câu này.
Trước hết ta giải thích về mặt từ ngữ câu: “Ánh sáng đan xen”. Ánh sáng ở đây tự nhiên, tự nhiên có nghĩa là không có tác động bởi bàn tay con người, không nhờ sức người kiến tạo nên, nên gọi là đại tự nhiên. Bản thể của tự nhiên là tự tánh, là bản tánh, triết học gọi là bản thể. Gần đây chúng ta đã học, đây là vấn đề lớn: Vũ trụ, sinh mạng, vạn pháp, bản thân chúng ta từ đâu mà có? Tại sao lại có những hiện tượng này? Nếu những hiện tượng này tồn tại thì sẽ có ý nghĩa gì, có giá trị ra sao? Đấy chính là mục tiêu cuối cùng của khoa học và triết học muốn đạt đến.
Sự phát triển của khoa học ngày nay đã làm cho con người mở rộng tầm nhìn, khiến mọi người khen ngợi. Nhưng trình độ của nó vẫn như cũ, chưa thể thông suốt, nó chỉ đạt đến a lại da, thứ đã được nói đến trong kinh điển Phật giáo, như thế đã là quá ghê gớm. Ngày trước, khi đọc kinh, chúng ta chưa thể thấy được sự thực. Ngày nay sự thực đó hoàn toàn tương đồng với những gì Phật dạy trong kinh.
Trong kinh, Phật cho chúng ta biết, loài người dùng đầu óc để suy nghĩ, suy nghĩ là ý thức thứ sáu. Trong bát thức thì ý thức thứ sáu có công năng lớn nhất, với bên ngoài, nó có thể duyên đến vũ trụ, bên trong, nó có thể duyên đến a lại da. A lại da là lượng tử, nói theo ngôn ngữ ngày nay, tiếp tục có thể thâm nhập được không? Không thể, trong kinh Phật dạy đây là giới hạn cuối cùng.
Vũ trụ vĩ quan, nhà khoa học vật lý ngày nay đã phát triển cả hai cực đoan. Vũ trụ vĩ mô nói về vật lý không gian, chúng ta đã nghe những kết luận của những nhà khoa học. Căn cứ những nghiên cứu của họ, chỉ có thể phát hiện và quan sát được 10% vũ trụ, còn lại 90% không thể thấy được. Chúng ta có thể hiểu được những báo cáo của họ, chỉ cần đọc là chúng ta có thể hiểu. 90 % không thể thấy, không thể biết được của họ ở đâu, chúng ta có thể biết được.
Trong kinh Phật dạy chúng ta, phần đó trở về tự tánh, trong Tịnh độ gọi là quay về Thường Tịch Quang. Tự tánh là Thường Tịch Quang, Thường Tịch Quang là tự tánh, bởi vì trong tự tánh không có hiện tượng, bởi thế nên ý thức thứ sáu không thể duyên đến được. Trong đó không có hiện tượng vất chất, không có hiện tượng tinh thần, không có hiện tượng tự nhiên, nó ở đâu? Không nơi nào không có, không lúc nào không có, nó chính là bản thể của tất cả vạn vật. Không có nó thì tất cả các hiện tượng không thể tồn tại. Bởi vậy nó không có tất cả hiện tượng nhưng có thể hiện tất cả mọi hiện tượng, nó không có gì cả nhưng nó có thể sinh ra vạn pháp.
Vấn đề này trong kinh Phật dạy rất chi tiết, rất thấu đáo, nhưng không thấy nhà khoa học và triết học đề cập đến. A lại da là lượng tử, làm sao biết nó là lượng tử? Những vấn đề của lượng tử hoàn toàn phù hợp với những gì kinh điển đã nói về a lại da, nó nói lên điều gì? Đây chính là hiện tượng tự nhiên, là những hiện tượng đầu tiên, từ đó vũ trụ được hình thành.
Những phát hiện của những nhà khoa học ngày này đó chính là giới hạn cuối cùng. Nhà khoa học cho chúng ta biết, cả vũ trụ chỉ tồn tại dưới ba dạng, thực sự tất cả đều là giả, đó là vạn sự vạn vật đều được ba loại này cấu tạo nên. Ba loại đó là, thứ nhất là vật chất, thứ hai gọi là tín hiệu và thứ ba là năng lượng. Nhưng ba thứ này từ đâu mà có thì họ không thể trả lời được, nhưng trong kinh Phật lại có câu trả lời.
Ngày nay các nhà khoa học đã cho biết vật chất là giả, biết được vật chất từ đâu mà có, vật chất từ tín hiệu mang lại, có nghĩa nó bắt đầu từ ý niệm. Ý niệm từ đâu mà có? Họ cũng có một cách trả lời gọi là cái có được sinh ra từ cái không. Ta không thể nói họ nói sai, cũng không thể nói họ hoàn toàn đúng, nhưng muốn nói thật rốt ráo vấn đề thì không phải là chuyện dễ! Bởi thế đây là chuyện thế giới vi mô, dùng suy nghĩ chỉ đạt đến giới hạn nhất định, nghĩa là chỉ đến mức đó thôi.