/ 600
464

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 501

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp sư

Biên dịch: Minh Tuệ

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 18.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội- Hongkong

 

Chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 623, hàng thứ năm, chữ cuối cùng, câu “tùng căn bản giả”, bắt đầu xem từ đó.

“Căn bản, là bản thể, tự thể căn bản của tất cả các pháp”. Đây là danh từ triết học, mang nghĩa giống chữ bản thể được nói trong Phật pháp, nguồn gốc của vạn pháp. Vạn pháp được sinh ra từ đó, khắp cả vũ trụ.

Kinh Đại Nhật viết: “Nhất thân và nhị thân, cho đến vô lượng thân, cùng nhập bản thể”. Lần trước chúng ta đã học đến đây. Thân là thứ có hình, có tướng đều được gọi là thân. Vạn vật trong trời đất, nhỏ như một hạt bụi, nó cũng có hình thể, cũng được gọi là thân, cỏ cây hoa lá cũng được gọi là thân. Bởi thế, vô lượng thân nghĩa là vô lượng vạn vật, cùng một bản thể, cùng một tự tánh. “Ở đây muốn nói rõ nghĩa gốc”, ý của danh từ này là nghĩa lý.

“Lại bản là bản tâm, tức nguồn gốc của tự tâm, là bản tánh, là tánh đức vốn có”. Đây là những câu rất quan trọng. Nói đến bản thể của vạn pháp, thật sự chỉ có giáo pháp Đại thừa mới nói một cách cụ thể rốt ráo. Đến bây giờ khoa học và triết học vẫn chưa định nghĩa được, có nhiều cách nói khác nhau, nhưng không thể khiến mọi người tâm phục khẩu phục, đều là cách võ đoán cá nhân, dò dùng những danh từ giả thiết, giải thích không đến nơi đến chốn. Điều này chúng ta có thể tưởng tượng được, nếu chưa tận mắt nhìn thấy chắc chắn không thể nói một cách cụ thể được.

Trong Phật pháp, các vị tổ sư ngày trước, công phu thật sự đạt đến minh tâm kiến tánh, họ sẽ nhìn thấy. Phật pháp gọi đó là kiến tánh, nghĩa là bản tánh, nhìn thấy được bản thể, đạt đến trình độ đó mới có thể nói một cách cụ thể, rõ ràng.

Như Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, quốc sư Hiền Thủ là một người sống đầu đời nhà Đường, quốc sư là vị tổ thứ ba tông Hoa nghiêm. Mở đầu Hoàn Nguyên Quán, ngài đã chỉ rõ tính thanh tịnh viên minh thể của tự tánh, ngài dành cả một đoạn đầu để nói về vấn đề bản thể. Từ bản thể sẽ sanh ra hiện tượng, nghĩa là khởi nhị dụng, hai loại tác dụng này chính là y báo và chánh báo. Chánh báo là bản thân ta, y báo là môi trường sống xung quanh chúng ta, những người sống trong môi trường đó cũng là y báo, không phải chánh báo, chư Phật Bồ tát là y báo của chúng ta, chánh báo chắc chắn là chúng ta, mỗi cá nhân chính là chánh báo, ta phải nắm rõ vấn đề này. Chánh báo không chỉ nói về chúng sanh hữu tình, chúng sanh hữu tình rất đông, bởi thế ta phải hiểu thật chi tiết về y chánh trang nghiêm. Ta có mặt cùng lúc với vũ trụ, vấn đề này được Hoàn Nguyên Quán nói rất cụ thể. Có ta liền có vũ trụ, có vũ trụ liền có ta. Nó có mặt như thế nào? Khi mê muội liền có mặt. Khi giác ngộ thì ta cũng không mà vũ trụ cũng chẳng có, tất cả những thứ đó là huyễn tướng, nó không có thật. Vì sao là huyễn tướng? Nó có sanh có diệt, đã có sanh diệt thì không thật. Thứ chân thật chỉ là bản thể, bản thể không sanh không diệt, nên nó là thật. Có sanh diệt thì nó có nhiễm tịnh, có thiện ác. Khi nó phát triển, chính là loại thứ hai trong ba loại chu biến: xuất sanh vô tận. Ngày nay chúng ta gọi nó là phiền não vô tận, tập khí vô tận, nghiệp vô tận, tạo ra vô lượng vô biên nghiệp, quả báo cũng vô lượng vô biên, đây gọi là xuất sanh vô tận. Khi chúng ta khởi tâm động niệm, bản thân chúng ta không nhận thấy, nhưng thực sự đã có quả báo. Khởi tâm thiện thì có quả báo thiện, khởi tâm ác thì có quả báo ác, không thiện ác gọi là vô kí tánh, vô kí tánh cũng có quả báo, quả báo của vô kí tánh là vô minh. Phiền não này Phật pháp gọi là ngu si, hoặc chúng ta thường gọi chúng bằng một danh từ hơi khó nghe đó là ngốc- quả báo của vô kí không thiện không ác. Họ không có trí tuệ, không giống Phật Bồ tát, Phật Bồ tát vô tri nhưng lại vô sở bất tri, còn những người này thực sự vô tri, không biết mọi thứ gì nên gọi là vô minh. Trong cõi lục đạo của chúng ta, tầng trời thứ nhất trong cõi trời tứ thiền gọi là ngoại đạo thiên, vô tưởng thiên, họ không có một ý niệm gì, họ không biết một thứ gì. Vô tưởng thiên là quả báo của việc tu vô tưởng định, không mong muốn gì cả, kể cả nhiễm tịnh, thiện ác. Có lúc nào chúng ta rơi vào trạng thái như thế không? Có, không thể nói không có, có. Nói cách khác, có cảm ứng với vô tưởng thiên. Ý niệm nào của chúng ta mạnh thì quả báo đó sẽ đến trước. Cái nào trước cái nào sau? Không nhất định. Khi nào quyết định? Khi sắp lâm chung. Khi sắp lâm chung, thiện niệm mạnh, sẽ theo đường thiện, ác niệm mạnh sẽ đi theo đường ác, tịnh niệm mạnh ta sẽ đi vào cõi Tứ thánh. Những người tu niệm Phật, khi sắp lâm chung, nếu tâm niệm Phật mạnh, họ sẽ đến thế giới Cực lạc. Niệm Phật suốt đời cho đến niệm cuối cùng, nếu vẫn tham sân si, thì vẫn đọa vào ba đường ác. Đây là những điều mà pháp sư Quán Đảnh đã nói: “Người niệm Phật có một trăm thứ quả báo khác nhau”, trong tác phẩm Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương Sớ Sao, trang cuối đề cập đến một trăm thứ quả báo của người niệm Phật, ngài nói rất có lý. Thứ nhất là địa ngục, loại cuối cùng, loại thứ một trăm là thượng phẩm thượng sanh. Ai quyết định? Không ai quyết định cả, tự mình quyết định lấy. Nhất thiết duy tâm tạo, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, đây là điều đức Phật thường nhắc nhở. Người xưa có câu: “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”, đây là câu nói rất có lý.

/ 600