/ 600
702

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Tập 500

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 18.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 622, hàng thứ bảy, bắt đầu xem từ nửa câu sau, từ “tịnh định”.

“Tịnh định giả kỳ tâm thanh tịnh, tịch nhiên bất động dã. An lạc giả, an nhiên tự tại, nhậm vận thường lạc dã”.

Tiếp theo đoạn trước, chúng ta học đến đoạn “tự nhiên bảo thủ”. Chân chân khiết bạch, chí nguyện vô thượng, tịnh định an lạc. Bây giờ chúng ta xem “tịnh định an lạc”. Trong kinh văn bốn câu này vô cùng quan trọng. Chúng ta cũng dùng thời gian tương đối dài để học rồi. Đặc biệt là “tự nhiên bảo thủ”, bảo thủ gì? “Chân chân khiết bạch”, chân tâm này làm sao mới có thể duy trì? Chí nguyện vô thượng, đây là bản thân giác ngộ rồi, niệm niệm muốn giúp đỡ người khác giác ngộ.

“Tịnh định an lạc” là mục tiêu của chúng ta. Bản thân chúng ta hi vọng đạt được, cũng hi vọng tất cả chúng sanh mỗi mỗi đều đạt được. “Tịnh định” nghĩa là tâm thanh tịnh, tịch nhiên bất động, đây là chân tâm. Chúng ta nên biết, động là vọng tâm; bất động là chân tâm. Thế nào là bất động? Trong tâm không có phân biệt chấp trước, không có khởi tâm động niệm, là bất động. Bất động này chia làm ba tầng thứ: không chấp trước đây là bất động nhỏ nhỏ; không phân biệt là đẳng cấp của bất động được nâng cao rồi; đến không khởi tâm không động niệm mới gọi là chân bất động. Từ đó có thể biết, A la hán và Bồ Tát so với phàm phu, với thiên nhân mà nói, tâm họ bất động. Tâm chúng ta rối bời bời, nếu như muốn so sánh với Phật, tâm của họ vẫn còn động. Chỉ là động rất vi tế. Giống như nước vậy, nó có những gợn sóng rất nhỏ, nhưng vẫn có. Phàm phu, sóng to gió lớn, gọi là sóng lớn, sóng thần. Hiện nay trở thành mức độ đáng sợ như vậy. Chân tâm vĩnh viễn bất động. Huệ Năng đại sư nói rất hay: “vốn không dao động”, điều này trong Phật Pháp gọi nó là tạo tác.

“Tự tánh bổn định”, định này không phải tu mà có, tự tánh vốn là như vậy. Cho nên nó là tự nhiên, nó không phải tu mà được. Chỉ cần quí vị buông bỏ những vọng động này, nó liền bất động, bất động liền hiện tiền. Động là giả, nó là pháp sanh diệt, cho nên có thể tiêu diệt nó. Chân tâm không phải pháp sanh diệt, cho nên sự tướng thanh tịnh bất động của nó sẽ hiện tiền. Đây là công phu. Người thực sự tu hành chỉ muốn tu những thứ này. Tác dụng tịnh định chính là “an lạc”, “an nhiên tự tại, nhậm vận thường lạc”. Ý nghĩa chữ an này rất sâu, nó không có khởi tâm động niệm, không có phân biệt chấp trước, không có phiền não, không có tập khí, không có âu lo, không có vướng mắc. Cái gì cũng không có, nhưng không thiếu thứ gì. Vì sao mà thứ gì cũng không thiếu? Trong tự tánh vốn tự đầy đủ. Đầy đủ điều gì? Mọi thứ đều đầy đủ. Đầy đủ vạn sự vạn pháp, mười pháp giới y chánh trang nghiêm, nó không thiếu thứ gì, đều ngay trước mắt chúng ta. Quí vị xem trước mắt chúng ta, có chỗ nào thiếu một miếng nào không? Hiện nay chúng ta nhìn thấy rất nhiều đất đai, vô duyên vô cớ liền chìm xuống, gọi là hố tử thần. Đây có phải là thiếu một miếng? Không phải. Quí vị xem xem đáy của hố tử thần vẫn còn, không thiếu. Bất luận là Thế giới Cực Lạc, bất luận là A tỳ địa ngục, toàn đều là tự tánh vốn tự đầy đủ, không thiếu thứ nào.

Những cảnh giới này không đồng, vì sao không đồng? Vì ý niệm không đồng. Quí vị nhớ kỹ một câu, câu nói này vô cùng vô cùng quan trọng, là hạt nhân của kinh giáo Đại Thừa. Đó chính là Phật nói: “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, quí vị nghĩ gì liền hiện ra thứ đó. Quí vị nghĩ an lạc, an lạc liền ngay trước mặt. Quí vị nghĩ thế giới cực lạc, thế giới cực lạc ngay trước mặt. Quí vị nghĩ núi lở đất sụt, núi lở đất sụt liền ngay trước mặt. Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.

Thế giới cực lạc là ý niệm gì? Nhân lễ nghĩa trí tín là thế giới cực lạc, là tự nhiên. Ngược lại, bất nhân, bất nghĩa, vô lễ, vô trí, vô tín, đó là thế giới gì? Là thế giới hiện tại của chúng ta. Cảnh quan này thực sự tồn tại sao? Phật nói với chúng ta không tồn tại, là giả thôi, là huyễn tướng. Cũng giống như chúng ta xem phim, cũng giống như chúng ta xem ti vi, không có gì khác. Quí vị muốn hiểu rõ chân tướng sự thật, thì thứ gì cũng đừng để trong tâm. Thứ gì cũng không để trong tâm nữa làm không được. Vì sao vậy? Vì tập khí nặng quá. Trong bất giác, đó chính là tướng tự nhiên trong tự nhiên, bất giác ý niệm liền sanh khởi lên, ý niệm được sanh ra quí vị cẩn thận quan sát, ý nghĩ của phàm phu là tự tư tự lợi. Ý nghĩ của Thánh hiền toàn bộ là lợi tha. Lợi tha là thiện, tự tư là ác, bất thiện. Lợi tha là giả, tự lợi cũng là giả, không có thứ gì là thật cả. Nhưng cảnh giới bên ngoài biến hóa, đích thực chuyển theo ý niệm của quí vị. Bệnh khổ hiện tiền, tai họa hiện tiền, là ý niệm bất thiện biến hiện ra. Thiên đường hiện tiền, thế giới cực lạc hiện tiền là thiện niệm, tịnh niệm của quí vị biến hiện ra, không ly kỳ tí nào cả. Không có pháp nào không phải là tướng tự nhiên trong tự nhiên, đều là như vậy. Chỉ là chúng ta mê mất tự tánh, gọi là khinh suất vô ý, đều ngay trước mắt chưa từng rời xa chúng ta. Nhưng chúng ta không nhìn thấy, chúng ta chưa phát hiện ra, chưa thể hội được, vấn đề là ở đây. Sự việc này chúng ta không thể không biết.

/ 600