/ 600
478

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Tập 498

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 17.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 620, hàng thứ hai, bắt đầu xem từ đoạn giữa.

Ba câu trên đây, hiển bày thực tế lý địa, không nhiễm mảy trần. Nhưng trong vạn hạnh, không bỏ pháp nào. Nên nói tiếp: “làm được thiện nguyện, tận tâm tìm cầu”, thật hiển sự lý vô ngại, viên dung diệu nghĩa tự tại.

Trên đây là những điều trong Kinh Vô Lượng Thọ và Câu Xá Luận nói: xả các ái trước, cũng không mong cầu, không mong cầu tưởng. Những đoạn kinh này đều nói về vô dục. Hiển bày thực tế lý địa, thực tế là chân thật, chân thật chỉ có chân tâm, tự tánh. Lý địa, địa nghĩa là năng sanh, năng sanh vạn pháp. Lý thực tế là năng sanh vạn pháp, đem nó ví dụ cho địa. Cho nên thực tế lý địa chính là bản tánh, chính là chân tâm. Huệ Năng đại sư nói: “đâu ngờ tự tánh, năng sanh vạn pháp”, chính là ý này vậy.

Không nhiễm mảy trần, trước đây chúng ta học qua rất nhiều rồi. Trong chân tâm nó là thanh tịnh, không sanh không diệt. Nó là một pháp cũng không lập. Cho nên nó không có hiện tượng, không có hiện tượng vật chất, cũng không có hiện tượng tinh thần, cũng không có hiện tượng tự nhiên, nó không có thứ gì cả. Cho nên người thường chúng ta không thể nào hiểu được. Trên thực tế, nó có mặt khắp nơi, lúc nào cũng có. Bởi vì nó không có hiện tượng, cho nên chúng ta không nhìn thấy, không nghe được, không thể đụng chạm đến nó, cũng không tưởng tượng ra nó. Bởi vì nó không phải là hiện tượng tinh thần, cho nên quí vị không nghĩ đến được. Với khoa học triết học ngày nay cũng không thể đạt đến được. Bởi vì khoa học triết học phải cần có đối tượng, chính là hiện tượng, mới có thể thăm dò đến được. Nó không có hiện tượng, cho nên khoa học kỹ thuật và triết học đều không có cách gì. Làm thế nào mới biết được? Trong kinh Phật nói với chúng ta: “chỉ chứng mới biết”. Chỉ cần quí vị thực sự chứng đắc quí vị liền biết được. Chứng đắc thế nào? Buông bỏ vọng tưởng xuống liền chứng đắc. Vọng tâm chướng ngại chân tâm. Nó từ chân tâm biến hiện ra. Trong chân tâm không có vọng tâm, có thể hiện vọng tâm. Vọng tâm có thể hiện vọng tướng. Mười pháp giới y báo chánh báo trang nghiêm, ngày nay chúng ta nói là vũ trụ, hư không. Vạn sự vạn vật trong Phật Pháp đều gọi là huyễn tướng. Nó không phải thật. Nó thuộc về sát na sanh diệt. Nói một cách nghiêm túc nó căn bản không tồn tại. Đó mới là chân tướng sự thật. Cho nên bản thể năng sanh năng hiện, chính là chân tâm, chính là tự tánh. Tự tánh của bản thân, chân tâm của bản thân, trong đó thứ gì cũng không có, gọi là không nhiễm mảy trần. Không mảy may nhiễm trước. Đây là thể năng hiện năng sanh. Là bản thể mà triết học nói đến, đức Phật thực sự tìm ra nó rồi. Nhưng trong vạn hạnh môn, không bỏ pháp nào. Hành là hiện hành, thức là A lại da thức. Chính là chân tâm của chúng ta. Trong kinh Đại Thừa nói: Nhất niệm bất giác liền sanh khởi vô minh. Vô minh này chính là nghiệp tướng của A lại da. Nghiệp tướng sanh chuyển tướng, chuyển tướng sanh cảnh giới tướng. Nói cách khác, ba loại hiện tượng này, trong mỗi sát na đều đã đầy đủ. Nhất niệm bất giác là nghiệp tướng của A lại da. Hiện tượng tinh thần, ngày nay nhà khoa học nói là tin tức, là chuyển tướng của A lại da. Cho nên vật chất từ đâu mà có? Vật chất là tinh thần biến hiện mà ra. Tinh thần từ đâu mà mà có? Từ trong nhất niệm bất giác mà phát sanh ra. Nhất niệm bất giác chính là thứ ngày nay nhà khoa học gọi là năng lượng. Năng lượng từ đâu mà có? Từ tự tánh biến hiện ra. Tự tánh chưa gặp được duyên sẽ không biến hiện. Duyên là gì? Duyên là nhất niệm bất giác, đây là duyên. Nhất niệm bất giác không có nguyên nhân. Nhất niệm bất giác không có thời gian, cũng không có không gian. Điều này rất khó lý giải. Bản thân tôi thâm nhập kinh tạng ba bốn mươi năm rồi, mới dần dần thể hội được vấn đề này, dần dần hiểu ra, khẳng định nó, thừa nhận nó, không còn hoài nghi nữa. Không huân tập thời gian dài như vậy, thông thường chúng ta nói thực tập, đích thực rất khó hiểu rõ nó. Vì sao vậy? Vì nhất định quí vị phải buông bỏ phiền não. Chỉ cần quí vị có phân biệt chấp trước, quí vị vĩnh viễn không thể hội được. Chỉ là nghe nói mà thôi, trong kinh Phật nói như vậy, biết có sự việc như vậy, nhưng bản thân quí vị không thể nghiệm được. Quí vị buông bỏ càng nhiều, quí vị càng tiếp cận với nó hơn, tiếp cận đến một trình độ nào đó, quí vị liền thể hội được. Thực sự thấy được đó là Pháp thân Bồ Tát.

/ 600