/ 600
694

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Tập 496

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Võ Mai Hoa

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 14.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 618, bắt đầu xem từ hàng thứ tư.

“Cầu đạo hoà chánh, bất ngộ khuynh tà. Hoà giả cụ điệu, hài, ôn, thuận, bình, mục, hợp, đồng, lạc, tương ứng”. Có nhiều ý nghĩa, thực tế có nhiều ý nghĩa như vậy, xin nêu một vài ví dụ, có ẩn chứa nhiều nghĩa trong đó.

“Chánh giả, tòng nhất, chỉ ư nhất dã. Cụ thị, trung, thường, chỉ, hành vô khuynh tà, phương trực bất khúc chư nghĩa”. Chữ chánh có nhiều nghĩa như vậy. Cầu đạo phải hòa chánh, bất ngộ khuynh tà, ở đây đều nói với chúng ta về tâm thái của việc học tập, tâm thái chuẩn xác thì mới có thể đạt được chánh đạo.

Hành là hành vi, “hành vô khuynh tà, phương trực bất khúc”. Tất cả những điều trên đều phải hội tụ đầy đủ. Hoà về mặt tâm tư mà nói, năng điều, năng hài, năng ôn, năng thuận. Cái chánh này là năng nhất, nhất tâm chánh niệm, hai niệm, ba niệm thì ắt sẽ loạn, mà loạn thì bất chánh. Vì thế nó có chánh, có nhất, có trung, có thường, thường là vĩnh viễn bất biến. Chỉ là dừng ở một điểm nào đó. Trong kinh đức Phật thường dạy chúng ta rằng, “chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”, cũng có nghĩa là mọi vấn đề đều có thể được giải quyết, chỉ cần tâm dừng ở một chỗ. Nhất không chỉ định một chỗ nào, nghĩa là nhậm nhất, nhậm nhất là trạng thái gì? Chắc chắn là trạng thái thiền định, một thì sẽ định, hai thì sẽ bất định. Vì thế trong thiền tông, biện pháp có vô lượng vô biên, đều khiến cho con người đem tâm thu lại, thu về một nơi, thì định công sẽ xuất hiện, tác dụng của định chính là trí tuệ. Chúng ta biết định đến mức nào là tốt nhất không? Chúng ta thông qua việc học Kinh đại thừa, sự hiểu biết về Kinh Vô Lượng Thọ, mới gọi là biết đúng nghĩa, chỉ dừng lại ở chỗ Phật A Di Đà mới thù thắng không gì sánh bằng. Trong tâm có Phật, ngoài Phật ra, không có gì cả, nhất định là hoà chính, bất ngộ khuynh tà. Cầu đạo là cầu minh tâm kiến tính, niệm Phật chắc chắn có thể minh tâm kiến tính.

Tiếp sau đây xin nói về “cực lạc thánh chúng”, người ở đó, tâm trạng, tính tình của họ, “hoà bình trung chánh, dĩ cầu vô thượng chi đạo, cố bất vi khuynh tà sở ngộ”. Khuynh tà sẽ đựơc giải thích dưới đây. Khuynh có nghĩa là tà, là cong, tắc là khuynh phục. Tà là tà ác, tà ngoại. “Bỉ độ, thánh chúng bất vi khuynh tà sở ngộ giả”. Tà môn ngoại đạo rất nhiều, nhất là trong thế giới của chúng ta ngày nay, muôn hình muôn vẻ, do vậy người cầu đạo rất dễ đi theo con đường lệch lạc, mà bản thân họ không biết, xem tà là chánh, đến khi giác ngộ ra thì đã quá muộn. Đối với việc cầu đạo, phải hết sức thận trọng, phải có sự chuẩn bị đầy đủ từ trước. Trước hết phải quan sát, mà quan sát phải khách quan, không có thành kiến, mới có thể đủ khả năng phân biệt chánh tà phải trái; ngược lại nếu dùng tình cảm, thành kiến, thì phán đoán sẽ sai lầm. Nên đọc nhiều sách Thánh hiền, lắng nghe sự dạy bảo của Thánh hiền, sẽ có sự hỗ trợ và mang đến cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp. Nếu gặp đựơc người thầy giỏi, người Thầy đúng như cổ nhân thường nói “khả ngộ bất khả cầu”, đây là cảm ứng, tâm chúng ta chánh, hành vi của chúng ta chánh. Tiêu chí rất đơn giản để tâm chánh, hành chánh, không màng danh lợi cho bản thân đó là chánh; xen lẫn danh lợi của bản thân vào trong đó thì không dễ gì chánh đựơc, cũng có nghĩa là quí vị rất dễ nhìn nhận sai trái. Buông bỏ danh lợi, tâm ắt sẽ đoan chánh, tâm là nhất, đây là điều quan trọng nhất, chúng ta nên biết điều này.

Họ sở dĩ không bị tà ác, tà ngoại lừa gạt, thay đổi, quả là do vì “tuỳ kinh ước lệnh, bất cảm sa điệt, nhược ư thằng mặc”. Nhược ư thằng mạc là người thật thà, những người này rất trung thực, biết nghe lời, thật sự thực hành, phàm là người hội tụ những ưu điểm này, hầu như không có ai không thành công. Thế giới cực lạc phương tây đều hội tụ, ai ai cũng thật thà, nghe lời, thực hành. Nghe lời ai? Nghe lời Phật.

“Ước giả ước thúc, lệnh giả mệnh lệnh”. Những người này nghe theo lời dạy của kinh Phật, để chế ước hành vi của bản thân, đây chính là trì giới, giới hành thanh tịnh. Sa là ngã, là vấp ngã. Thằng mặc là quy ước, hai thứ này ngày xưa là dụng cụ của người thợ mộc, gỗ muốn cưa thẳng, phải dùng sợi dây mực đen, lấy đinh đóng vào một đầu gỗ, rồi buộc dây mực đen vào kéo thẳng thành một đường đen, sau đó cưa theo đường đen đó, gọi là thằng mặc. Đó là cách của thợ mộc, lấy cách này để làm so sánh. “Dĩ thằng mặc đàn họa chi hắc tuyến, tượng nhân y tuyến thí dĩ phủ cự”. Hoặc là dùng búa, hoặc là dùng cưa, không dám sai sót đến từng li, nếu có một chút sai sót, hai miếng gỗ được cưa sẽ không thể ăn khớp nhau, nên bắt buộc phải tuân thủ cái chuẩn này. Các vị Bồ tát của thế giới cực lạc, họ đối với lời dạy của Phật, giáo lý kinh Phật, “nhược tượng nhân chi vu thằng mặc, y tuyến thi công, bất cảm sảo hữu vi thất. Cố khả miễn vu sa điệt, bất vi khuynh tà sở ngộ”. Giống như sự dụng tâm của thợ mộc, dùng cái này để so sánh với Bồ tát trong thế giới cực lạc, đối với sự dạy bảo của đức Phật Di Đà, và mười phương chư Phật. Đến thế giới cực lạc học tập, thì phạm vi lại càng rộng, chúng ta không thể tưởng tượng nổi, họ có thể đồng thời phân vô lượng vô biên thân. Bản thân bất động tại giảng đường của đức Phật A Di Đà, có thể phân vô lượng vô biên thân, đồng thời đến thế giới vô lượng vô biên thân cận với Chư Phật Như Lai. Cúng dường là tu phước, quý vị xem họ tu được bao nhiêu phước báo! Nghe Kinh là tu tuệ, quả thực là phứơc tuệ song tu, thù thắng không gì sánh bằng. Đây là lý do vì sao quý vị đi đến thế giới cực lạc, bảo đảm quý vị một đời thành Phật, quý vị quyết không lùi bước, đạo lý là ở đây. Những thứ này đều là đức Thế Tôn khích lệ chúng ta, dạy bảo chúng ta, nơi này nhất định phải đi. Nếu quý vị không hiểu nó, có sự hoài nghi, thì không thể quyết tâm được; ngược lại nếu quý vị minh tường, hiểu rõ về nó, thì sẽ quyết tâm đến cùng, đời này quyết tâm đi đến thế giới cực lạc, quyết tâm thân cận Phật A Di Đà.

Phẩm Cần Tu Kiên Trì trong kinh này, tức là đệ tứ thập lục phẩm, nằm ở phía sau, có mấy câu kinh văn như sau: “tuỳ thuận ngã giáo, đương hiếu ư Phật. Vô đắc vi vọng, tăng giảm kinh pháp”. Ý nghĩa giống với đoạn kinh văn này. Hiện nay trở ngại lớn nhất của việc học Phật là tâm thái có vấn đề, vấn đề gì? Không cung kính với Phật. Thực ra đức Phật không yêu cầu chúng ta phải cung kính ngài, nếu đức Phật tham lam ép chúng ta phải cung kính thì là phàm phu chứ không còn là Phật nữa. Thế cung kính rốt cuộc ý là gì? Ý nghĩa của cung kính là thuộc về tánh đức. Chúng ta ngày nay muốn minh tâm kiến tánh, thế minh tâm kiến tánh phải dùng cách nào mới đạt được? Nhất định phải dùng tánh đức, tánh đức và tánh đức cảm ứng lẫn nhau. Tánh đức là chân tâm, chúng ta muốn thấy được bản tánh thì phải dùng chân tâm, vọng tâm sẽ không thấy được; bất cung kính là vọng tâm, do đó vọng tâm thì không thể thấy tánh.

Trong dạy học thời xưa, sự quan sát của thầy đối với học sinh, đây là một điều kiện quan trọng nhất. Người Thầy quan sát thấy học sinh này rất coi trọng môn học, học tập chăm chỉ, tôn trọng thầy và mọi sự giáo huấn trong sách vở, học sinh này chắc chắn sẽ thành công. Lúc đó người thầy thế nào? Người thầy sẽ dày công dạy bảo họ. Ngược lại, nếu học sinh học tập tuỳ tiện, không tôn trọng thầy, thì thầy dù có chú tâm dạy đến mấy, họ cũng không thể tiếp thu được, cái lí là nằm ở đây. Hay nói cách khác, người thầy sẽ xem họ như là học sinh dự thính, không để ý dạy họ, nhưng người thầy vẫn miệt mài dạy những học sinh khác, lúc đó quý vị phải tự thân vận động mà học tập, cái đạo lí này quý vị phải biết. Do đó, sự cung kính chân thành là tánh đức của chúng ta được biểu hiện ra bên ngoài, chứ hoàn toàn không phải do người thầy yêu cầu, nhưng người thầy vẫn có thể nhận ra, họ rốt cuộc tiếp thu được bao nhiêu. Vì thế Ấn Quang đại sư giảng dạy rằng, một phần thành kính đạt được một phần lợi ích, mười phần thành kính thì sẽ có mười phần lợi ích, trăm phần thành kính thì ắt sẽ có trăm phần lợi ích. Do đó, như ở phần trên tôi thường đề cập, ngài Huệ Năng trong phòng phương trượng của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, suốt đời Ngài chỉ nghe lần kinh đó, lần đó lâu nhất cũng chỉ hai tiếng đồng hồ, vào nửa đêm. Kinh Kim Cang chưa giảng xong, đại khái là mới chỉ giảng được một phần ba, giảng đến câu: “ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm”, Ngài liền minh tâm kiến tánh. Không biết chữ, chưa từng đi học, chưa bao giờ nghe qua kinh Phật, thế tại sao Ngài có thể minh tâm kiến tánh nhanh như vậy? Tôi nói Ngài có vạn phần thành kính, Ngài vừa nghe xong thì Ngài có được vạn phần lợi ích, chính là đạo lí này. Dưới Ngũ tổ Hoằng Nhẫn còn có một người học trò Thần Tú rất nổi tiếng, đi theo Ngũ Tổ khoảng gần 20 năm, đây quả là hiếm thấy, Ông là trợ giảng cho Ngũ Tổ. Do vậy, mọi người đều cho rằng truyền pháp chắc chắn sẽ truyền cho Thần Tú, làm sao thể truyền cho ngài Huệ Năng? Chúng ta có thể nói rằng, Thần Tú chỉ có trăm phần thành kính, nên được hưởng trăm phần lợi ích, ngài Huệ Năng có vạn phần thành kính, nên ngài được hưởng vạn phần lợi ích, đi theo mười mấy năm hay hai mươi năm, chân tâm chưa hiển lộ ra, do đó nghe không hiểu. Tổ Sư ngày nào cũng giảng, ông chưa hiểu hết, ông chỉ nghe loáng thoáng, không hiểu một cách thấu triệt. Ngài Huệ Năng nghe nhiều nhất cũng chỉ hai tiếng đồng hồ, một buổi giảng, đề xuất năm câu báo cáo đầy tâm đắc: “đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”, không ngờ tự tánh là thanh tịnh, xưa nay chưa bị ô nhiễm, thành Phật không bị ô nhiễm, cho dù ở dưới địa ngục cũng không bị nhiễm, đây là sự thật. “Tự tánh vốn không sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không dao động, năng sanh vạn pháp”, nói xong mấy câu, Ngũ Tổ nói: Được rồi! Liền đem Y bát truyền cho ngài, ngài chân nhập cảnh giới. Mấy câu này Thần Tú không nói ra được, hoàn toàn nằm ở hai chữ thành kính.

Ngày nay đối với giáo dục truyền thống, đối với Phật pháp đại thừa, khiếm khuyết phổ biến nhất hiện nay là thiếu tâm thành kính. Ai có tâm thành kính thì người đó sẽ đạt được, sẽ khiết nhập; không có tâm thành kính, đến việc nghe, thường thức, thường thức Phật học, đến học một chút tri thức, không phải là trí huệ, không thể khai thông trí tuệ. Tâm thành kính có thể đắc định, có thể khai trí tuệ, có thể đại triệt đại ngộ.

Những câu nói này của Phật, “tuỳ thuận ngã giáo, đương hiếu ư Phật”, tuyệt đối không phải yêu cầu học sinh cung kính với ngài, ý không phải như vậy, đây hoàn toàn là tánh đức của tự tính. Hiếu thuận với cha mẹ là tánh đức, chữ hiếu này bất khả tư nghì, pháp thế xuất thế gian có thể nói rằng được xây dựng trên cơ sở đạo hiếu. Phật pháp là sư đạo, cơ sở của sư đạo là hiếu đạo. Không hiếu vớí cha mẹ, ắt sẽ không hiếu với sư thầy, nếu như họ hiếu với thầy ắt sẽ có mưu đồ gì đó, không phải thành tâm, là giả tạo. Điều này chúng ra không thể không biết. Vì thế học Phật điều đầu tiên là hiếu đạo, tịnh nghiệp tam phước, Đức Phật nói rất rõ, câu đầu tiên trong điều đầu tiên là: “hiếu dưỡng phụ mẫu”, câu thứ hai mới là “phụng sự sư trưởng”. Thứ nhất là phải hiếu với cha mẹ, thứ hai là hiếu thảo với Phật, chứ không phải đem Phật đặt ở vị trí đầu tiên, mà đem cha mẹ đặt ở vị trí thứ nhất. Vì vậy Phật pháp là sư đạo, sư đạo được xây dựng trên cơ sở của hiếu đạo. Từ cái lý này, chúng ta hiểu rõ rằng, những đệ tử của Phật Thích Ca truyền pháp, sau khi đức Phật diệt độ, đệ tử bốn phương tám hướng đi hoằng dương chánh pháp, từ bi dạy học giống như đức Phật. Nhưng chúng ta thấy kết quả của nó là: có một số nơi một hai trăm năm thì không còn nữa, có một số nơi ba, bốn trăm năm sau, có một số nơi sáu, bảy trăm năm sau thì sẽ không còn, còn có một số nơi có thể duy trì hơn ngàn năm, nhưng cuối cùng cũng không còn nữa. Duy chỉ có ở Trung Quốc gần hai ngàn năm, do nguyên nhân gì? Trung Quốc nền móng tốt, người Trung Quốc coi trọng hiếu đạo, nền móng này hay quá. Nơi khác không coi trọng hiếu đạo, vì thế nó không trường cửu; duy chỉ có những nơi giảng về hiếu đạo, Phật pháp sẽ ở mãi với đời, cái lý là ở chỗ này đây. Đây là điều rất rõ ràng, chúng ta ai cũng nhìn thấy được.

Nếu chúng ta hiện nay vứt bỏ hiếu đạo, Trung Quốc bỏ hiếu đạo, khoảng 150 năm. Trong 150 năm, 50 năm đầu tiên xem nhẹ, cũng có nghĩa là không coi trọng, dù có bàn đến đi nữa, cũng không có cách gì thực hiện đựơc. 50 năm tiếp theo là nước Dân Quốc, Dân Quốc hiện nay là 100 năm, 50 năm trước thời Dân Quốc, mặc dù có nói đến, nhưng không có ai thực hiện, có nói đến nhưng không ai làm. 50 năm gần đây, người nói đến cũng không có, chứ đừng nói gì đến làm, đây là nguy cơ. Thêm 50 năm nữa sẽ bị huỷ diệt, hiếu đạo không còn tồn tại nữa, hiếu đạo không tồn tại, thì Phật pháp sẽ không tồn tại, sẽ bị diệt vong. Văn hoá truyền thống không còn nữa, Phật pháp không còn, con người sẽ phải chịu khổ, không thể đến thế gian này nữa, quá đau buồn, khi đó tai nạn gì cũng có, thiên tai nhân họa đều xảy ra. Vì thế ngày nay phải cố gắng cứu vãn tình thế này, công đức đó là vô lượng vô biên, không gì quan trọng bằng việc này. Vậy chúng ta cứu vãn bằng cách nào? Việc cứu vãn phải dựa vào thanh niên. Thanh niên có thiện căn, thiện căn này không của kiếp này, mà là được tu tích từ kiếp trước, người có thiện căn họ sẽ đến. Đây là gốc, gặp phải duyên phận tốt, phải có người dạy cho họ, giúp đỡ họ, gọi là ngoại duyên. Đây là công việc khẩn cấp mà chúng ta phải làm, gánh nặng này, chúng ta phải toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ. Bảo tồn điển tích, đây là điều mà chúng ta có thể làm được, ngày nay có tiền thì có thể làm được.

Chúng tôi trong hai năm lại đây, mua một trăm bộ Tứ Khố Toàn Thư của nhà xuất bản Thương Vụ, mua hai trăm bộ Tứ Khố Hội Yếu của nhà xuất bản Thế giới. Tứ Khố Toàn Thư sách đã được giao, Tứ Khố Hội Yếu khoảng hai tháng sau sẽ giao sách, hai việc lớn này chúng tôi chi trả 10 triệu đôla. Quần Thư Trị Yếu mười ngàn bộ, Quốc Học Trị Yếu 10 ngàn bộ đều đang phát hành, đây là vì cái gì? Là vì bảo tồn điển tích. Thời xưa các điển tích nổi tiếng của các triều đại, nhiều người biết, hiệu sách đều phát hành, đều lưu hành. Nhưng nay lại thành thứ bị ruồng bỏ, ít người biết, chúng ta phải tích cực đề xướng, tuyền truyền quảng bá. Có được người học, có người học nghiêm túc, không cần nhiều, ba người, năm người cũng là nhiều rồi, chỉ cần có người thật học. Chúng ta không thể kỳ vọng đời sau sẽ có được thành tựu tươi sáng, có lẽ không làm được. Giống như ngài tổ sư Đạt Ma đến Trung Quốc, đến đời thứ 6 mới đơm hoa kết trái, năm đời trước đều đơn truyền, chỉ truyền được cho một người, người này tiếp tục truyền cho người kia, cái đạo này không bị đoạn tuyệt. Do vậy chúng ta phải hiểu đạo lý này, gặt hái kết quả ít nhất cũng phải đến ba đời, chúng ta không nhìn thấy được. Chúng ta bồi dưỡng đời sau, đời sau lại bồi dưỡng đời sau nữa, dần dần người được giác ngộ sẽ nhiều lên, mới đến lúc đơm hoa kết trái. Quyết định không thể bởi chúng ta hiện nay đang học, xã hội sẽ nhanh chóng an định, thế giới sẽ hoà bình, tai nạn sẽ được hoá giải, đâu có nhanh như vậy, đó là điều không thể. Vì thế việc này chúng ta phải làm, không làm thì đời sau sẽ không còn nữa, quyết tâm làm, cho dù có khó nhọc, gian nan đến đâu cũng phải làm.

Đây là nói đến “tuỳ thuận ngã giáo, đương hiếu ư Phật, vô đắc vi vọng, tăng giảm kinh pháp”. Kinh điển chúng ta nhất định phải bảo tồn nguyên văn, không được chỉnh sửa. Việc tăng giảm kinh pháp nghĩa là thay đổi nó một cách tuỳ tiện, thêm vài chữ, bỏ vài đoạn, đều không thể được, điều đó đều gây ra tổn thất rất lớn.

Dưới đây, đều là lời Phật nói: “ly kinh nhất tự, tiện đồng ma thuyết”. Chúng ta chưa giác ngộ, chưa thành Phật, đức Phật là đã giác ngộ, đã thành tựu, thành tựu là gi? Trí tuệ viên mãn. Đức Phật nói với chúng ta, mỗi người đều là Phật, “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, đây có nghĩa là gì? Quý vị đều có chân tâm, quý vị đều có bản tánh, chân tâm của quý vị, bản tánh của quý vị đều gọi là Phật. Chỉ cần quý vị tìm được chân tâm và bản tánh, thì quý vị được gọi là Phật, đơn giản như vậy thôi. Thế chân tâm bản tánh nằm ở đâu? Ở ngay hiện thân của quý vị. Vì sao không tìm thấy? vì quý vị bị mê muội rồi. Vì sao lại mê muội? Khởi tâm động niệm chính là mê, phân biệt chấp trước chính là mê, đơn giản thế thôi. Kinh giáo Đại thừa giảng rất rõ ràng, quý vị buông bỏ vọng tưởng, phân biệt chấp trước, quý vị sẽ thấy những điều mà Kinh giáo của Phật nói, hoàn toàn tương đồng với những điều quý vị nghĩ, một chữ quý vị cũng không động đến nó. Vì sao? Hoàn toàn giống với quý vị, quý vị khẳng định hoàn toàn, đúng vậy, những điều quý vị viết tôi thừa nhận, điều tôi muốn viết cũng viết như vậy, thật không thể nghĩ bàn.

Ngài Huệ Năng tìm thấy bản tánh của mình, tìm được chân tâm, mặc dù không biết chữ, chưa học qua trường lớp, nhưng người khác đọc kinh ngài đều hiểu. Quý vị đọc xong, ngài giảng cho mà nghe, giảng rất thuyết phục, bản thân quý vị chưa giác ngộ, nghe Ngài giảng, rồi giác ngộ. Do vậy, mỗi người, Đức Phật dạy chúng ta rằng, trong bản tánh, trong chân tâm của quý vị có trí tuệ viên mãn, có đức hạnh viên mãn, có năng lực viên mãn, cái gì quý vị cũng biết, việc gì quý vị cũng làm được, có phước báo viên mãn, không cần cầu bên ngoài. Minh tâm kiến tánh thì đạt được hết. Cái mà cầu bên ngoài không phải là Phật pháp, Phật pháp là cầu bên trong, cầu bản tánh của mình, vì vậy kinh Phật gọi là nội điển, Phật học gọi là nội học, lý lẽ của nó là ở đây. Không học bên trong, mà học bên ngoài, Phật gia gọi là ngoại đạo, ngoại đạo nguồn gốc là như thế. Điều mà ngoại đạo cầu là tri thức, điều mà Phật pháp cầu là trí tuệ, trí tuệ là do nội sanh, vốn dĩ đã có, tri thức là học được từ bên ngoài, không phải là thật, đây là điều quý vị cần phải phân biệt cho rõ khi học Phật.

Lão tổ tông cũng thường dạy chúng ta rằng: “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”, quý vị gặp phải khó khăn, gặp phải phiền phức, quý vị không nên tìm bên ngoài, bên ngoài không thể giải quyết được, bên trong nhất định có thể giải quyết được.

Ngày nay thế giới này loạn rồi, xung đột xảy ra hàng ngày, Liên hiệp quốc từ năm 70 mở hội nghị về hoà bình thế giới, tông chỉ của hội nghị là hoá giải xung đột, thúc đẩy một thế giới hoà bình. Hội nghị này tôi tham gia mười mấy lần, có hiệu quả gì không? Không. Nguyên nhân vì sao? Sai lầm ở cách giải quyết, các vị chuyên gia học giả cho rằng xung đột xảy ra từ hai phía. Làm sao để điều chỉnh? Bên nào đúng, bên nào sai, điều này không thể giải nổi. Cách giải quyết của các bậc cổ Thánh tiên Hiền của chúng ta là “phản cầu bản thân”. Phản cầu bản thân thì có thể tìm ra được nguyên nhân chính, mới có thể giải quyết tranh chấp. Hai bên xảy ra xung đột, bản thân phải trung chánh, nên dùng đức hạnh để cảm hoá hai bên, để cho hai bên có thể nhìn nhận lại, phản tỉnh chính mình, thì xung đột sẽ được hoá giải. Bởi vì xung đột xảy ra, hai bên đều chịu tổn hại, đều bị ảnh hưởng, nếu hoà bình khiến hai bên đều được lợi thì sao lại không chịu hoà bình? Làm sao phải xung đột? Vì vậy nếu quý vị có thể đọc kinh Phật, đọc sách Thánh hiền, chắc chắn sẽ có cách hoà giải, thế giới ngày nay quả thực rất bức thiết cần những người như vậy. Bản thân quý vị không “bình ổn”, thì làm sao có thể “bình ổn” được người khác, bản thân quý vị tâm phải bình, tâm phải thành, phải có đức hạnh, quý vị phải yêu quý hai bên, yêu quý một cách bình đẳng, không có thiên vị, khi mọi người nể phục quý vị, mới nghe theo lời quý vị; ngược lại khi quý vị có thiên vị, thì họ sẽ có sự thắc mắc với quý vị. Đại công trung chính, nhân ái hoà bình, thì sẽ giải quyết được mọi vấn đề.

Vì vậy “ly kinh nhất tự, tiện đồng ma thuyết”, chúng ta phải khẳng định điều này. Ngày nay nhiều người đọc sách đọc không hiểu, nên liền thay đổi chữ, cho rằng chữ này không thoả đáng, liền thay đổi nghĩa theo cách suy nghĩ của họ, nếu mỗi người ai cũng sửa một chút, thì quyển sách này sẽ loạn và đâu có còn là sách nữa! Thích sửa sách của cổ nhân, thích phê bình mọi thứ của cổ nhân, thì không thể hiểu sâu được, đây là khó khăn lớn nhất trong việc hoằng dương Phật pháp đại thừa và văn hoá truyền thống hiện nay. Chúng ta nhất định phải, dày công đi tìm những người trẻ tuổi, những người thật sự có thiện căn, để kế thừa văn hoá truyền thống. Muốn làm được cho đến nơi đến chốn, ắt phải có ba đời, bốn đời, năm đời, văn hoá truyền thống mới có thể phục hưng. Không nên vội vàng, không nên nói tôi muốn nhìn thấy ngay, đó là điều không thể, dục tốc bất đạt, như thế chúng ta quá sơ sài, nhất định phải sâu sắc.

Chúng ta xem tiếp đoạn dưới đây: “Hàm vi đạo mộ, khoáng vô tha niệm, vô hữu ưu tư ”. Ba câu này, câu thứ nhất là: “tâm sở mộ cầu giả giai thị chí đạo”. Điều này rất quan trọng. Trong tâm ta niệm niệm muốn cầu là gì? Chính là minh tâm kiến tánh, ngoài cái này ra, tôi không cầu cái khác. Tôi không cầu danh, không cầu lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, thiên đàng hay nhân gian, tôi không cầu gì, chỉ cầu minh tâm kiến tánh. Tâm tánh là gi? Tâm tánh là căn nguyên của vũ trụ, trong triết học gọi là bản thể. Vạn vật trong vũ trụ này từ đâu mà có? Đức Phật nói: “tâm hiện thức biến”, tôi nhất định đem cái tâm này làm cho rõ nghĩa. Vì sao? Nó là năng sanh năng hiện, điều này đức Phật đã nói rất rõ, đó là chân tâm của bản thân chúng ta. Thật sự minh tâm kiến tánh rồi, khi đó là hiện tượng gì? Cảnh giới gì? Quả là điều không thể hiểu nổi. Quý vị thừa nhận, quý vị khẳng định tất cả hư không pháp giới, nói theo cách nói ngày nay là cả vũ trụ với ta là một thể, đột nhiên ngộ ra. Biến pháp giới và hư không giới có quan hệ gì với chính mình? Là một thể. Đại từ đại bi tự nhiên sanh ra, từ bi là yêu thương, yêu thương vô điều kiện, yêu thương bình đẳng, yêu thương thanh tịnh, yêu thương chân thành, yêu thương trí tuệ gọi là từ bi. Vì Vậy Đức Phật nói rất hay, đem những mục tiêu quan trọng này đều hiển thị cho chúng ta biết: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”. Tôi không có mục đích khác, tôi cần phải hồi phục diện mạo Phật vốn có của tôi, tìm lại diện mạo vốn có của tôi. “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, tôi phải tìm lại tâm tưởng mà có thể sanh nhất thiết pháp, đó là bản thân. Cái này, phải dùng thuật ngữ học thuật hiện nay mà nói, khoa học nhạy bén, triết học nhạy bén.

Khi tôi mới học Phật, thầy Phương Đông Mỹ giới thiệu Phật pháp cho tôi, nói cho tôi biết về Phật Thích Ca Mâu Ni, thầy chỉ gọi Thích Ca Mâu ni, không thêm chữ Phật: “Thích Ca Mâu Ni là nhà triết học vĩ đại nhất trên thế giới”. Tôi theo tiên sinh học triết học. “Triết học kinh Phật là đỉnh cao nhất của triết học toàn thế giới, học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của nhân sanh”. Tôi đi theo Phật bằng cách đó, hoá giải những điều trước đây hiểu sai về Phật pháp. Chúng tôi học 60 năm giờ biết được, kinh Phật không chỉ là đỉnh cao nhất của triết học toàn thế giới, mà còn là đỉnh cao nhất của khoa học.

Khoa học tự nhiên ngày nay phát triển theo hai hướng, một là hồng quan vũ trụ, hai là lượng tử lực học. Hồng quan vũ trụ nghiên cứu đại vô hạn, lượng tử lực học ngược lại nghiên cứu về tiểu vô hạn. Cổ nhân dạy rằng: “lớn không gì lớn hơn”, chính là hồng quan, thái không vật lý học. Thế còn vi quan? Thế giới vi quan chính là lượng tử lực học, Cổ nhân dạy rằng: “ nhỏ không gì nhỏ bằng”. Quả thực, hai thứ này phát triển đến ngày nay, theo những báo cáo mà ta có được, đọc được đều chưa vượt qua kinh Phật. Hơn nữa, những điều kinh Phật nói còn tường tận hơn, viên mãn hơn, ta càng đọc càng thấy đạo lý mà kinh Phật giảng hay hơn họ nhiều. Thành tựu của họ cũng rất khả quan, quý vị nói về hồng quan vũ trụ, họ có thể nói ra được những thăm dò về dụng cụ khoa học, nhưng dụng cụ khoa học mới nhất chỉ có thể thấy được 10% toàn vũ trụ, 90% còn lại không thấy nữa. Chúng tôi nghe xong báo cáo này thì rất vui mừng, vì sao? 90% còn lại không thấy, nhưng họ không biết được chúng chạy đi đâu, nhưng chúng ta lại biết được, chúng ta biết được chúng đi đâu. Không phải chúng ta có những nghiên cứu này, mà chúng ta nhìn thấy trong kinh Phật, kinh Phật nói cho chúng ta biết lý do vì sao? Trở về tự tánh, trở về tự tánh thì quý vị sẽ nhìn thấy. Vì sao vậy? Vì khoa học, triết học nghiên cứu phải có đối tượng, không có đối tượng sẽ không có phương pháp. Đối tượng ở đây là gì? Hiện tượng, đó là hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hiện tượng tự nhiên, chỉ cần có ba loại hiện tượng này, họ đều có phương pháp. Tự tánh, nó không phải là hiện tượng vật chất, không phải là hiện tượng tự nhiên, cũng không phải là hiện tượng tinh thần, quý vị không có cách gì với nó, là cái lý như vậy. Vì thế báo cáo đó của họ rất phi thường, cuối cùng mặc dù là vấn đề, vấn đề này chúng ta biết. Giảng lượng tử lực học, họ đã phát hiện ra alaya rồi, alaya là năng biến. Tự tánh năng hiện, năng sanh năng hiện, alaya năng biến, alaya tìm thấy rồi. Vì vậy, bài báo họ đăng nói rằng, giữa vụ trụ chỉ có ba thứ, thứ nhất là năng lượng, thứ hai là tin tức, thứ ba là vật chất. Ba thứ này trong quan niệm của nhà Phật chính là tam tế tướng của alaya. Năng lượng mà họ nói chính là nghiệp tướng của alaya, tin tức chính là chuyển tướng của alaya, vật chất là cảnh giới tướng của alaya. Tuy nhiên những thứ này từ đâu đến thì họ lại không biết. Họ bây giờ mới biết, vật chất là giả chứ không phải là thật, quả thật không có, nó được nảy sinh nhờ ý niệm. Ý niệm từ đâu mà có? Kết luận hiện nay của họ gọi là từ không sanh ra có, nói quá hay! Phật pháp nói là tự tánh sanh, chính là chân tâm của quý vị, bản tánh của quý vị. Chân tâm bản tánh không phải vật chất, cũng không phải hiện tượng tinh thần, càng không phải hiện tượng tự nhiên, nhưng nó có thể hiện ra ba hiện tượng này, nó quả thực là không có, nhưng nó có thể hiện hữu. Vì thế tự tánh là linh tánh, chúng sanh có cảm thì nó hiện tướng, chúng sanh không cảm thì nó không hiện tướng. Tướng thì hiện thế nào? Gọi là cảm ứng, chúng sanh có cảm thì nó sẽ ứng, tự nhiên ứng. Giống như chúng ta đánh trống, người đánh trống có ý nghĩ đánh trống, nên hễ đánh là trống kêu, trống kêu là phản ứng, chứ không hề phải thông qua là để trống suy nghĩ đã, nó không suy nghĩ, nó không có hiện tượng gì, âm thanh của nó là sự phản ứng qua lại, do đó cái ứng này là sự phản ứng tự tánh

Giống như thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, ngài là người minh tâm kiến tánh, người minh tâm kiến tánh ngài dạy học 49 năm ở thế hiện thân thuyết pháp, ngài có khởi tâm động niệm chăng? Trong suy nghĩ của chúng ta, đương nhiên là có khởi tâm động niệm, đương nhiên có sự phân biệt, có chấp trước. Chúng ta nghĩ hoàn toàn sai, vì chúng ta nghĩ Phật như chúng ta, thực ra không phải vậy. Ngài không có khởi tâm động niệm, không có phân biệt chấp trước. Thế ngài là gì? Chúng sanh cần những người như thế để dạy chúng ta, chúng ta hy vọng có một người thầy tốt như vậy, tự nhiên nó sẽ ứng, hiện thân thuyết pháp đều là ứng. Quý vị thấy trong kinh dạy rằng: “cần lấy Phật thân để độ, bèn hiện Phật thân vì người đó thuyết pháp”, ngài sẽ hiện, ngài sẽ ứng. Cần lấy thân Bồ tát để độ, mọi người thích ngài Quan âm Bồ tát, thích Địa Tạng Bồ Tát, thì ngài sẽ hiện thân Bồ tát, ngài là tự nhiên, tuyệt đối không có chuyện để ta suy nghĩ đã, hoàn toàn không. Vì thế trong kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, “tuỳ chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”, bản thân không khởi tâm động niệm. Nếu ngài mà khởi tâm động niệm thì ngài là phàm phu, ngài không còn là Phật nữa, ngài chưa tìm được bản thân; sau khi tìm được bản thân, tuyệt đối không bao giờ có chuyện khởi tâm động niệm, đó là được đại tự tại. Cho nên, cảnh giới này chúng ta không thể tưởng tượng được, gọi là chẳng thể nghĩ bàn, đều không có cách gì để nghĩ, nghĩ không ra.

Nhưng khoa học ngày nay quả thực đã đạt đến biên tế của kiến tánh, không thấy được nữa, vấn đề này Phật đã giảng rất rõ trong kinh, ngài giảng cái gì? Phàm phu lục đạo, bao gồm tứ thánh pháp giới, chúng sanh trong mười pháp giới, họ dùng là cái gì? Dùng tư tưởng, dùng suy nghĩ, cho rằng đây là tâm. Suy nghĩ là thức thứ sáu, công năng của thức thứ sáu vô cùng lớn, bên ngoài có thể duyên đến vũ trụ, bên trong có thể duyên đến Alaya, đây là điều Phật đang giảng. Hiện nay trường phái lượng tử lực học phát hiện ra, duyên đến Alaya rồi. Hồng quan vũ trụ đã nhìn thấy biên duyên của vũ trụ, đã nhìn thấy vũ trụ có một số quả là không còn nữa, nhưng không thấy được tánh. Cách gì mới thấy được tánh? Đức Phật dạy: “duy chứng phương tri”. Chứng pháp thế nào? Buông bỏ phân biệt chấp trước, quí vị sẽ chứng đắc, quý vị không dùng cái tâm này thì sẽ chứng đắc. Dùng tâm nghi vấn, dùng khởi tâm động niệm thì không thể thấy được; nhất định phải không khởi tâm không động niệm, thì sẽ nhập định, nhập định, định đến một mức độ nào đó thì quý vị sẽ ngộ ra, quý vị sẽ nhìn thấy. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thấy được trong thiền định, đây là biểu diễn cho chúng ta xem, làm sao mới có thể kiến tánh? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni năm 19 tuổi rời xa gia đình, ngài là vương tử từ bỏ vương quyền, từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý đi làm khổ hạnh Tăng, đi cầu học, biểu diễn này là để chúng ta nhìn thấy ngài buông bỏ mọi phiền não, ngài buông bỏ phiền não. Đúng vậy, Ngài học 12 năm, học mọi tôn giáo của Ấn độ cổ, mọi học phái ngài đều học qua. Mười hai năm sau, ngài đem tất cả những gì học được đều buông bỏ, buông bỏ cái gì? Sở tri chướng, vì thế ngài hoàn toàn dùng một cái, cái mà người hiện nay gọi là phần tử trí thức, ngài dùng danh phận này. Phần tử trí thức chiếm tuyệt đại đa số, ngài dùng danh phận là phần tử trí thức để thể hiện, buông bỏ hết tất cả những điều mà quý vị học được, thì cái tâm này sẽ sạch sẽ, không còn nữa, đây mới là thấy tánh; nếu những điều học quý vị được không buông được, thì sẽ không thấy tánh. Nói cách khác, Phật pháp cũng như vậy, những Phật pháp mà quý vị học được, không buông bỏ được Phật pháp, sẽ không thấy tánh. Tại sao vậy? Vì đây là giả, không phải thật.

Vì vậy trong Kinh Kim Cang đức Phật nói rất hay: “pháp còn phải bỏ, hà huống phi pháp”. Pháp ở đây là Phật pháp, Phật pháp cũng phải buông bỏ, quý vị mới thấy tánh. Hiện nay chúng ta không thể buông bỏ, vãng sanh thế giới cực lạc thì có thể được, đến thế giới cực lạc nếu muốn minh tâm kiến tánh, thì chắc chắn phải buông bỏ, nếu không buông bỏ vĩnh viễn không bao giờ thấy tánh. Hay nói cách khác, không buông bỏ, ở thế giới cực lạc, quý vị chỉ ở cõi phàm thánh đồng cư, hoặc cõi phương tiện hữu dư, quý vị vào không được cõi thật báo, cõi thật báo bắt buộc phải buông bỏ Phật pháp, quý vị mới có thể đến được cõi thật báo. Nhưng thế giới phương tây rất đặc thù, sự hưởng thụ trong cõi thật báo chúng ta không thể hiểu nổi, Phật A Di Đà quả thật có khả năng này, thần thông này, có thể khiến cho nhưng người vãng sanh vào cõi phương tiện và cõi đồng cư, hoàn toàn có được sự đãi ngộ giống như cõi thật báo, đây là điều không dễ dàng. Cũng có đủ trí tuệ giống như cõi thật báo, nhưng trí tuệ này không phải bản thân đắc chứng, mà là do Phật A Di Đà gia trì. Vì vậy họ có khả năng phân thân, cũng có thể cảm ứng giao đạo với chúng sanh, có được khả năng này, là nhờ Phật A Di Đà đứng phía sau làm chỗ dựa, Phật lực gia trì đằng sau; nếu không có Phật lực gia trì thì sẽ không thể có khả năng này. Đây là điều mà thế giới phương tây xứng đáng được mọi người ca ngợi, bởi vì trong quốc độ của chư Phật khác không có. Những điều này chúng ta nên biết. Biết để làm gì? Biết để chúng ta không chọn sai lầm. Tôi phải làm cho rõ, làm rõ rồi, Tôi quyết định chọn thế giới cực lạc, chọn kinh Vô Lượng Thọ, tôi dùng nhất môn thâm nhập, trường thời huấn tu, lựa chọn chính xác, chọn đúng rồi. Khi chọn đúng rồi, quý vị sẽ giảm được nhiều việc, và ngày nay xem như quý vị ít phải đi đường vòng, nếu quý vị chọn sai, quý vị phải đi nhiều đường vòng. Đây là điều giúp chúng ta biết cách lựa chọn. Vì thế bộ kinh này vừa phải giảng kỹ, lại phải giảng thô, tiếp dẫn sơ học; cũng phải giảng sâu, giúp mọi người nhận thức được rõ, sẽ càng hiểu hơn. Sâu cạn, giảng sâu, giảng sơ, giảng dài giảng ngắn, tự tại! Căn tánh thế nào, dùng phương pháp đó để giảng, mọi người mới tin, mới thật sự hiểu.

“Ly kinh nhất tự, tiện đồng ma thuyết”, đây là chân ngôn, lời nói thật, chắc chắn không phải giả. “Thế chi hành nhân, duy đương dĩ thánh ngôn lượng vi y chỉ dã”. Kinh điển gọi là thánh ngôn lượng, chúng ta không được phê phán, chúng ta không được thay đổi, ý nghĩa của nó quá sâu sắc.

Gần đây có người đồng tu tặng cho cái đĩa, tôi xem rồi, biết được là của thầy Lý hiệu trưởng đại học Đài Loan, Ông làm hơn 10 năm, 15 năm trước ông bắt đầu học khí công, hình như sau 5 năm học khí công, ông dần dần học khả năng đặc biệt này, liên quan đến thần thông, ông học cái này, quả thật rất hiệu quả. Ông làm thí nghiệm, thí nghiệm cái gì? Dùng ngón tay nhận biết chữ. Rất nhiều nhà khoa học tìm đến ông, làm thí nghiệm ngay trước mắt để họ xem, mọi người không còn gì để nói thêm nữa, đúng như vậy. Chữ là do quý vị tự viết, không cho người ta biết, khi viết thì viết một chữ, sau đó dùng giấy bọc lại, bọc rất nhiều lớp, về cơ bản là không thể nào thấy được. Quý vị cầm đi đưa cho những người có khả năng đặc biệt, quý vị bảo ông dùng tay sờ, ông sẽ biết được quý vị viết chữ gì. Cho dù không biết chữ này, nhưng ông vẫn viết ra được dạng chữ, sau đó quí vị mở ra đối chiếu, giống hệt nhau. Ông nói duy chỉ có chữ Phật, người có khả năng đặc biệt cũng không thể nhìn thấy, mà họ chỉ nhìn thấy một mảng sáng, nhưng không thấy được chữ, nên không thể viết ra được, nó phát quang, đây là điều không thể nghĩ bàn. Nếu chữ Phật bỏ đi bộ nhân bên cạnh, thì họ nhìn thấy và có thể viết ra được; nếu thêm một nét phẩy thành chữ phất trong chữ phảng phất thì họ cũng nhìn thấy được, duy chỉ có chữ Phật là không có cách nào nhìn thấy được, nên họ không viết ra được. Thánh ngôn, quả đúng là phi thường! Quý vị viết chữ Phật A Di Đà, nhìn không thấy, chỉ thấy nó phát quang; viết chữ Giê Su cũng không thể nhìn thấy, nó cũng phát quang. Ông ấy nói những thứ này đều là bậc cao, tên nó đều có đặc tính riêng, khác với thứ khác. Nhiều lần thí nghiệm kết quả không hề sai, vì thế ông ấy nói đây là điều hoàn toàn có thật, đây không phải là mê tín. Hơn nữa, người có khả năng đặc biệt này có thể tu luyện, tốt nhất là trước tuổi 40, các em nhỏ từ độ tuổi 6,7 tuổi đến 14 tuổi. Ông nói trong số 100 người trải qua sự tu luyện, thành công chỉ có khoảng mười mấy đến hai mươi người. Tỷ lệ này rất cao. Tâm của trẻ con phải thanh tịnh, phải thuần khiết, phải không có vọng niệm, thì rất dễ tu luyện thành công. Ông ấy dùng ngón tay sờ vào là biết chữ mà quý vị viết ra là chữ gì, đây hoàn toàn là thật, chứ không phải giả. Ở đây chúng ta thấy được “thánh ngôn lượng”, khác với chữ thường, khác với ngôn ngữ văn tự phổ thông, nó phát quang, chúng ta không thể thay đổi nó một cách tuỳ tiện.

Xem tiếp đoạn dưới đây, “hàm vi đạo mộ, khoáng vô tha niệm, vô hữu ưu tư”. Đây là điều mà chúng ta đã đọc, giống như vừa rồi đọc đến câu đầu, trong tâm chúng ta chỉ có đạo, các thứ khác đều là thứ yếu, đều không quan trọng.

Câu thứ hai: “khoáng giả không khoáng, kỳ tâm không quảng vô hữu vọng niệm”. Câu này rất quan trọng, chúng ta dụng tâm, Thánh nhân dụng tâm, Phật Bồ Tát dụng tâm, khác với chúng ta, trong tâm chúng ta lo lắng quá nhiều, day dứt quá nhiều, vì thế tâm bất linh.

Người có khả năng đặc biệt tôi gặp nhiều rồi. Hồi trẻ tôi ở bang Los Angeles, khoảng hơn hai mươi năm rồi, hồi đó có khoảng mười mấy người có khả năng đặc biệt của Trung Quốc đại lục sang thăm Mỹ, có ba người ở Los Angeles, tôi đã gặp họ, tuổi đời khoảng hai mươi mấy tuổi, còn rất trẻ. Chúng tôi hỏi họ, khả năng này từ đâu mà có? Có một số khả năng là từ khi sinh ra đã có, từ nhỏ đã có rồi, họ có thể nhìn thấy được thứ mà người bình thường không nhìn thấy được. Các bạn học của chúng tôi có đến để thử họ, có một nữ đồng tu cho họ xem, họ lập tức chỉ ra trong phổi cô ấy đã từng bị lao phổi, nhưng đã bị can xi hoá rồi, không vấn đề gì nữa, còn để lại vết sẹo, chỉ ra vị trí của nó. Cô ấy giật mình, chỉ có mình cô ấy biết, ngay cả đến khi kết hôn, cũng chưa hề nói với chồng, không hề có ai biết nhưng họ làm sao có thể chỉ ngay ra được? Vì thế khả năng này là thật, không phải giả, họ có thể nhìn thấu tất cả. Chúng tôi hỏi họ, khả năng này liệu có thế giữ được vĩnh viễn hay không? Họ nói không được, có lẽ khoảng sau ba bốn mươi tuổi là hết. Quý vị đi càng nhiều, kiến thức càng nhiều, tâm sẽ tạp, sẽ loạn, thì sẽ không còn nữa. Điều này hoàn toàn phù hợp với tâm thanh tịnh được đề cập trong kinh Phật. Khi trẻ tuổi, lúc còn nhỏ có khả năng này, đây là khả năng sau khi sinh ra đã có.

Trong Phật pháp từng nói, khả năng thần thông này là do tu mà có, do báo mà có, người do báo mà có thì ít, do tu mà có thì nhiều, giống như quỷ thần, thiên thần họ do báo nhiều. Chúng ta là do tu mà có, nhưng cũng có thiểu số là do báo mà có. Do đó trẻ con nói những điều kỳ lạ, dùng ngôn ngữ kỳ lạ, thì quý vị đừng sợ, đừng lo lắng, chúng có thần thông. Quý vị không nhìn thấy, khi chúng nói chuyện với người khác ở đó, nói rất sinh động, chúng nhìn thấy thứ đối diện, mà chúng ta không thấy, cho rằng thần kinh chúng có vấn đề, không phải vậy. Do đó, những thường thức này quý vị phải biết, để đối xử chính xác với trẻ con, dạy bảo chúng chính xác, thì chúng sẽ không bị lạc hướng, lệch lạc. Theo sự lớn lên của tuổi tác, tiếp xúc với nhiều chuyện, tâm không thuần nữa, tạp niềm nhiều, thì khả năng đặc biệt không còn nữa, cách nói này rất có lý. Người có khả năng đặc biệt thì nhìn người- người học khí công thì nói về khí, người có khí trường, người có khả năng đặc biệt nói họ có quang, trên cơ thể người có ánh sáng, ánh sáng đậm nhạt, màu sắc của ánh sáng có liên quan mật thiết đến sức khoẻ của quý vị, vì thế chỉ cần nhìn là họ biết được sức khoẻ của quý vị ra sao, bộ phận nào bị đau, họ cũng có khả năng chữa được bệnh cho quý vị. Năng lượng lớn nhỏ giữa hai bên cũng đều nhìn thấy được, trong tâm họ đều biết được. Nếu phát triển lên, nâng cao khả năng, chính là tu định, không có thứ khác, tức là những điều nói ở đây, “kỳ tâm vô khoáng vô hữu vọng niệm”. Vọng niệm càng ít, thì khả năng càng mạnh, có vọng niệm, thì khả năng này dần dần sẽ bị mất đi.

Vì vậy “chân tâm ly niệm”, trong chân tâm không có vọng niệm. Vọng niệm là gì? Chính là căn bản vô minh, cũng chính là khởi tâm động niệm mà chúng tôi nói đến. Nếu huấn luyện bản thân, trong cuộc sống thường ngày, trong việc đối nhân xử thế không có vọng niệm, đây là tu hành bậc cao nhất. Có vọng niệm, không có phân biệt, đây là bậc hai; có vọng niệm, có phân biệt, không có chấp trước, đây là bậc ba. Nếu vọng niệm, phân biệt, chấp trước cả ba đều có, chính là phàm phu mà ở đây đang nói đến. Những người như chúng ta, đều mất hết khả năng, chôn vùi khả năng, nhưng nói thực ra thì không phải mất, mà chỉ cần quý vị buông bỏ vọng niệm, phân biệt, chấp trước, thì chúng sẽ được phục hồi lại. Do đó khả năng đặc biệt này không sanh cũng không diệt, là bản năng của chúng ta, chúng ta khi nhìn thấy họ sẽ không cảm thấy họ kỳ là hiếm thấy nữa, họ có quý vị cũng có, Phật có, quí vị cũng có, chỉ có điều Phật không có vọng niệm, nó có tác dụng. Quý vị hiện nay vọng niệm quá nhiều, có vọng niệm, phân biệt, chấp trước nên đều mất hết, mắt có thể nhìn thấy, nhưng chỉ thấy được cái bên ngoài, không thấy được nội tạng; nếu nhìn thấy được nội tạng thì lại không thấy được tâm tư. Càng siêu phàm hơn, ngay cả sự khởi tâm động niệm của quý vị họ cũng biết, đây chính là không chỉ nhìn thấy nội tạng của quý vị, mà còn nhìn thấy được ý niệm của quý vị. Vì vậy, có rất nhiều đẳng cấp, đại khái là phân thành ba cấp, ba cấp này chính là pháp thân Bồ Tát, Quyền giáo Bồ Tát, A La Hán, đại thể chia thành ba cấp như vậy.

Chúng tôi tiếp xúc với những người có khả năng đặc biệt. Lần này tôi đến Nhật bản, ở Nhật cũng có, tôi có gặp hai ba người, họ tiết lộ cho tôi rất nhiều thông tin, có thể làm tham khảo. Không thể chỉ nghe nói, họ bảo chúng ta làm sao chúng ta làm vậy, thế thì sẽ bị lừa, chỉ là cung cấp tham khảo mà thôi. Cách xử lý của chúng tôi là, nhất định phải dựa vào kinh luận làm căn cứ, dựa vào lời giáo huấn của cổ Thánh hiền làm căn cứ, thì sẽ không phạm sai lầm. Vì vậy chúng tôi quyết định không làm theo họ, chỉ tham khảo thôi. Nếu họ bảo thế nào chúng ta thế đó, thì sẽ bị mắc lừa. Chúng ta chỉ tham khảo, chứ không nhất định phải làm theo. Những thông tin mà họ đưa ra phần lớn là chính xác. Nếu chúng ta tin họ, họ có thể chơi đểu chúng ta, cung cấp thông tin không chính xác, thì chúng ta sẽ bị lừa. Khi chúng ta bị lừa thì sẽ tìm họ không ra. Cho nên không được theo họ, dù họ nói có hợp tình hợp lý hợp pháp đến đâu đi nữa, chúng ta cũng nên lấy kinh giáo làm căn cứ đề giải quyết, như vậy là đúng. Quyết tâm không rời xa kinh giáo, phải tôn trọng kinh giáo.

Câu thứ ba: “vô hữu ưu tư”. Quý vị thấy “tín tâm kiên định, trí tuệ minh liễu, ư thế vô lo, ư pháp vô nghi, cố vô hữu ưu lo chi tư”. Hiện nay hình như trong tên các bệnh tật có thêm bệnh stress, nghe nói rất nghiêm trọng, và cũng rất phổ biến. Ở đây có cách chữa trị, người mắc bệnh stress chắc chắn tín tâm không kiên định, chắc chắn không có niềm tin, không tự tin với bản thân, cũng không có niềm tin đối với người khác, nếu họ có đi khám, thì cũng không tin vào bác sĩ. Họ không có trí tuệ, hồ đồ, mê hoặc, chắc chắn họ có nhiều suy nghĩ, nhiều lo lắng, nhiều nghi ngờ, chắc chắn có mấy triệu chứng này. Kinh này mặc dù là bản hội tập, từng chữ từng câu đều có căn cứ, đều là nguyên văn trong 5 loại bản dịch gốc, không bị sửa một chữ nào, không bị thay đổi lấy một chữ, đều rất trung thành với kinh giáo, không dám làm liều thêm bớt kinh pháp. Đối với bản hội tập của Hạ Lão này, chúng tôi rất ca ngợi, chúng tôi hoan hỷ, bởi vì hai bản trước đây quả thực có thêm bớt kinh pháp, mặc dù không nhiều, thay đổi vài chữ, sửa một hai câu, đây là điều Phật không cho phép. Bản sửa mặc dù xem ra dễ hiểu hơn bản gốc, nhưng tại sao không được làm như vậy? Vì nếu quý vị là người đầu tiên, quý vị dẫn đầu, quý vị sửa đổi, thì người khác sẽ nói quý vị sửa được, tôi cũng sửa được, họ cũng sửa được, ai cũng sửa một chút, truyền lại một hai trăm năm sau, kinh này không còn là kinh nữa. Vì thế cổ nhân rất hiểu cái lý này, quyết định không dám sửa. Nếu có nghi ngờ, thì chú thích bên cạnh, chữ này nếu sửa thành chữ kia thì càng dễ giảng hơn, cũng phải chú thích bên cạnh, nguyên tác không được động vào, như thế thì có thể được. Cổ đức có lúc cũng làm như thế, chúng tôi đã nhìn thấy trong kinh, ngài chú thích bên cạnh chứ không dám sửa đổi. Đây là thái độ rất tốt khi học tập thánh giáo, chúng ta không thể làm trái. Đoạn này, câu nói này phải học cho thuộc, bởi vì có thể phải ứng đối với thiên tai trước mắt.

Điều khiến cả thế giới vô cùng lo lắng là lời tiên đoán về thiên tai của Maya, ngày tháng nói đến là ngày 21 tháng 12 sang năm, hiện nay rất nhiều người đang bàn luận về vấn đề này. Tôi nhận được lời mời của Đức Giáo Hoàng toà thánh Vatican, có thể cũng là bàn luận về vấn đề này. Cách giải quyết, thì mấy câu này là đủ rồi: “tín tâm kiên định”. Nếu chúng ta nghi ngờ, thì phiền phức sẽ đến. Thiên tai là từ đâu mà có? Trong kinh Phật giảng rất hay, tham sân si mạn nghi, là từ đây sanh ra. Nghi ngờ rất nghiêm trọng, nghi tức là không có tự tin. Nếu ‘tín tâm kiên định’ thì sẽ không có nghi, nếu không nghi thì đại địa sẽ kiên cố, chúng ta nói rằng thiên tai tự nhiên trên trái đất này có xu hướng giảm nhiều, cho dù vần còn một số thiên tai, không đến nỗi có nguy hại lớn, niềm tin thật là quan trọng! Mỗi một tôn giáo đều phải giảng cầu về tín tâm, người học Phật không nghi ngờ với Phật, học cơ đốc giáo không nghi ngờ về cơ đốc, học Do Thái giáo không nghi ngờ với thượng đế, học đạo hồi không nghi ngờ về Chân chủ, tín tâm kiên định, thì thiên tai sẽ được giảm thiểu. Quý vị xem tên của những giáo chủ này, như chúng tôi vừa nói, thực nghiệm mà ông Lý hiệu trưởng trường Đại học Đài Loan làm, những thứ mà dùng tay sờ vào đều sờ không ra được, đều phát quang, những tên này đều phát quang, chứng tỏ những tên này không phải là tên của những người bình thường, những người này không phải là người bình thường, đúng là người rất có đức hạnh, thân tâm thanh tịnh, không nhiễm bụi trần, vì thế nó phát quang, quang ở đây là trí tuệ quang minh. Do vậy tín tâm còn quan trọng hơn bất cứ điều gì. Hàng tri thức phải có niềm tin với cổ Thánh tiên Hiền, với những thứ mà cha ông để lại.

Cương lĩnh của luân thường đạo đức rất đơn giản, tôi thường nói, tôi cho rằng những điều này không phải Khổng tử nói. Khổng Tử sống cách chúng ta 2500 năm, tôi tin rằng những thứ mà tổ tông để lại chắc chắn sẽ hơn 10 ngàn năm. Bà La Môn giáo của Ấn độ có 13 ngàn năm, cổ Thánh tiên hiền lão tổ tông của chúng ta không thể nào có sau được. Bởi vì hồi đó không có chữ viết, chữ viết là do Hoàng đế phát minh, từ khi có chữ viết đến này là 4500 năm. Thái độ của Khổng tử rất hay, xứng đáng để chúng ta học tập, trong Luận Ngữ ông nói: “thuật nhi bất tác, tín nhi hảo cổ”, hai câu này minh chứng thái độ làm học vấn suốt đời của ông: thật thà, đúng là thật thà, nghe lời, thật làm, là người tốt chuẩn mực. Ông không sáng tạo, không phát minh, ông tin tưởng vào những gì mà cổ Thánh tiên Hiền truyền lại, ông thích. “Thuật nhi bất tác”, thuật là nói về người trước đây, tiếp thu cái trước đây. Nói cách khác, suốt đời ông học cái của cổ nhân, điều ông tu dưỡng cũng là do cổ nhân dạy, cái ông dạy người khác, truyền lại cho đời sau đều là của cổ Thánh tiên Hiền, chứ không phải của mình, đây chính là “thuật nhi bất tác”. “Tín nhi hảo cổ”, không hoài nghi với những điều của cổ nhân, niềm tin kiên định, hơn nữa vô cùng yêu thích, say mê. Tôi tin đây là lời nói thật của Khổng tử, chứ không phải ông khiêm tốn. Đây là tấm gương cho ngày nay chúng ta học tập. Những điều mà Khổng Tử nói trong Luận Ngữ, đều là của cổ nhân, ông chỉ đem những lời cổ nhân dạy viết thành sách truyền lại cho đời sau. Vì thế Khổng Tử được người đời sau tôn xưng là Tập Đại Thành Giả, ông không sáng tạo phát minh ra điều gì, cái của cổ Thánh tiên Hiền vào tay ông, được ông sưu tập lại, viết thành chữ, thành sách lưu truyền lại cho đời sau, công đức này không thể nghĩ bàn.

Giáo dục của người xưa chúng ta chắc chắn có từ rất sớm, mặc dù không được ghi lại bằng văn tự, lão tổ tông dạy người ta cách làm người thế nào. Giáo dục thời xưa gồm tứ khoa, không thể truyền sai được. Ngũ luân là: “phụ tử hữu thân, phu phụ hữu biệt, quân thần hữu nghĩa, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín”, chỉ có hai mười chữ chẳng lẽ lại truyền sai sao? Có truyền trăm ngàn năm sau cũng không bị sai. Đây là căn cứ nguyên thuỷ nhất về quan niệm dạy học của người xưa, nói quá hay. Đây nói lên điều gì? Mối quan hệ, mối quan hệ giữa người với người trước hết phải làm cho rõ. Khi mối quan hệ được xác lập rõ ràng rồi, mấu chốt trong mỗi mối quan hệ, quý vị phải có nghĩa vụ gì, quý vị được hưởng quyền lợi gì, tất cả đều có, đều rõ ràng. Người xưa chỉ nói về tận tâm với nghĩa vụ, không nói về hưởng thụ quyền lợi, quá cao siêu! Vì vậy họ không có cạnh tranh. Nếu có hưởng thụ thì ắt phải cạnh tranh, chỉ nói về nghĩa vụ, mọi người không có tranh giành, cách giáo dục này rất hay, thật là hoàn mỹ. Giữa người với người có năm mối quan hệ.

Giữa người với người nên quan hệ với nhau thế nào? Ngũ Thường, thường là vĩnh viễn không thay đổi, là đức hạnh cơ bản để làm người, có năm chữ, không thể truyền sai được: “nhân nghĩa lễ trí tín”, sao lại truyền sai được! Trăm ngàn năm, một triệu năm cũng sẽ không truyền sai. Nhân là ái nhân, nghĩ đến mình chắc chắn phải nghĩ đến người, nhân giả ái nhân. Nghĩa là nói về đạo lý, đây cũng là điều mà người đời sau chúng ta thường nói là hợp tình hợp lý, đây gọi là nghĩa, tình lý pháp mặt nào cũng hội tụ. Lễ là lễ tiết, vô cùng quan trọng, chứ không phải vì người trong một nhà suốt ngày gặp nhau thì cần gì phải coi trọng cái lễ? Đương nhiên là quan trọng, vì sao? Thành tại tâm mà phải bộc lộ ra ngoài. Vất bỏ cái bên ngoài thì sự thành tâm bên trong sẽ bị mờ nhạt dần, lâu ngày sẽ mất đi, vì thế trong và ngoài phải phối hợp với nhau. Điều này chúng tôi thấy rất rõ khi ở Nhật Bản, người Nhật ở quê khi gặp nhau đều chào hỏi nhau, gặp người khác đều cung kính cúi xuống 90 độ, bất kể là có quen hay không, thói quen này của người Nhật được hình thành từ nhỏ, vì vậy quý vị cảm thấy rất thân thiết, gần gũi. Người trong một nhà, họ cũng cung kính chào hỏi cúi lạy lẫn nhau như vậy tự sáng đến tối. Nhìn họ chúng tôi hoan hỷ, giữa người với người, người trong gia đình cũng nên như vậy, nên đối xử hoà nhã với nhau, đây không phải là khách sáo, đây là tình cảm nội tâm được biểu hiện rất tự nhiên. Xin quý vị chớ xem đây là điều không cần thiết, hoàn toàn sai lầm, chắc chắn phải có cái này, sự an định của xã hội là dựa vào cái này đây, thiên hạ thái bình cũng phải dựa vào nó. Quý vị đừng cho rằng đây là chuyện nhỏ, chuyện nhỏ tích tụ lại sẽ thành chuyện to, nếu quý vị ai cũng vứt bỏ, thì tâm cung kính giữa người với người sẽ không còn nữa. Quý vị nhất định phải rèn từ nhỏ, phải thật tâm, đó không phải làm cho người khác khen. Trí là lý trí, điều đó chứng tỏ trong cuộc sống của chúng ta việc đối nhân xử thế phải dựa vào lí trí, không thể dựa vào tình cảm, vì tình cảm thường xảy ra phiền phức, phải dựa theo lý trí. Nhất là quan hệ thân tình, chúng ta thường thường bỏ lý trí sang một bên, làm việc theo tình cảm, nên thường để xảy ra nhiều đau khổ. Cuối cùng là tín, “nhân vô tín tắc bất lập”, quan hệ với người, với mọi chúng sanh đều phải trọng chữ tín.

Hôm trước, có mấy người đồng tu từ Vân Nam đến, họ nói với tôi, mấy năm nay họ trồng lúa, trồng rau, trồng hoa quả, đều có sự giao lưu bằng ngôn ngữ với sâu bọ và chim chóc, đạt hiệu quả rất tốt. Sản phẩm nông sản của họ không cần dùng thuốc, không cần phân bón. Có sâu ăn, họ chỉ ra vùng này có mấy mẫu đất, vì họ trồng diện tích rất lớn, khoảng những mấy trăm mẫu, họ chỉ ra mấy mẫu đất nào là chuyên để cung cấp cho sâu ăn, và nói rõ với sâu bọ, kết quả là sâu bọ tuân thủ quy định. Họ nói chỉ cách nhau một bờ ruộng khoảng 10 đến 20 cm, nhưng sâu bọ ở vùng đất này quyết không sang bên kia ăn, quý vị nhìn thấy trên lá rau bên này đều đầy những lỗ nhỏ. Họ nói trái cây cũng như vậy, chỉ rõ những cây nào để giành riêng cho chim, chim chỉ đến đó ăn thôi; những cây nào không cho chúng, chúng đều không ăn, đây là tín. Chúng ta trọng chữ tín với sâu bọ, chim chóc, thì sâu bọ, chim chóc đáp lại chúng ta cũng bằng chữ tín, bên nào cũng trọng chữ tín, thì trồng trọt sẽ không cần dùng thuốc, không cần phân bón. Thuốc và phân bón sẽ làm ô nhiễm nguồn đất, đây là điều khủng khiếp nhất, phải trả giá đắt nhất, vụ này quý vị thu hoạch, nhưng vụ sau thì không thể trồng được nữa, vì sao? Vì đất có độc. Cách trồng trọt của họ rất thành công, nghe nói lãnh đạo địa phương cũng đến thăm, ai cũng rất thích, dần dần quảng bá, hy vọng những người nông dân, người trồng lúa, trồng rau, trồng trái cây đều trồng theo cách này, nói không với phân bón và thuốc trừ sâu. Sản phẩm trồng ra rất ngon, hoa nở rất thơm, trái cây rất ngọt.

Thông qua điều này có thể nói rằng đây là kinh nghiệm mười mấy năm của chúng tôi, mười năm chúng tôi ở Úc Châu, trang trại trồng rau của chúng tôi chưa dùng phân bón và phun thuốc, nhưng vẫn trồng trọt thành công, làm cho người trồng rau ở vùng xung quanh đến xem đều rất ngưỡng mộ, sao lại xanh tốt như vậy? Hỏi chúng tôi trồng bằng thứ gì? Chúng tôi nói không phân bón, không phun thuốc. Nước tưới là nước giếng, chúng tôi đào mấy cái giếng, việc dùng nước giếng tưới rau, trái cây, đây đều là nói đến chữ tín. Chúng ta phải giữ chữ tín với thiên địa quỷ thần, thế thiên địa quỷ thần có không? Nói đến thiên địa quỷ thần đúng là có, giống như ông Lý hiệu trưởng trường đại học Đài Loan nói, ông luyện khả năng đặc biệt, đúng là có, không sai chút nào, ông nói chỉ có điều quý vị không nhìn thấy, người có khả năng đặc biệt có thể nhìn thấy, chứ hoàn toàn không phải vì nhìn không thấy nên nói là không có, đúng là có, hơn nữa còn có quan hệ mật thiết với cuộc sống của chúng ta.

“Tâm tính kiên định, trí tuệ minh liễu”, cuộc sống, công việc, đối nhân xử thế đều phải dựa vào trí tuệ. Tri thức có thể xử lý một số việc nhưng lại bị hạn chế, hơn nữa phần lớn còn có hậu di chứng. Trí tuệ tốt hơn, trí tuệ xử lý sự việc không có hậu di chứng, hơn nữa trí tuệ không bị hạn chế, thế trí tuệ từ đâu mà có? Trí tuệ tự tâm thanh tịnh mà ra. Nếu tâm thanh tịnh không có, thì nó ở đâu ra? Từ những lời giáo huấn của Thánh hiền mà ra. Công phu tu hành của quý vị chưa đủ, tâm thanh tịnh sẽ không xuất hiện, nghe những lời Phật dạy trong kinh, và làm theo được, đó chính là trí tuệ. Bắt đầu làm từ đâu? Bắt đầu từ đệ tử quy, từ cảm ứng thiên, từ thập thiện nghiệp. Xin quý vị đừng xem những thứ này hình như quá giản đơn, không có tác dụng gì. Nó có tác dụng rất lớn, hai ba năm lại đây, ở Trung Quốc dường như có rất nhiều hội thảo về văn hoá truyền thống, với nội dung rất phong phú, có rất nhiều nội dung được lên báo cáo tại hội thảo. Hiệu quả của việc học đệ tử quy làm thay đổi quý vị, thay đổi gia đình, thay đổi sự nghiệp. Đề xuất nhiều chứng cứ thuyết phục, chứng minh cái này hay, mà trước đây không ngờ tới. Những thứ này là chúng ta học tập từ giáo dục của Thánh hiền, học tập căn cơ giáo dục của Phật Bồ Tát, nếu như không có cơ sở này, thì việc học những điều của Thánh hiền của quý vị sẽ biến thành tri thức, không dùng được. Nếu thực hiện được ba thứ này, quý vị sẽ có gốc, có gốc của Thánh hiền, có gốc của Phật Bồ Tát, thì khi quý vị học giáo dục Thánh hiền, học kinh điển sẽ lập tức hữu dụng. Quý vị sẽ hiểu ý nghĩa bên trong của nó, có thể tương ứng với bản thân, và có thể giải quyết được vấn đề của quý vị. Sâu xa hơn, nó có thể giúp quý vị giải quyết vấn đề sanh tử, nó có thể giúp quý vị giải quyết vấn đề kiếp sau, quả là hiếm thấy. Đây gọi là vấn đề lớn, chuyện đại sự!

“Ư thế vô lo”, không có lo lắng, mặc cho thế gian này nhiều thiên tai như vậy, nhưng trong tâm chúng ta xem như không có chuyện gì, tại sao? Biết nhân của nó, biết quả của nó, biết được quả báo và cũng biết được làm sao để hoá giải, đều biết hết. Cho nên không còn gì để lo lắng, day dứt, phiền não nữa. “Ư pháp vô nghi”, là không nghi ngờ gì với dạy học, và giáo pháp của thế xuất thế gian Thánh hiền. Ở đây phức tạp nhất, chính là người hiện nay chịu giáo dục hiện nay, giáo dục hiện nay lấy khoa học làm đầu, mà khoa học trước tiên với tinh thần là hoài nghi. Hoài nghi với vật chất thì có thể được, nghiên cứu vật lý thì được, quý vị có thể nghi ngờ, để quý vị đi tìm căn nguyên. Nhưng nếu quý vị nghi ngờ với lời dạy của bậc Thánh hiền, thì nguy to, vì sao? Vì điều Thánh hiền dạy là từ tâm thanh tịnh mà ra, nói theo thuật ngữ của nhà Phật gọi là Thiền định. Quý vị không tu thiền định, quý vị hoàn toàn xa lạ với nó, quý vị không nhận thức được nó, nếu quý vị không có nghi ngờ cũng sai, mà có nghi ngờ cũng sai. Quý vị phải hiểu nó, giống như Phật pháp, Phật pháp đại thừa quý vị phải hiểu, quý vị phải bỏ dục vọng, nghĩa là nói giới luật mà Phật chế định, quý vị phải tuân thủ. Giới luật là gì? Giới luật bảo quý vị buông bỏ, buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ danh văn lợi dưỡng, buông bỏ sự tham luyến đối với ngũ dục lục trần, buông bỏ tham sân si mạn, dạy quý vị những điều đó. Buông bỏ sát đạo dâm vọng tửu, quý vị phải bỏ hết, vì sao? Vì tâm thanh tịnh hiện tiền, tâm bình đẳng thì trí tuệ càng cao, đại triệt đại ngộ là trí tuệ viên mãn, những trí tuệ này là có sẵn trong bản thân quý vị. Phật tại sao bảo Quý vị rũ bỏ những thứ này? Vì những thứ này nó cản trở trí tuệ, cản trở đức năng của bản thân quý vị, quý vị vất bỏ mọi thứ cản trở này, thì quý vị sẽ minh tâm kiến tánh.

Do đó trong giáo lý đại thừa, Phật nói với chúng ta rằng, buông bỏ tất cả chấp trước với thế xuất thế gian, quý vị sẽ chứng quả A la hán, sẽ đạt được thanh tịnh, tâm thanh tịnh sẽ hiện tiền. Khi tâm thanh tịnh hiện tiền, thì lục đạo luân hồi không còn nữa. Lục đạo là nhiễm ô, tâm không thanh tịnh thì quý vị mới nhìn thấy cảnh giới này, nếu tâm thanh tịnh thì sẽ nhìn không thấy, đến lúc đó quý vị mới hiểu được lục đạo là giả, không phải thật, giống như một giấc mơ, vừa tỉnh giấc. Nếu tiếp tục nâng cao lên, chẳng những không chấp trước, mà phân biệt cũng không còn, quý vị sẽ thành Bồ Tát. Quý vị từ Thanh Văn Duyên Giác thăng lên Bồ Tát, Bồ Tát không có phân biệt. Từ Bồ Tát đến Phật, đây là Phật trong thập pháp giới, Thiên Thai đại sư gọi ngài là tương tợ tức Phật, chứ không phải là chân Phật. Vì sao? Vì còn dùng vọng tâm, cũng có nghĩa là ngài còn khởi tâm động niệm, mặc dù không có phân biệt, không có chấp trước, nhưng vẫn còn khởi tâm động niệm. Nếu khởi tâm động niệm được không còn, ngài sẽ thành chân Phật, chứ không phải là giả nữa, thập pháp giới không còn nữa. Từ đó biết được thập pháp giới vẫn là một giấc mơ. Phật trong kinh giảng rằng: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, đến lúc này quý vị mới có thể hoàn toàn hiểu thấu đáo, thật là hư vọng chứ không phải giả, không thấy nữa. Không thấy nữa, thì cảnh giới nào xuất hiện? Tỉnh dậy, chính là nhất chân pháp giới hiện tiền, cõi thật báo trang nghiêm của chư Phật Như Lai. Vì sao nói là chân? mọi hiện tượng trong thế giới này bất biến. Hiện tượng thập pháp giới có biến, con người có sanh lão bệnh tử, thực vật có sinh trụ dị diệt, sơn hà đại địa có thành trụ hoại không, chúng đều thay đổi. Mọi điều trong nhất chân pháp giới bất biến, nguyên nhân vì sao? Nó chỉ có tâm hiện không có thức biến, thức là vọng tâm, nó không dùng vọng tâm, hoàn toàn dùng chân tâm, chân tâm bất biến. Mọi hoàn cảnh đều bất biến, con người không già nua, người sống đến mấy ngàn tuổi, mấy chục ngàn năm, không chỉ dừng lại ở đó! Ba a tăng kỳ kiếp. Quý vị không có cách gì để tính được. Vậy thì sao? Vĩnh viễn trẻ mãi như vậy, hoa không tàn, lá xanh không bị vàng, vĩnh viễn như vậy, sơn hà đại địa đều không bị xấu đi, đây gọi là nhất chân pháp giới.

Nhất chân giới pháp có có thật không? Vẫn không phải là thật. Đến khi quý vị vọng tưởng- vọng tưởng còn có tập khí, nếu tập khí vọng tưởng đoạn tuyệt, nhất chân pháp giới không còn nữa, giống như những gì mà các nhà khoa học nói 90% vũ trụ không còn thấy nữa. Tập khí vô minh của quý vị đoạn tuyệt, thì nhất chân pháp giới không thấy nữa, thế nó đi đâu? Trở về với thường tịch quang, trở về tự tánh. Thường tịch quang tôi vừa nói tới, hiện tượng gì cũng không có, không có hiện tượng vật chất, không có hiện tượng tinh thần, không có hiện tượng tự nhiên, vì thế lục căn của chúng ta không thể đạt đến, lục căn lục thức không duyên đến được, vì thế mới nói nó không có. Thực ra nó có, nó tồn tại, nhưng nó không có hiện tượng gì, duyên không tới. Kinh Phật giảng thấu triệt hơn các nhà khoa học, khoa học còn có nghi vấn, từ không sanh ra có, họ chỉ nói được như vậy. Đức Phật giảng rất rõ, nó hồi quy tự tánh, tự tánh biến nhất thiết xứ, biến nhất thiết thời, nhưng nó không có hiện tượng, ba loại hiện tượng đều không có, nhưng nó tồn tại. Làm sao biết được. Quý vị có thể buông bỏ ý niệm vọng tưởng phân biệt chấp trước, thì quý vị sẽ nhìn thấy, quý vị sẽ đắc chứng, Phật nói việc này chỉ chứng mới biết được. Chứng là không có cái khác ngoài việc bảo ta buông bỏ. Vì vậy chân công phu của Phật pháp là buông bỏ chấp trước, buông bỏ phân biệt, buông bỏ khởi tâm động niệm, quả là chân công phu! Khi buông bỏ chấp trước, quý vị chứng A La Hán; buông bỏ phân biệt, quý vị chứng Bồ Tát; buông bỏ bỏ khởi tâm động niệm, quý vị thành Phật. Quý vị vốn dĩ là Phật, chỉ cần quý vị buông bỏ ba thứ này quý vị sẽ thành Phật, vì vậy đức Phật nói tất cả chúng sanh vốn dĩ đều là Phật, điều này rất đúng. Hiện nay còn có người phản đối Phật giáo, không phải là phản đối chính mình hay sao? Đúng, đúng như vậy, họ phản đối sự buông bỏ, không chịu buông bỏ. Dám buông bỏ, mới đúng! Câu này nói rất thú vị.

“Ư pháp vô nghi, cố vô hữu ưu lự chi tư”, tinh thần của quý vị sẽ rất thoả mãn, tâm trạng phấn chấn, không có lo âu, không phiền não, không day dứt, thật là tự tại. Tâm tự tại, thân sẽ tự tại, cơ thể sẽ không mắc bệnh gì. Bệnh từ đâu mà có? Bệnh từ âu lo mà ra, người không có âu lo thì làm sao có bệnh! Người không có tham lam, phẫn nộ, ngu muội, ngạo mạn thì đâu có bệnh tật gì! Chẳng những cơ thể không có bệnh, mà ngay cả nơi cư trú sơn hà đại địa cũng không có thiên tai, đây gọi là người có phước ở đất phước. Thế người nào là có phước? Không có lo lắng là người có phước, không có tham sân si mạn là người có phước, họ sống ở nơi nào thì nơi đó sẽ không có thiên tai. Nếu phước báo của quý vị càng lớn, thì phước của quý vị càng xa; phước báo ít, thì trong vòng trăm dặm cũng không có tai nạn gì; phước báo lớn, thì trong vòng ngàn dặm cũng không có thiên tai, gọi là đại phước. Một người có phước báo, thì nhiều người được hưởng theo, vì vậy việc hoá giải thiên tai không còn là vấn đề lớn nữa, chỉ cần quý vị hiểu được thật làm, mọi người sẽ hồi tâm chuyển ý, buông bỏ ý nghĩ ác ý không làm nữa, hành vi ác quyết định không làm nữa. Rũ bỏ tham sân si mạn trong tâm, rũ bỏ hành vi sát đạo dâm vọng tửu, thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết, lập tức thấy hiệu quả.

Mười năm nay, kinh nghiệm trồng rau của chúng tôi là giao lưu trao đổi với sâu bọ, chim chóc. Nơi chúng tôi ở, chúng tôi trao đổi giao lưu với chuột, gián, ruồi, muỗi, kiến, chúng rất biết nghe lời. Vườn phía ngoài của chúng tôi là không gian hoạt động của chúng, trong phòng là không gian hoạt động của chúng tôi, chúng tôi không xâm phạm lẫn nhau, chúng tôi yêu quý bảo vệ nhau. Chúng ở bên ngoài, chúng tôi yêu quý bảo vệ chúng, giúp đỡ chúng, và chúng cũng không làm tổn hại đến chúng tôi. Thi thoảng có vài con kiến bò vào chỗ chúng tôi, đây nghĩa là gì? Chúng đến chơi, chúng tôi cũng không làm tổn thương đến chúng, và mời chúng bò ra ngoài, chúng quả thật rất ngoan ngoãn nghe lời bò ra ngoài.

Hồi tôi ở Úc Châu, dãy nhà phía sau tôi ở là mới xây, sau khi xây xong tôi dọn đến ở đó, sáng sớm hôm sau tỉnh dậy vào phòng vệ sinh thấy toàn là kiến, nhà mới xây, thế kiến từ đâu đến? Tôi nghĩ không ra, tôi liền nói với kiến rằng: kiến ơi, ta phải dùng nhà vệ sinh, chúng tôi cho nhau thời gian là nửa tiếng, tôi ra ngoài niệm Phật nửa tiếng, sau đó quay lại rửa mặt, súc miệng, các vị từ đâu đến, thì về chỗ đó. Nửa tiếng sau tôi quay lại quả thật không thấy một con kiến nào nữa, đi hết cả rồi, chúng rất biết nghe lời. Quý vị đâu cần phải giết chúng? Không được sát sanh, quý vị giết chúng, chúng sẽ báo thù, thì sẽ xảy ra báo thù qua lại mãi, nếu chúng ta chung sống hoà bình với chúng thì thật là tốt biết mấy! chúng ta hoan hỷ, chúng cũng hoan hỷ, chúng ta cảm ơn, chúng cũng cảm ơn. Đây là kinh nghiệm của bản thân chúng tôi.

Có một năm, có lẽ là khoảng năm 2007, tôi về quê, thành lập trung tâm ở vùng Thang Trì, để thúc đẩy việc học tập đệ tử quy, rất có hiệu quả. Họ bố trí cho tôi một ngôi nhà, ban đêm tôi làm việc ở đó, nhà mà họ bố trí cho tôi ở gồm một phòng ngủ, một phòng đọc sách, tôi làm việc tụng kinh ở trong phòng đọc sách. Muỗi có khoảng bốn năm chục con, rất nhiều, chúng đều đậu trên tường. Tôi nói với chúng, được, ta tụng kinh trong phòng, các vị nghe kinh, đừng quấy rối ta. Đúng như vậy, sau hai tiếng tôi đọc kinh xong, mà chúng vẫn bất động. Đến sáng sớm ngày hôm sau, tôi đến phòng đọc để xem, quả thật chỉ còn lại mười mấy con vẫn đậu ở đó, những con khác không thấy đâu nữa, chúng biết nghe lời, rất biết nghe lời! Vì vậy quý vị không được giết chúng, phải yêu quý chúng. Nếu đúng là chúng muốn chích thì có thể chính một chút, đồng nghĩa với việc chúng ta cho chúng một bữa ăn, chúng bay đến cũng vì khất thực, chúng ta hãy cho chúng một bữa. Nhưng phải ra điều kiện với chúng như không được chích đau, không gây ngứa. Quả đúng như vậy, chích xong chúng bay đi ngay, không đau cũng không ngứa. Quý vị thấy đó đây thật là một mối quan hệ tốt đẹp. Ở chỗ chúng tôi đây còn có một vị thầy giáo, ông nói với muỗi rằng, tối ta ngủ tay chân có thể chích, nhưng tuyệt đối không được chích ở mặt, nếu chích vào mặt thì ngày mai ta lên lớp sẽ rất xấu. Đúng như vậy, tuyệt nhiên chúng không cắn vào mặt, không chích vào đầu, chỉ chích vào bắp tay và phần đùi, chúng đúng là làm theo như vậy. Do đó, chúng ta yêu cầu gì, chúng cũng đều đáp ứng, các loại động vật nhỏ rất dễ tiếp xúc, đều là linh tánh, chúng hiểu chúng ta, chúng ta khởi tâm động niệm chúng cũng biết. Đây là điều mà mười mấy năm nay chúng tôi luôn luôn làm nghiên cứu, thí nghiệm, không có lần nào thất bại.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.

Hết tập 496

/ 600