/ 600
465

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Tập 494

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 13.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 614, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên.

“Dĩ thượng nhị sớ chi thuyết quân chuyên tựu Ngụy Dịch, niệm đạo chi tự nhiên dĩ tiền chi văn cú độc kiến Ngụy Dịch. Đản Hán Ngộ lưỡng dịch ư thử hạ cánh hữu đại đoạn kinh văn, quảng thuật bỉ độ Bồ Tát công đức, dữ sát độ chi tự nhiên tối thắng, bản kinh thái nhập, hội thành thử phẩm. Ư thị bổn phẩm kinh trung, ư niệm đạo chi tự nhiên hạ, bát kiến tự nhiên nhị tự, như tự nhiên nghiêm chỉnh, tự nhiên vô vi, tự nhiên bảo thủ, tự nhiên trung tự nhiên tướng, tự nhiên chi hữu căn bản, tự nhiên quang sắc tham hồi, tự nhiên sở khiên tùy, khả chứng tự nhiên nhị tự, thật cụ yếu nghĩa. Thử tự nhiên nhị tự, phi ngoại đạo sở vị vô nhân chi tự nhiên, cái pháp nhĩ như thị, danh vi tự nhiên dã”.

Chúng ta xem đoạn này, ở trước Hoàng Niệm Tổ dẫn chứng Tịnh Ảnh Sớ và Hội Sớ, trong đó nói đều là của Ngụy Dịch trong năm loại bản dịch này, chính là bản dịch của Khương Tăng Khải.

“Văn cú ở trước niệm đạo chi tự nhiên chỉ thấy trong Ngụy Dịch”, nhưng hai bản của Hán Dịch và Ngô Dịch ở sau niệm đạo chi tự nhiên vẫn còn, văn tự nói rất nhiều, rộng nói về Bồ Tát của cõi nước này, chính là công đức và cõi nước của chư Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc. Cõi nước là hoàn cảnh cư trú, chính là thế giới Cực Lạc, nói đến sự tự nhiên tối thắng. Cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập bản này đã áp dụng nó. Trong Ngụy Dịch không có, nhưng hai bản dịch của Hán Ngô có, đem nó hội tập lại một nơi.

Nên sau phẩm: Niệm đạo chi tự nhiên, còn có bát kiến tự nhiên, chứng minh hai chữ tự nhiên này có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này bên dưới có giải thích.

Hai chữ tự nhiên này không phải là tự nhiên của ngoại đạo thời Ấn Độ cổ nói, ngoại đạo cho rằng vô nhân mới gọi là tự nhiên. Nhưng trong Phật pháp ý nghĩa tự nhiên này rất thâm sâu, cũng chính là trong kinh luận thường nói: “pháp vốn như vậy”, đây gọi là tự nhiên. Ý này nghĩa là gì? Là trong tự tánh vốn có, đây không phải người làm, nó vốn có, nó gặp duyên thì tự nhiên hiện hành, ý nghĩa này rất thâm sâu. Ví dụ nói tự tánh không có gì cả, nhưng vì sao người kiến tánh họ lại biết? Người chưa kiến tánh không biết. Ngài Huệ Năng kiến tánh, nên đã nói ra cho chúng ta nghe về những gì ngài thấy được. Đầu tiên ngài thấy được thanh tịnh, vĩnh viễn không có ô nhiễm, đây là chân tâm của mỗi người. Chân tâm chỉ có một, cũng gọi là chân như, cũng gọi là bản tánh, xưa nay chưa từng nhiễm trước. Thứ hai là không sanh không diệt. Thứ ba là vốn tự đầy đủ, vốn đầy đủ viên mãn, đầy đủ điều gì? Đầy đủ y chánh trang nghiêm khắp biến pháp giới hư không giới, nó vốn đầy đủ, không dễ hiểu! Đối với câu này tôi cũng mất rất nhiều thời gian, sau cùng nghĩ đến ống vạn hoa đồ chơi lúc nhỏ, nghĩ đến vật này. Quý vị mở ống vạn hoa ra xem, trong đó là mấy tấm giấy vụn màu sắc khác nhau, nếu ta xoay ống vạn hoa này sẽ thấy được sự biến hóa trong đó là vô lượng vô biên. Vô lượng vô biên này từ đâu mà có? Vốn đầy đủ, nó vốn đầy đủ. Khi quý vị không động nó sẽ không có, vừa động trong đó liền thiên biến vạn hóa, động này là gì? Chính là toàn thể vũ trụ, trong tự tánh vốn đầy đủ, nhưng trong tự tánh cũng rất đơn thuần, giống như ông vạn hoa này vậy, vô cùng đơn thuần. Là thật, không giả chút nào. Trong tự tánh vốn đơn thuần, là thứ gì? Là kiến văn giác tri, đây là tánh đức, trong tự tánh có. Khi mê kiến văn giác tri biến thành gì? Biến thành thọ tưởng hành thức, biến thành A lại da, đã biến chất. Hiện nay chúng ta biết, điều này đã được các nhà lượng tử lực học phát hiện. Lượng tử nhỏ như vậy, nhục nhãn chắc chắn không nhìn thấy được, phải là kính hiển vi cao độ mới phát hiện được vật này.

Hiện tượng vật chất nhỏ như vậy, Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn một câu nói trong kinh văn này. Trong kinh Phật thường nói nhất mao nhất trần, mao là mũi nhọn, trần là vi trần, ông nói như thế nào? Là vi điểm của mao trần, còn nhỏ hơn cả mao trần_vi điểm của mao trần. Vi điểm này cũng có thể chính là lượng tử mà hiện nay các nhà vật lý đã phát hiện, nó có năm uẩn: sắc thọ tưởng hành thức, năm uẩn này đều đầy đủ. Ngũ uẩn là pháp nhĩ như thị, đây gọi là tự nhiên, nó không phải do người làm, nó vốn là như vậy. Hiện nay các nhà khoa học gọi nó là tin tức, sắc gọi là vật chất, thọ tưởng hành thức là tin tức. Năng lực của nó, vi tính cũng không sánh bằng, chắc chắn không sánh được. Trong một thứ nhỏ như vậy, dung nạp tin tức khắp pháp giới hư không giới, toàn bộ đều ở trong đó.

/ 600