432

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Tập 493

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 13.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 612, hàng thứ tư từ dưới đếm lên: “Thọ lạc vô cực đệ tam thập nhị”.

Hoàng Niệm Tổ giới thiệu cho chúng ta: “phẩm này nói rõ về thọ mạng và niềm vui vô cùng ở thế giới Cực Lạc, đầu tiên là nói rõ về sự thù thắng của hội chúng ở cõi nước này. Khuyên dụ kế tục ánh sáng vi diệu của cõi nước, khuyên dụ vãng sanh”.

Đây là đại ý phẩm kinh này, phẩm kinh này chia thành hai đoạn lớn. Đoạn thứ nhất là giới thiệu về sự thù thắng của hội chúng ở thế giới Cực Lạc, chính là đại chúng khắp mười phương vãng sanh về, khuyên chúng ta cần phải thân cận họ. Đoạn sau là nói về sự vi diệu của cõi nước, hoàn cảnh cư trú, hoàn cảnh sinh hoạt và hoàn cảnh học tập, đều là vi diệu tột cùng. Khuyên chúng ta nhất định phải cầu vãng sanh. Bây giờ chúng ta xem kinh văn:

“Phật cáo Di Lặc Bồ Tát, chư thiên nhân đẳng, vô lượng thọ quốc, Thanh văn Bồ Tát, công đức trí tuệ, bất khả xưng thuyết. Hựu kỳ quốc độ, vi diệu an lạc, thanh tịnh nhược thử, hà bất lực vi thiện, niệm đạo chi tự nhiên”.

Trong đoạn mở đầu của phẩm kinh này, Đức Phật giới thiệu cho chúng ta về thế giới Cực Lạc y chánh trang nghiêm. Kinh văn ở sau là quảng thuyết, tức là nói rõ ràng tường tận, đây là một cương lĩnh.

Chúng ta xem “chư thiên nhân đẳng” ở thế giới Cực Lạc, ý nghĩa này rất thâm sâu, hoàn toàn là nói đến cõi phàm thánh đồng cư. Hay nói cách khác, chúng ta niệm Phật vãng sanh là sah vào cõi này. Nên đặc biệt giới thiệu về nơi này, và cũng giới thiệu vô cùng tường tận. Chúng ta đến thế giới Cực Lạc là thân phận của thiên nhân, thân phận này bây giờ chúng ta có thể tranh thủ. Thân phận người là sao? Chúng ta có thể cắm chặt ba nền móng căn bản, chính là thân phận của người. Thật sự y giáo phụng hành theo Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp, nếu không vãng sanh thế giới Cực Lạc, tương lai cũng không mất thân người, sẽ không đọa trong ba đường ác, đây là thân phận của con người.

Nếu thân phận của trời thì cao hơn đây một bậc. Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy chúng ta rằng: Thượng phẩm thập thiện là nhân để sanh thiên, trung phẩm thập thiện là nhân đạo, hạ phẩm thập thiện là A tu la và La sát, những người này niệm Phật vãng sanh, đều sanh vào cõi phàm thánh đồng cư. Bởi thế đặc biệt dùng thiên nhân, không phải nói Thanh văn và Duyên giác, Thanh văn và Duyên giác là vãng sanh vào cõi phương tiện hữu dư.

Nhưng sanh đến thế giới Cực Lạc, chúng ta sẽ ngang bằng với “Thanh văn Bồ Tát”, đây là lên hai tầng. Cõi phương tiện hữu dư là Thanh văn và Duyên giác, cõi thật báo trang nghiêm là pháp thân Bồ Tát. “Công đức trí tuệ không thể xưng kể”, “Chư thiên nhân đẳng” đến thế giới Cực Lạc đều làm Bồ Tát A Duy Việt Trí, đây chắc chắn là nguyện thứ 20 trong 48 nguyện của Phật A Di Đà. Nên ở đây chuyên môn giới thiệu cho chúng ta về công đức trí tuệ của Thanh văn Bồ Tát, trong này bao gồm chư thiên nhân.

“Hựu kỳ quốc độ vi diệu an lạc”, lúc nãy chúng ta nói đến hoàn cảnh cư trú, hoàn cảnh sinh hoạt, hoàn cảnh học tập. Có thể nói thật sự đều đạt đến tận thiện tận mỹ, không tìm thấy chút khiếm khuyết nào. Ở đây nói “thanh tịnh nhược thử”, chính là thanh tịnh như vậy.

Hai câu dưới là khuyến khích chúng ta: “Hà bất lực vi thiện, niệm đạo chi tự nhiên”. Vì sao chúng ta không nỗ lực tu thiện? Thiện này chính là vãng sanh thế giới Cực Lạc, đây mới gọi là chân thiện. Nếu không vãng sanh thế giới Cực Lạc, vậy nhất định chúng ta phải biết, ngay đời này nhất định là tùy nghiệp lưu chuyển, không có người nào có thể tránh khỏi. Cũng chính là nói, quý vị nhất định trôi lăn trong luân hồi lục đạo, luân hồi lục đạo quá đau khổ, kinh văn ở sau sẽ nói đến.

Đồng học Tịnh tông chúng ta, khi mới thành lập học hội, lúc đó tôi ở Mỹ đã viết một bài duyên khởi, trong duyên khởi cũng ấn định luôn thời khóa tụng niệm của chúng ta, nên thời khóa tụng niệm của Tịnh Tông ấn định mới, chúng ta không có Chú đại bi, thập chú, Lăng nghiêm chú, không có những phần này. Khóa tụng buổi sáng chúng ta dùng 48 nguyện trong phẩm thứ sáu, khóa buổi tối là từ phẩm 32 đến phẩm 37. Phẩm thứ sáu của kinh này là khóa tụng sáng tối chúng ta nhất định phải đọc, đây là bộ phận quan trọng nhất trong bộ kinh này_48 nguyện, chúng ta hy vọng tâm chúng ta đồng với tâm Phật, nguyện như nguyện Phật.