/ 600
511

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Tập 492

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 12.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 610, hàng thứ bảy từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai.

“Kim Cực Lạc chư Bồ Tát, cụ Văn Thù đại sĩ chi trí đức, liễu liễu kiến tự tánh, cố vi tối thắng phước điền. Kham thọ nhất thiết nhân thiên chi cúng dường”.

Đoạn kinh văn này nói đến phước điền, con người sống trên thế gian này, không thể không có phước báo, phước báo từ đâu mà có? Do tu mà có, vì sao do tu mà có? Vì nhân của nó là tánh đức, nó vốn có trong tự tánh, mê mất tự tánh nó sẽ mất đi. Thế nên phải giác ngộ, giác ngộ là tìm lại được tánh đức, chính là như vậy.

Con người không thể không có trí tuệ, trí tuệ và phước đức đều là sẵn có trong tự tánh, các bậc tổ tông biết được từ rất lâu. Nên trong Luận Ngữ ghi chép, tôi tin rằng không phải Khổng tử nói. Khổng tử là thánh nhân, tuyệt đối không vọng ngữ, ông nói thái độ học vấn trong đời này của mình là: “Thuật mà bất tác, tín nhi háo cổ”. Hai câu này nói rất hay, thánh nhân làm gương cho chúng ta. Thuật nhi bất tác là nói rõ, trong đời này của ông không có sáng tạo, không có phát minh, là một người rất bình thường. Những gì ông học được, tu được, dạy người và truyền cho hậu thế, toàn là giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, ông chỉ thuật lại mà thôi, tức là không có sáng tác phát minh. Đối với cổ nhân “tín nhi háo cổ”, những gì thánh hiền truyền lại ông đều tin không chút hoài nghi, y giáo phụng hành, mà còn vô cùng hoan hỷ. Đây là đức lớn để trở thành thánh nhân trong đời của Phu tử.

Con người bây giờ đều thích sáng tạo cái mới, có thể sáng tạo ra cái mới chăng? Được, sáng tạo những thứ gì? Những điều kỳ lạ cổ quái trái với tánh đức. Kết quả của nó là khiến thế giới động loạn, khiến địa cầu trở thành như vậy. Phải chăng trí tuệ năng lực của thánh nhân không bằng chúng ta? Không phải, họ rất thông minh.

30 năm gần đây, không dài, các nhà khoa học cận đại, đặc biệt là các nhà khoa học nghiên cứu lượng tử, nghiên cứu vũ trụ. Chúng ta đọc luận văn của họ, những gì họ phát hiện được người xưa hoàn toàn hiểu, cũng từng nói đến, trong kinh Phật nói càng tường tận. Chúng ta phải nghĩ vì sao họ biết? Sẽ không thể không thừa nhận họ có trí tuệ, trí tuệ từ đâu mà có?

Trong Luận Ngữ Khổng tử nói: “Nhân tánh bổn thiện”, thiện này không phải thiện của thiện ác, mà là gì? Tánh của con người nó đầy đủ tất cả, trong nhân tánh có trí tuệ viên mãn, có đức năng viên mãn, có đức hạnh, có năng lực, có tướng hảo viên mãn. Người bây giờ gọi tướng hảo là phước đức, họ đều có. Phật thừa nhận, đạo cũng thừa nhận, cả tam giáo Nho Thích Đạo đối với vấn đề này, đều có thái độ khẳng định tuyệt đối.

Đức Phật dạy rằng: Tất cả chúng sanh vốn là Phật. Chúng ta nên biết trí tuệ của Phật, công đức của Phật, tướng hảo của Phật đều đạt đến cứu cánh viên mãn, không ai vượt qua được. Đó là tánh đức của tự tánh, nó vốn viên mãn. Thế nên Đức Thế Tôn nói: “Tất cả chúng ta vốn là Phật”, vì sao bây giờ trở thành như vậy? Là một niệm bất giác, trong tự tánh xuất hiện vô minh, tự tánh hiện ra vô minh không phải thật, là giả, đây chính là một niệm mê tình. Đáng tiếc họ không quay đầu, không quay đầu biến thành hiện tượng gì? Càng mê càng sâu, ngạn ngữ nói: “Tích trọng nan phản”, trở thành không quay đầu được, mê từ khi nào? Nói thật cho quý vị biết, chính là ngay tại đây, vì sao vậy? Vì thời gian là giả, không có quá khứ, vị lai. Không gian cũng là giả, không có khoảng cách xa gần, hiện nay khoa học đã chứng minh. Đức Thế Tôn nói cách đây 3000 năm trước, có thể chứng minh chăng? Được, nhà Phật coi trọng nhất chính là phải chứng minh, đây là gì? Tinh thần của khoa học, khoa học là phải có chứng cứ.

Phật pháp cũng cần chứng cứ, quý vị xem điều đầu tiên Phật pháp dạy quý vị tin, sau đó mới dạy quý vị lý giải, hiểu rõ ràng minh bạch, thêm bước nữa là dạy quý vị y giáo phụng hành. Cứ thực hành theo tuần tự như vậy, ở sau sẽ là chứng quả. Chúng ta hành mà chưa chứng, Phật không thừa nhận, có thành tựu nhưng Đức Phật không thừa nhận thành tựu đó, nhất định phải chứng. Chứng là gì? Chứng kiến giải nhất định phải tương đồng với ngài, vì sao vậy? Vì đó là chân lý, vĩnh hằng bất biến, coi trọng nhất là chứng. Chứng cũng có tầng lớp, có sâu có cạn. Cạn nhất là A la hán, A la hán chứng minh lục đạo là thật, thật sự có điều này. Nhưng điều này là hư huyễn, giống như nằm mộng vậy, mộng tỉnh thì không còn. A la hán như thế nào? Họ đã tỉnh mộng, đây là chứng được tầng thứ nhất, tầng lớp thấp nhất, lục đạo là giả. Nhưng nếu không biết, khi nằm mộng không biết là mình đang trong mộng. Mộng thấy con cọp muốn ăn thịt quý vị, sợ đến tỉnh ngũ, mồ hôi lạnh ướt đẫm toàn thân. Khi giật mình tỉnh dậy, thì mộng là giả không phải thật. Nếu khi ở trong mộng biết đây là giả, xả thân cho hổ ăn thì tốt biết mấy, không cần phải sợ hãi như vậy, do không biết đây là giả. Đây là A la hán.

/ 600