Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
淨土大經解演義
Tập 491
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 12.07.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 609, hàng thứ hai, bắt đầu xem từ hàng thứ hai.
“Hựu Đại Bi Kinh viết, nhất xưng Phật danh, dĩ thị thiện căn nhập niết bàn giới, bất khả cùng tận, cố tri thiện căn thị thân nhân. Tùng nhân đắc quả, quả cụ chủng tử. Phục tác thắng nhân, như thị triển chuyển, thiện căn vô tận. Thị cố Bồ Tát cụ túc như hạ chủng chủng diệu đức”.
Mấy câu này trong Kinh Đại Bi ý nghĩa rất thâm sâu, sau khi hiểu rõ, chúng ta sẽ hoan hỷ trồng thiện căn, hoan hỷ làm việc thiện, nhất tâm xưng niệm danh hiệu Phật. Cuối cùng bây giờ chúng ta đã hiểu được, câu Phật hiệu này là thiện trong các điều thiện, là trung tâm điểm của tất cả các thiện pháp thế xuất thế gian. Câu Phật hiệu này chính là đầu mối trọng yếu của tất cả các điều thiện, tất cả thiện pháp của thế xuất thế gian đều không thể sánh với nó.
Chúng ta đang học bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, đại khái cũng được hơn một nửa mới hoát nhiên đại ngộ, như vậy chúng ta nên trồng thiện căn bằng cách nào? Trong kinh nói rất hay: Phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật. Bất cứ thiện căn nào trong thế xuất thế gian cũng trồng, nếu để thiện căn này sớm ngày nảy mầm, sanh trưởng, khai hoa, kết trái. Quý vị thật sự cần phải hiểu sơ về nghĩa thú đối với câu A Di Đà Phật này. Hiện tại chúng ta biết được không nhiều, chỉ biết đôi chút, nhưng lợi ích quả thật không thể nghĩ bàn. Bởi thế quý vị biết được càng nhiều càng tốt, càng rõ càng tốt, vì sao vậy? Vì sức mạnh càng lớn. Sức mạnh sanh ra từ đâu? Từ tâm tưởng, duy chỉ có quý vị thật sự thấu triệt rõ ràng, quý vị ức niệm, ức và niệm này mới có thể tương ưng, nhớ Phật và niệm Phật mới có thể tương ưng. Cũng như trong kinh này Đức Phật dạy chúng ta: “Pháp thân đại sĩ niệm niệm lưu nhập tát bà nhược hải”, có địa vị này tồn tại, đây là viên chứng cảnh giới tam bất thoái. Chúng ta đối với nó không hiểu lắm, không rõ ràng lắm. Có niệm là thiện căn, không sai, nhưng công đức không hiển lộ. Nếu có thể dứt trừ tạp niệm, chắc chắn có thể vãng sanh. Vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc đương nhiên không vấn đề gì, vì trí tuệ đã khai, quý vị hoàn toàn hiểu được, lúc này tự nhiên sanh ra tâm cảm ân vô tận.
Bởi vậy kinh không thể không đọc, không thể không nghe. Niệm Phật nhất định phải vượt qua tạp niệm, trong 24 tiếng đồng hồ tạp niệm ít, niệm Phật nhiều, như vậy nắm chắc việc vãng sanh. Nhưng khi chúng ta không niệm Phật, tạp niệm liền khởi lên, đây là hiện tượng của tuyệt đại đa số người hiện nay. Dùng phương pháp gì để dứt trừ tạp niệm? Niệm Phật, nhất tâm niệm Phật, tạp niệm sẽ không còn.
Bởi thế bên dưới nói: “Chiết phục tất cả ma quân”, là dùng phương pháp gì? Chính là niệm Phật. Ma quân là gì? Là tạp niệm. Phương pháp này tuyệt diệu, chúng ta phải giữ chặt nó.
Bốn câu này trong Kinh Đại Bi, bên dưới Hoàng Niệm Tổ có chú giải đơn giản nhưng rất hay: “Nên biết thiện căn là thân nhân”. Nhất tâm xưng niệm danh hiệu Phật là thiện căn, thiện căn là thân nhân của thành Phật. “Từ nhân được quả”, trong quả lại có chủng tử, chủng tử đó là nhân của đời sau, nhân quả triển chuyển vô tận, mãi mãi không gián đoạn. Bởi thế Bồ Tát đầy đủ chủng chủng diệu đức, những điều bên dưới nói đều là diệu đức của Bồ Tát. Chỉ có công đức chân thật này mới có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề.
Câu đầu tiên nói: “Thôi phục nhất thiết ma quân”. Thôi phục là phá trừ, nghĩa là hàng phục. Ma chính là tạp niệm, là chướng ngại. Trong kinh luận thường nói đến bốn loại ma, trong bốn loại ma nghiêm trọng nhất là ma ngũ ấm. Sắc thọ tưởng hành thức là ngũ ấm. Sắc là nhục thể, có nhục thể, quý vị xem quý vị chăm sóc nó phiền phức biết bao, đây là đày đọa bản thân. Bởi thế hàng phàm phu cấp cao không cần thân thể, Lão tử chính là một ví dụ tốt, ông nói: “ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân”, nếu không có thân tốt biết bao, không có thân quá nhẹ nhàng. Thân này không có nhưng vẫn còn thọ tưởng hành thức. Vô sắc giới thiên không có thân, nhưng có thọ tưởng hành thức, chúng ta gọi nó là linh hồn, đó vẫn là đày đọa. Nếu thọ tưởng hành thức đều không có thì tốt biết bao, thọ tưởng hành thức có thể không có được chăng? Có thể, thành Phật sẽ không còn. Đem thọ tưởng hành thức hoàn nguyên, hoàn nguyên là gì? Là kiến văn giác tri, kiến văn giác tri là tánh đức, trong tự tánh vốn có, khi mê liền biến thành thọ tưởng hành thức. Thọ tưởng hành thức đem đến cho chúng ta sự giày vò, chúng ta thấy rất nhiều người sám hối, nội tâm rất đau khổ. Họ không phải từ nhục thể, không có ai đánh họ, không có ai đánh roi họ, nội tâm lại đau khổ như vậy, đây chính là gì? Đó là ma của thọ tưởng hành thức trong ngũ ấm, phiền não là ma, tử ma, còn có thiên ma. Thiên ma là tai nạn từ bên ngoài đến, ngày nay chúng ta nói là thảm họa tự nhiên, nhà Phật gọi là thiên ma.