Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 490
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 11.07.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 606, bắt đầu xem giữa hàng thứ tư từ dưới đếm lên.
“Cố hạ tục vân, dẫn đạo quần sanh, xả chư ái trước”. Ở trước chúng ta đọc đến câu “làm đại đạo sư”. Làm đại đạo sư đương nhiên họ muốn dẫn dắt quần sanh ly khổ đắc lạc. Thế nên tiếp theo ở dưới có bài kinh văn nhỏ:
“Trước là chấp trước, nhiễm trước. Ái là tham ái, hỷ ái, ân ái. Cho nên nói ái không nặng không đọa ta bà. Chúng sanh khó từ bỏ nhiễm trước, diệu đức Bồ Tát có thể khiến nó lìa xa vĩnh viễn”. Những điều trong mấy câu kinh văn này nói lên rằng: Gốc của luân hồi lục đạo, căn nguyên luân hồi sanh tử trong lục đạo chính là ái trước. Trước là chấp trước, chấp trước của Kinh Hoa Nghiêm, chính là kiến tư phiền não mà trong giáo lý đại thừa nói. Chúng ta cần phải hợp kinh luận lại để xem mới thật sự hiểu rõ, ý nghĩa của nó rất sâu rất rộng.
Cổ nhân nói: “Ái bất nhiễm bất sanh Ta Bà”, ở đây có thể dùng chữ bất đọa cũng được_bất sanh Ta Bà. “Niệm bất nhất bất sanh Tịnh độ”. Ta Bà, đặc biệt là trong thời đại chúng ta, cõi Ta bà hiện nay là gì? Ta Bà hiện nay khổ, khổ đến tột cùng. Quý vị thấy khắp nơi đều phát sinh thiên tai, quá khổ. Vì vậy chúng ta hy vọng lìa khỏi Ta Bà, ý niệm này rất sâu sắc, có thể dễ sanh khởi hơn. Nếu thế gian này là thái bình thịnh thế, người muốn xa lìa cõi Ta bà không nhiều, mọi người đều lưu luyến thế gian này. Thế giới này quá khổ, ép chúng ta không thể không từ bỏ, chúng ta mới nghĩ đến thế giới Cực Lạc. Đối với người niệm Phật mà nói, đây là nghịch tăng thượng duyên rất tốt, lúc này chúng ta cần nên phát tâm.
Bồ Tát có phương pháp gì hay, giúp chúng sanh vĩnh viễn xa lìa ba cấu nhiễm. Ba cấu nhiễm là tham sân si, có phương pháp gì chăng? Trên thực tế phương pháp diệu đức chính là bộ kinh này. Sau khi thâm nhập bộ kinh này, sẽ hiểu rõ tất cả. Bộ kinh này rất hay, chúng ta xem nó như người hướng dẫn du lịch, giới thiệu thế giới tây phương Cực Lạc, giới thiệu Phật A Di Đà, nói một cách tường tận tỉ mỉ, khi nghe rồi không thể không tin. Khi đã thật sự tin tưởng, tâm cầu sanh Tịnh độ tự nhiên sinh khởi, có thể vĩnh viễn lìa xa ba cấu nhiễm, vĩnh viễn xa lìa cái gọi là khó phân khó xả.
Nếu gia đình có nhân duyên tốt, gia thân quyến thuộc cùng nhau niệm Phật, cả nhà di dân đến thế giới Cực Lạc, đây là việc tốt. Không phải chúng ta đi một mình, mà cả gia đình cùng đi, đến thế giới Cực lạc thật sự vẫn ở cùng nhau. Nếu không đến thế giới Cực Lạc, nói đời sau có thể ở cùng nhau, điều này rất khó khăn, vì sao vậy? Vì mỗi người tạo nghiệp nhân khác nhau, trong lục đạo là tùy nghiệp lưu chuyển, tự mình không làm chủ được, điều này không thể không biết. Ba cấu nhiễm chính là tam độc, tham sân si là tam độc phiền não.
“Phục linh chúng sanh du hí ư thần thông chi trung”. Đây là Bồ Tát giúp chúng ta. Không những diệu đức của Bồ Tát có thể khiến xa lìa mãi mãi, Bồ Tát còn có thể khiến chúng sanh du hý thần thông.
Du là như dòng nước chảy, hý là an nhàn thong thả_người tu hành thật sự, lời này là thật, hoàn toàn không phải giả. Tức là tùy ý vận dụng thần thông, tự tại vô ngại, nên gọi là “du hí thần thông”. Là thật ư? Là thật. Nếu chúng thật sự buông bỏ thế giới này, không còn để trong lòng, trong tâm chúng ta sẽ vô sự, trong tâm chỉ có Phật A Di Đà. Trong cuộc sống hằng ngày, từ sáng sớm thức dậy đến tối đi ngủ, khởi tâm động niệm tạp niệm ít, niệm Phật nhiều. Nếu quả thật đạt được một ngày từ sáng đến tối, tạp niệm chỉ có hai phần mười, niệm Phật có tám phần mười, chúng ta sẽ lãnh hội được thần thông, vì sao vậy? Vì chúng ta thật sự ở trong đó, ở trong thế gian này là du hí, chúng ta không còn chấp trước, không còn được mất, không còn vướng bận, không còn lo lắng. Tâm khai ý giải, được đại tự tại. Trong tâm giữ lấy thế giới thế giới Cực Lạc, từng bước từng bước đến gần thế giới Cực Lạc, sao họ không vui được! Từng bước xa rời thế giới này.
Thế nên chúng ta có thể cảm nhận được du hí thần thông, cảm nhận được một cách rõ ràng. Chỉ cần niệm Phật nhiều hơn tạp niệm, cảnh giới này liền hiện tiền. Đoạn sau là Hoàng Niệm Tổ tổng kết đoạn lớn này: “Hữu văn đại ý”. Hữu văn này là tổng kết ở trước, văn tự trong đoạn lớn này: