Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 489
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 11.07.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 605 hàng sau cùng.
“Thuần tịnh ôn hòa. Thuần giả thuần dã, hảo dã. Tịnh giả, thanh khiết dã. Thuần tịnh, chỉ nội tâm chi thanh trạm ly cấu. Ôn giả, lương dã, thiện dã, hòa dã. Hòa giả, bình hòa, ôn hòa, chỉ nghi thái chi ôn lương hòa mỹ”. Chúng ta đọc đến đây, ở trước chúng ta đọc đến: “Kích pháp cổ, kiến pháp tràng”, mấy câu này vô cùng quan trọng.
Ngày nay chúng ta sanh vào thời loạn, xã hội trên toàn thế giới động loạn bất an, địa cầu rất nhiều thiên tai, mấy tháng gần đây chúng ta thấy rất nhiều. Bất luận là quốc gia nào, bất đồng dân tộc, bất đồng văn hóa đều rất lo âu trước vấn đề này, đều đang nghĩ cách ứng phó, làm sao để tiêu tai miễn nạn. Khiến chúng ta thấy sáu chữ này trong kinh: “Kích pháp cổ, kiến pháp tràng”, thật sự có thể ứng phó, có thể đạt đến mục tiêu lý tưởng của chúng ta.
Kích pháp cổ là gì? Giảng kinh dạy học, đây là kích pháp cổ. Cho nên ngày xưa, bao gồm Nhật Bản. Lần này tôi đến Nhật Bản giảng kinh, pháp sư Nhật Bản nói với tôi, tự viện của Nhật Bản 400 năm trước, chư vị hòa thượng đều giảng kinh, còn có di tích của người xưa. Ở Trung quốc 150 năm trước, tự viện đều có pháp sư giảng kinh. Tuy kinh sám Phật sự rất hưng thịnh, nhưng vẫn còn giảng kinh dạy học, vẫn thường có. Chỉ là đến 150 năm gần đây, kinh sám hưng thịnh, còn giảng kinh thuyết pháp suy yếu, không có người giảng.
Vì sao xã hội ngày xưa tốt đẹp như vậy? Vì nhiều người giảng kinh, người nghe cũng nhiều, tâm địa an định. Còn Nho giáo thì sao? Nho giáo có trường tư thục, có thư viện khắp nơi, quy mô lớn là thư viện, nhỏ là tư thục. Những người đọc sách giảng Tứ thư Ngũ kinh, vì vậy cơ hội học tập rất phổ biến, xã hội an định, thiên tai không nhiều. Vì thiên tai, hiện nay chúng ta thấy rõ ràng rằng, các nhà khoa học cũng nói: Thiên tai từ đâu mà có? Là do tâm hành bất thiện của chúng ta chiêu cảm nên, không phải gì khác. Tâm hành phải đoan chánh, tâm địa phải lương thiện, như ở đây nói thuần tịnh ôn hòa, làm sao có thiên tai được? Không thể. Làm sao có động loạn được? Cũng không thể.
Từ đó cho thấy, ngàn vạn năm trước, các bậc tổ tông dạy chúng ta: Dựng nước an dân, dạy học là việc đầu tiên. Giảng kinh thuyết pháp là kích pháp cổ, thành lập thư viện, trường tư thục, xây dựng chùa chiền đều là kiến pháp tràng. Pháp tràng là gì? Trung tâm học tập, địa điểm học tập.
Kích pháp cổ nghiêng nặng vào việc thầy giáo dạy học, kiến pháp tràng nghiêng nặng về kiến thiết vật thể. Ngày nay kích pháp cổ, kiến pháp tràng không phải trong tự viện, trong chùa mấy người nghe? Một hai trăm người là đã quá nhiều, trước đây chúng tôi từng trải qua điều này. Tôi mới học Phật giảng kinh, thính chúng ba năm mười người. Sau cùng thư viện Cảnh Mỹ thành lập, thính chúng khoảng hơn 200 người, chưa đến 300 người.
Hiện nay kiến pháp tràng như truyền hình vệ tinh, mạng truyền hình. Truyền hình mạng giá thấp, hiệu quả gần giống với truyền hình vệ tinh, toàn thế giới đều có thể xem. Hiện nay phải kiến pháp tràng này.
Kích pháp cổ, tức chúng ta phải đào tạo thầy cô giáo, phải có người nói. Có số ít người chân tu, giảng hay, ngày ngày đang biểu diễn, ngày ngày đang dạy học, con người trên toàn thế giới đều xem được, hiệu quả này quá lớn!
Căn cứ theo dự tính của chúng tôi, chúng tôi cũng có căn cứ. Nếu quả thật có truyền thống văn hóa, tiết mục truyền hình này, những tiết mục giảng kinh của các Tôn giáo, bất kỳ thời gian nào đều có thể xem được. Tôi tin xã hội động loạn trên địa cầu này, có thể trong thời gian một năm là hóa giải, ba năm sẽ khôi phục lại bình thường. An định hài hòa, không phải không làm được! Cho thầy được kích pháp cổ, kiến pháp tràng, có thể làm được. Hiệu quả chính là mỗi người đều làm được thuần tịnh ôn hòa. Thuần là thuần hậu tốt đẹp! Người xưa gọi là thật thà, thuần là chân thật. Thật thà thì tất cả đều an ổn, hài hòa. Một nền tảng quan trọng nhất, con người phải học thành thật, mặt trái của thật thà là gian xảo. Chúng ta phải trở về chân thật, chân thật là tánh đức.