/ 600
800

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 488

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 10.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 605, hàng thứ hai.

“Giới nhược lưu ly. Giới giả giới luật, vi giới định tuệ tam vô lậu học chi thủ. Phụng trì giới luật, minh tịnh thanh khiết, dĩ tự trang nghiêm, trì giới thanh khiết, thí như lưu ly. Phạm Võng Kinh viết: Giới như minh nhật nguyệt, diệc như anh lạc châu. Cố viết, giới nhược lưu ly, nội ngoại minh khiết”.

Hôm qua chúng ta học đến đây. Học Phật, không những là Phật giáo, mà truyền thống văn hóa xưa, ba nhà Nho Thích Đạo đều coi trọng giới luật. Giới luật chính là quy củ, có câu không vào quy củ không thành viên mãn. Học Phật nên bắt đầu từ đâu? Phải bắt đầu từ giới luật, giới luật không phải hình thức, mà coi trọng thực chất.

Trước đây khi tôi mới học Phật, Chương Gia đại sư dạy: Phật pháp coi trọng thực chất không coi trọng hình thức. Lúc đó tôi chưa xuất gia, mới học Phật, mới tiếp xúc một hai tháng, thầy phương tiện thiện xảo. Về sau đại khái phải ba bốn mươi năm, tôi ở Singapore gặp tổng thống Tony Tan, hiện nay ông ta vẫn là tổng thống. Có một lần chúng tôi cùng ăn cơm, ông nói với tôi: Ông ta là người Ấn độ, cũng là người Ấn độ giáo. Ông nói ông khâm phục nhất là Phật giáo, Phật giáo trọng thực chất không trọng hình thức. Tôi nghe xong cũng phải sững người.

Lần đầu tiên tôi nghe câu này là Chương Gia đại sư nói, từ đó đến nay chưa nghe ai nói. Lời của TonyTan hoàn toàn giống với Chương Gia đại sư, tôi biết đây là người trong nghề, không phải người ngoài.

Ngày nay giới luật biến thành hình thức, có danh không có thực. Người tại gia học Phật không giữ được năm giới, thập thiện. Xuất gia học Phật không giữ đúng Luật Sa Di, nguyên nhân là gì? Vì sao người xưa làm được? Chúng ta suy luận về trước, người 150 năm trước làm được, đây là sự thật. 150 năm nay đã lơ là, chúng ta tư duy quan sát tỷ mỉ, tìm lại nguyên nhân của nó.

Giữ quy củ là phải dạy từ nhỏ, từ nhỏ đã không giữ quy củ, lễ của Nho gia, giới luật của nhà Phật, đều không cách nào ràng buộc được họ, đây là đạo lý nhất định. Người xưa nói câu rất hay: “Dạy con từ thuở nằm nôi”. Quý vị dạy con cái, nên bắt đầu dạy từ khi nào? Khi còn nằm trong nôi. Trẻ con vừa mới ra đời, lớn lên không dễ dạy, khi trẻ con ba tuổi mới dạy chúng, đã trễ, không kịp nữa, thật sự phải từ lúc trẻ thơ. “Dạy vợ khi mới về”, mới cưới vợ quý vị dạy họ. Khi họ vừa mới đến nhà chồng, liền đưa ra một vài quy củ để họ tuân thủ. Thế nên xưa nay Trung quốc rất coi trọng lễ giáo, bắt đầu dạy từ lúc mang thai_thai giáo. Nếu chú ý thai giáo, thì mười tháng cưu mang này phải dè dặt cẩn thận, như vậy đứa trẻ này sinh ra rất dễ dạy, rất nghe lời. Vì khi chúng ở trong thai mẹ, đều cảm nhận được tư tưởng, ngôn hành của mẹ, khởi tác dụng cảm ứng đạo giao với mẹ, đây thật sự là cắm rễ. Điều này bị lãng quên cũng 150 năm rồi.

Thế nên lời Đức Phật nói trong Kinh Vô Lượng Thọ, từ bi đến tột cùng: Người bây giờ không hiểu gì cả, đừng trách họ, vì sao? Người đời trước không biết, ba mẹ họ không biết, Tổ phụ mẫu cũng không biết, Tằng tổ phụ mẫu cũng không biết, Cao tổ phụ mẫu có thể biết được chút ít, không còn như xưa. Chúng ta phải suy luận đến bao nhiêu đời trước? Phải suy đến bảy tám đời mới biết. Lãng quên lâu như vậy, chúng ta phải làm sao? Sau khi hiểu rõ, chỉ có chính mình quyết tâm học tập bù đắp lỗ hổng đó, học bổ sung môn này. Phải bắt đầu bổ sung từ đâu? Phải bổ sung từ môn học cơ bản. Môn học cơ bản này chính là Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, phải siêng năng học tập. Đệ Tử Quy không phải đọc, cũng không phải giảng, mà phải thực hành. Mỗi câu mỗi chữ đều phải làm được, nỗ lực hành trì, như vậy mới cắm rễ được. Được chăng? Được, nếu thật sự dụng tâm, hai ba tháng là làm được.

Trước đây chúng tôi làm thí nghiệm ở Thang Trì, tuyển chọn ba mươi mấy thầy cô giáo. Ngày đầu tiên gặp nhau, tôi khuyến khích họ: Chúng ta làm thí nghiệm lần này rất có ý nghĩa, nên sứ mạng của chúng ta rất nặng nề. Thử nghiệm thành công thì công đức vô lượng, nếu như thất bại thì sẽ bi thảm vô cùng, vì sao? Vì không còn ai tin vào truyền thống văn hóa. Thí nghiệm không thành công, có thể truyền thống văn hóa xưa hoàn toàn bị con người lãng quên. Then chốt quan trọng như vậy, nên tôi ân cần khẩn thiết kỳ vọng các thầy cô giáo, chúng ta phải nỗ lực, dù bỏ mạng cũng phải làm thành công.

/ 600