Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 487
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 09.07.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 604, hàng thứ hai từ dưới đếm lên.
“Luận pháp vô yểm, cầu pháp vô quyện”, bắt đầu xem từ đây. Hoàng Niệm Tổ chú giải: Câu trên là giác tha, câu dưới là tự giác.
Tịnh Ảnh Sớ nói: “Chuyên nhạo cầu pháp, tâm vô yểm túc, tự lợi phương tiện”. Tiểu Huệ Viễn pháp sư thời nhà Tấn, giải thích trong Vô Lượng Kinh Nghĩa Sớ, giải thích hai câu này. “Chuyên nhạo cầu pháp”, đây là cầu pháp không mỏi mệt, tâm không mỏi mệt, phương tiện tự lợi. Câu này cũng là nói với chúng ta cầu pháp như thế nào, tu học như thế nào.
Chữ “chuyên” vô cùng quan trọng, “nhạo” là yêu thích, chúng ta thường gọi là pháp hỷ. Học một điều gì đó, nếu không thể sanh tâm hoan hỷ, như vậy rất khó thành tựu. Nếu sung mãn tâm hoan hỷ, chắc chắn sẽ thành tựu. Vì sao học tập không đạt được tâm hoan hỷ? Điều này chúng ta nên phản tỉnh sâu sắc, phải quan sát. Phàm không đạt được pháp hỷ, tức không nếm được pháp vị.
Chư vị cổ đức thường nói với chúng ta: Vị thế gian làm sao nồng bằng pháp vị. Vị thế gian là gì? Thế gian bao gồm cõi trời, cõi trời cõi người. Mùi vị, thú vị này không sánh bằng pháp vị, là thật ư? Chúng ta tu tập có được mấy người nếm được pháp vị? Vì sao cổ nhân lại dễ dàng như vậy? Chúng ta thử xem, ngày xưa các bậc tổ sư, thật là pháp hỷ sung mãn. Thử xem Chư Phật Bồ Tát, lãnh hội tường tận sẽ minh bạch, vì sao chúng ta không đạt được? Điều này nhất định có vấn đề. Tuyệt đối không phải nói, trí tuệ của chúng ta không như cổ nhân, phước đức nhân duyên không như cổ nhân, điều này nói không thông suốt.
Trên ba phương diện thực tế mà nói, chúng ta đều vượt qua cổ nhân, nhưng học tập của chúng ta không bằng cổ nhân. Nhất định còn có nhân tố quan trọng, nhân tố này chính là thành kính. Ngài Ấn Quang thường dạy rằng: “một phần thành kính chúng ta được một phần lợi ích”. Lợi ích này chắc chắn chính là pháp vị. Chúng ta có mười phần thành kính, sẽ được mười phần lợi ích. Chúng ta quay đầu phản tỉnh xem, chúng ta có thành kính chăng? Ngay trong xã hội hiện tại này, hai chữ thành kính này hầu như mất đi, không biết như thế nào gọi là thành, cũng không biết như thế nào gọi là kính. Vấn đề này không thể trách chúng ta, vì sao? Vì từ nhỏ không ai dạy, như vậy làm sao chúng ta biết được!
Hai chữ này trong pháp thế gian là thành thánh thành hiền. Trong pháp xuất thế gian là nhân tố đầu tiên để thành Phật thành Bồ Tát. Nếu chúng ta không có, thì dù có nỗ lực học ra sao cũng không giống, chưa nếm được pháp vị. Vì không nếm được pháp vị, nên không thể kiến lập tín tâm đối với Phật pháp. Nói tin Phật, thực tế mà nói là rất miễn cưỡng, không phải tin thật. Tôi muốn cầu vãng sanh, lời này cũng không phải thật, vì sao? Vì không buông được tình chấp của thế gian, nên học Phật khó chính là khó ở chỗ này.
Vì sao niệm Phật không thể vãng sanh? Người niệm Phật rất nhiều, nhưng người vãng sanh rất ít. Chúng ta quan sát tường tận, then chốt ở chỗ thành kính. Thành là gì? Thành và chân cùng một nghĩa_chân thành! Phải dùng chân tâm, không được dùng vọng tâm. Người dùng chân tâm sẽ tương ưng với tánh đức, người dùng vọng tâm không tương ưng.
Vọng tâm là gì? Phân biệt chấp trước, khởi tâm động niệm. Thử nghĩ xem, ai không dùng tâm này? Hữu tình chúng sanh trong lục đạo đều dùng tâm này, thế nên trong kinh ví dụ rất hay. Người tu đạo giống như con cá, người thành đạo như long phụng sừng lân. Chúng ta hiểu rõ ràng minh bạch những vấn đề này, sẽ sửa đổi những khuyết điểm của chúng ta, như vậy chúng ta mới có hy vọng.
Vọng tâm, khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước là tâm luân hồi. Dùng tâm này để sinh hoạt, làm việc, đối nhân tiếp vật, nhất định không ra khỏi luân hồi, niệm Phật cũng không ra khỏi được luân hồi. Chỉ có thể nói là đã kết thiện duyên với thế giới Cực Lạc, và Phật A Di Đà, đây là thật. Trong A Lại da trồng hạt giống của thế giới Cực Lạc và Phật A Di Đà. Hạt giống này cổ đức có nói, ví dụ thành hạt giống kim cang, mãi mãi không hư, nhưng đời này không thể vãng sanh. Đời kiếp sau gặp được nhân duyên, nhân duyên gì? Chân thành. Vẫn là điều này. Khi nào gặp được chân thành, nhân duyên này đã thành thục, vãng sanh sẽ có phần.