/ 600
527

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 486

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 08.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 604, giữa hàng thứ ba. Bắt đầu xem từ câu “Văn Cú viết”. Đây là Pháp Hoa Kinh Văn Cú.

“Hiển thiện quyền khúc xảo, minh quán hành tinh vi. Thượng cú minh giác tha, thiện năng quán cơ đậu giáo, hành quyền phương tiện. Hạ cú minh tự giác, ư quán hành thiện nhập tinh vi”.

Chúng ta thường nói, tu học có được chỗ ngộ, đây chính là tinh vi. Như tự giác có thể tiện lợi giác tha, tùy cơ ứng duyên, nên gọi là thiện xảo. Ở trước chúng ta học đến đây. Trong Văn Cú nói rất rõ ràng, nếu chính mình không thể tự giác, thì không cách nào giúp người khác, không thể tùy cơ ứng duyên. Câu này ý nghĩa rất sâu rộng.

Làm sao có thể tự giác? Tâm địa nhất định phải thanh tịnh. Tự giác là sanh trí tuệ, bất luận ở trong cảnh giới nào, chúng ta nói thuận cảnh nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên, họ đều sanh trí tuệ, không sanh phiền não. Nếu trong thuận cảnh, thiện duyên, quý vị sanh tham ái, tham luyến, như vậy là sai. Đây là phàm phu, không phải là người tu hành. Trong nghịch cảnh, ác duyên, quý vị có sân nhuế, cũng là không thanh tịnh. Thế nên người tu hành tu ở đâu? Ngay trong cảnh giới, đặc biệt là nơi hoàn cảnh nhân sự, rèn luyện được tâm thanh tịnh dễ nhất.

Chúng ta xem 53 lần tham bái của Thiện Tài Đồng Tử trong Kinh Hoa Nghiêm, 53 vị đại thiện tri thức. Thuận cảnh nhiều, nghịch cảnh ít, có chăng? Có, có nghịch cảnh, cũng có ác duyên, thiện duyên ác duyên đều có. Chúng ta quan sát tường tận xem Thiện Tài Đồng Tử ứng phó như thế nào, làm sao để thành tựu chính mình trong các cảnh giới khác nhau đó. Trong cuộc sống, đặc biệt là hoàn cảnh nhân sự, là nơi rèn luyện bản thân. Chúng ta học tập trong kinh giáo này, chúng ta không trải qua rèn luyện, như vậy không gọi là tu hành.

Đại sư Thanh Lương chia Hoa Nghiêm là Tín Giải Hành Chứng. Quý vị có thể tin, có thể hiểu, không thể hành. Tu hành chính là cuộc sống, rèn luyện ngay trong cuộc sống hằng ngày, luyện gì? Luyện tùy duyên không chấp trước, không chấp tướng chính là diệu dụng, tức tùy duyên diệu dụng. Không chấp tướng, thanh tịnh bình đẳng giác hiện tiền. Chấp tướng, phiền não hiện tiền, oán hận hiện tiền, bất bình hiện tiền, những thứ này hiện tiền. Những thứ này xuất hiện khiến chúng ta đọa lạc, tín và giải của chúng ta đến đây hoàn toàn sụp đổ, hoàn toàn đọa lạc vào trong lục đạo, nên vẫn là tâm luân hồi. Tu hành không có gì khác, là làm sao chuyển tâm luân hồi thành tâm bồ đề.

Trong kinh này, Đức Thế Tôn dạy chúng ta: Phát tâm bồ đề, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật. Ở đây không chuyển được, công phu tu hành này không những là không đắc lực, mà còn hoàn toàn sụp đổ.

Ở trước nói rằng, Bồ Tát dùng trí tuệ kim cang, kim cang nghĩa là gì? Tuyệt đối không thay đổi, tuyệt đối không dao động, tuyệt đối không bị ngoại cảnh xoay chuyển, đây là chân công phu. Phàm không chịu được thử thách của hoàn cảnh, gió thôi cây động tâm liền bất an, quả thật rất khó, đời này không thể thành tựu. Dù có làm bao nhiêu việc tốt, đều là phước báo nhân thiên, niệm Phật không thể vãng sanh. Vãng sanh, chư vị nhất định nên nhớ, một câu nói cao nhất không bao giờ thay đổi, đó chính là “tâm tịnh tức cõi Phật tịnh”. Ba tiêu chuẩn trên đề Kinh Vô Lượng Thọ, tâm thanh tịnh sanh vào cõi phàm thánh đồng cư, tâm bình đẳng sanh vào cõi phương tiện hữu dư. Sau cùng là giác, giác là đại triệt đại ngộ, sanh vào cõi thật báo trang nghiêm. Tiêu chuẩn đều ở trên đề kinh.

Chúng ta không đạt được bình đẳng và giác, nhất định phải đạt được thanh tịnh. Làm sao để thanh tịnh? Buông bỏ, buông bỏ sẽ thanh tịnh. Trong buông bỏ, quan trọng nhất là tình chấp, tình chấp khó buông xả nhất. Buông được tình chấp, thì còn có gì không buông được!

Hiện nay chúng ta sống trong hoàn cảnh này, có lợi ích đối với người tu hành chân chánh, khiến quý vị giác ngộ. Thế gian này có thể xa lìa, nên xa lìa, nhưng Phật pháp không phải tiêu cực, Phật pháp là tích cực. Cổ nhân dạy rằng: “Một ngày làm hòa thượng thì đánh chuông một ngày”, chính là nói tôi có sinh mạng này một ngày, thì tôi phải tận chức và chịu trách nhiệm ngày này. Tận chức gì? Chịu trách nhiệm gì? Hộ trì chánh pháp cửu trú, giúp chúng sanh có duyên, làm hai việc này. Dùng phương pháp gì? Tự mình đọc kinh dạy học. Đức Thế Tôn biểu diễn cho chúng ta, khi ngài còn tại thế, các cảnh giới ngài cũng đã trải qua, khổ hơn nhiều so với chúng ta hiện nay. Hoàn cảnh của chúng ta hiện nay so với ngài, cuộc sống của chúng ta là thiên đường. Nên biết, Đức Phật tại thế, mỗi ngày ngài đều không có nơi ở nhất định, đêm ngủ dưới gốc cây. Chính Thế Tôn quy định, chỉ ở được một đêm dưới gốc cây, không được ở hai đêm, ngày thứ hai phải đến ở dưới gốc cây khác. Vì sao? Sợ chúng ta khởi tham luyến gốc cây này: Cây này to, nhiều bóng mát, ngồi ở đây rất dễ chịu, ngày mai lại đến đây, tâm tham liền khởi lên. Nên giới luật này, Đức Phật đã chế định như thế, khiến chúng ta thay chỗ mới hàng ngày, không nên ở chỗ cũ. Khiến chúng ta không có chút lưu luyến nào đối với thế gian này, không có chút vướng mắc nào. Ngày nay chúng ta không làm được, vì sao? Công phu chưa đủ, thể lực chưa đủ.

/ 600