/ 600
904

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 485

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 08.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 602, hàng thứ năm, bắt đầu xem từ câu sau cùng. Bắt đầu xem từ câu: “Chúng ma ngoại đạo, đều không thể phá hoại được”. Chúng ma ở trước có chú giải.

Ngoại đạo, thế nào gọi là ngoại đạo? “Ư Phật giáo chi ngoại lập đạo giả, hành ư chí lý chi ngoại giả, giai danh ngoại đạo”. Ngoại đạo, ở đây có hai nghĩa sâu cạn khác nhau. Nghĩa thứ nhất cạn hơn: Lập ra một đạo khác Phật giáo, kiến lập nên đạo giáo này, vì sao? Vì giáo pháp của Phật phát ra từ bên trong, họ không phải từ bên ngoài đến. Trong kinh điển đại thừa Đức Phật thường nói: “Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”, cầu từ trong nội tâm, đây là Phật đạo. Cầu pháp từ bên ngoài tâm, đó gọi là ngoại đạo, ý nghĩa chính là như vậy, đây là điều chúng ta không thể không biết. Bởi thế kinh Phật được gọi là nội điển, nó là từ trong tâm tánh hiển lộ ra, khác với học vấn ghi nhớ. Chúng ta đọc nhiều, xem nhiều, nghe nhiều, đều từ bên ngoài vào, không phải từ bên trong. Bên trong là gì? Bên trong là ngộ.

Trường hợp rõ ràng nhất, không xa lạ gì đối với những người học Phật. Quý vị xem Lục Tổ Đàn Kinh, Lục tổ Huệ Năng không biết chữ, chưa từng đọc sách, cũng chưa từng nghe giảng. Tuy ở Hoàng Mai 8 tháng, Ngũ tổ phân công việc cho ngài là giã gạo chẻ củi, tức là làm khổ công trong đạo tràng. Trong tự viện này có giảng đường, nhưng ngài chưa từng đến. Trong chùa có thiền đường, nhưng ngài chưa từng ngồi qua cây hương nào. Hay nói cách khác, hành môn hay giải môn ngài đều không có. Sau cùng Ngũ tổ truyền ý bát cho ngài, vì sao? Vì ngài đã khai ngộ. Sau khi khai ngộ, tất cả kinh điển mà Đức Phật thuyết trong suốt 49 năm ngài đều hiểu hết. Ngài không biết chữ, quý vị đọc cho ngài nghe, ngài lại giảng để quý vị nghe. Người đọc mê hoặc, sau khi ngài giảng xong, khiến quý vị nghe xong cũng khai ngộ.

Người đầu tiên ngài gặp được trên đường chạy nạn là tỳ kheo ni Vô Tận Tạng, suốt đời thọ trì Kinh Đại Niết Bàn, ngày ngày đọc tụng. Một hôm đại sư Huệ Năng gặp được, ngài ngồi bên cạnh nghe cô đọc kinh. Sau khi nghe xong, đại sư Huệ Năng giảng ý nghĩa bài kinh mới đọc xong cho cô ta nghe. Cô ta vô cùng kinh ngạc, sao lại nói hay như vậy! Liền cầm kinh đến thỉnh giáo ngài. Ngài nói tôi không biết chữ, không cần đưa kinh cho tôi xem. Ngài không biết chữ sao lại nói hay như vậy? Điều này không liên quan đến việc biết chữ hay không, là nội học mà. Đây gọi là Phật pháp, trường hợp này quá rõ ràng.

Nội là gì, ngoại là gì? Khai ngộ là nội, Phật pháp đáng quý nhất là khai ngộ, vì sao khai ngộ? Tâm thanh tịnh sẽ khai ngộ, trên đề kinh này biểu thị rất rõ ràng, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Thanh tịnh, bình đẳng, sau cùng là giác sẽ khai ngộ. Thanh tịnh là định, là chân tâm. Bình đẳng là chân tâm càng sâu hơn một bậc, đại triệt đại ngộ. Được tâm thanh tịnh là khai ngộ, không phải đại triệt đại ngộ, vì sao? A La Hán đạt được, Bích Chi Phật đạt được, đạt được thanh tịnh. Bồ Tát đạt được bình đẳng, đại triệt đại ngộ sẽ thành Phật.

Ngài Huệ Năng đại triệt đại ngộ, từ đâu mà được? Từ thanh tịnh bình đẳng. Thanh tịnh bình đẳng quả thật không liên quan gì đến việc biết chữ hay không, hay đã học hay chưa, ngài đã làm tấm gương tốt cho chúng ta. Như vậy nội và ngoại quý vị đều đã rõ. Bởi thế không có giới định, thì không gọi là trí tuệ, mà gọi là tri thức, tri thức đều từ bên ngoài vào.

Ngày nay toàn bộ thế giới sẽ xuất hiện một vài phiền phức như: xã hội động loạn, thiên tai tới tấp, nguyên nhân gì? Không có trí tuệ, toàn là tri thức. Tri thức phát hiện ra vấn đề nhưng không thể giải quyết vấn đề. Trí tuệ phát hiện được lại có thể giải quyết, mà không có di chứng về sau. Vì sao vậy? Tâm trí tuệ thuần tịnh thuần thiện, tâm tri thức không được như thế. Tâm tri thức là tâm phàm phu, có tình chấp, có phân biệt, có vọng tưởng. Tâm trí tuệ không có, trí tuệ là chân tâm.

Phật Pháp phân biệt nội ngoại là từ chỗ này, nếu chúng ta học Phật, xuất gia, thọ giới, suốt đời hoằng pháp lợi sanh. Nhưng chúng ta chưa buông bỏ tình chấp, chưa buông bỏ phân biệt chấp trước, thì tất cả những gì ta học được và dạy người khác đều là tri thức. Tri thức của kinh điển, ta không có trí tuệ của kinh điển, không thể không biết điều này! Nhưng có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc, tri thức không có trí tuệ cũng có thể vãng sanh, vì sao vậy? Vì thế giới Cực Lạc đại từ đại bi, được đới nghiệp vãng sanh. Ta có thể mang theo những tập khí nghiệp chướng, pháp môn này quả là rất thù thắng. Không có định tuệ sanh đến thế giới Cực Lạc, sanh vào cõi phàm thánh đồng cư. Có định, chưa khai trí tuệ, sanh vào cõi phương tiện hữu dư. Trí tuệ đã khai sanh vào cõi thật báo trang nghiêm, tuần tự chính là như vậy. Đây là Phật A Di Đà ở thế giới tây phương Cực Lạc mở rộng cánh cửa phương tiện, bằng không dựa vào sức tu hành ngàn năm vạn kiếm như hàng phàm phu chúng ta, đều không thể đi vào cánh cửa này, vào cánh cửa này rất khó!

/ 600