/ 600
409

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 482

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 06.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 602, hàng thứ nhất.

“Diệc biểu thập ba la mật, năng thôi thập chủng phiền não, thành thập chủng chân như, tiện chứng thập địa”.

Chúng ta học đến “Năng thôi thập chủng phiền não”. Đây hoàn toàn là ý nghĩa biểu pháp của chày kim cang. Chày kim cang có thể tượng trưng cho thập ba la mật, có thể đoạn tận mười loại phiền não, thành tựu mười loại chân như, sau đó họ liền chứng thập địa. Nên ý nghĩa biểu pháp của nó vô cùng thâm sâu, vô cùng rộng lớn.

Mười loại phiền não chính là kiến tư phiền não, cũng gọi là kiến tư hoặc. Hoặc là mê hoặc. Kiến giải của chúng ta sai lầm, tư tưởng sai lầm, như vậy mới xuất hiện hiện tượng luân hồi lục đạo. Nếu kiến giải và tư tưởng đều chính xác, lục đạo sẽ không còn. Do đó chúng ta sẽ hiểu, chỉ cần ở trong lục đạo, kiến giải và tư tưởng của chúng ta sẽ có vấn đề.

Mười loại này, chúng ta quan sát tường tận, mỗi loại chúng ta đều có, điều này nhất định chính mình phải thừa nhận. Biết sai lầm mới có thể sửa đổi, sửa đổi mới nâng cao cảnh giới của mình được. Từ phàm phu lên đến thánh nhân, nâng lên đến tiểu thánh. Từ tiểu thánh nâng dần lên đến đại thánh, sau cùng là viên thành Phật đạo, như trong biểu pháp nói: bèn chứng thập địa.

Trong tư hoặc có năm loại: Tham sân si mạn nghi, năm loại này đều tạo tội nghiệp nghiêm trọng. Tam đồ là quả báo, nghiệp nhân của nó chính là năm loại này. Nếu chúng ta không biết năm loại này, không thể không buông bỏ nó, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ chỉ là một chữ duyên, duyên này ngay trong đời này không thể thành thục. Nuyên nhân gì vậy? Vì năm loại tư hoặc này làm chướng ngại. Hạng người nào có thể vãng sanh? Mười loại kiến tư phiền não này đều phải khống chế được nó.

Các bậc tổ sư thường nói, đới nghiệp vãng sanh chỉ mang nghiệp cũ, không mang nghiệp mới. Nghiệp mới là gì? Nghiệp mới là hiện hành, hiện nay quý vị vẫn còn tập khí rất nghiêm trọng, tập khí này không mang theo được.

Về lý mà nói, lúc lâm mạng chung, một tâm niệm sau cùng là Phật A Di Đà, trong một niệm sau cùng không xen tạp mười loại phiền não này, người này nhất định vãng sanh. Nếu trong ý niệm chỉ cần có một loại, chỉ cần có một trong mười loại phiền não này thì không thể vãng sanh. Dù niệm Phật suốt một đời, khi sắp lâm chung, trong lòng không vui, nổi giận, họ đi về đâu? Đọa vào địa ngục, họ không phải đến thế giới Cực Lạc. Hoặc là khi lâm chung, họ chưa đoạn tâm tham, nghĩ đến thân tình, nghĩ đến tài sản, người này đi vào đường ngạ quỷ.

Thế nên pháp sư Từ Vân Quán Đảnh nói, người niệm Phật có 100 loại quả báo khác nhau, là thật không phải giả. Người như thế nào, mới thật sự có thể vãng sanh, mới nắm chắc chuyện vãng sanh? Trong lòng chỉ có Phật hiệu, ngoài Phật hiệu ra không còn gì cả, thế thì phải thật sự tu nhẫn nhục ba la mật, quý vị có thể nhẫn. Thuận cảnh, thiện duyên không tham. Nghịch cảnh, ác duyên không sân. Khiêm tốn cung kính không ngạo mạn đối với người khác. Nhất tâm niệm Phật, đọc kinh sẽ không ngu si, thâm tín Tịnh Độ không hoài nghi, người này nhất định được vãng sanh. Thật sự tin, thật sự phát tâm, vấn đề đã được giải quyết.

Tham sân si mạn nghi, chữ nghi sau cùng này, chúng ta phát hiện chướng ngại của nó nghiêm trọng hơn bất cứ thứ gì. Hoài nghi có thể đoạn tận, hủy diệt tất cả công đức của chúng ta, chúng ta dựa vào điều gì để tin? Trước đây thầy Lý nói với tôi, chúng ta không dựa vào điều gì khác, chỉ đơn thuần dựa vào 2000 năm nay, chính là 2000 năm Phật giáo truyền vào Trung quốc. Các bậc tổ sư có đức hạnh, có học vấn, có trí tuệ, họ không phải là người hồ đồ. Những người này đều tin, đều làm ra tấm gương tín nguyện hạnh cho chúng ta thấy, chúng ta có thể không tin ư? Đây chính là chúng ta vì sao phải tin vào bằng chứng chân thật, chúng ta không phải mê tín. Phật Bồ Tát có gạt người sao? Phật Bồ Tát dạy chúng ta không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ỷ ngữ, không ác khẩu, chẳng lẽ ngài còn vọng ngữ, còn gạt người chăng? Đây là điều không thể. Thế nên nghi, trong Phật pháp đại thừa, nó là chướng ngại lớn nhất của Bồ Tát. Chướng ngại của chúng ta rất nhiều, quả thật quá nhiều. Bồ Tát buông bỏ vạn duyên, nhưng chỉ sợ hoài nghi, là thật ư? Đích thực là thật.

/ 600