/ 600
703

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 483

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 07.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 602, hàng thứ nhất.

Đây vẫn là nói biểu pháp của chày kim cang, hai bên mỗi bên có năm đường nhô lên, “biểu ngũ Phật ngũ trí, diệc biểu thập ba la mật, năng tồi thập chủng phiền não, thành tựu thập chủng chân như, tiện chứng thập địa”. Ngũ Phật, ngũ trí, thập ba la mật, mười loại phiền não, mười thứ chân như, ở trước chúng ta đã học. Hôm nay chúng ta học thập địa, chứng được thập địa.

“Thập địa là địa vị Bồ Tát chứng được, tất cả Phật pháp đều nương vào đây mà phát sanh”. Ở địa vị này của Bồ Tát, thật sự là đại giác cứu cánh viên mãn, họ buông bỏ vô thỉ vô minh. Nhưng địa vị có sâu cạn khác nhau, đây là vì chưa đoạn tận tập khí vô minh, nên địa vị có sâu cạn.

Thế nên bắt đầu là hoan hỷ, hoan hỷ địa là bắt đầu, sau cùng là pháp vân, pháp vân địa là viên mãn, cao hơn nữa là Đẳng giác, là Diệu giác. “Chia thành mười loại”, địa vị sâu cạn chia thành mười loại.

Thứ nhất: Hoan hỷ địa. Trí của Bồ Tát đồng với trí Phật, lý giống với lý của Phật, thấu triệt đại đạo, tận cảnh giới Phật, đạt được hoan hỷ, chứng vào sơ địa. Cách nói này, thập địa của biệt giáo, công phu đoạn chứng, ngang bằng với thập trụ của viên giáo. Trong giáo lý đại thừa thông thường đều nói biệt giáo. Như trong Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa là ngoại lệ, đó là pháp nhất thừa. Chúng ta biết được, thật sự buông bỏ khởi tâm động niệm, chính là cảnh giới này.

Trí đồng với trí Phật, trí tuệ bát nhã trong tự tánh hiển lộ ra. Lý_đạo lý, lý thể mà ta chứng được, vạn sự vạn vật nó đều có cái lý, lý ở đây chính là thật tướng các pháp. Quý vị đã chứng được chân tướng của tất cả pháp, nên thấu triệt đại đạo_đại đạo là thật tướng. Đối với vũ trụ, trong Phật pháp gọi là biến pháp giới hư không giới, chúng ta thấy được toàn bộ tánh tướng, lý sự, nhân quả của vạn sự vạn pháp. Đây hoàn toàn tương đồng với tri kiến Phật, trong Kinh Pháp Hoa nói: “đồng Phật tri kiến”.

Ở đây nói thấu triệt đại đạo, tận cảnh giới Phật. Chúng ta hoàn toàn thấy được, chứng được cảnh giới của Phật, lúc này đạt được pháp hỷ. Pháp hỷ, ở sau có chú giải: “Được pháp hỷ, tức chứng được pháp mà sanh hỷ lạc”. Thánh nhân thế gian nói câu đầu tiên trong Luận Ngữ là: “Học nhi thời tập chi, bất diệc thuyết hồ”. Duyệt ở đây là pháp hỷ, pháp hỷ của thế gian, là có giới hạn. Pháp hỷ mà Bồ tát chứng được, là pháp hỷ của Như Lai quả địa, không có giới hạn. Đây chính là chứng được sơ địa, chứng này là chứng đắc, họ đã bước lên quả vị sơ địa Bồ Tát. Sơ địa Bồ Tát xa lìa mười pháp giới, họ ở đâu? Ở cõi thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai.

Trong kinh dạy: Hoàn toàn thông đạt đại bồ đề, giác thông Như Lai, tận cảnh giới Phật, gọi là hoan hỷ địa. Đại bồ đề là cảnh giới bồ đề viên mãn, cũng chính là đại giác cứu cánh viên mãn. Thế nên thiện đắc thông đạt, vì sao gọi là thiện? Không khởi tâm không động niệm, đây gọi là thiện. Khởi tâm động niệm là bất thiện, không khởi tâm không động niệm, tất cả thông đạt thấu triệt tự nhiên, đây gọi là thiện.

Giác thông Như Lai, là tự tánh giác, trí tuệ bát nhã vốn có trong tự tánh hoàn toàn hiện tiền, những điều chứng được hoàn toàn bình đẳng với tất cả Chư Phật Như Lai. Tận cảnh giới Phật, cảnh giới mà Như Lai chứng được, họ cũng chứng được. Vấn đề này, tuy chúng ta chưa vào cảnh giới này, nhưng có thể lãnh hội được. Vì sao vậy? Vì một người, nếu thật sự làm được không khởi tâm không động niệm, thập địa Bồ Tát mỗi địa cũng không khởi tâm không động niệm. Đẳng giác Bồ Tát, Diệu giác Như Lai cũng là không khởi tâm không động niệm. Cảnh giới không khởi tâm không động niệm là bình đẳng, là cứu cánh, là viên mãn, thế nên không được khởi tâm động niệm.

Khởi tâm động niệm là ai? Phật trong mười pháp giới. Mười pháp giới cao nhất là Phật pháp giới. Phật ở đây có khởi tâm động niệm, nhưng không có phân biệt chấp trước. Địa vị Phật trong mười pháp giới là cao nhất, nếu họ buông bỏ khởi tâm động niệm, họ sẽ nhập vào hoan hỷ địa. Họ đã nâng cao lên, vượt ra mười pháp giới. Do đó chúng ta sẽ biết mười pháp giới từ đâu mà có? Từ khởi tâm động niệm mà có. Chỉ cần chúng ta khởi tâm động niệm, liền hiện tướng của mười pháp giới y chánh trang nghiêm. Chỉ cần quý vị có chấp trước, trong mười pháp giới liền hiện ra hiện tượng luân hồi lục đạo. Vậy luân hồi từ đâu mà có? Từ chấp trước, đây là trước tướng. Mười pháp giới từ đâu mà có? Từ khởi tâm động niệm. Nhất chân pháp giới từ đâu mà có- nghĩa là cõi thật báo trang nghiêm của Chư Phật? Chính là chưa đoạn tận tập khí vô minh. Nếu tập khí vô minh đều đoạn tận, cõi thật báo cũng không còn. Nên cõi thật báo cũng không phải là cứu cánh, cõi thường tịch quang mới thật sự cứu cánh. Cõi thường tịch quang không có tướng, không có hiện tượng. Khoa học hiện đại nói là hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hiện tượng tự nhiên cả ba đều không có. Nhưng ba hiện tượng này nó đều có thể hiện ra, nó vốn không có tướng nào cả, nhưng có thể hiện ra tất cả tướng, đây là bản thể của tự tánh.

/ 600