/ 600
497

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 481

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 06.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, hàng thứ nhất trang 602.

“Diệc biểu thập ba la mật, năng thôi thập chủng phiền não, thành thập chủng chân như, tiện chứng thập địa”.

Trong câu này có rất nhiều ý nghĩa, ở trước chúng ta học đến thập ba la mật. Thập ba la mật vẫn chưa học xong, mới học đến điều thứ chín: Lực ba la mật.

“Lực độ tam hạnh”, lực là lực dụng, nghĩa là tác dụng, trong Phật pháp gọi là đức dụng. Có đức tức có lực, không có đức lực đó không phải thật. Mặc dù có lực, nhưng họ làm việc sai, dẫn đến thiên tai, bởi thế nhất định phải có đức hạnh, đức dụng này là tốt nhất, nó có ba loại.

Thứ nhất: Tư trạch lực. Tư duy chọn lựa tất cả thiện pháp mà được lực của nó. Ý này không khó hiểu, nhưng cũng không dễ lắm, cũng chính là nói chúng ta phải chọn pháp thế xuất thế gian. Điều gì có lợi, điều gì có hại, nhất định phải biết.

Ở trước từng nói với quý vị, thập độ cũng là càng về sau càng thù thắng hơn ở trước, ở sau bao gồm tất cả ở trước, ở trước không bao gồm ở sau. Giống như chúng ta xây một ngôi nhà mười tầng vậy, tầng một không bao gồm tầng hai, tôi chỉ có tầng một, có tầng hai hay không không cần. Nhưng tầng thứ hai nhất định phải có tầng một, không có tầng một làm sao thành lập được tầng hai? Hay nói cách khác, nhất định bao gồm cả chín tầng dưới, đây tức là càng về sau càng thù thắng hơn.

Đức dụng, lực dụng, lực dụng của đạo đức, quý vị xem nó bao gồm: bố thí hữu lực, trì giới hữu lực, nhẫn nhục hữu lực, tinh tấn hữu lực, thiền định bát nhã đều hữu lực ở trước. Còn bao gồm phương tiện và nguyện ở trước. Như vậy mới biết tư duy chọn lựa, không có trí tuệ không được, không có trí tuệ thường hay chọn sai. Chọn sai không những hiện tại đau khổ, tương lai đau khổ càng phiền phức hơn.

Người hiện nay chọn lựa gì? Họ đều chọn danh văn lợi dưỡng, lựa chọn danh lợi, đặc biệt rất coi trọng lợi, chọn lựa làm sao để kiếm tiền, có thể kiếm được tiền chăng? Nếu thật sự kiếm được tiền, Đức Thế Tôn cũng đã đi kiếm tiền, Khổng Phu Tử cũng đã kiếm tiền. Những người này thông đạt thấu triệt sự lý, tiền không phải kiếm được, mà nó là gì? Là đức hạnh chiêu cảm đến, thế nên phải có đức, phải có mạng. Không có đức, không có mạng, làm gì có tài phú, làm gì có danh lợi? Chúng ta thấy hiện nay có rất nhiều người được danh lợi, họ đích thực không từ thủ đoạn, cũng có thể đạt được. Chúng ta thấy sai, bởi chỉ thấy ở bên ngoài, chưa quan sát sâu sắc, nếu quan sát sâu sắc quý vị sẽ hiểu. Ngày nay họ không từ thủ đoạn cũng có thể đạt được danh lợi, nguyên nhân gì? Trong đời quá khứ tu tích phước đức sâu dày, không phải tu trong đời này, đời này họ không hiểu, đạo lý chính là như vậy. Trong đời quá khứ tu tích công đức thâm hậu lớn lao, đời này dù học dùng thủ đoạn không chính đáng, ý niệm không thanh tịnh, họ vẫn đạt được, đạt được nhưng đã bị giảm.

Ví dụ quý vị thấy, ngày nay họ là phú ông có của cải ức vạn, kỳ thật số mạng của họ được bao nhiêu? Số mạng có thể là hai ức, ba ức, bốn ức, hiện nay chỉ có được một ức, như vậy là vì sao? Chính là ý niệm và hành vi của họ sai lầm, nếu họ dùng đạo đức, nhân nghĩa, từ bi, của cải hôm nay của họ không chỉ một ức. Số mạng có hai ức, nhưng vì họ có đức hạnh, tâm tốt, hành vi đúng đắn, có thể họ từ hai ức nâng lên đến bốn ức, ngày càng giàu có hơn. Nếu dùng tâm bất thiện, khởi tâm động niệm tổn người lợi mình, muốn đoạt lấy của người khác, số mạng họ vốn có hai ức, nay bị giảm bớt một nửa, họ chỉ được một ức. Bởi thế cổ nhân hiểu được có đức, có số. Người bây giờ không hiểu, chỉ dựa vào tranh đoạt, đấu tranh, chiến tranh, dùng phương pháp này để đạt được. Không những phước báo tổn giảm, mà tương lai còn đọa vào trong tam đồ, khổ không nói hết! Ai biết? Phật biết, bởi vậy không thể không tin kinh giáo, không thể không thận trọng khi chọn lựa.

Vì sao Đức Thế Tôn, Khổng Tử chọn việc dạy học? Dạy học là tích lũy công đức. Quý vị xem họ tại thế, họ tại thế là người rất phổ thông, rất bình thường. Đặc biệt là Khổng tử, trong xã hội không làm quan cao, không nổi danh, gia đình không giàu có, là một gia đình bình thường, chỉ đủ duy trì cuộc sống mà thôi. Nhan Hồi là học trò tốt nhất, ưu tú nhất của ông_dùng cách nói của chúng ta ngày nay, Nhan Hồi nghèo khó đến tột cùng, chỉ có thể nói là đỡ hơn ăn xin một chút. Nhưng đức hạnh và giác ngộ của Nhan Hồi, trong số học trò của ông không ai sánh bằng. Tâm thái Nhan Hồi đoan chánh, an lạc. “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ”. Người đời sau nói đến niềm vui của Khổng Tử và Nhan Hồi, họ an vui, vui ở đâu? Vui ở chỗ họ hiểu rõ ràng minh bạch chân tướng của nhân sinh vũ trụ, không hề mê hoặc, đây là niềm vui chân thật! Có năng lực trí tuệ như thế mới có năng lực tư duy chọn lựa, nghĩa là năng lực tư duy chọn lựa của quý vị.

/ 600