370

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 480

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 05.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 602, hàng thứ nhất.

“Diệc biểu thập ba la mật, năng tồi thập chủng phiền não, thành tựu thập chủng chân như, tiện chứng thập địa”.

Ở trước chúng ta học mười ba la mật, học đến điều thứ tư, bây giờ chúng ta xem tiếp điều thứ năm.

Thiền định tam hành. Thiền, tiếng Phạn gọi đầy đủ là Thiền na, tiếng Hoa là Tịnh lự. Thiền độ này có ba loại. Chính là Thiền định ba la mật trong lục độ. Danh từ Thiền định này là cả tiếng Phạn và tiếng Hoa hợp lại dịch. Thiền tiếng Phạn là Thiền na, định là tiếng Trung quốc, vì thiền na có ý nghĩa của định. Thế nên các bậc cổ đức phiên dịch, đem nó hợp thành một, dịch là thiền định.

Thiền na có nghĩa là tịnh lự. Tịnh là tịnh chỉ, có nghĩa là định. Trong định của họ có cảnh giới, không phải hoàn toàn không có, họ có cảnh giới, nên có lự (suy nghĩ). Cũng chính là trong định có tuệ, trong tuệ có định.

Thiền định cũng có ba loại, thứ nhất là “An trú tịnh lự”. Bên dưới chú giải nói rất hay, rất đơn giản. “Không khởi loạn tưởng, thâm nhập thiền định”, thiền định có sâu cạn không tương đồng, đây là ý chính của thiền định.

Không khởi loạn tưởng, thế nào là loạn tưởng? Vô minh là loạn tưởng, vô minh rất thịnh, vô minh là gì? Không biết, không thấu hiểu đối với chân tướng của tất cả pháp. Nên Đức Phật gọi điều này là căn bản phiền não, tất cả vọng tưởng đều sanh ra từ đây. Nếu chúng ta thông đạt thấu hiểu chân tướng sự thật, sẽ không có vọng tưởng, chính là vì không biết mới suy nghĩ này nọ. Suy nghĩ lung tung một cách vi tế nhất chính là khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm thậm chí đến bản thân cũng không biết, chính mình không cảm nhận được.

Chúng ta có cảm nhận được mình khởi tâm động niệm chăng? Điều gì chứng minh được chúng ta đang khởi tâm động niệm? Chứng cứ này chính là có hiện tượng. Bồ Tát Di Lặc nói hiện tượng này từ đâu mà có? Hiện tượng từ khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm chính là nói dao động. Đức Thế Tôn hỏi Bồ Tát Di Lặc: Tâm hữu sở niệm_đây là nói phàm phu, phàm phu khởi một ý niệm, ý niệm này rất thô_bản thân chúng ta biết động niệm gì. Thấy thứ mình thích, liền khởi niệm thích nó, không thích liền khởi ý niệm ghét nó, thích hay ghét đều là khởi niệm. Ý niệm sâu hơn thì muốn khống chế nó, muốn chiếm hữu nó, đây đều là ý niệm.

Đức Phật liền hỏi, giống như ý niệm này, trong đó có bao nhiêu niệm vi tế? Có mấy niệm? Có mấy tướng? Có mấy thức? Di Lặc Bồ Tát trả lời rằng: Một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm. 32 ức 100 niệm, chúng ta tính thử xem, chính là 320 triệu_Một khảy móng tay có 320 triệu, 320 triệu ý niệm. Quý vị xem, nếu chúng ta tính trong một giây, như vậy trong một giây có 1600 triệu. Một phút 60 giây, một phút có bao nhiêu ý niệm! Một giây là 1600 triệu. Khi ý niệm này đoạn thì tướng sẽ không còn, tướng là hư vọng, nó khởi lên từ tâm niệm. Thế nên có tướng là có ý niệm, vô tướng sẽ không có ý niệm. Điều này chứng minh rõ ràng chúng ta có ý niệm, chỉ là ý niệm quá vi tế nên chính chúng ta không nhận ra. Đây là thật không phải giả.

Ở đây nói không khởi loạn tưởng, bao gồm căn bản vô minh, chính là những ý niệm vi tế. Ý niệm thô hay tế, tất cả đều ở trong đó. Đại định, ý niệm vi tế không còn, đó là đại định rất thâm sâu. Như trong kinh nói, bát địa trở lên, bát địa Bồ Tát trở lên: Cửu địa, thập địa, thập nhất địa, Diệu giác. Họ ở trong đại định đó, những ý niệm vi tế này đều không còn, ý niệm vi tế của tất cả chúng sanh họ đều biết. Chính họ không còn, mới có thể thấy được người khác, họ có sẽ không thấy được người khác. Thế nên người có định công thâm sâu, biết được người có định công cạn. Người định công cạn, không biết được người có định công thâm sâu.

Chúng ta thật sự đã nói ra Thiền định xuất thế gian, không nói đến Thiền định thế gian. Thiền định thế gian là tứ thiền bát định, đạo lý là giống nhau. Ví dụ sơ thiền, họ biết được định của dục giới, trong dục giới những người nào có định? Dạ ma thiên, Đâu suất thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên có định. Sơ thiền biết được định của họ, nhưng sơ thiền không biết được nhị thiền, nhị thiền cao hơn họ. Nhị thiền biết được sơ thiền, nhưng không biết được tam thiền. Từ đó cho thấy, A la hán có thể biết định của Dục giới thiên_Tứ thiền bát định, họ không biết định của Bồ Tát, Bồ Tát cao hơn họ.