542

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 479

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 05.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 602, bắt đầu xem từ câu thứ hai, hàng thứ nhất.

“Diệc biểu thập ba la mật, năng tồi thập chủng phiền não, thành tựu thập chủng chân như, tiện chứng thập địa”.

Nội dung trong câu này rất nhiều, có mười ba la mật, có mười loại phiền não, có mười loại chân như, có thập địa. Đây đều là tượng trưng của chày kim cang, Mật tông thường dùng, trong mọi pháp sự đều không rời chày kim cang, nhất định phải hiểu ý nghĩa tượng trưng chân thật của chày kim cang, nó sẽ khởi tác dụng. Nếu không hiểu nghĩa chân thật của nó, chỉ có hình tướng, sẽ biến thành mê tín, điều này người học Phật không thể không biết.

Trong Phật pháp thông thường chúng ta gọi là đạo cụ, đạo cụ đều là biểu pháp, tượng trưng một đạo lý, tượng trưng chân tướng sự thật. Khi đã hiểu, liền đạt được lợi ích chân thật ở trong đó, đây đều là bài học mà người học Phật nhất định phải tu, hầu như nó tượng trưng cho tất cả, thế nên chày kim cang trong Mật tông dùng rất phổ biến. Nên biết, thập độ cần phải tu.

Thông thường trong Phật pháp đại thừa chỉ nói lục độ, lục độ chính là sáu điều ở trước của mười điều. Kinh Hoa Nghiêm nói mười, Hoa Nghiêm dùng mười tượng trưng cho sự viên mãn, nên mọi thứ đều nói mười. 10 không phải là chữ số, mà là tượng trưng cho cứu cánh viên mãn, chính là ý này. Sau lục độ thêm vào bốn điều, trở thành 10 điều, đây là phương tiện. Nguyện lực trí, thêm vào bốn loại, chúng ta đều sẽ học đến, bốn điều này đều là trí tuệ bát nhã khởi tác dụng. Thông thường nói lục độ, bát nhã có thể có tướng có dụng, tất cả đều bao hàm trong đó.

Nói thập độ ba la mật, chính là đem bát nhã ba la mật phân ra. Bát nhã chỉ đơn thuần nói về thể, bốn loại sau là khởi dụng của nó. Trong cuộc sống hằng ngày, trí tuệ nên vận dụng như thế nào, đã đưa ra bốn điều này, nói rất tường tận, đây mới là nền giáo dục viên mãn. Mỗi độ trong thập độ đều có ba loại, chúng ta học đến thứ ba- nhẫn nhục ba la mật. Điều đầu tiên ở trước là bố thí.

Bố thí chính là dạy chúng ta buông bỏ, buông bỏ điều gì? Tóm lại mà nói, buông bỏ dục vọng, buông bỏ ngã kiến, buông bỏ dục vọng là bước thứ nhất. Khi con người buông bỏ dục vọng, đầu óc sẽ tỉnh táo, liền có thể giác ngộ. Không buông bỏ dục vọng là mê hoặc điên đảo, họ đang ở trong trạng thái mê, nên điều đầu tiên là chúng ta phải giác ngộ. Sau khi thật sự giác ngộ, liền buông bỏ thân kiến. Đức Phật dạy rằng: thân không phải là ta, thân là gì? Thân là cái của ta. Cũng giống như y phục, áo quần không phải là ta, là cái ta có. Vì ta không sanh không diệt, ta là vĩnh hằng, thân thể này có sanh diệt, nên nó không có thật.

Đích thực có một vài nhà triết học, nhà triết học phương tây, họ rất thông minh, biết được thân này không phải ta, vậy ta là gì? Họ cho rằng có thể tư duy, có thể tưởng tượng, đây là ta_ “Tôi tư duy tức là tôi hiện hữu”, thân thể vật chất này không biết tư duy. Cái tôi biết tư duy đó, ký thác vào trong nhục thể này. Giống như áo quần chúng ta không biết tư duy, đầu óc chúng ta biết tư duy, nhưng áo quần mang trên thân chúng ta, tuyệt đối không được ngộ nhận coi áo quần là tôi, đó chính là mê. Buông bỏ vật dục, chính là ý này, khiến họ tỉnh táo lại. Khi đã tỉnh táo, nói với quý vị thân thể không phải tôi, cái khó của Phật pháp chính là ở đây. Chỉ cần chấp trước thân này là tôi, chắc chắn không thể khế nhập kinh điển đại thừa, quý vị có chướng ngại, đó chính là ngã chấp. Vô ngã, quý vị có thể lãnh ngộ, có thể lãnh hội.

Thế nên nửa bộ trước của Kinh Kim Cang, đức Phật dạy chúng ta phá tứ tướng: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. Chúng sanh là không gian, thọ giả là thời gian, không gian và thời gian đều không tồn tại, đều là giả. Những điều này các nhà khoa học hiện đại đã biết, cũng đã chứng minh. Phật nói lời này là 3000 năm trước, 30 năm gần đây các nhà lượng tử lực học mới phát hiện, mới chứng thực, là Đức Phật nói, không phải giả.