/ 600
432

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa

Tập 478

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 04.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 602, hàng thứ nhất, bắt đầu xem từ câu thứ hai.

“Diệc biểu thập ba la mật, năng tồi thập chủng phiền não, thành tựu thập chủng chân như, tiện chứng thập địa”.

Thập ba la mật chính là thập độ. Chúng ta học mười độ, mỗi loại có ba hành môn, mỗi độ đều đưa ra ba nội dung tu học chủ yếu. Bây giờ chúng ta xem điều thứ nhất, thí độ có ba loại. Thí độ này có ba loại, chính là bố thí, bố thí có ba loại.

Thứ nhất: tài bố thí. Lấy tất cả tài vật của mình đem cho người khác, khiến họ an lạc. Thật ra ý nghĩa trong này vô cùng thâm sâu.

Khi tôi mới học Phật, người dẫn dắt tôi là Chương Gia đại sư, tôi đến thỉnh giáo đại sư: Thầy Phương Đông Mỹ giới thiệu Phật pháp cho con, con biết Phật pháp là đại học vấn, là đỉnh cao nhất của triết học thế giới. Con xin hỏi đại sư, trong nhà Phật có phương pháp gì khiến chúng ta nhanh chóng nhập vào cảnh giới đó chăng? Lần đầu tiên tôi gặp người xuất gia, và đặt ra vấn đề như thế. Đại sư nghe xong nhìn tôi, tôi cũng nhìn ngài đợi ngài khai thị. Ai ngờ hai chúng tôi nhìn nhau suốt hơn nửa tiếng đồng hồ, thời gian dài như vậy nhưng tôi vẫn nhẫn nại đợi. Đại sư giống như nhập định vậy, nhưng mắt mở to. Sau nửa tiếng, đại sư mở miệng nói một chữ: Có! Chữ có này khiến tinh thần tôi lập tức phấn chấn lên. Có, khiến tôi dỏng tai tiếp tục lắng lòng nghe, rốt cuộc đại sư không nói gì, lại trầm mặc khoảng năm sáu phút. Ngài nói với tôi sáu chữ, đại sư nói chuyện rất chậm, nói từng chữ từng chữ một: Nhìn phải thấu, buông phải được_Tôi nói hơi nhanh, ngài nói từng chữ từng chữ: Nhìn phải thấu, nói từng chữ một như vậy.

Tôi nghe xong hình như hiểu lại hình như không hiểu rồi. Ngài không dùng thuật ngữ Phật học trả lời tôi, mà dùng cách người mới học Phật như tôi lý giải được, dùng ngôn ngữ này để nói. Tôi thỉnh giáo đại sư rằng: Nên hạ thủ từ đâu? Đại sư nói: Từ bố thí, bố thí là gì? Bố thí là buông bỏ. Phải bắt đầu từ đó, anh buông bỏ được mới có thể nhìn thấu. Buông bỏ là công phu, nhìn thấu là trí tuệ, nhìn thấu lại giúp anh càng có thể buông bỏ. Vì vậy đại sư dạy tôi: Phật pháp từ sơ phát tâm đến Như Lai địa, chính là nhìn thấu giúp buông bỏ, buông bỏ giúp nhìn thấu, nhìn thấu lại giúp buông bỏ. Hai phương pháp này hổ tương thành tựu, từ sơ phát tâm đến Như Lai địa. Lúc đó tôi không hiểu lắm, sau này dần dần học Phật hiểu thêm về kinh điển, quả thật rất hay.

Trong danh từ Phật học, nhìn thấu là “quán”, buông bỏ là “chỉ”, “chỉ quán” đều dùng. Nếu không thật sự nhìn thấu sẽ không buông bỏ, đích thực nhìn thấu một phần mới có thể buông bỏ một phần, nhìn thấu hai phần liền buông bỏ được hai phần.

Đại sư nói rõ cho tôi về ba loại bố thí này, vì lúc tôi còn trẻ tôi tin rằng Chương Gia đại sư biết xem tướng. Năm gặp đại sư tôi 26 tuổi, là năm đầu tiên học Phật. Đại sư 65 tuổi, thuộc hàng tổ phụ. Số mạng tôi không có tiền tài, hay nói cách khác là nghèo khó suốt đời. Không những bần cùng, mà còn không có địa vị xã hội. Không có địa vị gọi là tiện, mạng này là bần tiện, mà còn bần tiện đến cùng cực. Đó là số mạng gì? Số mạng phải đi ăn xin. Điều này tôi cũng biết sơ sơ, nhưng đại sư lại nói rất rõ ràng. Có thể bổ khuyết chăng? Có thể, đại sư nói với tôi. Tôi không hỏi, mà đại sư nói với tôi, có thể thay đổi vận mệnh. Về sau tôi đọc Liễu Phàm Tứ Huấn liền hoát nhiên đại ngộ. Số mạng do đâu mà có? Tu ở đời trước, không phải ở đời này.

Nếu đời trước tu tài bố thí, số mạng trong đời này của quý vị có kho tiền, trong kho có tiền tài. Nếu bố thí nhiều, của trong kho càng nhiều, quý vị ở thế gian này rất giàu có, chính là như vậy. Thế nên điều này không phải ông trời chủ định cho chúng ta, hậu đãi người này bạc đãi người kia, không phải như vậy, hoàn toàn là tự làm tự chịu. Bất luận dùng phương pháp nào đạt được tiền tài, số mạng không có chắc chắn không giữ được, những thứ chúng ta đạt được liền mất đi.

Số mạng có, dùng thủ đoạn không chính đáng đoạt được, đây gọi là tạo tội nghiệp, đạt được bao nhiêu? Nó giảm bớt trong vận mệnh của chúng ta. Ví dụ số mạng quý vị có tài phú một ức, chúng ta dùng cách nói này để ví dụ: Quý vị dùng thủ đoạn bất chính đạt được tài phú, nhiều nhất chỉ đạt được 5000 vạn, còn 5000 vạn khác thì sao? Tổn thất, quý vị tạo tội nên đã tổn thất. Nếu quý vị an phận giữ mình, thì tài phú này nhất định có thể đạt được một ức, nếu quý vị có thể làm việc tốt. Chính mình có tiền tài, có thể bố thí cho người bần cùng, giúp người khác, có thể tiền tài trong số mạng quý vị là một ức sẽ biến thành hai ức. Trong đây có cộng trừ nhân chia, nó linh hoạt chứ không phải cứng ngắc, chúng ta mới hiểu được đạo lý chính là như vậy.

/ 600