/ 600
368

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 477

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 04.07.2011

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, bắt đầu xem từ câu sau cùng trang 601.

Ở đây nói đến chày kim cang, hai bên mỗi bên có năm luồng, nghĩa là ngũ Phật ngũ trí. Ngũ Phật ở trước đã học, nghĩa của ngũ trí chúng ta tham khảo Phật học đại từ điển.

Chúng ta đọc lại phần trước Ngũ trí_danh từ pháp số. Hiển giáo chuyển bát thức mà thành tựu tứ trí, thành cứu cánh pháp thân Như Lai. Mật giáo thêm vào thức thứ chín, chuyển pháp giới thể tánh trí thành ngũ trí. Nghĩa là tứ trí, cộng thêm pháp giới thể tánh trí thành ngũ trí. Cho rằng kim cang giới trí pháp thân của Đại Nhật Như Lai.

Trí thứ nhất trong ngũ trí chúng ta đã giảng hôm qua, hình như tôi sơ suất đã giảng quá giờ, không biết nói đến đâu thì hết giờ, nên hôm nay chúng ta nói sơ lại từ đầu.

Trí thứ nhất của ngũ trí là: Pháp giới thể tánh trí. Nghĩa là gì? Trên thực tế chính là trong Kinh Hoa Nghiêm đức Thế Tôn nói: Tất cả chúng sanh vốn đầy đủ trí tuệ đức tướng của Như Lai. Chính là trí tuệ, tự tánh vốn đầy đủ trí tuệ bát nhã, gọi là pháp giới thể tánh trí. Trí này không phải do tu được, không phải cầu được, mà là tự tánh vốn có. Vốn có, nhưng vì mê mất tự tánh nên trí tuệ không còn, trí tuệ này cũng là tứ phần trong bát thức nói. Quý vị xem tứ phần có: Tự chứng phần, chứng tự chứng phần_chứng tự chứng phần chính là trí này. Quý vị không có trí làm sao biết được có tự chứng phần? Tự chứng phần trong triết học gọi là bản thể, Phật pháp gọi là tự tánh, tức là chân như bản tánh. Làm sao chúng ta biết có chân như bản tánh? Trí tuệ này chính là pháp giới thể tánh trí, chính là Phật nói trong tự tánh vốn đầy đủ trí tuệ viên mãn.

Khi Lục tổ Huệ Năng khai ngộ nói câu- câu thứ ba: “đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”. Nó đầy đủ điều gì? Ngài nói vốn tự đầy đủ, thật ra chính là trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Thế Tôn nói trí tuệ, đức tướng. Đầu tiên là trí tuệ, trí tuệ này trong Mật tông gọi là pháp giới thể tánh trí, trong tám thức tứ phần chính là chứng tự chứng phần. Nếu không có nó thì không thể chứng tự chứng phần, nó có thể chứng tự chứng phần, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh là điều gì minh tâm kiến tánh? Điều gì đại triệt đại ngộ? Chính là pháp giới thể tánh trí hiện tiền, hiện tiền như thế nào? Đức Phật nói rất rõ ràng, chỉ cần thật sự buông bỏ khởi tâm động niệm, nó liền hiện tiền. Khởi tâm động niệm là gì? Vô minh, vô thỉ vô minh. Buông bỏ đoạn tận vô thỉ vô minh, lập tức liền hiện tiền. Sau khi mê thì đây chính là pháp giới thể tánh trí, nó đã biến, biến thành gì? Biến thành vô thỉ vô minh phiền não, nó và vô thỉ vô minh phiền não là một không phải hai. Giác là pháp giới thể trí tánh, mê chính là vô thỉ vô minh, nghĩa là như vậy. Đây là căn bản của tất cả trí, nên chú giải bên dưới nói:

“Thị chuyển yểm ma la thức sở đắc”. Yểm ma la thức là A lại da thức. Các bậc tổ sư nói: A lại da thức có hai phần, đây là thể tướng dụng. Thể là chân như, là chân tâm, là tự tánh, là thật. A lại da gọi là chân vọng hòa hợp, nó một nửa chân một nửa giả. Phần mê là A lại da, là thức thứ tám. Có các bậc tổ sư chủ trương, phần ngộ là thức thứ chín_Gọi là yểm ma la thức, là thức thứ chín.

Chuyển yểm ma la thức, chính là một phần thanh tịnh trong A lại da thức. Chuyên dùng phần tịnh, không dùng nhiễm, đây gọi là chuyển thức thành trí. Phàm phu dùng nhiễm, phàm phu ở đây bao gồm mười pháp giới. Điều này trong đại thừa gọi là nội phàm, ngoại phàm. Nội phàm là lục đạo, ngoại phàm là tứ thánh pháp giới. Vì sao gọi tứ thánh pháp giới là phàm? Họ dùng bát thức, chúng ta cũng dùng bát thức. Dùng A lại da thì gọi là phàm, vì sao? Vì phần này là mê, mê mà không giác. Nếu dùng yểm ma la thức, thì nó là tịnh, nó là thánh, không phải phàm, chuyển bát thức thành tứ trí. Pháp giới thể tánh trí là tự tánh vốn đầy đủ, viên mãn.

Pháp giới có nghĩa sai biệt, các pháp sai biệt, số đó nhiều hơn cát bụi, gọi là pháp giới. Đây là thật, pháp giới là gì? Chính là biến pháp giới hư không giới. Tất cả quốc độ của chư Phật, bao gồm mười pháp giới, mỗi quốc độ đều có mười pháp giới, tầng tầng lớp lớp vô tận vô lượng vô biên vô số, những sự thật này chúng ta đều phải biết, vì sao? Vì quan hệ của nó với chúng ta quá mật thiết, trên thực tế là nhất thể, không có phân biệt. Nên nếu muốn nói từng việc một, số lượng nhiều hơn cát sông hằng, vì cát sông hằng cũng bao gồm trong đó, nó cũng không phải bên ngoài.

/ 600